PNJ: Triển vọng lợi nhuận lạc quan; Uniland: Cầu nối mới cho nhà đầu tư bất động sản 2018; Trần Anh Group hé lộ dự án biệt thự cao cấp; Uber sẽ rời khỏi Việt Nam, theo “lệnh” của nhà đầu tư lớn nhất SoftBank?
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 11-09-2017
- Cập nhật : 11/09/2017
Trung Quốc lại làm đường sắt cho Philippines
Trung Quốc và Philippines tiếp tục hợp tác làm đường sắt bất kể trái đắng về đầu tư Trung Quốc.
Ngày 9/9, Vụ trưởng châu Á, Bộ Thương mại Trung Quốc Ngô Chính Bình cho biết Trung Quốc và Philippines đã nhất trí đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án hợp tác giữa hai nước, hy vọng sẽ tạo ra đột phá quan trọng ngay trong năm nay.
Ông Ngô Chính Bình cho hay, các dự án hợp tác song phương bao gồm sân bay, đường sắt nằm trong khuôn khổ Chương trình Phát triển 6 năm phục vụ Hợp tác Thương mại và Kinh tế được Trung Quốc và Philippines ký kết vào tháng 3 vừa qua.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn và các quan chức kinh tế Philippines đã thảo luận về những dự án hợp tác trên giữa hai nước bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 49 và các hội nghị liên quan ở Manila.
Hai bên bày tỏ đẩy mạnh công tác triển khai các dự án thuộc lĩnh vực thương mại và kinh tế này trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11 năm nay.
Trong danh sách các dự án phát triển cơ sơ hạ tầng ưu tiên mà Philippines được Trung Quốc cho vay và hỗ trợ tài chính từ tháng 3 vừa qua còn bao gồm: các dự án khai thác dầu, sản xuất phụ tùng máy bay, lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu, xử lý chất thải thành năng lượng thông qua khí hóa và sản xuất thép tổng hợp.
Đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong các chiến lược của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Tổng cộng đã có hàng loạt dự án được hưởng đầu tư từ Trung Quốc tốn kém 24 tỷ USD nhằm tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế lâu dài cũng như phát triển tình hữu nghị giữa Trung Quốc - Philippines.
Trong đó, Bắc Kinh đã thảo luận việc giúp tài trợ hai dự án xây đường sắt của Philippines, tổng kinh phí lên tới 8,3 tỉ USD.
Hồi tháng 1/2017, Trung Quốc đã đồng ý hợp tác với Philippines để thực hiện 30 dự án, và cho biết sẽ chi ra 3,7 tỉ đôla.
Tổng thống Duterte nói trong “thời hoàng kim” về mặt hạ tầng cơ sở dưới quyền ông, nhiều đường xá, tuyến đường sắt và các cấu trúc hạ tầng khác sẽ được xây dựng trước cuối nhiệm kỳ Tổng thống của ông vào năm 2022.
Dù nỗ lực thực hiện các dự án với sự tham gia của Bắc Kinh, các luồng ý kiến tại Philippines cũng không khỏi lo ngại khi chất lượng các khoản đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là các dự án đường sắt của nước này là một trái đắng đã nhiều quốc gia phải nếm trải.
Đúng là giá rẻ là một lợi thế lớn của Trung Quốc. Nhưng bí quyết công nghệ và đặc biệt là niềm tin trong làm ăn mới là điều quan trọng.
Trên thực tế, độ bền, tuổi thọ đường ray Trung Quốc còn thấp, trong khi việc ồ ạt xây dựng đường tàu, nâng cấp toa tàu cũng chưa thể quyết định ưu thế của nhà thầu Trung Quốc trên thế giới.
Tháng 6/2015, chưa đầy 9 tháng sau khi công bố bản hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD với Trung Quốc, Công ty XpressWest của Mỹ đã thông báo hủy bỏ thỏa thuận liên doanh xây dựng đường sắt cao tốc Las Vegas - Los Angeles với Công ty Đường sắt Trung Quốc (CRI) với lý do lo ngại về chất lượng tàu cao tốc do Trung Quốc sản xuất và những khó khăn liên quan đến thời hạn hoàn thành công trình...
Indonesia vào cuối tháng 1/2016 cũng thông báo tạm dừng thi công dự án đường sắt cao tốc giữa nước này với Trung Quốc bởi các phản ứng gay gắt của dư luận trong nước.
Tháng 3/2016, Thủ tướng Thái Lan quyết định sẽ tự đầu tư thực hiện dự án đường sắt cao tốc từ Bangkok lên tỉnh Nakhon Ratchasima thay vì đợi chờ khoản vốn vay chậm chạp từ Trung Quốc.
Ngay tại Việt Nam, các dự án đường cao tốc, đường sắt cao tốc trên cao do Trung Quốc thi công đã hết gặp rắc rối về vốn tới thi công khó khăn và liên tục chậm tiến độ. Từ khoản đầu tư ban đầu được đánh giá là rẻ, các dự án giao thông do Trung Quốc thi công liên tục đội vốn.
Không chỉ các dự án đường sắt của Trung Quốc, dự án xây dựng sân bay quốc tế của nước này ở Bolivia cũng bị hủy không thương tiếc.
Hồi tháng 10/2016, Bộ trưởng Công trình Công cộng, Dịch vụ và Nhà ở Bolivia - ông Milton Claros đã thông tin, Chính phủ nước này đã quyết định hủy hợp đồng với Công ty xây dựng Beijing Urban của Trung Quốc về việc thiết kế và xây dựng sân bay quốc tế Hub Viru Viru tại thành phố Santa Cruz.
Nguyên nhân được ông Claros tiết lộ là do phía nhà thầu Trung Quốc không đáp ứng được đầy đủ yêu cầu tiêu chuẩn và tiến độ thi công.
Trung Quốc đã nhiều lần tìm cách níu kéo dự án trên bằng hàng loạt các dự án trị giá tỉ USD khác bao gồm 11 công trình giao thông đường bộ tai Bolivia.
Mekonnen Getachew, Giám đốc dự án tại Tập đoàn Đường sắt Ethiopia - cũng là giám sát tại một dự án đường sắt mà doanh nghiệp xây dựng đường sắt nhà nước Trung Quốc thực hiện đã bày tỏ, Trung Quốc luôn miêu tả những công trình đường sắt tại châu Phi là đại diện của tinh thần không vụ lợi.
Nhưng với Trung Quốc, đầu tư vào Ethiopia – một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới là hành động mang tính chiến lược nhiều hơn là từ thiện.
“Trung Quốc không chỉ viện trợ một cách đơn thuần. Họ cho vay. Bạn làm việc rồi trả nợ. Đó là một chính sách tốt. Viện trợ chỉ là biến nước khác thành nô lệ” - ông Getachew nói. (Baodatviet)
----------------------
400 tổ chức kinh tế bị tố nhận 'quà' tiền tỷ của OceanBank
Gần 400 tổ chức kinh tế cùng hơn 50.000 cá nhân bị tố hưởng lãi suất ngoài của OceanBank nhưng rất ít trong số họ thừa nhận.
Phiên sơ thẩm Đại án OceanBank đã trải qua 10 ngày xét xử. Một trong những vấn đề được HĐXX xét hỏi kỹ nhất là việc cựu Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm ra chủ trương, chỉ đạo thuộc cấp chi lãi suất ngoài, gây thiệt hại cho nhà băng này hơn 1.500 tỷ đồng.
Cụ thể, theo cáo buộc, đầu năm 2011, Hà Văn Thắm ra chủ trương về việc chi ngoài lãi suất huy động vốn cho các khách hàng trên toàn hệ thống OceanBank. Các thuộc cấp Nguyễn Minh Thu (Tổng giám đốc), Lê Thị Thu Thuỷ, Nguyễn Thị Minh Phương (phó Tổng Giám đốc) đã chỉ đạo lãnh đạo các khối, ban nghiệp vụ thuộc Hội sở ngân hàng và 34 giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước thực hiện việc chi lãi ngoài khi huy động vốn.
Cáo trạng của VKSNDTC quy kết, hành vi của các bị cáo đã "lũng đoạn, mất an ninh thị trường tiền tệ" và đã phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Kết quả điều tra xác định trong thời gian từ năm 2010 đến cuối năm 2014, tổng số tiền OceanBank đã chi lãi ngoài hợp đồng cho các khách hàng gửi tiền là hơn 1.500 tỷ. Tuy nhiên, kết quả điều tra số tiền hơn 246 tỷ chi cho Nguyễn Xuân Sơn (Phó khi đó là tổng giám đốc PVN) và bị Sơn chiếm đoạt đã cấu thành tội Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Do vậy hậu quả còn lại do hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế là hơn 1.300 tỷ.
Theo cáo buộc, từ năm 2011 đến năm 2014, có hơn 50.000 cá nhân và gần 400 tổ chức gửi tiền tại OceanBank và nhận các khoản chi lãi ngoài. Trong đó nhiều khách hàng gửi số tiền lớn là các tổ chức kinh tế thuộc doanh nghiệp có vốn Nhà nước (chủ yếu thuộc PVN và Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam) có dấu hiệu móc ngoặc với lãnh đạo, nhân viên OceanBank nhận các khoản tiền lãi ngoài, để ngoài sổ sách kế toán nhằm hưởng lợi bất chính.
Đến thời điểm phiên toà sơ thẩm được mở lần hai, mới có 19 tổ chức kinh tế thừa nhận hưởng hơn 3 tỷ lãi ngoài của OceanBank. 124 tổ chức kinh tế không thừa nhận. Còn lại 249 tổ chức không có hồi âm với nhiều lý do như: đã giải thể, ngừng hoạt động, đổi trụ sở, lãnh đạo là người nước ngoài đã về nước...
Số lượng khách hàng cá nhân nhiều người đã chuyển chỗ ở, hoặc đã chết gây khó khăn cho quá trình điều tra. Trong 105 người được triệu tập, chỉ 47 người khai nhận quà tặng của OceanBank nhưng ít người nộp lại tiền. Nhiều người không nộp lại tiền với lý do việc chi trả tiền đúng hay sai là trách nhiệm của ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp bị tố nhận 'quà' trăm tỷ
Trong số 1.300 tỷ chi lãi suất ngoài, kết quả điều tra thể hiện có 1.000 tỷ được chia cho các cá nhân là lãnh đạo Hội sở và lãnh đạo các chi nhánh thuộc OceanBank trực tiếp nhận. Giám định của ngân hàng nhà nước cho rằng gần 600 tỷ được sử dụng chi lãi ngoài.
Theo đó, Nguyễn Xuân Thắng nhận hơn 200 tỷ và Võ Việt Trung nhận 20 tỷ. Hai người này chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn theo yêu cầu chi chăm sóc khách hàng cho tiền gửi của Tập đoàn Dầu khí PVN.
Nguyễn Xuân Sơn khai chi lễ tết hết 30-50 tỷ đồng trong 5 năm (2009-2014), đặc biệt đưa trực tiếp cho nguyên Kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh 20-30 tỷ. Ông Quỳnh vào ngày 6/9 chỉ thừa nhận đã lấy 20 tỷ để chi tiêu cá nhân. Ngoài ra, Nguyễn Xuân Sơn khai chi tiền Tết cho chuyên viên các bộ, ngành có quan hệ làm việc với dầu khí mỗi người 50 triệu đồng. Ông ta còn khai từng biếu cho thứ trưởng, bộ trưởng tiền Tết từ 50-200 triệu đồng song "xin từ chối nói tên".
Cũng theo cáo buộc, nguyên Tổng Giám đốc OceanBank Nguyễn Minh Thu đã trực tiếp nhận và chi trả hơn 48 tỷ đồng lãi ngoài không kỳ hạn. Những doanh nghiệp được bị cáo Thu chăm sóc gồm: Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVoil) hơn 26 tỷ, Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) gần 10 tỷ và Liên doanh Dầu khí VietsoPetro (VSP) hơn 22 tỷ.
Nguyễn Minh Thu bị cáo buộc dùng gần 40 tỷ trả lãi ngoài cho các khách hàng do cựu Phó tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Thị Minh Phương quản lý. 33 tỷ khác được chi cho các khách hàng công ty gồm: Phân bón Dầu khí Cà Mau và Ban quản lý Khí điện đạm Cà Mau gần 17 tỷ, công ty ĐHTDKT Dầu khí TN (PVEP POC) 6 tỷ, Công ty tàu và Cảng dịch vụ Dầu khí hơn 2 tỷ, Công ty Nhiệt điện Phả Lại hơn 8 tỷ.
Nguyên phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh Phương được phân công chi 263 tỷ cho các khách hàng: Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (Vinashin) gần 106 tỷ, Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) 76 tỷ, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) 35,5 tỷ, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) hơn 8 tỷ, Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam và các công ty thành viên (PVIs) gần 20 tỷ, Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Long Phú 1 hơn 4 tỷ, Ban Quản lý Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 hơn 1 tỷ, Tổng công ty Vận tải Dầu khí gần 8 tỷ và Công ty Cổ phần Cảng Phước An hơn 3 tỷ.
Hà Văn Thắm nhận trực tiếp chỉ đạo Giám đốc chi nhánh OceanBank TP HCM chi tiền cho Chủ tịch Tập đoàn SSG tuy nhiên lãnh đạo này không thừa nhận.
Các doanh nghiệp đều phủ nhận
Trong nhiều ngày xét xử vừa qua, đại diện doanh nghiệp tại toà đều phủ nhận việc nhận lãi suất ngoài, chỉ thừa nhận có gửi tiền tại OceanBank. Nhiều cuộc đối chất căng thẳng đã diễn ra, đặc biệt là giữa bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng, Hà Văn Thắm với cựu Kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh.
Ông Quỳnh một mực cam đoan bằng tư cách, đạo đức của bản thân không nhận "một đồng nào". Thậm chí, cựu lãnh đạo PVN này còn nói mối quan hệ với Nguyễn Xuân Sơn không tốt đẹp. Chỉ sau khi bị bắt ở một vụ án khác, khi đối chất lần hai, ông Quỳnh mới thừa nhận đã được Sơn biếu 20 tỷ.
Tương tự, đại diện Liên doanh Việt Nga - VietsovPetro cho hay tài khoản của công ty không nhận khoản nào lãi ngoài hợp đồng.
Tuy vậy, cựu tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn vẫn khẳng định nhiều lần đi quan hệ "đưa tiền chi lãi ngoài" cho các doanh nghiệp này, người nhận khi là kế toán trưởng, lúc là tổng giám đốc. "Gặp nhiều lần, đưa nhiều lần, mỗi lần 10.000-20.000 USD hoặc 200-300 triệu đồng", cựu tổng giám đốc OceanBank khai song cho biết không nhớ tổng số.
Người kế nhiệm ông Sơn là cựu tổng giám đốc Nguyễn Minh Thu cũng cho hay đã thay ông Sơn đưa tiền lãi ngoài cho VietsovPetro. "Thỏa thuận tiền lãi ngoài chỉ giao dịch miệng, không hợp đồng", bà Thu nói. Theo bà Thu, lúc cao điểm, VietsovPetro gửi hàng trăm triệu USD. Sau lời khai này, chủ tọa thốt lên "xin hãy nhân giùm tôi ra tiền Việt".
Đại diện Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVoil) gửi 1.500 tỷ tại OceanBank cũng khẳng định đơn vị không nhận lãi ngoài. Lãnh đạo các doanh nghiệp này đang tiếp tục được triệu tập để làm rõ thông tin.
Bị cáo Nguyễn Minh Thu.Ảnh: Ngọc Thành.
Đại án OceanBank đã đi được một nửa chặng đường dự kiến 20 ngày.
Vào ngày khai mạc phiên toà 28/8, Tòa triệu tập gần 750 người, pháp nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan song nhiều trường hợp đã vắng mặt. Trong số này có đại diện Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Xây dựng, Tập đoàn Thiên Thanh, đại diện của nhóm cổ đông của TrustBank, OceanBank, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bảo hiểm Nhân thọ Sunline Việt Nam…
Hơn 50 luật sư đăng ký bảo vệ cho các bị cáo, cá nhân và pháp nhân tham gia phiên tòa. Ông Thắm mời hai luật sư bào chữa. Cựu tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn có 4 luật sư bảo vệ. Ngoài ông Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch HĐQT OceanBank) còn có 50 bị cáo khác, đa phần là cấp dưới của ông Thắm.(Vnexpress)
-----------------------------
Các nước châu Á-Thái Bình Dương không thể đạt được RCEP trong năm 2017
Các bộ trưởng kinh tế tới từ 16 nước châu Á - Thái Bình Dương đang đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tại thủ đô Manila của Philippines ngày 10/9 thừa nhận sẽ không đạt được một thỏa thuận trong năm nay.
Các bộ trưởng kinh tế đang tham gia đàm phán RCEP - một thỏa thuận thương mại thay thế Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cho biết họ sẽ cố gắng đạt được tiến triển quan trọng trong các cuộc thương lượng muộn nhất là trong tháng 11, thời điểm lãnh đạo 16 nước sẽ nhóm họp tại Manila.
Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Thương mại Philippines Ceferino Rodolfo (Xê-phê-ri-nô Rô-đôn-phô) nhận định RCEP là “lựa chọn duy nhất căn cứ vào các cuộc đàm phán TPP hiện nay”. Tuy nhiên, quan chức này cho biết 16 nước tham gia RCEP đã từ bỏ mục tiêu đạt được thỏa thuận này trong năm nay, do khác biệt trong các mục tiêu giảm hoặc cắt bỏ thuế, cũng như việc mở cửa các dịch vụ.
RCEP là hiệp định giữa 10 thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 đối tác đối thoại bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Do đó, RCEP được xem là hiệp định thương mại mở rộng của ASEAN với các đối tác, là khối thương mại chiếm 50% dân số thế giới và 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Khác với Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), RCEP không yêu cầu các nước thành viên tuân thủ các điều khoản về bảo vệ quyền lao động, nâng cao tiêu chí về môi trường. Nhưng cũng giống như TPP, đàm phán RCEP gặp phải nhiều trở ngại lớn trước khi đi tới thỏa thuận cuối cùng.(TTXVN)
----------------
Tính toán sai, nhà đầu tư Mỹ cay đắng mất hàng trăm triệu đô vì nhân dân tệ
Dành đến tận 7 năm và 240 triệu USD để chờ đồng nhân dân tệ (NDT) rớt giá, nhưng kết cục mà nhà đầu tư Mark Hart nhận được là mất trắng số tiền đó.
Năm ngoái, Mark Hart (45 tuổi) nhà sáng lập công ty Corriente Advisors, cho rằng đồng NDT sẽ giảm hơn 50% giá trị ,song hiện tại ông lại tin rằng đồng tiền này đang tăng giá.
Đặt trụ sở tại Texas (Mỹ), mất hàng đêm để liên lạc với bên Hong Kong, theo dõi tin tức thị trường và tỷ giá hối đoái, cuộc sống cá nhân của Hart đã bị thay đổi do căng thẳng và các nhân viên công ty ông đều nản chí.
Hart chia sẻ qua một cuộc phỏng vấn điện thoại với Bloomberg: “Tôi luôn nghĩ rằng chúng tôi có một cuộc làm ăn sẽ đem lại kết quả tốt tương xứng với rủi ro của nó, nhưng chúng tôi đã phạm phải nhiều sai lầm, bao gồm việc vào cuộc quá sớm”. Ông đặt cược sớm vào đồng NDT sau khủng hoảng cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn ở Mỹ và khủng hoảng nợ ở châu Âu. Tuy nhiên, thế giới đã thay đổi.
Nhà đầu từ Hart cho rằng Hội nghị thượng đỉnh G20 năm ngoái là một bước ngoặt quan trọng khiến cho đồng NDT không bị mất giá. Giống như nhiều nhà đầu tư khác, Hart nghi ngờ trong hội nghị đã có một thỏa thuận ngầm giữa các nhà lãnh đạo thế giới để ngăn chặn tình trạng mất giá của đồng NDT. Ông tin rằng đó là khoảnh khắc “bằng mọi cách” của Trung Quốc - khi các nhà lập pháp quyết tâm đỡ đồng NDT bằng bất kỳ giá nào.
Bất chấp việc Trung Quốc có nhận được sự giúp đỡ từ các quốc gia G20 khác hay không, chính quyền nước này rõ ràng đã thành công trong việc ổn định tỷ giá hối đoái. Tháng 12 năm ngoái, đồng NDT đã chấm dứt 3 năm mất giá và tăng gần 7% trong năm 2017, đánh dấu mức giao dịch mạnh mẽ nhất trong hơn 1 năm.
Thậm chí ngay tại thời điểm suy yếu nhất, đồng NDT chưa bao giờ giảm thấp đến mức để đem lại sự khác biệt cho vụ đặt cược của Hart. Quỹ đầu tư Trung Quốc của Hart lúc này đứng giữa hai hướng: hưởng lợi nhuận khủng khi NDT giảm giá mạnh, hoặc gần như hoàn toàn mất trắng nếu tình trạng mất giá không diễn ra.
Tuy nhiên, ngay từ đầu thương vụ này Hart đã thiệt hại. Sau khi duy trì ổn định trong vòng 6 tháng đầu năm 2010, đồng NDT tăng liên tục trong ba năm rưỡi tiếp theo. Cuối cùng, đồng NDT cũng giảm giá những hiện tượng giảm giá mạnh như Hart mong đợi chưa bao giờ xảy ra. Hậu quả Hart mất khoảng 240-250 triệu USD.
Theo Hart giải thích, sai lầm lớn nhất của ông là tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc vì lợi ích tốt nhất của quốc gia sẽ để đồng NDT trượt giá. Tuy nhiên, các nhà lập pháp lại ra sức nâng đỡ đồng tiền này, thắt chặt kiểm soát vốn và nhanh chóng tiêu hết 800 tỷ USD dự trữ ngoại tệ trong hai năm qua. Đối với Hart, đó là một tính toán sai lầm hiếm xảy ra.
Hart không phải là nhà đầu tư duy nhất dự đoán đồng NDT mất giá. Kyle Bass của Quỹ Quản lý nguồn vốn Hayman – người từng làm việc với Hart trong vụ cá cược vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn, tháng 2/2016 cho rằng đồng NDT sẽ mất giá 30%. Các nhà quản lý từ Quỹ David Tepper đến quỹ Crispin Odey đều có chung suy nghĩ từ năm 2015.
Trong khi một số quỹ đầu tư vẫn đang mắc kẹt với vụ cá cược của mình, Hart cho biết làn sóng đã chuyển hướng sang có lợi cho Trung Quốc. Các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào đồng NDT khi Trung Quốc đang từng bước hội nhập với hệ thống tài chính toàn cầu, sau khi dự án “Vành đai và Con đường” cho phép Trung Quốc thắt chặt quan hệ thương mại dọc suốt châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Ông Hart nhận định chính sách kiểm soát vốn của Bắc Kinh, bao gồm hạn chế các hoạt động sát nhập của các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài, đã được chứng minh khá hiệu quả. “Tôi không ngờ rằng nhiều người giàu Trung Quốc lại mua các câu lạc bộ bóng đá lớn ở nước ngoài đến vậy”.
Đối với Trung Quốc, nợ doanh nghiệp đạt mức kỷ lục vẫn đang là một thách thức, song quốc gia này đang bắt đầu hưởng những lợi ích từ hệ thống cơ sở hạ tầng “đẳng cấp thế giới” và ngành kỹ thuật phát triển.(Baotintuc)