Campuchia sắp phê duyệt dự luật kinh doanh casino; Tăng trưởng tín dụng trên 20%: Nguồn tiền ở đâu?; Chính phủ giảm 0,5% lãi suất cho vay; chưa tăng thuế, phí; Mở 'phố đèn đỏ' ở Phú Quốc, nên hay không?
Tin kinh tế đọc nhanh 12-09-2017
- Cập nhật : 12/09/2017
Ngân hàng sắp báo lãi ngàn tỷ từ... nợ xấu
Các ngân hàng thương mại đã tích cực trích lập dự phòng nợ xấu trong vài năm qua sẽ có thể hạch toán lợi nhuận không thường xuyên, khi tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu được bán.
Gần đây, VAMC đã tịch thu tòa nhà cao thứ 3 tại TP. HCM là Saigon One Tower, là tài sản đảm bảo của CTCP Saigon One Tower để thu hồi nợ từ công ty này. Ban đầu khoản nợ này thuộc về Maritime Bank và DongA Bank trước khi được VAMC mua lại trong năm 2015. Hiện tại, VAMC đang tìm kiếm NĐT mua lại tài sản đảm bảo Saigon One Tower. Giá trị khoản nợ này đã lên tới hơn 7 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Đặng Tiến Đông, chủ tịch VAMC, tốc độ xử lý nợ xấu sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới sau Nghị quyết 42 của Quốc hội (có hiệu lực từ ngày 15/8) được ban hành quy định về cơ chế xử lý nợ xấu đặc biệt cho VAMC. Quy trình thu giữ tài sản đảm bảo của VAMC thông thường sẽ diễn ra gồm: VAMC gửi thông báo đến người vay về việc thu giữ tài sản đảm bảo; Thời gian chờ đợi phản ứng từ phía người vay sẽ là 7-14 ngày; VAMC tiến hành thu giữ tài sản.
Tuy nhiên, VAMC cũng như các TCTD đã gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn 3 của quá trình thu hồi tài sản đảm bảo vì không có cơ chế đặc thù nào để buộc những khách hàng vay tiền bất hợp tác phải bàn giao tài sản đảm bảo. VAMC đã phải tìm đến tòa án để giải quyết nên mất nhiều thời gian và chi phí.
Nhờ Nghị quyết 42 quy định sự tham gia của lực lượng công an và UBND các cấp, nên giai đoạn 3 của quá trình thu hồi tài sản đảm bảo có thể dễ dàng được thực hiện. Và vụ việc Saigon One Tower là một ví dụ đầu tiên.
Không những đối với 250 nghìn tỷ đồng nợ xấu VAMC đang nắm giữ mà còn 153 nghìn tỷ đồng vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng vì nhiều NHTM đã thể hiện ý định muốn VAMC hỗ trợ giải quyết nợ xấu của mình. Tại thời điểm cuối tháng 6/2017, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng là 2,55%. Nếu tính cả 250 nghìn tỷ đồng nợ xấu VAMC đang giữ, tỷ lệ nợ xấu là khoảng 6,7%.
Theo CTCK Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), những Ngân hàng thương mại đã tích cực trích lập dự phòng nợ xấu trong vài năm qua sẽ có thể hạch toán lợi nhuận không thường xuyên khi tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu được bán. Dễ thấy những ngân hàng này là:
Vietcombank đã trích lập xong cho 3.228 tỷ đồng trái phiếu VAMC tại thời điểm cuối năm 2016. Nếu giả định tỷ lệ thu hồi là 30%, ngân hàng này có thể hạch toán được 998 tỷ đồng lợi nhuận không thường xuyên.
Techcombank cũng đã trích lập xong cho 2.992 tỷ đồng trái phiếu VAMC tại thời điểm cuối tháng 6/2017. Nếu giả định tỷ lệ thu hồi là 30%, ngân hàng này có thể hạch toán được 897 tỷ đồng lợi nhuận không thường xuyên.
Trong khi đó, ngân hàng Á Châu (ACB) sẽ trích lập toàn bộ cho 3.500 tỷ đồng nợ nhóm các công ty của bầu Kiên (Nhóm G6) từ trước để lại vào cuối năm 2017. Nếu giả định tỷ lệ thu hồi chỉ là 30%, ACB có thể hạch toán được 1.050 tỷ đồng lợi nhuận không thường xuyên. Ngoài ra ACB còn dự kiến xử lý hết trái phiếu VAMC (có giá trị sổ sách là 1.410 tỷ đồng và hiện đã trích lập lũy kế là 528 tỷ đồng) trong 6 tháng cuối năm 2017. Nếu ACB trích lập toàn bộ cho số trái phiếu này, lợi nhuận không thường xuyên từ thu hồi nợ có thể đạt 423 tỷ đồng (tỷ lệ thu hồi 30%).
Trên thực tế, ngoài 3 ngân hàng kể trên, nhiều ngân hàng thương mại cũng sẽ có khả năng hạch toán lợi nhuận không thường xuyên. Cả 3 ngân hàng Vietcombank, Techcombank và ACB cũng không chỉ hạch toán lợi nhuận không thường xuyên từ các khoản nợ xấu trên, mà các khoản nợ xấu khác cũng có thể đem lại lợi nhuận không thường xuyên. Tuy nhiên các khoản nợ xấu đề cập trên đây là những khoản nợ xấu lớn và có tính đại diện cho chu kỳ hiện tại.
Một tín hiệu lạc quan cho các ngân hàng từ nay đến cuối năm là NHNN sẽ cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn cho các ngân hàng thương mại theo chỉ đạo của Thủ tướng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung khoảng 20%. Vào đầu năm nay, mặc dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng chính thức là 18% nhưng hầu hết các ngân hàng chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng là 16%. Theo chỉ đạo mới, những ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, ACB đã công bố đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng mới dao động từ 18% - 20%. Các ngân hàng khác như MBBanh, VPBank có thể được phép đặt kế hoạch tăng trưởng cao hơn. Điều này cũng đặt ra triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2017.
Theo nhận định của HSC, những ngân hàng thương mại có tỷ lệ an toàn tài chính tốt nhờ trích lập dự phòng từ sớm sẽ có đà tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất trong 2 năm 2017 và 2018.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc Gia, tín dụng cuối tháng 8 tăng 11,5% so với đầu năm. Trong khi đó tổng huy động tăng 9,1%. Tín dụng vào cuối tháng 8 tăng 11,5% so với đầu năm trong khi đó cùng kỳ năm trước chỉ tăng 9,67%. Như vậy tín dụng 8 tháng đầu năm tăng 20,22% so với cùng kỳ, tăng mạnh hơn so với mức tăng 16,66% trong cùng kỳ năm ngoái. (Infonet)
--------------------
Chi phí hải quan sẽ 'ngốn' của các doanh nghiệp Anh hàng tỷ bảng mỗi năm
Các doanh nghiệp có thể sẽ mất thêm hơn 4 tỷ bảng (5,28 tỷ USD) mỗi năm cho chi phí kê khai thuế hải quan sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Đây là nội dung báo cáo đánh giá mới được Viện nghiên cứu chính phủ Anh (IfG) công bố ngày 11/9. Theo đó, khi Anh chính thức bước ra khỏi "ngôi nhà chung" cũng là lúc khoảng 180.000 doanh nghiệp hiện chỉ hoạt động bên trong lãnh thổ EU, sẽ lần đầu tiên phải thực hiện các thủ tục kê khai thuế hải quan. Chính phủ Anh ước tính sẽ có khoảng 200 triệu tờ khai hải quan được thực hiện mỗi năm, mỗi tờ khai sẽ có chi phí từ 20 tới 45 bảng. Như vậy, tổng cộng hàng năm các doanh nghiệp sẽ phải chi thêm khoảng 4 tỷ đến 9 tỷ bảng cho các thủ tục này.
Qua đó, IfG cho rằng London cần cung cấp cho các doanh nghiệp những hướng dẫn chi tiết về các thay đổi, yêu cầu mới để họ có kế hoạch ứng phó phù hợp, đồng thời cho các doanh nghiệp thời gian để thích nghi với những thay đổi này. Theo IfG, để tránh tình trạng hỗn loạn, chính phủ phải đảm bảo tất cả các đơn vị có liên quan như ban quản lý các cảng, công ty vận chuyển và giới chức địa phương đều được chuẩn bị sẵn sàng. Chính phủ Anh cũng cần làm việc với các đối tác EU để đảm bảo những vấn đề nảy sinh tại các cảng của EU không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng hàng hóa. Báo cáo nhấn mạnh trước đây các doanh nghiệp có vài năm để chuẩn bị với bất kỳ thay đổi nào từ phía chính phủ, nhưng hiện nay họ có chưa đầy 20 tháng để chuẩn bị cho những thay đổi mà họ thậm chí còn chưa nắm được hết.
Chính phủ Anh có kế hoạch rời khỏi Liên minh thuế quan EU khi tư cách thành viên chấm dứt và mong muốn đàm phán thiết lập mối quan hệ mới nhằm đảm bảo hoạt động giao thương sẽ diễn ra thông suốt và ít chi phí nhất có thể. Tuy nhiên, cho tới nay, khi hạn chót để hoàn tất các thủ tục đưa Anh rời khỏi EU chỉ còn tính theo tháng, việc đàm phán về các vấn đề hải quan hậu Brexit vẫn chưa được tiến hành. Trong khi Chính phủ Anh nóng lòng thúc giục và đề xuất 2 phương án để thực hiện các thủ tục hải quan giữa đôi bên hậu Brexit, thì phía EU lại một mực khẳng định việc thảo luận về quan hệ hải quan phải đợi cho tới khi có những tiến bộ trong đàm phán vốn đang diễn ra hết sức chậm chạp về quyền công dân, vấn đề biên giới Ireland và hóa đơn tài chính cho "cuộc chia tay".(TTXVN)
----------------------------
Ngân hàng ráo riết thu giữ tài sản đảm bảo
Sau khi Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN tiên phong trong việc thu giữ tài sản, hàng loạt ngân hàng đã công bố thu giữ các tài sản đảm bảo
Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower (quận 1, TP.HCM) là đơn vị bị Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN thu giữ tài sản nói trên.
Mới nhất ngày 9-9, Techcombank thông báo thu giữ tài sản đảm bảo của 11 khách hàng là các tổ chức và cá nhân do vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký, thời gian thu giữ trong tháng 9.
Trước đó ngày 6-9, ngân hàng này cũng thông báo thu giữ tài sản của 6 cá nhân và tổ chức khác. Tính chung kể từ cuối tháng 8 đến nay, Techcombank đã thông báo thu giữ 32 tài sản đảm bảo là bất động sản và xe của cá nhân và tổ chức.
Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC), thuộc ngân hàng Agribank cũng thông báo kế hoạch phối hợp với Agribank chi nhánh Sở Giao dịch áp dụng chế tài tín dụng thu giữ tài sản đảm bảo của công ty Vinalines Đông Đô là trạm biến áp tại xã Tam Hưng, xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.
Thời gian thu giữ dự kiến là 10h ngày 21-9 với đầy đủ đại diện từ chính quyền địa phương, công an, đại diện ngân hàng Agribank.
Nhiều ngân hàng khác cũng cho biết đang lên danh sách và thông báo cho bên vay trước khi thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo theo quy định. Đây là một bước trong quy trình thu hồi tài sản đảm bảo theo quy định mới.
Theo các ngân hàng, dự kiến trong thời gian tới việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi các khoản nợ xấu sẽ nhanh chóng hơn nhờ việc cho phép ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo mà không cần phải qua tòa án.
Trước đây việc xử lý nợ xấu rất khó khăn do bên vay thường bất hợp tác, tìm cách chây ỳ, trì hoãn việc chuyển giao tài sản bảo đảm.
Trong khi đó dù ngân hàng giữ giấy tờ tài sản thế chấp nhưng không thể xử lý được nợ nếu người vay không ký bàn giao tài sản.
Việc khởi kiện ra tòa cũng không dễ dàng và nếu được xử thắng kiện cũng khó thi hành án.(Tuoitre)
-------------------------
Giá nhà ở VN tăng quá mức chịu đựng của người lao động
Cần hành lang pháp lý đồng bộ để thị trường bất động sản (BĐS) phát triển bền vững, trong đó cơ bản là phải sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để người dân được thực hiện quyền có chỗ ở ổn định và hợp pháp.
Đó là đề nghị được nhiều chuyên gia đưa ra tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương với Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) vừa diễn ra tại TP.HCM. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng giá nhà ở Việt Nam đang quá cao so với thu nhập của người dân. Ông Châu dẫn ví dụ giá nhà ở Hàn Quốc đắt gấp 5-6 lần so với thu nhập của người dân. Trong khi đó, giá nhà vừa túi tiền ở nước ta cao gấp 20-25 lần so với người có thu nhập trung bình.
“Điều đó cho thấy giá nhà ở Việt Nam cao quá sức chịu đựng so với đại bộ phận người lao động có mức thu nhập trung bình thấp trong toàn xã hội” - ông Châu nói.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp làm nhà ở xã hội thì không được hưởng sự hỗ trợ từ chính sách. Trong khi đó, ở Hàn Quốc có loại hình nhà ở xã hội cho thuê suốt đời với diện tích từ 30 m2 trở xuống. Nếu đối tượng này thoát nghèo thì có thể trả lại căn nhà diện tích nhỏ và tiếp tục thuê loại nhà có thời hạn thuê trong vòng 50 năm nhưng có diện tích lớn hơn. Thậm chí sau đó họ tiếp tục thoát nghèo nữa thì có thể thuê loại nhà 30 năm và có diện tích lớn hơn nữa.
“Đây có thể là những kinh nghiệm mà chúng ta hoàn toàn có thể nghiên cứu và học hỏi” - ông Châu gợi ý.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty BĐS Đất Lành, đánh giá những người lao động nghèo khó có thể mua nhà bởi quỹ nhà ở xã hội phần lớn dành cho công chức, viên chức; gói 30.000 tỉ đồng cũng dành cho người thu nhập trung bình. Do vậy người nghèo “đang bị bỏ rơi”.
Đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho biết các ý kiến đóng góp của HoREA và cộng đồng doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM sẽ được tham mưu cho Chính phủ.(PLO)