Kinh tế Ấn Độ nhận nhiều mỹ từ từng thuộc về Trung Quốc
Vì sao chưa nước nào lùi lại trong cuộc chiến giá dầu?
Nhật tốn bao nhiêu tiền để kìm hãm đồng yen?
Kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, quá mức cần thiết
Nhà nước nắm 51% vốn điều lệ của Tổng công ty lâm nghiệp VN
Tin kinh tế đọc nhanh 16-02-2016
- Cập nhật : 16/02/2016
Giá dầu lại giảm vì Iran, Trung Quốc
Sau khi tăng vọt 12% hôm thứ Sáu tuần trước, giá dầu Mỹ - WTI sáng nay mất 1,7%, còn 28,95 USD một thùng. Trong khi đó, dầu Brent tại London (Anh) mất 2,1%, còn 32,67 USD. Trước đợt tăng hôm thứ Sáu, giá đã giảm liên tục 6 phiên với tổng cộng 19%.Hôm qua (14/2), lô dầu đầu tiên của Iran đã xuất khẩu sang châu Âu sau khi nước này được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Quan chức dầu mỏ Iran cho biết lô đầu tiên cho hãng Total (Pháp) đã được chuyển tới Kharg Island để lên đường sang châu Âu. Các lô khác cho các công ty Trung Quốc và Tây Ban Nha cũng dự tính đến cùng ngày.
"Iran đang tăng thêm sức ép cho thị trường. Mỹ vẫn còn 500 triệu thùng dầu dự trữ, và các công ty dầu đá phiến vẫn đang tăng sản xuất. Trừ phi giảm sản lượng đáng kể, đà tăng này sẽ không bền vững", David Lennox - nhà phân tích tại Fat Prophets nhận xét.
Giá dầu đã giảm 21% năm nay, trong bối cảnh Iran tăng xuất khẩu và BP dự báo thị trường "còn khó khăn và biến động" nửa đầu năm, với lượng dư một triệu thùng mỗi ngày.
Iran từng là nước sản xuất dầu lớn nhì Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trước khi các lệnh trừng phạt được tăng cường năm 2012. Tuy nhiên, sau khi các lệnh này bị gỡ bỏ hồi đầu năm, Iran kỳ vọng tăng sản xuất thêm một triệu thùng mỗi ngày và lấy lại thị phần đã mất. Nhiều hãng dầu như Total, Compania Espanola de Petroleos hay Lukoil đều đã có đơn hàng với quốc gia Trung Đông này.
Nhập khẩu dầu thô tháng 1 của Trung Quốc đã giảm từ mức kỷ lục xuống thấp nhất 3 tháng, trong bối cảnh các hãng lọc dầu quốc doanh cũng phải sản xuất chậm lại khi dự trữ phình lên. Nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới chỉ nhập 26,69 triệu tấn dầu, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
NDT tăng mạnh nhất trong hơn một thập kỷ
Giá đồng tiền này tại Trung Quốc tăng 0,89% so với USD sáng nay - mạnh nhất từ khi nước này bỏ chế độ neo tỷ giá vào đồng đôla hồi tháng 7/2005, lên 6,5174 NDT đổi một USD. Tuy nhiên, giá đồng tiền này tại thị trường quốc tế lại giảm 0,18%.
PBOC trước đó đã điều chỉnh tỷ giá tham chiếu ngày là 6,5118 NDT đổi một USD. Con số này trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là 6,5314 NDT. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc cũng mất gần 100 tỷ USD hồi tháng 1, khi PBOC bán USD để ngăn NDT mất giá.
Sáng nay, chỉ số Shanghai Composite trên sàn chứng khoán Trung Quốc giảm 1,9%, chủ yếu bởi nhóm cổ phiếu công nghệ và công nghiệp. Chỉ số này đã mất 24% năm nay, mạnh nhì thế giới, do nhà đầu tư lo ngại tăng trưởng đi xuống và NDT yếu sẽ khiến dòng vốn bị rút ra ngày càng lớn.
Số liệu thương mại công bố hôm nay cũng cho thấy xuất khẩu Trung Quốc giảm 6,6% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu cũng đi xuống, càng làm tăng thêm thách thức cho nền kinh tế lớn nhì thế giới.
Dù vậy, trong một buổi phỏng vấn cuối tuần trước trên tạp chí Caixin, Thống đốc PBOC - Zhou Xiaochuan cho biết cán cân thanh toán của nước này vẫn tốt, lượng vốn bị rút ra vẫn bình thường và tỷ giá cơ bản là ổn định so với rổ tiền tệ.
Nhật Bản lại tăng trưởng âm
Số liệu được Văn phòng Nội các Nhật Bản vừa công bố cho thấy tiêu dùng giảm là nguyên nhân lớn nhất cho việc này. Các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và kéo lạm phát lên của Thủ tướng Shinzo Abe chưa phát huy tác dụng. Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vẫn mắc kẹt trong vòng xoáy tăng trưởng - suy giảm suốt hơn 3 năm qua.
Tháng này, đồng yên đã tăng 6% so với USD, gây thiệt hại cho các hãng xuất khẩu, bất chấp các nỗ lực bình ổn của Chính phủ. Dù vậy, sáng nay, giá yên Nhật gần như đứng yên so với USD. Trong khi đó, chỉ số Topix trên sàn chứng khoán tăng 4,7%."Tiêu dùng vẫn yếu, kể cả sau khi loại bỏ các yếu tố mang tính tạm thời, do các hộ gia đình thắt chặt hầu bao. Rủi ro với Nhật Bản sẽ tăng khi đồng yên mạnh lên làm giảm xuất khẩu và đầu tư. Hiện tại, tôi không nhận thấy có lực đẩy nào rõ ràng để hỗ trợ kinh tế Nhật", Yuichi Kodama - kinh tế trưởng tại Meiji Yasuda Life Insurance nhận xét.
Dù vậy, nhà đầu tư thi thoảng vẫn rối loạn vì GDP Nhật Bản. Quý III năm ngoái, số liệu ban đầu cho thấy GDP giảm, nhưng sau khi điều chỉnh, kinh tế nước này lại thành ra tăng trưởng.
"Khả năng cao là Nhật Bản sẽ tung thêm kích thích trong phiên họp tháng tới. Áp lực kích thích tăng trưởng và lạm phát đang ngày càng lớn"”, Masamichi Adachi - nhà kinh tế học tại JPMorgan Chase & Co nhận định. Giới phân tích đã nâng dự báo khả năng Nhật Bản rơi vào suy thoái lần nữa trong 12 tháng tới lên cao nhất từ cuối năm 2012.
Sự xuống dốc của Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và đồng yen đột ngột mạnh lên đang khiến các công ty nước này lo ngại. Panasonic đã hạ dự báo lợi nhuận năm tài chính 2015 (kết thúc vào tháng 3 này), do doanh số bán điều hòa và các thiết bị điện tử tại Trung Quốc giảm. Hitachi cũng có động thái tương tự.
Eximbank báo lỗ 463 tỷ đồng quý cuối 2015
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, Mã CK: EIB) vừa có báo cáo tài chính quý IV/2015. Theo đó, thu nhập lãi trong quý đạt 2.176 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Lãi thuần cũng tăng gấp đôi lên 952 tỷ đồng. Tuy vậy, nhà băng này lỗ tới 463 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ cũng báo lỗ 678 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng rủi ro tăng đột biến là nguyên nhân khiến ngân hàng này lâm cào cảnh thua lỗ. Cụ thể, Eximbank đã tăng trích lập lên mức 935 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ.Ngoài ra, ngân hàng này cũng lỗ do đầu tư ngoại hối, đầu tư chứng khoán, hoạt động góp vốn, mua cổ phần…
Lũy kế cả năm 2015, Eximbank vẫn đạt lợi nhuận 62 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. Tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của Eximbank đạt 125.829 tỷ đồng, giảm 22% so với đầu năm. Tiền gửi của khách hàng giảm gần 3% đạt 98.430 tỷ đồng. Tiền, vàng gửi tại các tổ chức tín dụng khác sụt giảm 80% xuống 7.833 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tại Eximbank giảm 2.7% so với đầu năm xuống còn 84.760 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tổng nợ xấu của Eximbank giảm 26% còn 1.575 tỷ đồng (1,86%). Trong đó nợ có khả năng mất vốn đạt 802 tỷ đồng, giảm 40%.
2015 là năm đầy sóng gió của Eximbank khi nhà băng này có nhiều biến động nhân sự và dính tin đồn bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt. Sau cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường căng thẳng hồi cuối năm, ông Lê Minh Quốc đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank.
Doanh thu của Vingroup đạt gần 34.000 tỷ đồng
Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 năm 2015. Theo đó, tổng doanh thu của tập đoàn trong quý 4 đạt 14.367 tỷ đồng, tăng 134% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 27% lên 421 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản tăng trưởng 131% lên 10.184 tỷ đồng.
Doanh thu cho thuê trung tâm thương mại, văn phòng đạt 695 tỷ đồng. Dịch vụ kinh doanh doanh khách sạn, du lịch và vui chơi giải trí cũng mang về cho Vingroup 546 tỷ đồng. Doanh thu từ bệnh viện tăng trên 60% lên 247 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhờ tăng mạnh số lượng các cửa hàng Vinmart và Vinmart+, mảng bán lẻ của Vingroup có tốc độ tăng trưởng doanh thu 443%, lên 1.658 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2015, Vingroup ghi nhận mức doanh thu 33.829 tỷ đồng tăng 23% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế giảm gần 63% xuống 1.419 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ở mức 3.790 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản Vingroup đạt 146.057 tỷ đồng, tăng gần 56.000 tỷ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 37.454 tỷ đồng.
Với hàng loạt các thương hiệu lớn như: Vinhomes, Vincom Retail, Vinpearl, Vinpearl Land, Vinschool, Vinmec, VinMart và VinPro Vingroup đang hướng đến xây dựng một hệ sinh thái. Năm 2015 cũng đánh dấu bước ngoặt đầu tư mới của tập đoàn khi đầu tư lớn vào các lĩnh vực mới như bán lẻ, hạ tầng xã hội, nông nghiệp.