Mỹ công bố gói biện pháp tăng cường kinh tế với ASEAN
Tỷ phú Xuân Trường sẽ xây dựng siêu dự án 15.000 tỷ Hồ Núi Cốc tại Thái Nguyên
Hiệu quả kinh doanh ngân hàng tuy còn thấp nhưng đã phục hồi
Báo Mỹ dự đoán Nga sắp thành cường quốc xuất khẩu ngũ cốc
Uber lỗ hơn 1 tỷ USD mỗi năm tại Trung Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 17-02-2016
- Cập nhật : 17/02/2016
Hàng ngàn người châu Âu xuống đường phản đối hàng Trung Quốc
Hàng ngàn người làm việc trong ngành thép châu Âu hôm 15-2 đã xuống đường phố tại Brussels - Bỉ, nơi đặt trụ sở của Liên hiệp châu Âu (EU), để đề nghị ngăn chặn sự tràn ngập hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Theo cảnh sát, hơn 5.200 người đã xuống đường, yêu cầu không thừa nhận quy chế nền kinh tế thị trường của Trung Quốc - quy chế được xem là một rào cản đáng kể đối với các nước trong việc đưa ra các biện pháp ngăn chặn sản phẩm thép giá rẻ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tại châu Âu. Các tập đoàn sản xuất thép châu Âu cáo buộc Trung Quốc trợ giá xuất khẩu trái phép và bán phá giá, dẫn đến cuộc khủng hoảng trong ngành sản xuất thép của EU
Ông Geert Van Poelvoorde, Chủ tịch điều hành ArcelorMittal, công ty sản xuất thép đa quốc gia có trụ sở tại Luxungurg, nói: “Với 400 triệu tấn thép đang trong tình trạng dư thừa nguồn cung thì không khó gì để phá hủy ngành công nghiệp thép chỉ có mức tiêu thụ 150 triệu tấn/năm. Bà Gabriela Strike thuộc Hiệp hội thép Đức Düsseldorf , “mong rằng sẽ có những chính sách chống lại các chính sách thương mại không công bằng của Trung Quốc bởi nó đe dọa đến công ăn việc làm” của họ.
Dù suy giảm nhiều năm qua nhưng ngành thép châu Âu chiếm 11% tổng sản lượng thép của thế giới và tuyển dụng khoảng 1 triệu lao động tại một số nước đang gặp khó khăn nhất về kinh tế.
Các nhà sản xuất trong ngành cảnh báo nếu EU công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, dẫn đến cho phép nhập khẩu nhiều hơn, điều này có thể đe dọa đến việc làm của gần như toàn bộ 330.000 lao động trong ngành thép của EU cũng như gây thiệt hại hàng trăm tỉ euro doanh thu.
Tây Ban Nha cảnh báo chất lượng hạt tiêu đen Việt Nam
Theo Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha, Bộ Y tế Tây Ban Nha vừa gửi công hàm thông báo về việc Ủy ban châu Âu ban hành lệnh cảnh báo đối với hạt tiêu Việt Nam sau khi phát hiện hàm lượng chất diệt nấm carbendazim vượt quá giới hạn cho phép trong lô hàng hạt tiêu đen của Công ty cổ phần Phục Sinh.
Ban đầu, Tây Ban Nha sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với việc nhập khẩu hạt tiêu đen tại các cửa khẩu của nước này. Biện pháp này sẽ được duy trì cho đến khi có đảm bảo kiểm tra chất lượng chính thức từ nơi xuất xứ, kết quả kiểm tra các lần tới đạt yêu cầu, hoặc cho đến khi Ủy ban châu Âu ban hành các biện pháp kiểm tra chung cho các nước thành viên.
Riêng với với lô hàng hạt tiêu đen của Công ty Phục Sinh, tổ chức trên sẽ thu giữ mẫu hàng bị nghi ngờ, phân tích chi tiết tổng thể hàm lượng chất diệt nấm carbendazim, lưu giữ toàn bộ lô hàng chờ kết quả chính thức.
Việt Nam là nước xuất khẩu hạt tiêu đứng thứ hai vào Tây Ban Nha, sau Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 34,2 triệu USD, tăng 33,6% so với năm 2014.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 1 ước đạt 7.000 tấn, giá trị kim ngạch 67 triệu USD, giảm 30,2% về khối lượng và giảm 31,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu tiêu cả năm 2015 đạt 133.000 tấn với giá trị 1,26 tỷ USD, giảm 14,4% về khối lượng nhưng tăng 5% về giá trị so với năm 2014.
Thanh Long xuất sang Trung Quốc có giá 14.000 đồng/kg
Theo tin từ Bộ Công Thương, tính đến 20-1, tổng lượng dưa hấu xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) là trên 26.000 tấn, tổng lượng thanh long xuất khẩu là trên 24.000 tấn. Về giá xuất khẩu, hiện nay giá xuất khẩu mặt hàng dưa hấu dao động khoảng 1,3-1,5 NDT/kg (khoảng 5.000 đồng/kg), giá xuất khẩu thanh long dao động khoảng 90-100 NDT/thùng 25 kg (13.000-14.000 đồng/kg).
Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã cơ bản vẫn giải quyết thông quan hết số lượng xe lên cửa khẩu theo hướng ưu tiên xe chở dưa hấu đi trước, xe chở thanh long đi sau với tỉ lệ bốn xe dưa - hai xe thanh long, trung bình mỗi ngày xuất khẩu được 220-230 xe/ngày.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết hiện nay Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Lạng Sơn và các địa phương trồng dưa hấu, thanh long theo dõi sát tình hình xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh hằng ngày để kịp thời điều tiết lượng hàng đưa lên khu vực cửa khẩu; tránh gây thiệt hại cho người nông dân và cho các doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ cũng đề nghị Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam và Hiệp hội Rau quả Việt Nam tăng cường kết nối cung-cầu, đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ các mặt hàng nêu trên tại thị trường trong nước, v.v...
Thứ trưởng Hải cũng cho hay hiện Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã bố trí hai khu vực để làm địa điểm trung chuyển và tập kết xe, tránh tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (cụ thể là Khu bãi phía đông chợ Hữu Nghị với sức chứa 150-180 xe và Khu bãi tại dự án Công ty Cổ phần Quốc tế Lạng Sơn, với sức chứa 70-80 xe).
Thị trường ô tô Việt sẽ tăng trưởng 10%
Nhà máy này có tổng vốn đầu tư 150 tỉ đồng, công suất thiết kế 5.000 sản phẩm/năm, đặt tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.
Ông Dương cho biết thêm năm 2016, thị trường ô tô Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 5%-10% so với năm 2015. Đây cũng là năm khởi đầu lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô xuống 40% và về 0% vào năm 2018.
“Năm nay, công ty sẽ phát triển mới ba sản phẩm xe du lịch, tám sản phẩm xe tải, ba sản phẩm xe buýt. Đặc biệt sẽ hoàn thành dự án sản xuất xe buýt nhanh BRT phục vụ giao thông công cộng tại các thành phố lớn” - ông Dương thông tin.
Nhiều đơn hàng xuất khẩu đầu năm
Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đang đem lại cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp trong nước, nhất là những thị trường chủ lực như Mỹ, Nhật, châu Âu…
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex, cho biết nhiều đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường đang được công ty gấp rút triển khai ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chỉ tính trong tháng 2-2016, lượng hàng doanh nghiệp (DN) này phải xuất tăng khoảng 20% so với trước.
Dịch chuyển từ Trung Quốc
Ngay trong tuần làm việc đầu tiên, Công ty CP Dệt may Thắng Lợi sẽ xuất một container hàng dệt may sang Đức và một container đi Mỹ trị giá khoảng 30.000 USD. Ông Ngô Đức Hòa, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Thắng Lợi, cho biết những năm trước, sau Tết thường chỉ nhận được những đơn hàng nhỏ để duy trì hoạt động. Năm nay, đơn hàng dồi dào và có nhiều sự lựa chọn hơn.
Mặt hàng gỗ được kỳ vọng hưởng lợi nhiều từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) Ảnh: TẤN THẠNH
Trong vài ngày tới, Công ty CP Gỗ Trường Thành cũng xuất lô hàng đầu tiên trị giá 150.000 USD sang Mỹ. Hiện đơn hàng của Trường Thành đã có đến tận tháng 8-9 và có triển vọng nhận thêm nhiều hợp đồng xuất khẩu sang Mỹ, Nhật…
Làn sóng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để hưởng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang giúp nhiều DN xuất khẩu có thêm đối tác mới. Theo ông Võ Trường Thành, Tổng Giám đốc Công ty CP Gỗ Trường Thành, xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc giúp công ty có thể tăng doanh thu xuất khẩu tới 25% trong năm nay, nhất là khi thị trường châu Âu hồi phục. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ và Nhật vẫn tăng trưởng tốt. “Ngành gỗ được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều từ các FTA, nhất là TPP nên chúng tôi khẩn trương chuẩn bị để tận dụng cơ hội này, như vừa mua lại một DN Hàn Quốc gần công ty để mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, củng cố lại bộ phận bán hàng, tiếp thị quốc tế cũng được củng cố nhằm tìm kiếm thêm đơn hàng mới” - ông Thành nói.
Nhiều DN ngành da giày cũng hưởng lợi từ xu hướng này. Bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giày xuất khẩu Liên Phát, cho biết khoảng 2 năm trở lại đây, tăng trưởng xuất khẩu của DN đều đạt 2 con số. Hiện DN đã có đơn hàng đến cuối quý III/2016, trong đó có nhiều khách hàng mới đến từ Mỹ.
Đa dạng hóa thị trường
Năm rồi, nhằm tận dụng lợi thế từ TPP, một số nhà nhập khẩu Mỹ đã đến Công ty Giày xuất khẩu Liên Phát xem xét nhà máy, chuỗi sản xuất và kiểm tra các yêu cầu về trách nhiệm xã hội (điều kiện bắt buộc) để đặt vấn đề gia công hàng xuất qua Mỹ cho họ. “Từ tháng 3-2016, chúng tôi bắt đầu sản xuất giày xuất khẩu sang Mỹ cho những đối tác mới, mở ra nhiều triển vọng từ thị trường này” - bà Liên kỳ vọng.
Cũng nhờ thị trường Mỹ, thị phần xuất khẩu của DN này sẽ cải thiện đáng kể khi không lệ thuộc quá nhiều vào châu Âu như trước đây. Để tận dụng cơ hội mới, Công ty Giày xuất khẩu Liên Phát đã khôi phục nhà máy đã đóng cửa vài năm trước, tuyển thêm lao động để mở rộng quy mô sản xuất. Điểm hấp dẫn ở thị trường Mỹ là đơn hàng lớn giúp DN tăng năng suất, ổn định việc làm cho người lao động. “Nếu một đơn hàng xuất sang châu Âu khoảng 2.000-3.000 đôi giày, cao nhất là 5.000 đôi thì khách hàng Mỹ thường đặt tối thiểu từ 8.000 đôi” - bà Liên dẫn chứng.
Số liệu của Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy trong năm 2015, Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với 33,48 tỉ USD, tăng 16,9% so với năm trước. Mỹ cũng là thị trường mà Việt Nam có thặng dư thương mại lớn khi xuất siêu lên tới 25,68 tỉ USD. Trong đó, các mặt hàng như dệt may, da giày đóng vai trò chủ lực và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ TPP khi thuế nhập khẩu vào thị trường này giảm về 0%.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam 2016, Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định xuất khẩu năm nay hứa hẹn sẽ đem lại nhiều cơ hội cho DN trong nước khi thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ (chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam) sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng tốt với nhiều mặt hàng chủ lực từ dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện tử.
Lo nguồn nguyên liệu
Ông Ngô Đức Hòa cho rằng lo lắng nhất của các DN ngành dệt may, da giày lúc này là nguồn nguyên phụ liệu dù các DN đã tập trung chuẩn bị. Yêu cầu của TPP là xuất xứ từ sợi, trong khi Việt Nam đang nhập khẩu vải chủ yếu từ Trung Quốc, nếu nay chuyển sang nhập khẩu từ các thị trường khác như Mỹ, Nhật hoặc Malaysia, chi phí đầu vào sẽ cao hơn nên khó cạnh tranh.
Ở góc độ khác, theo các DN xuất khẩu, đơn hàng dồi dào nhưng giá không tăng. Trong khi từ năm 2016, quy định mới về BHXH khiến chi phí của DN đội lên. Nhiều DN cho biết đối tác nước ngoài mới dừng lại việc xem xét, chứ chưa đồng ý tăng đơn giá. “Do là DN lâu năm trong ngành dệt may nên khách hàng nước ngoài thường tự tìm đến Thắng Lợi để đặt hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, Thắng Lợi cũng chủ động xúc tiến, tìm kiếm thị trường, khách hàng mới và sẵn sàng liên kết, hợp tác với DN cùng ngành để nhận được những đơn hàng lớn, khách hàng mới từ TPP” - ông Hòa bày tỏ.
Nông lâm sản sẽ thuận lợi hơn
Ông Đỗ Hà Nam đánh giá sau một năm kim ngạch sụt giảm mạnh, năm nay, các mặt hàng nông lâm sản như cà phê, tiêu, điều sẽ thuận lợi hơn khi nhu cầu thế giới tiếp tục tăng và Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia hàng đầu cung cấp những mặt hàng này. Gần đây, giá cà phê có phục hồi, điều chế biến của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn và giá tiêu có giảm nhưng lợi nhuận vẫn tốt. Điều quan trọng lúc này là các DN cần tập trung vào chiều sâu để cạnh tranh, tìm kiếm nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất hợp lý để mạnh dạn đầu tư, tạo thêm lợi thế cạnh tranh.