Khó khăn vẫn rình rập dù xuất khẩu tăng
Tăng cường sản xuất dầu từ các mỏ dầu sắp cạn kiệt bằng cách bơm CO2
Dệt may, xuất khẩu than mất dần lợi thế cạnh tranh do chính sách tỷ giá
Chubb Life Việt Nam nâng vốn chủ sở hữu lên 1.550 tỷ đồng
Tin kinh tế đọc nhanh 17-02-2016
- Cập nhật : 17/02/2016
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN: Thúc đẩy kinh tế, thương mại
Trong 2 ngày 15-16/2, lãnh đạo 10 nước ASEAN tập trung tại Sunnylands, California và gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Mỹ để thảo luận các vấn đề an ninh biên giới, quốc phòng, hợp tác thương mại và kinh tế rộng lớn.
Đây là lần đầu tiên một Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN được tổ chức trên đất Mỹ và nối tiếp đà phát triển về quan hệ đối tác chiến lược được hai bên thiết lập tháng 11/2015.
“Trong bối cảnh ảm đạm của kinh tế toàn cầu, việc mở cửa thị trường và tạo dựng sự kết nối cho các doanh nghiệp mang ý nghĩa quan trọng để có thể tận dụng những cơ hội kinh tế mới. Việc tự do hóa thương mại giữa hai bên có thể tạo ra khả năng để đạt được mục tiêu này" – Chuyên gia kinh tế Doug Lippoldt của ngân hàng HSBC nhận định.
Mỹ - quốc gia hiện đứng thứ tư trong danh sách thị trường xuất khẩu và nguồn nhập khẩu của các nước ASEAN, kỳ vọng cải thiện thương mại hai chiều với Khối này nếu các lãnh đạo của họ có thể hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược thành những hành động cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho tự do hóa thương mại.
Theo Doug Lippoldt, mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa Mỹ và ASEAN sẽ đưa tới những lợi ích cho cả đôi bên. Đối với Mỹ, đó là việc thâm nhập vào các nền kinh tế đang tăng trưởng gấp hai lần tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
Còn với các nước ASEAN, điều này có nghĩa là họ sẽ chạm tay vào một thị trường tiêu thụ rộng lớn cũng như tiếp cận một thị trường cung cấp nguồn nguyên liệu quan trọng giúp các nền kinh tế ASEAN nâng cao tính cạnh tranh của sản xuất.
Một yếu tố quan trọng trong cải thiện quan hệ thương mại hai chiều giữa hai khu vực là Hiệp định TPP, với sự tham gia của 12 nước trong đó có 4 nước ASEAN và Mỹ. Đại diện cho 40% sản lượng và 25% xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của toàn thế giới nên TPP sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong các cuộc thảo luận tại Hội nghị.
TPP có tác dụng thúc đẩy nâng tầm quan hệ thương mại Mỹ - ASEAN. TPP có thể tác động tới thương mại thông qua việc dỡ bỏ không chỉ các hàng rào thương mại tại biên giới mà còn cả những hàng rào đằng sau biên giới như các quy định không đồng nhất đang ngăn cản giao thương dịch vụ, đầu tư và chuyển giao công nghệ.
“Tôi hy vọng rằng các cuộc đàm thoại tại Hội nghị sẽ khẳng định vai trò tích cực của TPP đối với việc mở rộng quan hệ thương mại và khuyến khích quá trình phê chuẩn của các nước thành viên. Hơn nữa, các cuộc đàm thoại này có thể tạo ra cơ hội để các thành viên ASEAN vốn chưa tham gia vào TPP tìm hiểu những khả năng để gia nhập hiệp định thương mại cao cấp này” - Chuyên gia Lippoldt tin tưởng.
Thương mại khởi sắc sẽ là một cú hích cho các điều kiện kinh doanh đang ở vào giai đoạn trì trệ nhất kể từ những năm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. HSBC là ngân hàng quốc tế hàng đầu và tham gia thanh toán 12% thương mại thế giới và là ngân hàng duy nhất hoạt động ở cả hai đầu của những hành lang thương mại song phương lớn nhất trên thế giới với tổng trị giá 100 tỷ USD.
Ấn Độ "soán ngôi" Thái, Việt Nam xếp thứ 3 xuất khẩu gạo
Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan, ông Charoen Laothammathat ngày 27/1 cho biết Ấn Độ đã "soán ngôi" Thái Lan, trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Hiện Thái Lan đã tụt xuống vị trí thứ hai trong danh sách các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với 9,8 triệu tấn gạo được xuất ra thị trường thế giới trong năm 2015, con số này trong năm trước đó là 10,9 tấn.
Trong khi đó, Ấn Độ đứng đầu bảng với 10,2 triệu tấn, và Việt Nam đứng thứ ba với 6,4 triệu tấn.
Năm ngoái, xuất khẩu gạo của Thái Lan ước tính đã đem về cho đất nước 4,6 tỷ USD, thấp hơn so với mức 5,4 tỷ USD trong năm 2014.
Năm 2016, Thái Lan dự báo xuất khẩu khoảng 9 triệu tấn gạo ra thế giới, thu về khoảng 4,3 tỷ USD.
Theo ông Charoen, hạn hán tại nhiều khu vực đất nông nghiệp và tình trạng giảm sức mua từ các nước châu Phi trong bối cảnh sụt giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ là nguyên nhân chính dẫn tới dự báo giảm về kim ngạch xuất khẩu gạo của Thái Lan.
Hapro rao bán Sứ Bát Tràng giá 16,8 tỷ đồng
Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) vừa công bố chi tiết kế hoạch thoái vốn tại Công ty Sứ Bát Tràng. Theo đó, Hapro sẽ chào bán 120.810 cổ phần, chiếm 63,6% vốn điều lệ của Sứ Bát Tràng.
Hapro cho biết, theo chủ trương của thành phố Hà Nội, công ty phải thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác.
Công ty Sứ Bát Tràng có vốn điều lệ 1,9 tỷ đồng, chuyên sản xuất và bán lẻ hàng gốm sứ, vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, thực phẩm... Giá khởi điểm một cổ phần là 140.000 đồng. Nếu đợt chào bán thành công, Hapro sẽ thu về 16,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch này của Hapro được đánh giá là nhiều thách thức sau kết hoạch kinh doanh kém khả quan của Sứ Bát Tràng.
Báo cáo tài chính cho thấy doanh nghiệp này liên tục thua lỗ trong những năm gần đây. Năm 2013, doanh thu thuần công ty đạt 4.9 tỷ đồng, lỗ 375 triệu đồng. Năm 2014, doanh thu giảm còn 3,9 tỷ đồng, số lỗ tăng lên 485 triệu đồng.
Tình trạng càng thua lỗ càng nặng khi chỉ với quý I/2015, công ty lỗ thêm 497 triệu đồng. Đến nay, Sứ Bát Tràng đã lỗ luỹ kế gần 2,5 tỷ đồng, nhiều năm liền không trả cổ tức. Tổng tài sản của công ty tính đến hết quý I/2015 đạt 16,3 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả là 16,6 tỷ.
Nguyên nhân thua lỗ được Sứ Bát Tràng đưa ra là ảnh hưởng chung của thị trường, giao dịch mua bán đối với mặt hàng gốm sứ kém sôi động, hàng hoá tiêu thụ châm trong khi đây là mặt hàng kinh doanh chính. Đồng thời, công ty chịu sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ cùng ngành.
Năm 2016, Sứ Bát Tràng đặt mục tiêu lợi nhuận 100 triệu đồng, doanh thu 6 tỷ đồng. Công ty Chứng khoán Tân Việt đánh giá khả năng đạt lợi nhuận này không khả thi bởi trong khi nguồn thu giảm mạnh mà chi phí thuê đất tăng cao.
Nga - Ảrập bí mật họp bàn về giá dầu
Đại diện Venezuela - quốc gia thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng tham gia sự kiện này. Tuy nhiên, nguồn tin trên không tiết lộ các vấn đề sẽ được bàn bạc trong cuộc họp.
Ảrập Xêút từ lâu vẫn luôn khẳng định không giảm sản xuất để giải quyết vấn đề dư cung toàn cầu, trừ phi các nước lớn ngoài OPEC chịu hợp tác. Bên cạnh đó, dù ông Novak cho biết có thể cân nhắc giảm sản lượng nếu các nước lớn cũng làm điều tương tự, thì tuần trước, Igor Sechin - CEO hãng dầu mỏ lớn nhất Nga - Rosneft lại tuyên bố sẽ bảo vệ các thị trường truyền thống và bày tỏ lo ngại về khả năng hợp tác.Tuy nhiên, giá dầu năm nay đã giảm sâu, nhiều lần xuống dưới 30 USD một thùng. Việc này đã khiến tài chính các nước phụ thuộc vào dầu mỏ lao đao. Nó cũng làm dấy lên đồn đoán hai nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới - Nga và Ảrập Xêút có khả năng đàm phán một thỏa thuận nào đó.
"Cuộc gặp do Qatar làm cầu nối này đã được chuẩn bị từ trước. Hiện tại vẫn còn rất sớm, và chưa có thỏa thuận nào chắc chắn cả. Nhưng người ta ngày càng tin các nước sẽ linh hoạt hơn, dù Ảrập Xêút luôn nói ai cũng phải giảm sản xuất", Amrita Sen - nhà phân tích dầu mỏ tại Energy Aspects tại London cho biết.
Giá dầu Brent sáng nay tăng 3,5% lên 34,56 USD một thùng. Còn dầu WTI tăng 4,6% lên 30,8 USD.
OPEC và các nước không thuộc tổ chức này đã vài lần bàn bạc về dầu thô từ sau tháng 11/2014 - thời điểm OPEC lần đầu quyết định không giảm sản xuất để cứu giá dầu. Tháng đó, Ảrập Xêút, Venezuela, Nga và Mexico đã nhóm họp tại Vienna (Áo) mà không đạt thỏa thuận nào. Chuyến đi của Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela - Eulogio Del Pino tháng này tới các nước sản xuất lớn, từ Nga đến Ảrập Xêút, cũng không có kết quả.
Dù vậy, tín hiệu về khả năng đạt thỏa thuận đã khiến thị trường rung lắc nhiều ngày nay. Dầu WTI đã tăng giá 12% thứ Sáu tuần trước, sau khi Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) khẳng định lại quan điểm của OPEC rằng nhóm này sẵn sàng hợp tác với các nước phi OPEC.
Cuộc họp hôm nay gợi nhớ đến thời điểm cuối thập niên 90. Khi đó, với sự trợ giúp của Mexico, OPEC đã sử dụng quyền lực ngoại giao để thực hiện hàng loạt cuộc họp bí mật từ Miami đến Amsterdam, và kết quả là sản xuất đã được cắt giảm phần nào.
Lãi trước thuế của Kido giảm mạnh
Theo báo cáo hợp nhất quý IV/2015 của Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (mã CK: KDC), doanh thu trong kỳ của đơn vị này đạt 442 tỷ đồng, giảm 66% so với quý cùng kỳ 2014, đồng thời, giá vốn hàng bán của KDC cũng giảm 61% xuống mức 304 tỷ đồng. Tập đoàn thu về lãi gộp gần 138 tỷ đồng trong quý IV/2015, giảm mạnh 74% so với quý IV/2014. Tỷ suất lãi gộp theo đó cũng giảm từ 40% về còn 31%.
Từ sự sụt giảm trên, lợi nhuận trước thuế của công ty này chỉ đạt 68 tỷ đồng, giảm 45% so với quý IV/2014. Tuy nhiên, lãi ròng hợp nhất của công ty công bố đạt hơn 111 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước nhờ hoàn nhập chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
Theo lý giải của công ty, nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận trước thuế giảm mạnh là do không còn ghi nhận doanh thu từ mảng bánh kẹo, thêm vào đó, doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư ngành hàng mới nên chưa có lợi nhuận.
Tính hết năm 2015, Kido vẫn đạt mức lợi nhuận ấn tượng khi 2 quý đầu năm đơn vị đã ghi nhận khoản doanh thu từ việc bán bớt mảng bánh kẹo khi chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty cổ phần Kinh Đô Bình Dương (BKD) cho đối tác ngoại. Theo đó, hết năm 2015 đơn vị đạt lợi nhuận 5.253 tỷ đồng, tăng đột biến so với 547 tỷ đồng năm 2014.
Đối với các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn) của công ty tăng mạnh từ 700 tỷ lên 1.905 tỷ đồng, đồng thời, đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh đã ghi nhận mức lợi nhuận 86,3 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm ngoái.