Bộ Tài chính: Nợ công có thể đạt đỉnh vào năm nay; Startup bất động sản gọi vốn thành công từ 2 quỹ Nhật Bản, Singapore; Phạt ba cửa hàng xăng dầu ở Long An hơn 800 triệu đồng; Cố vấn tỉ phú của ông Trump quyết định từ chức
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 19-04-2017
- Cập nhật : 19/04/2017
Tập đoàn Trung Quốc bị từ chối thương vụ sáp nhập ở Mỹ
Tập đoàn bảo hiểm Fidelity & Guaranty Life của Mỹ ngày 17-4 chính thức từ chối đề nghị thâu tóm 1,6 tỉ USD từ tập đoàn bảo hiểm Anbang của Trung Quốc.
Tòa nhà đặt trụ sở của Tập đoàn bảo hiểm Anbang (Trung Quốc) tại Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Sau hơn 1 năm loay hoay với các đàm phán về thương vụ này, tập đoàn bảo hiểm Mỹ quyết định “dừng cuộc chơi” với doanh nghiệp Trung Quốc để tìm cơ hội trong những đề nghị chào mua khác.
Hãng tin AFP dẫn lời giám đốc điều hành tập đoàn Fidelity & Guaranty Life (FGL), ông Chris Littlefield, cho biết: “Chúng tôi đã quyết định rằng việc tiếp tục theo đuổi thương vụ này với tập đoàn Anbang sẽ không có lợi cho các cổ đông của FGL”.
FGL cho biết họ đã để ngỏ khả năng thâu tóm với một bên khác và đã nhận được quan tâm của “một số bên”. Tuy nhiên thời gian qua họ vẫn chưa thể tiến hành một thỏa thuận khác trong lúc các giao dịch với tập đoàn Anbang vẫn đang diễn ra.
Với việc chính thức từ chối đề nghị thâu tóm trị giá 1,6 tỉ USD của Anbang, lúc này FGL đã có thể bắt đầu một giao dịch khác.
FGL không nói rõ lý do dẫn tới việc hủy bỏ giao dịch với Anbang, nhưng báo chí thương mại Mỹ cho biết thương vụ của Anbang đã vấp phải những trở ngại từ các cơ quan quản lý cấp bang.
Dù mới chỉ thành lập 13 năm trước, nhưng tập đoàn bảo hiểm Anbang của Trung Quốc đã vươn lên với tốc độ chóng mặt từ một công ty bán bảo hiểm bất động sản trong nước trở thành một tập đoàn tài chính lớn.
Tập đoàn này năm 2014 từng gây ồn ào dư luận với việc mua lại khách sạn Waldorf Astoria ở New York với giá kỷ lục 1,95 tỉ USD.
Tập đoàn bảo hiểm của Trung Quốc cũng đã từng chào mua chuỗi khách sạn và khu nghỉ dưỡng Starwood với mức giá 14 tỉ USD, nhưng trong thương vụ đó rốt cuộc họ đã không thắng được đối thủ là chuỗi khách sạn Marriott.
Theo báo Financial Times, Anbang là một trong nhiều doanh nghiệp Trung Quốc từng đối mặt với nhiều đợt thanh tra định kỳ sau một loạt các thương vụ kỷ lục do họ tiến hành năm 2016 từng gây quan ngại với giới chính quyền ở cả Trung Quốc lẫn nước ngoài.
Cũng theo tờ báo này thì trong vụ chào mua bất thành của Anbang với tập đoàn Starwood năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã ngấm ngầm ngăn cản Anbang. (Tuoitre)
------------------------------
Mỏ Núi Pháo sẽ sản xuất sản phẩm có chứa vàng
Theo ước tính, quy mô vàng có thể sản xuất trong các sản phẩm của mỏ Núi Pháo mỗi năm đạt khoảng 2.500 ounces, tương đương 2.075 lượng vàng.
Thông tin trên được ông Craig Bradshaw, phụ trách điều hành các hoạt động chính của Mỏ Núi Pháo chia sẻ trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Công ty cổ phần Tài nguyên Masan - Masan Resources (Mã CK: MSR). Sản phẩm chứa vàng sẽ là sản phẩm được khai thác từ quy trình sản xuất thứ 5 đang được công ty triển khai trong thời gian tới, dự kiến sẽ bắt đầu từ cuối năm 2017 và đầu 2018.
Theo ban điều hành của mỏ Núi Pháo, vàng cũng là một trong số 5 kim loại chính có mặt trong mỏ, bên cạnh vonfram - có trữ lượng lớn nhất và một số kim loại khác. Năm 2016, Masan Resources đạt kỷ lục về sản lượng đối với tất cả các mặt hàng, trong đó sản lượng vonfram đã tăng hơn 26% so với năm trước. Doanh thu của công ty đạt gần 4.049 tỷ đồng, tăng trưởng 52% so với 2015 với lợi nhuận sau thuế hơn 115 tỷ đồng, tăng 37%.
Về kế hoạch năm 2017, theo đánh giá của ban điều hành, giá một số sản phẩm sẽ tốt hơn nhưng vẫn còn những rủi ro nhất định. Theo đó, công ty đặt kế hoạch doanh thu năm nay khoảng 5.380 - 5.600 tỷ đồng (tăng 33-38% so với thực hiện năm 2016), với lợi nhuận sau thuế khoảng 150 - 290 tỷ đồng (tăng 36-164%).
Những rủi ro về giá và diễn biến khó dự đoán trên thị trường hàng hóa cũng là lý do công ty tiếp tục giữ lại lợi nhuận của năm 2016 nhằm nâng cao nền tảng vốn và đầu tư vào các chương trình sáng kiến nâng cao sản lượng. Tính đến hết năm 2016, lợi nhuận chưa phân phối của công ty đạt gần 2.552 tỷ đồng.
Trao đổi với VnExpress, ông Craig cho biết, dự kiến đến cuối 2017 tỷ lệ thu hồi từ quặng khai thác sẽ đạt 75% so với mức 65% của năm 2016. Mặc dù chi phí của quá trình này sẽ gia tăng, tuy nhiên Masan Resources sẽ cân bằng nhờ hiệu suất khai thác được cải thiện và giá bán các sản phẩm có chất lượng tốt sẽ tạo biên lợi nhuận cao hơn. Chỉ tính riêng vonfram, hiện mỏ Núi Pháo đã đưa ra thị trường 5 nhóm sản phẩm có chất lượng cao hơn so với quặng thô, với khoảng 30 loại khác nhau tùy theo yêu cầu của từng khách hàng.
The ông Chetan Prakash Baxi, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Masan Resources, hiện mỏ Núi Pháo đang chiếm thị phần 36% về cung cấp vonfram ngoài Trung Quốc. Việc đóng cửa thị trường từ quốc gia giữ thị phần cao nhất đối với tài nguyên này đã đưa nhiều khách hàng đến với Núi Pháo. Cũng nhờ vậy, giá thương thảo các hợp đồng trong năm 2017 cao hơn khoảng 20% so với năm trước.
Ban lãnh đạo công ty cũng đặt kỳ vọng sẽ nâng thị phần của mỏ Núi Pháo trên thị trường vonfram ngoài Trung Quốc lên khoảng 40% trong thời gian tới và đặt mục tiêu vốn hóa công ty đạt 3 tỷ USD vào năm 2020.(VNE)
----------------------------------------
Úc siết thị thực cho lao động nước ngoài
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ngày 18-4 tuyên bố nước này sẽ hủy loại thị thực 457 dành cho lao động nước ngoài làm việc tạm thời tại Úc và đưa ra các quy định thị thực chặt chẽ hơn đối với các đối tượng này.
BBC dẫn lời Thủ tướng Turnbull giải thích việc hủy bỏ thị thực 457 nhằm ưu tiên việc làm Úc dành cho người Úc. Trước đây, nhiều ý kiến chỉ trích chương trình này khiến nhiều người bản xứ mất việc làm vào tay các lao động nước ngoài.
“Hệ thống mới sẽ được triển khai một cách rõ ràng, khắt khe và cương quyết vì lợi ích quốc gia” – Thủ tướng Úc tuyên bố.
Thay vào đó, Úc sẽ ban hành hai loại thị thực tay nghề tạm thời thay thế mới là thị thực hai năm và loại đặc biệt bốn năm dành cho lao động có tay nghề cao.
Hệ thống mới sẽ có nhiều thay đổi. Cụ thể, đối với loại thị thực ngắn hạn, hơn 200 loại nghề nghiệp bị loại bỏ khỏi danh sách 650 nghề hiện tại. Với những nghề được cấp thị thực dài hạn, quy định sẽ được siết chặt hơn. Các thay đổi chung bao gồm các ứng viên sẽ bị đòi hỏi khả năng tiếng Anh cao hơn, bị kiểm tra hồ sơ hình sự...
Dù vậy, những người lao động hiện đang có visa 457 sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này. Chương trình thị thực 457 được sử dụng chủ yếu để tuyển dụng các lao động nước ngoài có tay nghề cao trong lĩnh vực nhà hàng, IT, các ngành công nghiệp y tế.
Có khoảng 95.000 người đang cầm thị thực 457 ở Úc, phần lớn từ các nước như Ấn Độ, Anh và Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng Di trú Úc Peter Dutton, chương trình thị thực 457 rất thu hút các lao động nước ngoài vì có thể giúp họ trở thành công dân Úc. Nhưng với loại thị thực mới, cơ hội được thường trú ở Úc sau khi hết hạn sẽ thấp hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Úc nên chú trọng thúc đẩy giáo dục và đào tạo để giải quyết nhu cầu thiếu hụt kỹ năng trong nước.(Tuoitre)
------------------------------------
Sẽ phạt nặng cửa hàng không xuất hóa đơn VAT
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo 389 (chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) của TP Cần Thơ ngày 18-4, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam đã nêu ra một vấn đề là theo quy định, hàng hóa mua bán có giá trị từ 200.000 đồng trở lên bắt buộc phải xuất hóa đơn cho khách hàng. Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng kinh doanh đều bỏ qua việc này, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thất thu thuế.
Tại cuộc họp, ông Nam đã chỉ đạo ngành thuế TP phải lên kế hoạch kiểm tra việc này. Theo đó, ông Nam yêu cầu Cục Thuế TP tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh về quy định phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) cho khách hàng đối với hàng hóa có giá trị từ 200.000 đồng trở lên. Sau một thời gian tuyên truyền thì ngành thuế sẽ đi kiểm tra việc thực hiện và xử phạt theo quy định.
“Tôi tin chắc rằng không một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nào chỉ vì thiếu hóa đơn giá trị gia tăng 250.000 đồng mà lại để bị phạt 15 triệu đồng (mức trung bình của khung xử phạt hành chính). Do đó, để làm được điều này, ngành thuế cần có thời gian tuyên truyền cho họ nắm được để khi xử phạt thì họ phải tâm phục khẩu phục” – ông Nam cho hay.
Điểm b, Khoản 4 Điều 38 Nghị định 109/2013 ( quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn) quy định: phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi “không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua theo quy định. Cùng với việc bị xử phạt, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải lập hóa đơn giao cho người mua”.(PLO)