tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 11-09-2017

  • Cập nhật : 11/09/2017

Hiệu suất gấp 3 taxi truyền thống, vì sao Uber, Grab bị cấm?

 Tỷ lệ lấp đầy của Uber, Grab là 75%, trong khi taxi truyền thống là 23%, có nghĩa một xe taxi công nghệ chạy năng suất bằng 3 xe taxi truyền thống chạy trên đường, 3.000 xe taxi công nghệ có thể thay thế 10.000 xe truyền thống hiện nay. Vậy tại sao vẫn hạn chế?

o nuoc ngoai, taxi cong nghe la loai hinh dich vu tien tien va duoc ung ho. anh: reuters.

Ở nước ngoài, taxi công nghệ là loại hình dịch vụ tiên tiến và được ủng hộ. Ảnh: Reuters.

Câu hỏi trên được CEO Đỗ Hoài Nam, Đồng sáng lập UP-Co Working Space nêu lên tại “Tọa đàm Chính sách quy hoạch giao thông trong kỷ nguyên số - Góc nhìn của các nhà kinh tế” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách ( VEPR) tổ chức diễn ra vào ngày 8/9.

Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho biết, khoa học công nghệ đang làm thay đổi mọi mặt cuộc sống, riêng trong giao thông, việc xuất hiện loại hình xe hợp đồng điện tử, điển hình là Grab, Uber, đang đặt ra yêu cầu cơ quan chức năng phải có cơ chế quản lý mới về loại hình dịch vụ này.

Theo ông Thành, Uber/Grab là loại hình xe hợp đồng điện tử, không thuộc nhóm 5 loại hình taxi trong luật quy định hiện nay, vì vậy nếu như nhà quản lý và người tham gia soạn thảo chính sách không phân biệt rõ ràng thì sẽ dẫn đến nhầm lẫn, "thực tế là cái cốc nhưng lại nhìn như cái đĩa và có những chính sách thiếu phù hợp đối với loại hình này", ông Thành dí dỏm.

“Nhiều nhà quản lý địa phương đã có suy nghĩ Uber, Grab giống như taxi và đây là một hãng taxi, nếu phát triển quá nhanh thì cần có điều tiết nên có khuynh hướng đưa ra giới hạn với Uber, Grab, thậm chí có địa phương có chính sách cấm loại hình này như Đà Nẵng, phải chăng đang ứng xử với cái cốc như cái đĩa?”, ông Thành đặt ra câu hỏi.

Ngoài ra, một số nhà quản lý cho rằng Uber, Grab chính là tác nhân gây ra tắc đường, Trong khi đó, với mỗi khách hàng sử dụng Grab, Uber, đồng nghĩa với việc họ đã từ bỏ một phương tiện vận chuyển quen thuộc, có thể là xe máy, ô tô… đồng nghĩa với việc mật độ xe lưu thông trên đường giảm, giúp đỡ ùn tắc giao thông.

Nhận định thêm về việc hạn chế Uber, Grab, TS. Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nghi ngờ rằng có lợi ích riêng trong việc này.

Dẫn chứng từ việc Chủ tịch Tp. Hà Nội Nguyễn Đức Chung sẵn sàng nêu tên các quan chức chống lưng cho bia hơi vỉa hè, ông Vinh cho rằng có lợi ích của các hãng taxi truyền thống có ảnh hưởng đến một số nhà cầm quyền nên mới có những chính sách hạn chế này.

ts. dang quang vinh lo ngai ve lien can loi ich giua co quan quan ly va taxi truyen thong

TS. Đặng Quang Vinh lo ngại về liên can lợi ích giữa cơ quan quản lý và taxi truyền thống

T.S Phạm Thế Anh cũng cho rằng, rõ ràng giá cước của Uber, Grab thấp hơn giá cước taxi truyền thống, vậy giữa cơ quan quản lý và taxi truyền thống có liên quan lợi ích gì mà cơ quan quản lý ra các điều kiện kinh doanh để bảo hộ taxi truyền thống, quay lưng lại với người tiêu dùng?

Thực tế, các diễn giả đều nhận định, Grab, Uber là loại hình dịch vụ ứng dụng công nghệ nên có ưu thế vượt trội so với taxi truyền thống, vì vậy, việc hạn chế Grab, Uber là điều không khả thi.

“Chính phủ có rất nhiều nguồn lực để thực hiện một chính sách nào đó, nhưng với Grab, Uber, cần cân nhắc lợi hại trước khi quyết định hạn chế hay không. Tôi cho rằng, việc hạn chế, hay cấm Grab, Uber như ở Đà Nẵng, nếu Chính phủ quyết tâm, sẽ làm được nhưng hiệu quả không cao và sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cho thị trường, nhà nước và xã hội”, TS. Đặng Quang Vinh cho biết.

Đấy là chưa kể, Grab, Uber đang tối ưu hóa được nguồn lực xã hội, giúp tài xế có thêm thu nhập và hành khách được sử dụng dịch vụ với giá rẻ hơn so với taxi truyền thống nhờ ứng dụng khoa học công nghệ làm giảm chi phí.

“Chính taxi truyền thống, một mặt ra sức kêu than về dịch vụ Grab, Uber, một mặt lại đang vận động để cho ra các ứng dụng tương tự”, ông Vinh cho biết thêm.

Như vậy, có thể thấy, sử dụng dịch vụ của Uber, Grab là xu hướng không thể cưỡng lại được.

Hơn nữa, Grab, Uber là loại hình ứng dụng khoa học công nghệ, trong khi đó Chính phủ đang kêu gọi thúc đẩy CMCN 4.0. Như vậy, “nếu chúng ta từ chối Uber, Grab hay cho phép địa phương thiết lập rào cản với loại hình này sẽ phát đi thông điệp vô hình chung chung, nói áp dụng khoa học công nghệ nhưng thực tế không làm được. Đó sẽ là thông điệp không chỉ với ngành vận tải mà còn các ngành khác nữa”TS. Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân quan ngại.

t.s pham the anh tai buoi toa dam

T.S Phạm Thế Anh tại buổi tọa đàm

Trước những thực tế trên, T.S Phạm Thế Anh đã đặt câu hỏi: Hiện các cơ quan quản lý nhà nước đang loay hoay đặt các điều kiện kinh doanh đối với Grab, Uber, tại sao chúng ta lại không yêu cầu các hãng taxi truyền thống phải sử dụng những công nghệ mới để giảm chi phí, tối ưu nguồn lực xã hội như Uber?

Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ như tại Grab, Uber là hợp với chính sách chung của Đảng và Nhà nước, về một nền kinh tế không dùng tiền mặt, về việc tận dụng khoa học công nghệ để tiến lên cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, “đã đến lúc các nhà quản lý chính sách phải khuyến khích chính quyền địa phương hạn chế taxi truyền thống để đẩy mạnh mô hình ứng dụng công nghệ này”, CEO Đỗ Hoài Nam nói. (Viettimes)
--------------------------

Trung Quốc đầu tư lớn nâng cấp hệ thống sưởi ấm sử dụng năng lượng sạch

Chính quyền trung ương và một số địa phương ở Trung Quốc cam kết sẽ đầu tư lớn trong 3 năm tới để nâng cấp hệ thống sưởi ấm sử dụng năng lượng sạch tại 12 thành phố thuộc khu vực phía Bắc nước này.

 

tinh trang o nhiem khoi bui nghiem trong vao mua dong. anh: afp/ttxvn

Tình trạng ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng vào mùa Đông. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc (MOF) Lưu Vĩ cho biết 12 thành phố nói trên, trong đó có Thạch Gia Trang, Thái Nguyên và Thiên Tân, đang bắt tay triển khai dự án thử nghiệm hệ thống sưởi ấm sử dụng các nguồn năng lượng sạch vào mùa Đông, bởi đây là những thành phố thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng vào mùa Đông, một phần nguyên nhân là do quá phụ thuộc vào than đá.

Theo ông Lưu Vĩ, các địa phương sẽ đóng góp khoản tài chính với tổng trị giá khoảng 69,7 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 11 tỷ USD) để hoàn thiện dự án nâng cấp hệ thống sưởi ấm sử dụng năng lượng sạch trong 3 năm tới. Bên cạnh đó, vốn huy động từ các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và các nguồn phi chính phủ khác sẽ là trên 200 tỷ Nhân dân tệ. Ngoài ra, ngân sách trung ương cũng hỗ trợ cho mỗi địa phương từ 500 triệu Nhân dân tệ đến 1 tỷ Nhân dân tệ.

Chương trình trên công bố vào tháng 5, được triển khai sau khi báo cáo công tác năm 2017 của Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc khẳng định sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm do sử dụng than đá gây ra bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có hệ thống sưởi ấm sử dụng năng lượng sạch ở khu vực phía Bắc và thay thế than đá bằng điện và khí đốt tự nhiên tại hơn 3 triệu hộ gia đình.(TTXVN)
---------------------------

Đối thủ của Uber ngưng hoạt động ở London chỉ sau 3 ngày ra mắt

Taxify, hãng chia sẻ xe giá rẻ của Estonia với vốn đầu tư phần lớn từ tập đoàn Didi Chuxing Trung Quốc, đã buộc phải rời khỏi những con đường ở London chỉ ba ngày sau khi ra mắt.

Theo CNN, Taxify vừa tuyên bố họ phải “tạm ngưng hoạt động để làm rõ các vấn đề pháp lý của công ty với nhà quản lý và cố gắng tìm kiếm một giải pháp để có thể trở lại hoạt động bình thường”.

Taxify mới ra mắt tại London hôm 5.9, nhưng vì quá nôn nóng tham gia vào một trong những thị trường bận rộn nhất thế giới mà hãng này đã không đăng ký hoạt động theo tên công ty, thay vào đó mua lại giấy phép của City Drive Services.

Cục Vận tải London (TfL) xác nhận đã chỉ đạo việc tạm đình chỉ dịch vụ chia sẻ xe của Taxify tại thành phố sau khi các cơ quan chức năng đặt câu hỏi về tình trạng pháp lý của công ty. “Luật yêu cầu tất cả các dịch vụ vận tải tư nhân phải có giấy phép được cấp tại nơi triển khai dịch vụ. Taxify không phải là đơn vị được cấp phép nên không thể hoạt động ở London”, TfL cho hay.

Được biết ứng dụng của Taxify vẫn có sẵn để tải về, nhưng khi đặt chuyến đi người dùng sẽ nhận được thông báo “không có trình điều khiển”. Ứng dụng của hãng đã đứng đầu danh sách được tìm kiếm trên App Store của Apple vào ngày đầu ra mắt và sau ba ngày đã đạt hơn 30.000 lượt tải về ở Anh.

Bắt đầu hoạt động tại Estonia vào năm 2013, nhưng Taxify tuyên bố đã có hơn 2,5 triệu khách hàng trên 19 quốc gia ở châu Âu, châu Phi và Trung Mỹ. Để cạnh tranh với Uber tại thị trường London, Taxify đã cung cấp mức cước phí chỉ bằng một nửa đối thủ và cam kết không tăng giá cho đến cuối tháng này.(Thanhnien)
---------------------

TP HCM dừng làm tuyến BRT 144 triệu USD

UBND TP HCM vừa quyết định dừng triển khai tuyến BRT đầu tiên trên đại lộ Đông Tây (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ). Động thái này dựa trên nghiên cứu của Sở Giao thông Vận tải về tính khả thi và hiệu quả của tuyến buýt nhanh.

Theo Sở, lượng khách năm đầu tiên chỉ khoảng 17.700 người một ngày, không giống như dự báo trước đây là hơn 24.700 người. Sản lượng hơn không nhiều so với các tuyến buýt thường hiện nay, thậm chí thấp hơn một số tuyến, trong khi kinh phí đầu tư BRT rất lớn.

 

phoi canh tuyen brt so 1 cua tp hcm tung duoc nghien cuu trien khai. anh: ucci.

Phối cảnh tuyến BRT số 1 của TP HCM từng được nghiên cứu triển khai. Ảnh: UCCI.

Nếu mở tuyến buýt chất lượng cao, thành phố không cần đầu tư hệ thống giao thông thông minh, cải tạo làn dành riêng suốt tuyến, thiết bị soát vé, nhà chờ, kết cấu hạ tầng, đầu tư phương tiện BRT… Ngoài ra, còn thực hiện được dự án, tranh thủ nguồn vốn ODA, tránh được rủi ro.

Tại cuộc họp mới đây, ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông Đô thị TP (UCCI) cũng đồng quan điểm.

Theo ông Phúc, qua bốn lần khảo sát, đánh giá mô hình BRT của Hà Nội cũng như tham khảo 3 mô hình BRT Nam Mỹ, BRT châu Âu, BRT châu Á cho thấy "làm tuyến buýt nhanh tại thời điểm này là chưa phù hợp". Thay vào đó, thành phố nên làm tuyến buýt chất lượng cao ngay trên đại lộ Võ Văn Kiệt, 5-10 năm sau có điều kiện thì nâng cấp lên BRT.

Trước đó, UBND TP HCM đã giao UCCI làm chủ đầu tư việc nghiên cứu và thực hiện tuyến xe buýt nhanh số 1 qua địa bàn các quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh dài 23 km, tổng số vốn khoảng 144 triệu USD.

TP HCM hiện có 3 tuyến buýt chất lượng cao hoạt động theo hình thức không trợ giá, 20.000 đồng mỗi lượt, từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm, các bệnh viện và bến xe lớn. Xe được đầu tư mới, thiết kế hiện đại đạt chuẩn chất lượng khí thải Euro II, có camera giám sát, hệ thống đảm bảo an toàn cho hành khách (hệ thống chống kẹt cửa tự động, giảm xóc khí nén, thảm sàn cao cấp chống trơn trượt, hệ thống tự điều chỉnh phanh và côn)…(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục