Apple kỳ vọng bán 230 triệu iPhone mới, với 95 triệu chiếc trong năm 2017; Mỹ dùng phương pháp 'lạ' đo 'sức khỏe' kinh tế Trung Quốc; Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến Việt Nam vào tháng 11/2017; Putin tiếp tục lọt top 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới
Tin kinh tế đọc nhanh 20-04-2017
- Cập nhật : 20/04/2017
Trung Quốc và Nga là hai thị trường du lịch phát triển nhanh nhất của Việt Nam
Theo Công ty tư vấn bất động sản Savills, Trung Quốc và Nga là hai thị trường du lịch phát triển nhanh nhất của Việt Nam. Nếu Trung Quốc có thuận lợi về vị trí địa lý thì khách Nga được miễn thị thực du lịch và họ ưa thích nghỉ dưỡng tại vùng biển Việt Nam.
Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, trong năm 2016 có khoảng 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đà tăng trưởng này dự kiến được kéo dài, ước đạt 18 triệu khách du lịch vào năm 2030 và số liệu này góp phần khẳng định thêm sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam với vị thế là điểm đến du lịch nổi bật trong khu vực Đông Nam Á.
Trong đó, Trung Quốc và Nga là hai thị trường du lịch phát triển nhanh nhất của Việt Nam. Khách Nga được miễn thị thực du lịch và họ ưa thích việc nghỉ dưỡng tại Việt Nam, vì chi phí thấp hơn so với các điểm đến khác trong khu vực. Ngay cả khi Nga bị cấm vận kinh tế và đồng rúp mất giá, khách du lịch Nga đến Việt Nam vẫn tăng đều qua các năm.
Tầng lớp trung lưu đang tăng ở Trung Quốc tạo nên nguồn cầu lớn cho du lịch quốc tế, đặc biệt là các nước ASEAN, nơi có chi phí du lịch hợp lý. Trong năm 2016, Việt Nam đón 2,7 triệu lượt khách Trung Quốc với mục đích công tác và du lịch, tăng 50% so với năm 2015. Khách du lịch Trung Quốc đến ASEAN được dự báo tăng gấp đôi trong 10 năm tới, theo báo cáo của Goldman Sachs.
Tuy số liệu khá ấn tượng, nhưng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mới bằng một nửa so với lượng khách tham quan những điểm đến nổi tiếng khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan và Malaysia. Dù vậy, sự chênh lệch này vẫn thể hiện tiềm năng lớn khi số lượng khách du lịch quốc tế đã tăng gấp 3 lần trong thập niên vừa qua. Trong năm 2016, mức tăng trưởng 26% đã cho thấy Việt Nam vượt trội hơn so với những điểm đến khác trong khu vực. Với địa hình đa dạng, phong phú cùng các loại khí hậu tiểu vùng, Việt Nam cũng thu hút được nhiều nhóm khách du lịch nhờ lợi thế này.
Bên cạnh đó, khảo sát của Savills Việt Nam cho thấy khách đến TP.HCM và Hà Nội đang giảm vì sự gia tăng số đường bay và công suất của nhiều chuyến bay thẳng đến những thành phố du lịch trọng điểm khác. Bên cạnh đó, việc tăng cường sự thuận tiện cho du lịch đã giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn. Các điểm đến du lịch biển mới nổi như Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc trở nên cạnh tranh hơn, khi phát triển nhiều đường bay thẳng quốc tế mới.
Trong năm 2016, các thành phố nghỉ dưỡng và đảo của Việt Nam đã vượt qua TP.HCM và Hà Nội trong tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế. Với vị trí đảo biệt lập khí hậu nhiệt đới đặc trưng, Phú Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn và là lựa chọn mới cho khách du lịch quốc tế, với tốc độ tăng trưởng khách đến 40%. Trong khi đó, Đà Nẵng trên 30% và Nha Trang ở mức 23%, cũng vượt qua tốc độ tăng trưởng của TP.HCM (10%) và Hà Nội (19%).(Thanhnien)
-----------------------------------------
Trump siết chặt visa dành cho lao động nước ngoài ở Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh mới nhằm thực thi chính sách "Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ", trong đó có siết chặt visa H-1B đối với lao động nước ngoài.
Sắc lệnh chỉ đạo cho 4 cơ quan, gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động và Bộ An ninh Nội địa, đưa ra các cải cách nhằm đảm bảo visa H-1B chỉ dành cho những người "lành nghề nhất hoặc được trả lương cao nhất". Bên cạnh đó, các cơ quan này cũng cần đề xuất những quy định và hướng dẫn mới nhằm ngăn chặn việc gian lận và lạm dụng thị thực lao động.
Sắc lệnh không đưa ra thời hạn áp dụng, dù yêu cầu các đề xuất "càng sớm càng tốt".
Ông Trump khẳng định rõ rằng ông không đồng tình với việc cấp visa H-1B như hiện nay.
"H-1B đang được cấp theo hình thức hoàn toàn ngẫu nhiên và điều đó là sai lầm", CNN dẫn lời ông nói tại bang Wisconsin, nơi ký sắc lệnh vào hôm 18/4.
H-1B là loại visa không định cư cho phép một công ty Mỹ tuyển dụng nhân sự nước ngoài làm việc tại nước này lên đến 6 năm. Mỗi năm, chính quyền Mỹ cấp mới 85.000 visa loại này, trong đó 20.000 visa dành cho những người có bằng thạc sĩ.
Đợt xin visa H-1B mới nhất đã diễn ra vào ngày 3-8/4 và có 199.000 đơn được tiếp nhận.
Visa H-1B từng được áp dụng để lấp các khoảng trống về nhân lực có kỹ năng ở Mỹ, nhưng các nhà phê bình, trong đó chính quyền Trump, bày tỏ lo ngại rằng chương trình có thể bị lạm dụng. Trong một số trường hợp, các công ty thuê nhân lực bên ngoài ồ ạt nộp đơn xin thị thực cho các lao động ngoại quốc và sau đó chuyển họ cho các công ty công nghệ. Quá trình này đôi khi khiến nhiều người Mỹ bị mất việc làm.
Luật sư Sara Blackwell, người ủng hộ các lao động Mỹ, bày tỏ hy vọng và vui mừng khi ông Trump nhận thức được "vấn đề nghiêm trọng này".
Tuy nhiên, Betsy Lawrence, giám đốc phụ trách quan hệ chính quyền của Hiệp hội Luật sư Nhập cư Mỹ, cho hay sắc lệnh trên của ông Trump sẽ không có tác động ngay lập tức với visa H-1B mà cần có thời gian để trải qua các quy trình cần thiết. (Vnexpress)
---------------------------------------------------
Nga giữ dầu của Venezuela làm ‘con tin’
Hãng tin Reuters ngày 17-4 đưa tin Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) đã gửi tàu chở dầu NS Columbus tới Caribe với hy vọng chuyến tàu này có thể thu về khoảng 20 triệu USD mà quốc gia đang lao đao khủng hoảng này rất cần. Tuy nhiên, Công ty vận tải dầu khí Nga Sovcomflot đã giữ số dầu này nhằm thu hồi phần nào khoản 30 triệu USD mà PDVSA nợ vì chưa thanh toán phí vận chuyển.
Các vụ tranh chấp liên quan tới các hóa đơn chưa thanh toán của Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) đang lan rộng trên toàn cầu.
Dù Venezuela và Nga có quan hệ thân thiết nhưng Công ty Sovcomflot vẫn đâm đơn kiện PDVSA ở St. Maarten, một đảo ở Hà Lan, về phía Đông Bắc biển Caribe. Sau năm tháng vượt biển Caribe, tàu chở dầu NS Columbus đã để số dầu thô chở theo tại một kho trung chuyển ở đảo St. Eustatius, phía Nam St. Maarten, theo quyết định tạm thời của tòa án. Vụ tranh chấp đang được Tòa hàng hải Anh thụ lý và sẽ ra quyết định liệu Tập đoàn Sovcomflot có được quyền giữ luôn số dầu trên để trừ nợ hay không.
Vụ việc cho thấy sự quyết liệt của các tập đoàn vận chuyển hàng hải trong việc thu hồi các khoản nợ của PDVSA. Vụ kiện này còn làm nổi bật việc cả các nước đặc biệt thân thiết như Nga đang mất kiên nhẫn với những khoản nợ không trả đúng kỳ hạn từ Venezuela. PDVSA cũng nợ hàng triệu USD tại các kho cảng ở Caribe, trong đó có một kho cảng ở Saint Eustatius thuộc sở hữu của Tập đoàn năng lượng NuStar của Mỹ (NS.N). Các vụ kiện liên quan tới các khoản thanh toán của PDVSA hiện lan rộng toàn cầu, từ các xưởng đóng tàu chưa thanh toán ở Bồ Đào Nha và các tàu chở dầu đang đóng dở ở Iran và Brazi cho tới các kiện hàng bị tịch thu ở St. Eustatius.
------------------------------------
Đầu tư gần 4.000 tỷ đồng xây nhà máy chế biến sữa công nghệ cao tại Bình Thuận
Công ty Sữa Thông Thuận đã khởi công khu phức hợp nông nghiệp, công nghiệp chế biến công nghệ cao với số vốn gần 4.000 tỷ đồng tại tỉnh Bình Thuận.
Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự lễ khởi công khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình.
Đây là dự án do Công ty cổ phần Sữa Thông Thuận đầu tư với số vốn 3.920 tỷ đồng. Dự án có diện tích sử dụng đất là 511,6 ha, nhằm đầu tư một khu phức hợp nông nghiệp, công nghiệp chế biến công nghệ cao.
Dự án bao gồm các dự án thành phần, bao gồm dự án trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao với quy mô tổng đàn bò 23.600 con. Dự án đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Sông Bình có diện tích 24 ha với 4 nhà máy, gồm nhà máy chế biến sữa, nhà máy giết mổ gia súc, nhà máy bao bì và nhà máy nước khoáng.
Trong đó, nhà máy chế biến sữa tươi tiệt trùng có công suất là 100 triệu lít sữa nước/năm, 90 triệu hũ sữa chua/năm và 85 triệu hộp sữa đặc/năm. Còn nhà máy sản xuất nước giải khát Thông Thuận sẽ có quy mô 50 triệu lít nước tinh khiết/năm, 62 triệu lít nước giải khát/năm và 62 triệu lít nước ép trái cây/năm.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã trao quyết định chủ trương đầu tư và ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư với tổng vốn 126.000 tỷ đồng.
Theo ông Hai, Bình Thuận xác định ba lĩnh vực trụ cột để tỉnh phát triển bền vững là phát triển du lịch xanh bền vững, năng lượng tái tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.281 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư trên 230.000 tỷ đồng. Trong đó, có 113 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,69 tỷ USD thuộc 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. (NCĐT)