126.000 tỷ đồng đầu tư vào tỉnh Bình Thuận; Hai doanh nghiệp mía đường lớn nhất nước tính chuyện sáp nhập; Liệu vàng có trở lại thời đỉnh cao? IMF tăng dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2017 lên 3,5%.
Tin kinh tế đọc nhanh 12-07-2017
- Cập nhật : 12/07/2017
Đại gia hàng đầu Trung Quốc bán tháo tài sản để trả nợ
Tập đoàn Wanda, một trong những doanh nghiệp Trung Quốc mua sắm tài sản nước ngoài điên cuồng nhất, vừa thông báo một vụ chuyển nhượng tài sản lớn nhất nước này giữa lúc đang phải gom tiền trả nợ.
Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 10-7 dẫn thông báo trên trang web của Wanda cho biết tập đoàn này sẽ bán 76 khách sạn mang thương hiệu Wang Jianlin của mình, bên cạnh 91% cổ phần của 13 công viên giải trí và các dự án về văn hóa và du lịch, cho công ty Sunac China của đại gia Sun Hongbin với giá 63 tỉ Nhân dân tệ (tương đương 9,3 tỉ USD).
Thương vụ chuyển nhượng còn bao gồm khu nghỉ dưỡng Harbin Wanda City trị giá 6 tỉ USD, với một khu trượt tuyết trong nhà lớn nhất thế giới mới mở cửa 2 tuần trước.
Sunac China vốn là một đối thủ kinh doanh với Wanda.
Phía Wanda nói rằng thương vụ chuyển nhượng tài sản này được thực hiện hoàn toàn theo lợi thế công nghiệp cạnh tranh với bên mua. Thế nhưng, giới phân tích khẳng định tập đoàn này có thể đang đối phó sự giám sát chặt của các cơ quan quản lý ngân hàng của nền kinh tế thứ 2 thế giới nhằm thu hồi nợ.
Wanda cùng với các tập đoàn Anbang, Fosun và HNA, bốn doanh nghiệp lớn thu mua tài sản nước ngoài mạnh nhất của Trung Quốc, đang đối mặt với những khoản nợ trị giá 11,5 tỉ USD đáo hạn vào cuối năm 2018, theo dữ liệu của Bloomberg.
"Wanda có thể đang cảm thấy áp lực tài chính, nếu không họ sẽ không cần bán tống bán tháo nhiều tài sản đến thế"- chuyên gia Liu Feifan, thuộc hãng Guotai Junan International nhận định.
Thực tế Wanda đã phải hủy bỏ thương vụ mua hãng Dick Clark Production trị giá 1 tỉ USD hồi tháng 3, sau khi tập đoàn này không nhận được chấp thuận từ cơ quan giám sát. Không những không thực hiện được thương vụ này, Wanda còn phải ngậm ngùi móc hầu bao 50 triệu USD để nộp phạt cho đối tác, theo thỏa thuận từ trước.
Ông Wang Jianlin – ông chủ của Wanda vốn là một trong những đại gia giàu nhất Trung Quốc sở hữu khối tài sản hơn 30 tỉ USD. Ảnh: Reuters
Theo SCMP, ông Wang Jianlin – ông chủ của Wanda - vốn là một trong những đại gia giàu nhất Trung Quốc, sở hữu khối tài sản hơn 30 tỉ USD, cũng đang lên kế hoạch chuyển niêm yết công ty quan trọng của mình là Dalian Wanda Commercial Properties từ Hồng Kông sang sàn giao dịch Thượng Hải.
Ông Wang đã chi 4,4 tỉ USD để mua lại toàn bộ cổ phiếu của công ty nói trên ở Hồng Kông hồi năm ngoái để niêm yết lại nhưng vẫn chưa đạt được tiến triển nào trong việc chuyển đổi.
Báo Caixin của Trung Quốc hôm 10-7 dẫn lời ông Wang cũng như các nguồn tin khác từ Wanda cho hay tiền thu được từ bán các khách sạn và khu nghỉ dưỡng của Wanda sẽ được dùng để trả nợ ngân hàng.(NLĐ)
-----------------------
Miếng bánh 4.000 tỉ du lịch trực tuyến vào tay DN ngoại
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam vừa công bố báo cáo cho biết du lịch trực tuyến đang tạo ra cơ hội mới giúp ngành du lịch có bước phát triển đột phá.
Doanh số du lịch trực tuyến toàn cầu năm 2016 tăng 14% và đạt khoảng 565 tỉ USD. Du lịch trực tuyến đang tăng trưởng mạnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, tỉ lệ lớn khách ra và vào Việt Nam sử dụng dịch vụ là của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài. Thậm chí tỉ lệ khách du lịch nội địa sử dụng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài cũng không nhỏ.
Nhận định của hãng bán vé máy bay và du lịch trực tuyến Gotadi.com tại Việt Nam cũng chỉ ra các hãng du lịch trực tuyến nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ, đang thống lĩnh thị trường do có lợi thế về công nghệ, nguồn vốn. Agoda và Booking dẫn đầu và chiếm hơn 80% thị phần đặt phòng trực tuyến. Họ áp đảo cả hai mảng khách du lịch Việt Nam đi trong nước và nước ngoài cũng như khách nước ngoài đến Việt Nam. Theo tính toán của Gotadi, riêng năm 2016, Agoda thu được hơn 4.000 tỉ đồng tại các khách sạn ở Việt Nam.
Công ty Du lịch Vietravel cho biết thêm tỉ lệ khách du lịch trên thế giới sử dụng công cụ trực tuyến để hỗ trợ cho việc đặt dịch vụ du lịch chiếm 76% thị phần. Tại Việt Nam, thị phần du lịch trực tuyến đang nghiêng về các công ty du lịch nước ngoài. “Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư mạnh về công nghệ, nhạy bén về sản phẩm và xu hướng nhưng chưa đa dạng sản phẩm. Trong khi doanh nghiệp Việt đa dạng nguồn sản phẩm nội tại nhưng lại chưa đầu tư đủ mạnh về công nghệ, chưa đồng nhất kênh truyền thông” - đại diện Vietravel phân tích.(PLO)
------------------------
“Sân sau” như cửa kinh doanh béo bở của một số quan chức
Theo TS Nguyễn Minh Phong, "sân sau" thể hiện cao nhất lợi ích của một số cán bộ coi việc tham gia hệ thống lãnh đạo như một cửa kinh doanh.
Câu chuyện "sân sau" của quan chức một lần nữa khiến dư luận bức xúc khi những sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh – Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ. Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong về vấn đề này.
PV: Trong quyết định cảnh cáo bà Phan Thị Mỹ Thanh chỉ rõ, từ năm 2008 khi giữ cương vị Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, bà Thanh vẫn tham gia điều hành công ty TNHH Cường Hưng do chồng của bà là cổ đông sáng lập và là Chủ tịch HĐTV. Bà Thanh còn lấy ngân sách để hỗ trợ BOT của chồng. Theo ông, vì sao công ty của một quan chức cấp tỉnh lại ngang nhiên tồn tại và được chống lưng công khai như vậy?
Ông Nguyễn Minh Phong: Có thể nói về mặt pháp lý, về mặt Đảng có những quy định khá chặt chẽ, theo đó một người đang ở cương vị này thì không để người nhà hoặc không trực tiếp tham gia vào những hoạt động kinh tế có liên quan. Tuy nhiên, ở địa phương thường hay có xu hướng: một là người đứng đầu thường o bế thông tin và những người phía dưới phụ thuộc rất ngại vượt cấp để có thông tin ra ngoài; thứ hai, có thể các đồng cấp nể nhau, nên tạo ra một hệ thống thông tin khép kín.
Một khi không có những cú “vượt rào”, hay những chỉ đạo từ trên cao xuống thì tình trạng ngang nhiên như vậy vẫn cứ diễn ra, không chỉ một địa phương mà có thể địa phương khác cũng có tình trạng này.
PV: Ông có bình luận gì về thực trạng “sân sau” của cán bộ ở mọi cấp, mọi nơi ngày càng nở rộ?
Ông Nguyễn Minh Phong: Chắc chắn đây là một vấn nạn đã, đang và sẽ tiếp tục tồn tại nếu chúng ta không có những cơ chế đột phá để ngăn cản.
Lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân đang trở thành mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với Đảng, chính quyền. Sân sau thể hiện cao nhất lợi ích của một số cán bộ coi việc tham gia hệ thống lãnh đạo như là một cửa kinh doanh, đặc biệt đối với những người bỏ tiền ra để “chi phí đầu vào” thì khi vào cuộc, có vị trí, có quyền thì chắc chắn tìm mọi cách để tham nhũng, hoàn vốn, làm lời rồi sau đó mới thực hiện nghĩa vụ của mình.
Tình trạng này tạo nguy cơ “ngưu tầm ngưu”, và sau vài vòng quay nhiệm kỳ như vậy là một xu hướng rất nguy hiểm đó là cán bộ đó ngày càng thấp dần về trình độ, vô nguyên tắc, vô trách nhiệm, tạo ra tình trạng tư nhân hóa ngầm, thất thoát tài sản công, biến các doanh nghiệp nhà nước, biến đất công, tài sản công thành đất của tư nhân theo đúng nghĩa; được nhân danh, được bảo vệ bởi hệ thống đáng lẽ cần phải dùng để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Tình trạng này cũng tạo ra sự suy thoái, đổi màu trong hệ thống quản lý, thậm chí tạo ra sự nhân danh rất nguy hiểm, đó là lợi ích của quốc gia, của Đảng, Nhà nước trở thành một bệ đỡ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm dựa vào, thậm chí làm rỗng cũng như gây ra nguy cơ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân vượt cả lợi ích quốc gia.
PV: Có nhiều người cho rằng, thật ra lâu nay người dân và nhất là giới doanh nghiệp không lạ gì chuyện sân sau của quan chức lãnh đạo nhưng họ không dám lên tiếng tố cáo vì sợ bị trả thù, hoặc chính họ có chung những quyền lợi nhất định. Theo ông, còn cái khó nào nữa khiến cho người ta không thể chỉ mặt, đặt tên sân sau nào là của ai?
Ông Nguyễn Minh Phong: Đây là một bài toán, một câu hỏi đã đặt ra và câu trả lời cũng đã có ở mức độ này, mức độ khác. Chúng tôi cho rằng có một số yếu tố gây nên tình trạng trên, thứ nhất là lợi ích liên kết, kể cả doanh nghiệp chi như vậy thì họ cũng xác định có lợi ích trong đó, hoặc có ưu đãi lớn hơn, vượt lên trên người khác, cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp khác, do đó họ cũng o bế để kìm giữ thông tin, thậm chí còn thúc đẩy quá trình này.
Thứ hai, giữa các cán bộ vừa là đồng cấp, cùng liên kết lợi ích để tạo ra hệ thống bao che lẫn nhau, đây được coi là một trong những nguy cơ lớn nhất và nguy hiểm nhất.
Thứ ba, cơ chế phát hiện vượt cấp, cơ chế ngành dọc để kiểm tra mặc dù đã có quy định nhưng dường như bị vô hiệu hóa, thậm chí một số đơn từ gửi lên trên, tới báo chí rồi lại quay về nơi xuất phát hoặc xử lý người phát giác. Rõ ràng đây là một cơ chế rất nguy hiểm. Quốc hội cũng đã có nhiều ý kiến cần có Luật bảo vệ nhân chứng, bảo vệ người tố cáo để tạo ra động lực cũng như cơ chế an toàn trong thông tin.
Các đơn thư nặc danh gần đây đã được xem xét nhưng chúng tôi cho rằng kể cả đường dây nóng nặc danh cũng cần được khuyến khích, tất nhiên cần có cơ chế để tránh sự lạm dụng, nếu không thì tình trạng o bế thông tin, chậm trễ, thậm chí liên kết dìm thông tin, duy trì tình trạng lợi ích nhóm và sân sau sẽ còn tiếp tục. Đó cũng là một trong những kênh nguy hiểm nhất dẫn tới sự mất uy tín, lãng phí, tham nhũng kéo dài, đặc biệt có thể gây ra nguy cơ sự chính danh và sự đổ vỡ của hệ thống.
PV: Theo ông, đâu là mấu chốt, là những việc cần làm ngay để giải quyết triệt để vấn đề này?
Ông Nguyễn Minh Phong: Đột phá phải là công tác cán bộ, phải rà soát, thay đổi cơ chế vừa phát hiện vừa bổ nhiệm, vừa thanh tra vừa bổ nhiệm cán bộ. Rất tốt là gần đây chúng ta đã áp dụng thử nghiệm ở 14 đơn vị, Bộ, ngành, 22 địa phương về thi tuyển công, viên chức từ cấp Vụ, cấp Sở, phòng, nếu làm tốt sẽ mở rộng ra cả nước và tất cả các nơi, cũng như mở thêm ở cấp cao hơn.
Đột phá thứ hai là cần gia tăng công tác kiểm tra, thanh tra, đánh giá cán bộ để miễn nhiệm cán bộ cũng như phát hiện tham nhũng. Chương trình bảo vệ người tố cáo, chống trả thù rất quan trọng, chỉ khi có cơ chế này tốt thì mới phát hiện tốt.
Về mặt luật pháp cũng cần rà soát lại để bịt kín hơn, bắt lỗi một cách nhanh nhạy hơn, chế tài nghiêm khắc hơn những hành vi cố tình vi phạm cũng như cho các hành vi chưa được nhận diện để đưa vào bao quát. Cuối cùng là hệ thống thông tin, công khai tất cả các vụ việc, xử lý kết quả để tạo ra giám sát xã hội, giám sát chéo, giám sát lẫn nhau là rất cần thiết. (VOV)
------------------------
Sếp ngân hàng liên tục từ nhiệm
Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang bước sang giai đoạn 2, biến động vị trí lãnh đạo cấp cao tại các nhà băng cũng cùng với đó diễn ra nhộn nhịp.
Không chỉ ban lãnh đạo mà nhiều vị trí tại HĐQT các ngân hàng cũng có sự thay đổi.
Mùa biến động lãnh đạo cấp cao tại ngân hàng Việt
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank) đã có thông báo liên quan tới việc thay đổi lãnh đạo cấp cao tại nhà băng. Ngân hàng cho biết ông Đặng Bảo Khánh – Tổng giám đốc chính thức từ nhiệm từ này 5/7. HĐQT cũng bổ nhiệm ông Lê Văn Tần – Phó tổng giám đốc lên đảm nhiệm thay vị trí ông Khánh.
Ông Khánh đã tham gia công tác điều hành và quản lý tại SeABank từ năm 2009, trong khi ông Lê Văn Tần cũng có 8 năm tham gia quản trị, điều hành tại nhà băng này.
Tại Sacombank, chỉ vài ngày sau ĐHĐCĐ của ngân hàng này được tổ chức, hàng loạt thay đổi về lãnh đạo cấp cao đã được diễn ra.
HĐQT Sacombank đã bổ nhiệm ông Lê Văn Ron giữ chức Phó tổng giám đốc phụ trách Quản lý rủi ro ngân hàng. Sacombank cũng quyết định thôi nhiệm và chấm dứt hợp đồng lao động với ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó tổng giám đốc, để ông Vũ đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới.
Ông Phan Huy Khang cũng được HĐQT Sacombank đồng thuận miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc từ ngày 3/7, người bổ sung thay thế là bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó tổng giám đốc. Theo đó, bà Diễm sẽ giữ chức danh quyền Tổng giám đốc từ ngày 3/7, do phải chờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt chức danh Tổng giám đốc tại Sacombank.
Tại ĐHĐCĐ ngày 30/6, nhà băng này cũng thôi nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc của ông Hà Tôn Trung Hạnh, để ông này chuyển sang vị trí Thành viên BKS nhiệm kỳ 2017-2021.
Tại VietABank, biến động lãnh đạo cấp cao cũng diễn ra liên tục. Cuối năm 2016, bà Phương Thanh Nhung được nhà băng này miễn nhiệm vị trí Tổng giám đốc và bầu thay thế là ông Lê Xuân Vũ. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau, ông Lê Xuân Vũ cũng thôi chức danh Tổng giám đốc. Người được đề cử thay thế ông Vũ là ông Nguyễn Văn Hảo, sẽ tạm thời đảm nhiệm vị trí quyền Tổng giám đốc tại ngân hàng này.
Còn tại NCB, bà Trần Hải Anh mới đây đã được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT thay thế ông Vũ Hồng Nam. Ở vị trí Tổng giám đốc, cuối năm ngoái ông Đào Trọng Khanh cũng bất ngờ thôi nhiệm không rõ lý do sau 9 tháng đứng ở vị trí này.
Tại Techcombank, vào đầu tháng 3, ngân hàng này bổ nhiệm thêm một Phó tổng giám đốc phụ trách công tác xử lý nợ là ông Nguyễn Cảnh Vinh. Trước đó, Techcombank cũng bổ nhiệm ông Nguyễn Lê Quốc Anh làm Tổng giám đốc thay cho ông Murat Yuldashev, từ nhiệm vì lý do cá nhân.
Nhà băng này cũng cho thôi nhiệm Giám đốc tài chính Vikesh Mirani cuối năm 2016.
Sự chuyển dịch nhân sự ở thị trường tài chính
Đầu tháng 5 vừa qua, LienVietPostBank thông báo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT chính thức từ nhiệm vì lý do cá nhân. Không lâu sau đó, ông Hưởng có tên trong danh sách tham gia ứng cử thành viên HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2017-2021.
Tuy nhiên, cũng chỉ vài ngày sau đó, ông Hưởng bất ngờ rút lui khỏi danh sách ứng cử để quay trở về LienVietPostBank và được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Trong khi đó, ông Dương Công Minh từ nhiệm vị trí này để sang Sacombank và được bầu làm Chủ tịch HĐQT.
Bà Lê Thị Hoa sau khi được bầu vào vị trí Thành viên HĐQT Sacombank cũng thôi đảm nhiệm vị trí Ủy viên HĐQT Vietcombank với lý do nghỉ hưu trước tuổi.
Những đại gia từng muốn 'chen chân' tái cấu trúc Sacombank Sau khi NHNN xét đưa Sacombank vào diện tái cơ cấu để tập trung xử lý nợ xấu, nhiều nhóm đầu tư đã ngỏ ý muốn tham gia nhà băng này với những kế hoạch khác nhau.
Trong một cuộc trao đổi với Zing.vn, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search, Tập đoàn Navigos, cho biết những năm gần đây thị trường tài chính đang chứng kiến sự chuyển dịch rõ ràng về nhân sự cấp trung và cấp cao.
“Nếu như trước đây, những vị trí giám đốc tài chính, giám đốc quản lý rủi ro tại các tổ chức tín dụng thường là người nước ngoài đảm nhiệm thì hiện nay, hầu hết vị trí này do người Việt quản lý”, bà Mai cho biết.
Theo bà Mai, có 3 yếu tố dàn lãnh đạo Việt đang sở hữu, dẫn tới việc các vị trí giám đốc tài chính hiện này đều do người Việt quản lý, chính là trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý, đặc biệt là hiểu biết thị trường tài chính nội địa.
“Trước đây người Việt bị thua so với người nước ngoài, vì không có cơ hội để có những bằng cấp chuyên môn hay kinh nghiệm bằng các chuyên gia nước ngoài. Nhưng cùng với thời gian và sự hội nhập quốc tế gần đây, người Việt đã có nhiều cơ hội để tiếp cận với bằng cấp chuyên môn cao cấp nước ngoài, những kinh nghiệm quản lý và hiểu biết rộng hơn về thị trường nội địa”, bà Mai chia sẻ.
Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang bước sang giai đoạn thứ 2. Nhiều ngân hàng đang phải tích cực xử lý khối nợ xấu khổng lồ và nguồn tài sản bảo đảm lớn trong lĩnh vực bất động sản. Những biến động nhân sự vừa qua được xem là bước khởi đầu cho quá trình tái cơ cấu và tập trung xử lý nợ xấu theo đề án của NHNN.(Zing)