Bộ Công Thương lên tiếng việc 9 công ty “bỗng dưng” được miễn thuế; Tổng thống Donald Trump làm được điều hiếm thấy trong lịch sử Mỹ; Google bị Anh truy thu 130 triệu Bảng tiền thuế; Sở hữu chéo còn tiềm ẩn rủi ro
Tin kinh tế đọc nhanh 18-04-2017
- Cập nhật : 18/04/2017
Sắp mở đường bay thẳng Việt Nam – Hoa Kỳ
Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để có thể thiết lập đường bay thẳng Việt Nam – Hoa Kỳ
Cụ thể, vào tháng 5 tới, CAAV sẽ phối hợp với Cục Hàng không Hoa Kỳ (FAA) tiến hành đợt rà soát kỹ thuật nhằm đánh giá tổng thể năng lực giám sát an toàn của CAAV theo các quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
Dựa trên kết quả đợt rà soát này, FAA sẽ lập kế hoạch và có thông báo chính thức về Đánh giá An toàn hàng không toàn cầu – IASA đến CAAV.
Được biết, điều kiện để phía Hoa Kỳ xem xét đơn của hãng hàng không quốc gia là cơ quan quản lý nhà nước về hàng không Việt Nam phải đạt được phê chuẩn mức 1 (CAT 1) về an toàn hàng không của FAA và phải đáp ứng được tiêu chuẩn giám sát hàng không của ICAO.
Nếu CAAV đáp ứng được các tiêu chuẩn trên, các hãng hàng không thương mại của Việt Nam sẽ có thể khai thác các chuyến bay vận chuyển hàng hóa và hành khách trực tiếp giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 689.000 khách vào năm 2016, tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010 – 2016 đạt 8,4%/năm. Trên thị trường chưa có hãng bay thẳng Việt Nam – Hoa Kỳ.
Được biết, thời gian bay giữa Việt Nam và Mỹ từ 16-20 tiếng, phụ thuộc từng hãng hàng không và thời gian quá cảnh tại nước thứ 3. Khách chủ yếu sử dụng sản phẩm có 1 điểm dừng qua Đài Loan (63%); Incheon – Hàn Quốc (12%); Hồng Kông (11%); Narita – Nhật Bản (3%); Bắc Kinh (3%) và Thượng Hải (3%).
Khi được thiết lập, đường bay thẳng giúp rút ngắn thời gian đi lại giữa 2 nước.(Viettimes)
---------------------------------------------------
TP.HCM đề nghị bổ sung hơn 48.760 tỷ đồng vốn ODA
Theo đề nghị của UBND TP.HCM đối với các Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, TP này cần được bổ sung 48.762 tỉ đồng vốn ODA trung hạn giai đoạn 2016-2020 và riêng năm 2017 là 8.000 tỉ đồng.
Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có văn bản kiến nghị địa phương làm việc với Trung ương để sớm được bố trí vốn ODA cấp phát từ ngân sách năm 2017 để thực hiện 2 dự án đầu tư xây dựng gồm tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên và dự án cải thiện môi trường nước thành phố (lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ) giai đoạn 2.
Và theo tiến độ thực tế thực hiện dự án cũng như các cam kết với nhà tài trợ, nhu cầu vốn ODA từng năm đối với 2 dự án trên đến 2020 là 29.512 tỉ đồng, riêng năm 2017 là 7.009 tỉ đồng. Tuy nhiên, UBND TP.HCM cho biết đến thời điểm này, 2 dự án trên vẫn chưa được Trung ương bố trí kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách năm 2017.
Chính vì vậy, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính sớm xem xét hỗ trợ TP.HCM nguồn vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương cho 2 dự án trên theo đúng nhu cầu giải ngân thực tế trong năm 2017 và các năm tiếp theo. Cụ thể, Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính xem xét chấp thuận bổ sung kế hoạch vốn ODA trung hạn giai đoạn 2016-2020 của TP.HCM là 48.762 tỉ đồng. Riêng năm 2017 là 8.000 tỉ đồng.
Việc giao vốn ODA đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tiến độ thực hiện dự án theo đúng cam kết, qua đó sớm đưa dự án vào khai thác sử dụng để phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội, tránh phát sinh các chi phí cam kết cũng như lãi phạt chậm thanh toán và các khiếu kiện của nhà thầu nước ngoài.(Viettimes)
---------------------------------------
Các 'ông trùm' công nghệ quan tâm đến thị trường di động Việt Nam
Không chỉ đến Việt Nam buôn bán phần cứng, các ông trùm công nghệ thế giới đang tiến mạnh vào mảng ứng dụng phần mềm, tìm kiếm những tài năng lập trình và mở rộng quy mô người dùng trong tại thị trường này.
Ông Huỳnh Kim Tước - Đại diện Facebook tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đang gặp "thiên thời, địa lợi" với dân số vàng hơn 32 triệu người ở độ tuổi lao động, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ. “Mặt bằng chung, Việt Nam không thể tham gia được vào các nước G7, nhưng nếu là Internet và Online thì chúng ta có thể đi tắt đón đầu và nhảy cóc. Nước ngoài họ cũng nhận xét như vậy, nhưng hiện tại Việt Nam vẫn chưa tận dụng được cơ hội đó”, ông Tước nói.
Theo số liệu báo cáo gần đây, tăng trưởng người dùng Facebook tại Việt Nam đang ở mức cao nhất châu Á, điều này giúp Facebook chiếm vị trí lợi thế trên kênh quảng cáo mạng xã hội. Vượt trội về dữ liệu khách hàng và người dùng trên di động đã giúp Facebook thu hút hơn 50% chi phí marketing của các nhãn hàng và 85% từ doanh nghiệp trò chơi trực tuyến.
Lượng người dùng lẫn nhà phát triển đông đảo của Việt Nam đang lôi kéo sự chăm chút của các "ông trùm" công nghệ thế giới, không chỉ riêng gì Facebook. Microsoft cho biết, số lượng lập trình viên Xamarin (Xamarin là một nền tảng lập trình di động) tại Việt Nam đang đứng trong top đầu của Châu Á - Thái Bình Dương. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi hãng này chọn Việt Nam là điểm đến của rất nhiều hoạt động nhằm giới thiệu hệ sinh thái Microsoft Azure của mình. Đơn cử là một diễn đàn lớn vừa được tổ chức vào tháng 2 vừa qua.
Google cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Theo giới lập trình Android, Google liên tục có nhiều hoạt động huấn luyện, hỗ trợ, tư vấn cho các nhà phát triển Việt Nam trong thời gian gần đây. Theo một chuyên gia trong ngành, Google đánh giá cao tài năng của các nhà lập trình Việt. Tuy nhiên, điểm yếu của không ít nhà lập trình là họ quan tâm quá nhiều đến kỹ thuật mà chưa thực sự chú trọng đến các quy định khác khi phát hành ứng dụng lên Google Play.
“Google đang quan tâm khá mạnh đến các nhà lập trình Việt Nam. Tuy nhiên, một vấn đề là có nhiều ứng dụng được phát hành lên kho nhưng lại không tìm hiểu kỹ các quy định của hãng, ví dụ như bản quyền, sở hữu trí tuệ… Vì thế, có khi ứng dụng đang tăng trưởng người dùng tốt thì lại bị gỡ mất. Có nhiều bạn kiếm được hàng trăm triệu đồng doanh thu mỗi tháng từ ứng dụng của mình. Tuy nhiên, khi hỏi đến bản quyền thì lại không biết. Hỏi vì sao ứng dụng bị lỗi cũng không rõ”, vị chuyên gia nhận xét.
“Xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối Internet (IoT) và các hệ thống kết nối Internet (IoS) hay còn gọi là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi diện mạo thế giới, Việt Nam không nằm ngoài cơn sóng đó. Trung tâm của cuộc cách mạng chính là sự xuất hiện của thế hệ các thiết bị di động cùng các ứng dụng 'theo chân' người sử dụng mọi lúc mơi nơi”, ban tổ chức diễn đàn Vietnam Mobile Day 2017 nhận định.
Tận dụng cơ hội này, theo đánh giá của ông Nguyễn Hữu Bình – Trưởng ban tổ chức, các startup trong lĩnh vực di động tại Hà Nội đang có phần đông đảo và năng động hơn các startup tại TP HCM. Ông cho biết đã chứng kiến nhiều thương vụ đầu tư hơn vào cộng đồng khởi nghiệp di động ở phía bắc. Tuy nhiên, về mặt bằng chung thì công nghệ di động đều đang phát triển mạnh ở các thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. Cũng nhờ đó, Vietnam Mobile Day năm nay dự kiến thu hút được hớn 15.000 lượt người và 300 công ty tham dự ở cả 3 thành phố. Đây là kỳ tổ chức có quy mô lớn nhất của sự kiện, sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 tới.(VNE)
---------------------------------------
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đến Trung Quốc
Phó thủ tướng Việt Nam có chuyến làm việc tại Trung Quốc kéo dài đến ngày mai nhằm bàn về định hướng hợp tác trong năm nay.
Làm việc tại Trung Quốc từ ngày 16/4 đến 18/4, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cùng đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tham dự cuộc họp Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương lần thứ 10, TTXVN đưa tin.
Nội dung chính của cuộc họp là nhằm triển khai những thỏa thuận mà hai nước đạt được sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi đầu năm, cũng như thảo luận về kế hoạch hợp tác trong năm nay.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh 2017 là năm có vai trò rất quan trọng trong quan hệ hai nước, sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong chuyến thăm Trung Quốc giữa tháng một, Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định cùng kiểm soát tốt bất đồng trên Biển Đông, giữ gìn hòa bình, ổn định, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp ở khu vực này. Hai bên cũng sẽ tiếp tục thực hiện toàn diện và hiệu quả Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); nhất trí cần thúc đẩy hợp tác trên biển sau khi hoàn thành khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.(VNE)