Chuẩn bị di dời cảng Nhà Rồng - Khánh Hội và cảng Tân Thuận; Mỹ điều tra chống bán phá giá sợi polyester nhập từ Việt Nam; World Bank rót thêm 300 triệu USD vào cơ sở hạ tầng Việt Nam; Giá gạo Việt Nam tiếp tục tăng cao
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 18-04-2017
- Cập nhật : 18/04/2017
Tập đoàn Odebrecht của Brazil thừa nhận đưa hối lộ hơn 3 tỷ USD
Khoảng 3,3 tỷ USD là số tiền Tập đoàn xây dựng hàng đầu Brazil Odebrecht đã sử dụng để hối lộ trong suốt 9 năm cho đến năm 2014. Đây là tiết lộ mới nhất liên quan đến vụ bê bối tham nhũng khổng lồ tại quốc gia Nam Mỹ này.
Truyền thông Brazil ngày 15/4 cho biết theo một bản kê khai do một cựu giám đốc Odebrecht cung cấp cho các nhà điều tra theo thỏa thuận nhận tội, tập đoàn này đã hối lộ khoảng 730 triệu USD mỗi năm trong hai năm 2012 và 2013.
Bản kê khai ngoài ghi lại khoản hối lộ lên tới 3,3 tỷ USD còn có các khoản chi tiêu hàng năm khác của tập đoàn này.
Hiện, các lãnh đạo Odebrecht chưa bình luận về vấn đề này.
Một ngày trước đó, các cựu quan chức của tập đoàn này cũng thừa nhận đã hối lộ nhiều quan chức và cố ý đội giá 6 trong 12 dự án xây dựng và cải tạo sân vận động phục vụ World Cup 2014 tại Brazil.
Theo lời khai, các công ty con của tập đoàn này đã thông đồng giá thầu nhằm hưởng khoản chênh lệch từ 30 tới gần 88% so với giá trị thực trong các dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 1,72 tỷ USD nêu trên.
Những tiết lộ của lãnh đạo Odebrecht gần đây đã làm sáng tỏ quy mô cũng như cách thức tập đoàn này thường sử dụng để hối lộ các quan chức Brazil cũng như các nước khác để thắng thầu tại một loạt quốc gia Mỹ Latinh.
Hồ sơ lời khai của các cựu lãnh đạo Odebrecht không được niêm phong do có liên quan đến công tác điều tra vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil (Petrobras) dính líu tới 8 bộ trưởng đương nhiệm, 12 thống đốc và hàng chục nghị sỹ.
Tập đoàn Odebrecht đã thừa nhận đưa hối lộ gần 790 triệu USD cho nhiều nhân vật tại hơn 12 quốc gia với mục đích tìm kiếm sự ủng hộ và ưu ái của giới chức những nước này trong các dự án xây dựng. Sau khi nhiều vụ bê bối tham nhũng bị phanh phui, tập đoàn này cũng đã nhất trí trả khoản tiền phạt 3,5 tỷ USD cho Bộ Tư pháp Mỹ để dàn xếp các vụ kiện tụng.
Cho tới nay, 77 giám đốc của Odebrecht đã ký thỏa thuận cung cấp thông tin liên quan đến hành động phi pháp của tập đoàn này với các công tố viên Brazil để đổi lấy sự khoan hồng./.(TTXVN)
--------------------------
Huy động 10 tỷ USD mỗi năm cho xây dựng nông thôn mới
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị toàn quốc Văn phòng Điều phối NTM các cấp năm 2017, tại Hà Tĩnh, ngày 15/4.
Theo báo cáo tổng quan kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2016, đến thời điểm này, cả nước có 33 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, 2.656 xã (đạt 29,76%) được công nhận đạt chuẩn NTM.
Trong năm 2016, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương xây dựng NTM là 6.897 tỷ đồng. Dự kiến năm 2017, cả nước huy động được khoảng 222.951,1 tỷ đồng đầu tư thực hiện chương trình.
Năm 2017, cả nước phấn đấu có ít nhất 31% số xã đạt chuẩn NTM (tăng 5% so với năm 2016). Có ít nhất 38 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM (tăng thêm ít nhất 8 huyện được công nhận đạt chuẩn trong năm 2017).
Tại hội nghị đã có rất nhiều ý kiến tham luận đến từ các tỉnh, thành trên cả nước nhằm làm rõ những khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay tại địa phương trong xây dựng NTM, như: Phong trào “Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) ở Quảng Ninh; xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ở Hà Tĩnh, Nam Định
Theo Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngoài những thành tựu lớn mà Chương trình xây dựng NTM đã đạt được trong 6 năm như mang lại đời sống tốt hơn cho người dân. Tuy nhiên trong giai đoạn mới (2016-2020) đã có nhiều bất cập trong các quy định Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM cần phải điều chỉnh.
“Bước sang giai đoạn 2 (năm 2016) chúng ta gặp nhiều khó khăn thách thức, nhiều bất cập tồn tại mà chúng ta phải giải quyết sớm nếu không nguy cơ khó đặt được mục tiêu của giai đoạn 2 này”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh. (Tienphong)
----------------------------------------
PGBank vẫn chưa thể sáp nhập vào VietinBank
Thương vụ sáp nhập PGBank vào VietinBank vẫn chưa thể hoàn thành do vướng thủ tục và chưa nhận được sự chấp thuận từ cấp có thẩm quyền.
Thông tin này được ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) chia sẻ tại cuộc họp Đại hộ icổ đông thường niên sáng 17/4.
Theo báo cáo của Hội đồng quản trị, đến 31/12/2016, vốn chủ sở hữu của ngân hàng đạt gần 60.400 tỷ, vốn điều lệ hơn 37.230 tỷ đồng, tương ứng đạt 94% và 76% kế hoạch.
Lý giải việc tăng vốn chưa được hoàn thành như kế hoạch, Chủ tịch VietinBank cho hay một phần nguyên nhân đến từ việc ngân hàng dùng lợi nhuận để chia cổ tức theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, thay vì dự định sử dụng để tăng vốn trước đó.
Ngoài ra, việc sáp nhập PGBank vào ngân hàng này chưa hoàn thành, dù hồ sơ, tài liệu liên quan thương vụ này đã được VietinBank trình Ngân hàng Nhà nước. Sau khi xem xét, nhà chức trách yêu cầu VietinBank rà soát, cập nhật lại kết quả đánh giá cổ phiếu PGBank; đồng thời tính toán và đàm phán lại tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa 2 nhà băng này.Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa 2 ngân hàng được lãnh đạo VietinBank công bố cách đây 2 năm là 1: 0,9, tương đương một cổ phiếu PGBank đổi lấy 0,9 cổ phiếu VietinBank. Tuy nhiên, phương án này sau đó được đánh giá là có lợi hơn cho cổ đông PGBank.
Thương vụ sáp nhập PGBank vào VietinBank vẫn chưa thể hoàn thành do phải tính lại tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu.
Cũng theo phương án được VietinBank xây dựng trước đây, nhà băng này sẽ phát hành thêm 300 triệu cổ phiếu, trong đó 270 triệu cổ phiếu dùng để hoán đổi lấy 300 triệu cổ phiếu của cổ đông PGBank. 30 triệu cổ phiếu còn lại dành cho cổ đông hiện hữu.
“Chúng tôi vẫn chưa nhận được phê duyệt về nguyên tắc, chấp thuận chính thức về sáp nhập theo quy định hiện hành”, ông Thắng chia sẻ, đồng thời cho biết sau khi thuê đơn vị tư vấn độc lập thực hiện thẩm định lại giá trị cổ phiếu PGBank, VietinBank đang trong quá trình đàm phán, thống nhất với đối tác, để báo cáo lại cơ quan quản lý về thương vụ này.
Theo kết quả kinh doanh năm 2016, tổng tài sản Vietinbank đạt 949.000 tỷ đồng, tăng 22% so với 2015; lợi nhuận trước thuế 8.569 tỷ đồng. Tín dụng tăng 18% với dư nợ cuối năm đạt 722.000 tỷ đồng. Nợ xấu 0,9%; các chỉ số ROA, ROE tương ứng 1% và 11,8%.
Sau khi chia cổ tức và trích lập các quỹ, lợi nhuận năm 2016 còn lại hơn 1.667 tỷ đồng. Năm 2016, ngoài trừ mục tiêu tăng vốn không đạt được, hầu hết các chỉ tiêu của ngân hàng này đều tăng trưởng tốt.
Kế hoạch năm 2017, VietinBank muốn tăng tổng tài sản thêm 14%, lên mức trên 1 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 16% tương đương 826.865 tỷ và lợi nhuận trước thuế mức 8.800 tỷ đồng, chỉ tăng 3% so với 2016. Tỷ lệ chi trả cổ tức 5-7%, khoảng 2.600 tỷ.
Ông Lê Đức Thọ - Tổng giám đốc VietinBank cũng cho biết song song với nhóm khách hàng lớn, năm 2017, ngân hàng sẽ thực hiện bứt phá trong phân khúc khách hàng siêu vi mô, doanh nghiệp vừa và nhỏ… Nhà băng cũng sẽ dứt điểm xử lý, thu hồi các khoản nợ xấu, khoản nợ bán cho VAMC nhằm đẩy nhanh tốc độ tái tạo vốn kinh doanh.
Lãnh đạo ngân hàng cũng đặt ra giải pháp cấp bách để tăng vốn điều lệ, năng lực tài chính thông qua xây dựng phương án tăng vốn tự có từ nguồn cổ tức hằng năm, tăng vốn của các cổ đông và cấu trúc lại vốn tự có... "Chúng tôi sẽ đề xuất một số cơ chế đặc thù cho VietinBank", ông Thọ nói.(VNE)
---------------------------
Kinh tế Trung Quốc tăng tốc trong quý I
GDP nước này đã tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm nay.
Tốc độ tăng trưởng 6,9% trong quý I của Trung Quốc nhỉnh hơn so với 6,8% quý IV năm ngoái và cũng cao hơn dự báo của giới phân tích. Kinh tế Trung Quốc đã tăng tốc 2 quý liên tiếp do đầu tư nhích lên, doanh số bán lẻ phục hồi và sản lượng nhà máy tăng cao trong tháng 3.
Tháng trước, Chính phủ Trung Quốc từng cho biết mục tiêu của họ là "tăng trưởng quanh 6,5% hoặc cao hơn nếu có thể" trong năm 2017. Năm ngoái, GDP nền kinh tế lớn nhì thế giới chỉ tăng 6,7%. Chính phủ Trung Quốc cho biết ổn định kinh tế là ưu tiên hàng đầu của nước này trong năm nay.
Tuy vậy, rất nhiều nhà kinh tế học lo ngại nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc lần này sẽ phải trả giá. Do tín dụng ngân hàng vẫn tiếp tục tăng cao, khiến khối nợ tăng với tốc độ hơn gấp đôi nền kinh tế.