Giá thuê đất quá cao, nhà đầu tư ngao ngán
28/11 là Ngày Truyền thống ngành Chứng khoán Việt Nam
Danh sách 23 dự án PPP giao thông gần 40.000 tỷ đồng sẽ khởi công trong năm 2016
Khu Tân Cảng-Ba Son sẽ là trung tâm đa chức năng bờ Tây sông Sài Gòn
Bầu Thụy xây khách sạn 5 sao tại Hà Nội, lộ khả năng thâu tóm thêm "đất vàng"
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 18-02-2016
- Cập nhật : 18/02/2016
Vì sao giá vàng thế giới tăng vọt?
Vàng được coi là hầm trú ẩn an toàn, là nơi nhà đầu tư tìm đến khi họ không biết chắc rằng kinh tế thế giới và thị trường tài chính sẽ biến động ra sao trong những ngày tháng sắp tới.
Valentine năm nay, món quà tặng đặc biệt tại cửa hàng trưng bày của công ty môi giới vàng Sharps Pixley là một bông hoa hồng nhúng trong vàng có trị giá 166 USD. Nhưng có lẽ những gì người-đặc-biệt muốn có sẽ là một miếng vàng trị giá 27.000 bảng Anh (tương đương với khoảng 39.000 USD), nhỏ hơn cả một thỏi socola nhưng đủ nặng để giúp người ta vượt qua khủng hoảng tài chính. Cả hai mặt hàng này đều bán chạy. Tuy vậy, Ross Norman, ông chủ cửa hàng vẫn cho rằng các khách hàng còn khá non nớt về chuyện mua vàng để dự trữ khi kinh tế toàn cầu gặp vấn đề.
Đây không chỉ là chuyện riêng của những người mua vàng tại Sharps Pixley. Những người yêu vàng, từ những người theo chủ nghĩa tự do tại Mỹ đến các bà nội trợ Ấn Độ, đã giúp giá mặt hàng này tăng vọt trong năm nay. Trong phiên giao dịch sớm ngày 11/2/2016, giá vàng tăng lên trên mức 1.200 USD/ ounce, mức cao nhất trong hơn 8 tháng qua, giữa lúc người ta bán tháo chứng khoán trên toàn cầu. Ông Ross Norman lưu ý rằng giá vàng trong tháng 1 của năm 2015 và 2016 đều giảm. Một phần là do tính "thời vụ" của hai thị trường bán lẻ lớn nhất: Ấn Độ và Trung Quốc. Lễ hội Hindu Diwali của Ấn Độ bắt đầu từ cuối mùa thu và kết thúc vào khoảng tháng 1, trong khi cũng đúng thời điểm này, Trung Quốc nghỉ tết âm lịch.
Sự sợ hãi chính là một yếu tố dẫn đến tăng giá vàng. Người ta có thể coi vàng là cách để vượt qua sự thiếu hiểu biết về tình hình kinh tế toàn cầu. Bởi kinh tế thế giới sẽ đi về đâu, chưa ai biết được. Người ta còn hoài nghi về sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc, tác động của giá dầu giảm lên sản xuất tại các thị trường mới nổi, khủng hoảng nợ của ngành khai thác đá phiến dầu mỏ của Mỹ và sự mong manh của các ngân hàng toàn cầu. Hơn nữa, đồng USD- công cụ để thay thế vàng gần đây cũng suy yếu.
Các yếu tố khác đã đứng về phía vàng. Đợt giá vàng tăng gần đây trùng hợp với thời điểm giá dầu sụt giảm và những lo ngại về giảm phát đẩy lãi suất xuống thấp hơn. Vàng không sinh lãi, tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với các khoản đầu tư khác như trái phiếu, nhưng nó đi liền với tính an toàn. Đây là điều làm người mua vàng thấy hấp dẫn. Việc các ngân hàng trung ương lớn áp dụng lãi suất âm đối với dự trữ của ngân hàng thương mại càng tăng tính hấp dẫn cho vàng.
Nguồn cung vàng giảm làm thị trường nóng lên. Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, sản lượng vàng khai thác trong quý IV/2015 giảm 3%, ghi nhận mức giảm theo quý đầu tiên kể từ năm 2008. WGC dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp tục do các công ty khai thác thiếu tiền phải giảm đầu tư.
Bức tranh về nhu cầu vàng còn rõ ràng hơn. Nhìn chung, năm 2015, nhu cầu vàng trên toàn cầu giảm nhẹ. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm, Ấn Độ- nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới tăng nhu cầu về đồ trang sức bằng vàng trong nửa cuối năm. Tại Trung Quốc, người mua hàng giảm mua nữ trang và tăng mua vàng miếng để đầu tư. Điều này phản ánh mối lo ngại về tiền mất giá và chứng khoán đi xuống.
Theo số liệu mới nhất thì năm nay, có dòng vốn đổ vào các quỹ giao dịch liên quan đến vàng. Kênh đầu tư này chiếm khoảng 1/10 tổng nhu cầu vàng toàn cầu. ngân hàng trung ương của các nước đang phát triển sẽ tăng mua vàng trong quý IV năm nay để tiếp tục đa dạng hóa tài sản.
Những người hoài nghi, trong đó có ngân hàng đầu tư Goldman Sachs vẫn dự báo giá vàng sẽ giảm trong năm 2016 sau 3 năm giảm liên tiếp, do lãi suất tại Mỹ tăng. Hôm 10/2 vừa qua, bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed đã đưa ra những đánh giá ảm đạm về nền kinh tế Mỹ trong phiên điều trần trước Quốc hội. Dù vậy, theo bà, lãi suất có thể còn tăng hơn nữa.
Thị trường chứng khoán và đồng USD phản ứng tiêu cực với thông tin này, trong khi giá vàng tăng mạnh. Những lo ngại về tài chính càng nhiều, giá vàng sẽ càng tăng mạnh.
Lo ngại tăng trưởng, Hàn Quốc giữ lãi suất thấp kỷ lục
Ngày 16/2, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã quyết định giữ lãi suất ở mức 1,5% trong tháng thứ 8 liên tiếp trong khi đưa ra cảnh báo rằng các nguy cơ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế đang tăng lên.
Thống đốc Lee Ju Yeol cùng 5 thành viên hội đồng khác quyết định giữ nguyên mức lãi suất thấp nhất kể từ trước tới nay, trong khi thành viên Ha Sung Keun kêu gọi cắt giảm lãi suất. Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, thị trường tài chính biến động mạnh hơn và một số dấu hiệu về nhu cầu trong nước yếu đi khiến BOK phải mở rộng chương trình cho vay đặc biệt đối với các công ty nhỏ.
Lãi suất trái phiếu chính phủ Hàn Quốc đã giảm vào cuối tuần trước sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thông qua chính sách lãi suất âm và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra những tín hiệu về việc trì hoãn tăng lãi suất. Khi viện dẫn những sự kiện và triển vọng bất ổn trên, Thống đốc Lee Ju Yeol cho biết chi phí vay hiện nay đang hỗ trợ cho nền kinh tế và có thể tiếp tục nới lỏng tiền tệ trong thời gian tới.
Một nhà phân tích của Daewoo Securities Co. cho rằng BOK đang gặp nhiều áp lực bởi các sự kiện bên ngoài lãnh thổ Hàn Quốc nhưng những ý kiến về chính sách tiền tệ nhìn chung vẫn ôn hòa.
Bí mật của Donald Trump
Dù Trump không muốn nhắc đến việc cha ông của mình là những người nhập cư gốc Đức, chất Đức vẫn thể hiện rất rõ ở Donald Trump.
Có khá nhiều “nguyên liệu” trong công thức tạo nên Donald Trump – tỷ phú đang chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống của nước Mỹ và là người đã lớn tiếng phản đối người nhập cư. Tổ tiên của Trump là những người nhập cư gốc Đức đã tới Mỹ trong tình trạng “không xu dính túi” và nhanh chóng thành công nhờ làm việc chăm chỉ, tận dụng các mánh khóe kinh doanh sắc sảo và cơ hội.
Bố của Fred Trump, Friedrich Trump, tới Mỹ vào năm 1885. Cậu bé 16 tuổi đến từ Kallstadt, một ngôi làng thuộc Rhineland-Palatinate – vùng đất nổi tiếng với rượu và dạ dày lợn. Sau vài năm làm việc tại một tiệm cắt tóc ở New York, ông tiến về miền Tây và mở nhà hàng tại một thị trấn mỏ nằm ở bang Washington state, nơi những người công nhân được tiếp đãi với những bữa ăn thịnh soạn, rượu và những cuộc hẹn hò bí mật với phụ nữ.
Sau khi tích lũy tiền bạc, Friedrich quay trở lại Kallstadt để kết hôn với cô gái hàng xóm Elisabeth Christ và cả hai cùng tới Mỹ. Tuy nhiên họ sớm quay trở lại Đức vì Elisabeth quá nhớ nhà. Chính quyền từ chối cho họ hồi hương vì Friedrich – lúc đó đã là một công dân Mỹ - đã trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Năm 1905 con trai cả của họ là Fred chào đời ở New York.
Khi Fred Trump 11 tuổi, Mỹ bước vào chiến tranh thế giới thứ nhất và sau đó là một thời kỳ dài phong trào chống Đức lên cao. Những cuốn sách tiếng Đức bị đốt bỏ, món dưa bắp cải vốn có tên tiếng Đức là sauerkraut bị đổi tên thành “bắp cải tự do” và món xúc xích Đức frankfurters cũng đổi tên thành “hot dogs”.
Friedrich qua đời năm 1918 vì bệnh cúm Tây Ban Nha, khi mới chỉ 49 tuổi và để lại cho vợ con một chút tiền. Họ đã sử dụng số tiền này để thành lập công ty Trump & Son và đầu tư vào bất động sản. Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1923, Fred bắt đầu làm việc toàn thời gian trong ngành xây dựng. Ông nhanh chóng nhận ra rằng gốc gác Đức có thể trở thành một rào cản và đã giả vờ rằng bố mẹ mình là người Thụy Điển mặc dù tiếng Anh của mẹ ông mang nặng ngữ điệu Đức.
Donald là người con mà Fred Trump quý mến nhất và cũng là người đã tiếp nối cơ nghiệp kinh doanh của ông. “Fred đã dạy Donald rất nhiều và ông ấy là một học trò xuất sắc”, Gwenda Blair – tác giả cuốn sách viết về ba đời nhà Trump – nói.
Một phần thành công của Donald Trump trong việc kinh doanh bất động sản và sòng bạc đến từ những hiểu biết từ rất sớm về sức mạnh của thương hiệu. Trên các tòa nhà thường xuyên xuất hiện biển hiệu lớn gắn chữ “Trump” vì từ này thể hiện sự thành công và may mắn. Tuy nhiên, giống như cha của mình, ông nghĩ rằng gốc Đức sẽ khiến ông không có nhiều người ủng hộ. Ông đắm chìm trong câu chuyện của người cha Fred và đã viết trong cuốn tự truyện “Trump: The Art of the Deal” (tạm dịch: Trump – Nghệ thuật giao dịch) rằng bố mẹ ông có gốc Thụy Điển.
Nhà Trump là điển hình cho những người Mỹ gốc Đức – nhóm thiểu số đông dân nhất ở Mỹ - đang cố gắng chôn giấu gốc gác. Dẫu vậy Donald Trump đôi lúc đã làm khác. Cách đây một vài năm, Simone Wendel, một nhà làm phim đến từ Kallstadt, đã tới thăm ông tại tòa tháp Trump để làm một bộ phim tài liệu về ngôi làng 1.200 dân Kallstadt. Ngoài nhà Trump, đây còn là quê hương của gia tộc đã thành lập nên Heinz – đế chế nước sốt hùng mạnh. Wedel nhớ lại đầu tiên Donald Trump khá dè dặt nhưng sau đó đã rất cởi mở khi bà cho ông xem những bức ảnh về ngôi nhà của tổ tiên. “Tôi yêu Kallstadt,” Trump nói trong bộ phim tài liệu.
Có lẽ trong con người Donald Trump có nhiều chất Kallstadt hơn ông nghĩ. Dân làng Kallstadt còn được biết đến với tên gọi trìu mến Brulljesmacher, trong tiếng lóng có nghĩa là những người thích khoe khoang. Nếu trở thành Tổng thống, Trump cũng không phải là ông chủ Nhà Trắng gốc Đức đầu tiên. Tổ tiên của Dwight Eisenhower có họ gốc là Eisenhauer và đến từ Karlsbrunn, vùng đất nằm gần biên giới giữa Đức và Pháp. Herbert Hoover có họ gốc là Huber và đến từ Baden, vùng đất phía Nam nước Đức. Cả hai đều đã đổi họ, nhưng ít ra mọi thứ không đi quá xa như nhà Trump.
Phát triển kinh tế 2016: Phụ thuộc nhiều vào cải cách
Dù kỳ vọng nhiều vào những cơ hội tốt đẹp sẽ làm thay đổi kinh tế đất nước trong năm 2016, song cả chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng, kinh tế Việt Nam bứt phá được hay không phụ thuộc chủ yếu vào những cải cách tiếp theo thế nào.
Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, năm tới, Chính phủ đặt mục tiêu cụ thể đưa môi trường đầu tư, kinh doanh ngang bằng ASEAN 4 (4 nước dẫn đầu ASEAN). Theo ông Vinh, đây là mục tiêu tham vọng.
“Trên cơ sở văn bản pháp lý, chúng ta đã ngang bằng 4 nước dẫn đầu ASEAN, nhưng để triển khai môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng trên thực tế không dễ. Đây là thách thức trong điều hành. Nếu không có giải pháp đột phá để chấn chỉnh, xử lý cơ quan thi hành pháp luật, để luật pháp được thực thi nghiêm túc, chắc chắn chúng ta không đạt được mục tiêu này. Mong muốn, tuyên bố thôi, còn doanh nghiệp và người dân chưa được hưởng điều này”, ông Vinh nói.
Về giải pháp trong năm 2016, ông Vinh cho rằng, dù năm qua kinh tế vĩ mô ổn định nhưng không nên coi thường, vì những yếu tố bất ổn vĩ mô vẫn rình rập. Nợ công đang ở trần cho phép, nhưng nếu không kiểm soát tốt sẽ dễ dàng vượt qua giới hạn và gây hậu quả; nợ xấu ngân hàng vẫn là rào cản cho tiếp cận của doanh nghiệp.
Động lực chính cho tăng trưởng: Năng suất lao động
Nói về động lực cho năm mới, theo ông Vinh, giải pháp quan trọng nhất dù rất khó nhưng phải làm là nâng cao chất lượng tăng trưởng của Việt Nam. Việt Nam giờ không thể tăng trưởng theo chiều rộng nhờ tăng vốn, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên (dầu khí, than…).
Thay vào đó, phải quan tâm nhiều hơn tới tăng năng suất lao động quốc gia, đó là động lực chính cho tăng trưởng năm 2016 và các năm tiếp theo. Để làm được điều này, ông Vinh cho rằng, phải dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ; phá bỏ những rào cản để thúc đẩy khoa học công nghệ thành động lực và nguồn lực phát triển đất nước. Bên cạnh đó, phải hoàn thiện thể chế, hội nhập có kế hoạch hành động chi tiết cho từng ngành, lĩnh vực để tận dụng cơ hội và hạn chế khó khăn.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nói rằng năm 2016, Việt Nam sẽ phải đối mặt thách thức lớn nhất là quyết tâm cải cách chưa tương xứng với yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời, nhận thức chưa đầy đủ về cơ hội, thách thức, yêu cầu của thực tiễn cải cách và hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như vai trò của nhà nước, Chính phủ trong điều hành kinh tế.
Theo ông Cung, đây là bài học để quá trình cải cách diễn ra tập trung và thực chất hơn trong giai đoạn từ 2016 về sau. “Hướng tới vai trò và lợi ích cốt lõi của cộng đồng doanh nghiệp là nguyên tắc căn bản của các biện pháp cải cách, điều chỉnh chính sách thời gian tới. Nếu làm được sẽ không chỉ làm mới động lực tăng trưởng, còn tạo niềm tin cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Cung nói.
Theo dự báo của CIEM, năm 2016, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 6,82%, lạm phát khoảng 4,3%, đầu tư/GDP khoảng 31%, tăng trưởng xuất khẩu khoảng 10%, thâm hụt thương mại khoảng 4 tỷ USD.
Ngành Tài chính đẩy mạnh công khai, minh bạch trong điều hành giá
Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2016 - 2020 sẽ có nhiều yếu tố tác động lên mặt bằng giá do phải tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số mặt hàng dịch vụ công như giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục...
Vì vậy, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020 mà Chính phủ đề ra là “Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững…”, Bộ Tài chính xác định, công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá là rất quan trọng.
Do đó, trong kế hoạch hoạt động của mình, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai, giám sát thực hiện có hiệu quả pháp luật về giá. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trong đó chú trọng nghiên cứu, đề xuất cơ chế quản lý giá đối với các dịch vụ chuyển từ danh mục phí sang thực hiện theo cơ chế giá theo quy định tại Luật phí, lệ phí năm 2015.
Đồng thời theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác phân tích dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo quy định của pháp luật. Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về giá.
Ngành Tài chính cũng thực hiện nhất quán nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước (nhất là đối với giá điện, dịch vụ công); tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh thực hiện công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá điện, xăng dầu cũng như các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác có ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng của người dân; điều tiết hài hòa lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng,doanh nghiệp và Nhà nước. Chủ động áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật giá. Bên cạnh đó có các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với người nghèo, người có thu nhập thấp, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Cùng với đó kiểm soát chặt chẽ giá của các hàng hóa, dịch vụ độc quyền; hàng hóa thuộc danh mục Nhà nước định giá; hàng hóa dịch vụ thuộc diện bình ổn giá; hàng hóa dịch vụ được sử dụng ngân sách Nhà nước để đặt hàng phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia; hàng hóa dịch vụ công ích; dịch vụ sự nghiệp công. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá đối với hàng hóa dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giá kết hợp với thuế để ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các nguyên vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; đồng thời để ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn lậu thuế. Kiểm tra, kiểm soát hoạt động của thị trường hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng thao túng thị trường giá cả…