Nợ xấu tại Trung Quốc ngày càng phình to
Cá ngừ đánh bắt trong dịp tết bị thương lái ép giá
TP.HCM đón dự án 'khủng' ngay từ đầu năm Bính Thân
Hiệp hội Thép Việt Nam lo các doanh nghiệp trong nước phá sản
Nhiều doanh nghiệp rục rịch nới room cho nhà đầu tư ngoại
Tin kinh tế đọc nhanh 18-02-2016
- Cập nhật : 18/02/2016
ACB mua bán chứng khoán đầu tư lỗ gần 1.000 tỷ đồng trong quý IV
ACB lỗ nặng từ chứng khoán đầu tư do phải trích lập dự phòng rủi ro lên tới 1.363 tỷ đồng. Tính chung cả năm 2015, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 1.314 tỷ.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015.
Cụ thể, trong quý IV, thu nhập lãi thuần của ACB đạt 1.654 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm, thu nhập lãi thuần đạt 5.883 tỷ đồng, tăng 23,4%.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng cũng tăng 10%, đạt 209 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác tăng đột biến lên 115 tỷ đồng trong khi quý IV/2014 lỗ 3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quý IV ngân hàng báo lỗ thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư hơn 993 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 65 tỷ đồng, tính chung cả năm hoạt động này đã khiến ACB thua lỗ 762 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo, ACB thua lỗ nặng trong mua bán chứng khoán đầu tư là do phải trích lập dự phòng rủi ro lên đến 1.363 tỷ đồng trong năm 2015 (rơi chủ yếu vào quý 4), trong khi cùng kỳ phần dự phòng chỉ là 40 tỷ.
Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh cũng tiếp tục lỗ hơn 40 tỷ đồng trong quý IV và cả năm lỗ 31 tỷ đồng.
Dẫu vậy, trong kỳ ACB đã giảm mạnh chi phí hoạt động 36% so với cùng kỳ năm trước xuống mức 731 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng giảm mạnh 80% xuống còn 65 tỷ, góp phần tích cực đến lợi nhuận của ngân hàng.
Tổng lợi nhuận trước thuế của ACB trong quý IV/2015 đạt 223 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2015, ngân hàng đạt 1.314 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 1.028 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 8% so với năm trước và đúng bằng 100% so với kế hoạch đề ra tại Đại hội cổ đông.
Tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của ngân hàng đạt 201.456 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 134.031 tỷ đồng, tăng trưởng 15%. Tiền, vàng gửi của khách hàng đạt 174.918 tỷ đồng, tăng 13,1%.
Tổng nợ xấu của ACB giảm 30% so với năm trước xuống còn 1.769 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn giảm 41% xuống mức 1.066 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tại ACB giảm từ 2,18% xuống 1,32%.
Tổng số nhân viên chính thức của ngân hàng và các công ty con đến ngày 31/12/2015 là 9.935 người. Chi phí cho nhân viên trong năm là 1.998 tỷ đồng, tăng 14,7%, trong đó chi lương và phụ cấp là 1.770 tỷ đồng. Như vậy, tính trung bình mỗi nhân viên của ACB thu nhập hàng tháng đạt 14,8 triệu đồng.
Tổng tài sản của Vingroup lớn hơn Eximbank và nhiều ngân hàng cỡ vừa
Tại thời điểm cuối năm 2015, hệ thống Vingroup đang có hơn 18.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, tương đương 12% tổng tài sản.
Kết thúc năm 2015, với việc chuẩn bị triển khai thêm một loạt dự án mới, tổng tài sản của Tập đoàn Vingroup tiếp tục tăng hơn 46.000 tỷ lên 146.000 tỷ đồng.
Ngoại trừ một số ngân hàng và các tập đoàn lớn như PVN, EVN, Vinacomin hay Samsung Electronics Việt Nam thì chưa có doanh nghiệp nào khác đạt được tổng tài sản trên 100.000 tỷ. So với các ngân hàng, tài sản của Vingroup thấp hơn một chút so với các ngân hàng cổ phần tốp đầu như VPBank, Techcombank hay MB nhưng lớn hơn Eximbank, VIB, Liên Việt Postbank…
Trong số các doanh nghiệp tư nhân, hiện có không nhiều doanh nghiệp có tài sản trên 1 tỷ USD, tương đương 22.000 tỷ đồng. Số này có thể kể đến như Masan Group (72 nghìn tỷ), Trường Hải (30 nghìn tỷ), FPT (26 nghìn tỷ), Hòa Phát (25 nghìn tỷ) ...
So với năm 2014, tài sản và nguồn vốn của Vingroup tăng lên chủ yếu từ tăng huy động của khác hàng (người mua trả tiền trước và ứng vốn của khách hàng) để triển khai dự án. Hai khoản mục này chiếm tới 31% tổng nguồn vốn của Vingroup. Tại thời điểm cuối năm, hệ thống Vingroup đang có hơn 18.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, tương đương 12% tổng tài sản.
Thủ tướng yêu cầu đảm bảo tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo hệ thống ngân hàng bảo đảm tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, phù hợp với định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2016.
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các bộ, cơ quan, địa phương cùng các lực lượng đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trong dịp Tết.
Sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngay sau kỳ nghỉ Tết, khẩn trương chỉ đạo quyết liệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016;
Thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 833/VPCP-TH ngày 03/02/2016 về việc xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, khẩn trương đưa Nghị quyết của Đại hội vào cuộc sống; tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ, công việc theo chương trình công tác đã đề ra.
Đối với ngành ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, ngoại hối; chỉ đạo hệ thống ngân hàng bảo đảm tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, phù hợp với định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2016.
Với ngành tài chính, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước; phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục các biện pháp đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Liên quan đến hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng, một Báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) hồi cuối tháng 1 cho biết, đến 31/12/2015, dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng 17,29% so với cuối năm 2014. Còn tính đến 20/01/2016 tín dụng nền kinh tế giảm 0,21% so với cuối năm 2015.
Tín dụng giảm là do yếu tố mùa vụ thường thấy, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước là mức âm 0,5% thì tín dụng đầu năm nay vẫn có tín hiệu lạc quan hơn. Năm 2016, ngành ngân hàng đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 18 - 20%.
Saudi Arabia và Nga nhất trí sẽ "đóng băng" sản lượng
Phát biểu tại Doha, sau các cuộc gặp với Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak, Bộ trưởng Dầu mỏ Ali Al-Naimi nói rằng sẽ là hợp lý khi Saudi giữ nguyên sản lượng ở mức của tháng 1.
Saudi Arabia và Nga, hai quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, đã đồng ý “đóng băng” sản lượng sau cuộc đàm phán ở Qatar.
Phát biểu tại Doha, sau các cuộc gặp với Bộ trưởng Năng lượng NgaAlexander Novak, Bộ trưởng Dầu mỏ Ali Al-Naimi nói rằng sẽ là hợp lý khi Saudi giữ nguyên sản lượng ở mức của tháng 1. Tuy nhiên nước này vẫn sẽ đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Venezuela đã vận động các nước xuất khẩu dầu mỏ gồm Nga, Iran và Saudi Arabia tổ chức một cuộc họp với các thành viên của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước khác để đi đến một thỏa thuận sẽ giúp thị trường cân bằng trở lại.
Trước đó Saudi Arabia đã khăng khăng tuyên bố sẽ không cắt giảm sản lượng để giải quyết tình trạng dư cung trừ khi các nước xuất khẩu lớn bên ngoài OPEC chịu hợp tác.
Theo Olivier Jakob, chuyên gia đến từ Petromatrix GmBh, động thái của Nga và Saudi Arabia sẽ không thể ngay lập tức khiến giá dầu đảo chiều. Tuy nhiên đây sẽ là một nền tảng tốt để giá hồi phục trong 6 tháng cuối năm.
Chiều nay (16/2), dầu thô biển Bắc giao dịch ở London tăng 2,4%, lên 34,20 USD/thùng. Trước đó có lúc giá đã tăng tới 6,5%.
Theo Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA), trong tháng 1 Saudi Arabia đã sản xuất 10,2 triệu thùng dầu mỗi ngày, thấp hơn so với mức đỉnh 10,5 triệu thùng lập hồi tháng 6/2015. Trong khi đó Nga sản xuất gần 10,9 triệu thùng/ngày trong tháng 1, cao nhất trong nhiều năm.
Hơn 1 năm kể từ khi OPEC quyết định sẽ không cắt giảm sản lượng để đẩy giá lên, giá dầu vẫn thấp hơn 70% so với mức đỉnh được lập năm 2014. Theo Goldman Sachs dự báo, cung vẫn sẽ vượt cầu và rất có thể 20 USD/thùng mới là đáy cho giá dầu.
Nợ xấu trong các ngân hàng Trung Quốc cao nhất 10 năm
Nợ xấu tại các ngân hàng thương mại nước này tính đến tháng 12/2015 tăng 51% so với cùng kỳ năm trước...
Nợ xấu tại các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2006 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này giảm xuống mức thấp nhất trong 1/4 thế kỷ.
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Ủy ban Giám sát ngân hàng Trung Quốc (CBRC) công bố ngày 15/2 cho biết, nợ xấu tại các ngân hàng thương mại nước này tính đến tháng 12/2015 tăng 51% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 1,27 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 196 tỷ USD.
Tỷ lê nợ xấu tăng lên mức 1,67%, từ mức 1,25% tổng dư nợ. Trong khi đó, tỷ lệ dự phòng nợ xấu, một thước đó về khả năng hấp thụ thua lỗ có thể xảy ra do nợ xấu, của các ngân hàng Trung Quốc đã giảm xuống mức 181%, từ mức 200% vào tháng 12/2014.
Những lo ngại về nợ xấu đã đẩy giá cổ phiếu của các ngân hàng Trung Quốc giảm mạnh thời gian qua. Hệ số giá/thu nhập (P/E) của cổ phiếu 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc hiện thấp hơn 35% so với cổ phiếu tương tự tại các nền kinh tế mới nổi khác.
Trong đó, cổ phiếu có P/E cao nhất là cổ phiếu Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), ở mức 4,2 lần.
Năm ngoái, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9%, thấp nhất kể từ năm 1990.
Dữ liệu trên được CBRC công bố trong lúc có những đồn đoán cho rằng tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc cao hơn nhiều so với con số chính thức.
Ông Kyle Bass, một nhà quản lý quỹ đầu cơ từng bán khống thành công trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ, mới đây nói rằng hệ thống ngân hàng của Trung Quốc có thể thua lỗ nhiều gấp 4 lần so với mức lỗ của các ngân hàng Mỹ trong cuộc khủng hoảng trước.
Theo ông Bass, nếu hệ thống ngân hàng Trung Quốc mất 10% tài sản vì nợ xấu, thì số vốn “bốc hơi” sẽ lên tới 3,5 nghìn tỷ USD. Nhà đầu cơ này cũng cho rằng tỷ lệ nợ xấu thực sự tại các ngân hàng Trung Quốc phải lên tới 28-30%.
Năm ngoái, lợi nhuận của ngành ngân hàng Trung Quốc tăng 2,43% so với năm 2014, đạt mức 1,59 nghìn tỷ USD. Đây là mức tăng yếu nhất kể từ ít nhất năm 2011 khi cơ quan chức năng Trung Quốc bắt đầu công bố dữ liệu này.