tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 19-04-2017

  • Cập nhật : 19/04/2017

Nợ đọng 15.000 tỷ đồng để có 2.656 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Đến hết quý I/2017, cả nước có 2.656 xã (chiếm 29,76%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tăng 263 xã so với năm 2016 và tăng thêm 1.124 xã so với cuối năm 2015. Tuy nhiên, để đạt được kết quả này, số nợ đọng do xây dựng nông thôn mới đã đạt mức hơn 15.000 tỷ đồng

anh minh hoa. nguon internet

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Số liệu trên được nêu ra trong Hội nghị toàn quốc Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp do Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh tổ chức với sự tham gia của Văn phòng Điều phối NTM 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Cụ thể, với có 2.656 xã đạt tiêu chuẩn NTM, bình quân cả nước đã đạt 13,8% tiêu chí NTM/xã và 33 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn NTM (tăng 3 huyện so với cuối năm 2016). 

Mục tiêu trong năm 2017, cả nước có ít nhất 31% số xã trở lên đạt chuẩn NTM; 38 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; huy động được khoảng 222.915 tỷ đồng đầu tư cho chương trình NTM bằng các nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn lồng ghép, vốn tín dụng và vốn doanh nghiệp...

Tuy nhiên, để đạt được kết quả trên, số tiền nợ đọng để xây dựng nông thôn mới đã đạt tới 15.000 tỷ đồng. Còn theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 5/10/2016, nợ đọng xây dựng NTM là 17.000 tỷ đồng. 

Báo cáo của Bộ trưởng NN&PTNT cho biết, số nợ trên hình thành do nhiều nơi muốn đầu tư nhanh để đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Nhưng thực ra tái cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân mới là mục tiêu cốt lõi của chủ trương này. (Viettimes)
-----------------------------

Doanh nghiệp phân bón đệ đơn yêu cầu bảo vệ sản xuất trong nước

Đầu tháng 4, Cục Quản lí cạnh tranh đã tiếp nhận hồ sơ của một số doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phân bón nhập khẩu có mã HS: 3105.10.10, 3105.10.20, 3105.10.90, 3105.20.00, 3105.30.00, 3105.40.00, 3105.51.00, 3105.59.00, 3105.90.00.

Theo đó, hàng hóa bị điều tra là tất cả các loại phân bón vô cơ phức hợp hoặc hỗn hợp với thành phần chính là đạm (Nitơ) và lân (P2O5) trong đó lượng nitơ chiếm ít nhất 7% và lượng P2O5 chiếm ít nhất 30%.

Việc bổ sung hoặc trộn thêm các nguyên tố khác như magie (Mg), canxi (Ca), lưu huỳnh (S), kali (K)... hoặc các nguyên tố vi lượng khác không làm thay đổi về bản chất đặc điểm lý và hóa học cũng như mục đích và đối tượng sử dụng của sản phẩm. Việc bổ sung các chất vi lượng là để phù hợp với từng loại đất và từng nhóm cây trồng.

Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu bị điều tra không phân biệt về màu sắc.

Được biết, Cục Quản lí cạnh tranh đã có văn bản xác nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo các quy định của pháp luật tự vệ của Việt Nam.

Để phục vụ quá trình xem xét và đánh giá vụ việc để đưa ra quyết định có khởi xướng điều tra hay không, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, Cục Quản lí cạnh tranh đề nghị các doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm phân bón được mô tả như trên cung cấp các thông tin sau: Thông tin về doanh nghiệp; công suất thiết kế và lượng sản xuất các sản phẩm phân bón trong các năm 2014, 2015 và 2016; ý kiến của công ty về vụ việc (đồng ý, phản đối, không có ý kiến); bất kỳ tài liệu/chứng cứ nào khác mà công ty cho rằng liên quan đến vụ việc.

Thời hạn để doanh nghiệp cung cấp các thông tin nêu trên là trước 17h ngày 24/4/2017.

Trước đó, hồi tháng 10/2016, Cục Quản lí cạnh tranh cũng có báo cáo gửi lãnh đạo Bộ Công Thương về khả năng áp dụng phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân ure và phân DAP nhập khẩu. Cơ quan này đã đưa ra những phân tích cụ thể đối với mặt hàng phân ure và phân DAP dựa trên số liệu từ Tổng cục Hải quan, thông tin từ phía doanh nghiệp cung cấp.

Theo cơ quan này, không có căn cứ để xác định nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng là do hàng nhập khẩu. Bản thân các doanh nghiệp sản xuất phân ure cũng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn là do bất họp lý trong chính sách thuế GTGT và việc phải mua than với giá cao hơn giá thị trường thế giới.

Còn với mặt hàng phân DAP, theo các số liệu phân tích sơ bộ có thể thấy ngoài khó khăn chung do chính sách thuế GTGT thì sự gia tăng đột biến về lượng và giá trị của hàng nhập khẩu cũng là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Vì thế, ngành sản xuất trong nước đang chịu thiệt hại nghiêm trọng và sơ bộ có thể xác định nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng là do hàng nhập khẩu.

Bên cạnh đó, trong nước hiện tại chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất phân DAP nên nếu không có biện pháp khắc phục khó khăn cho 2 doanh nghiệp này thì sản xuất phân DAP sẽ khó tồn tại trước cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Từ đó, có khả năng hàng Trung Quốc sẽ thống lĩnh thị trường và đẩy giá phân bón lên cao khiến các ngành sản xuất nông sản không tự chủ được về giá.

Tuy nhiên, với đề xuất điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (nếu có) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân và giá hàng nông sản nên cần thận trọng trong việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ đối với sản phẩm phân DAP.

Theo phân tích của Cục Quản lí cạnh tranh, hiện phân ure và phân DAP đang được sử dụng để bón cho cây trồng, giúp cho cây sinh trưởng. Việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sẽ dẫn đến gia tăng chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất nông nghiệp.(Haiquan)
-----------------------------------------------

Doanh nghiệp Việt Nam sắp được tiếp cận nguồn vốn 102 triệu USD

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa cho biết Ban giám đốc điều hành của họ vừa duyệt khoản vay 102 triệu đô la Mỹ cho Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ nỗ lực của các doanh nghiệp công nghiệp áp dụng công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng.

World Bank cho biết thông qua dự án này, các doanh nghiệp công nghiệp sẽ tiếp cận được nguồn vốn mới để đầu tư công nghệ hiệu quả năng lượng, và tối ưu hóa sản xuất, qua đó giảm tiêu thụ năng lượng và chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Với sự hỗ trợ của dự án, các tổ chức tài chính và các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sẽ có thể chuẩn bị, đánh giá và thẩm định các dự án tiết kiệm năng lượng. Điều này sẽ tạo ra một hướng kinh doanh mới để các tổ chức tài chính cung cấp vốn vay cho các khoản đầu tư nâng cao hiệu quả năng lượng trong ngành công nghiệp, giúp các tổ chức này mở rộng các khoản cho vay về hiệu quả năng lượng cho các ngành công nghiệp.

"Chúng tôi cam kết hỗ trợ để Việt Nam đáp ứng được nhu cầu năng lượng trong tương lai, và việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng là lựa chọn tốt nhất và rẻ nhất bởi vì nó sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng, giảm nhu cầu xây dựng các nhà máy nhiệt điện mới, đồng thời giảm ô nhiễm và giảm nhẹ rủi ro của biến đổi khí hậu" - Ông Ousmane Dione, Giám đốc World Bank tại Việt Nam cho biết.

Ông cũng nói thêm: "Nếu các chương trình và chính sách mạnh mẽ hơn được đưa ra, các doanh nghiệp cũng sẽ có động cơ để cắt giảm lãng phí năng lượng và áp dụng các công nghệ hiệu quả năng lượng hơn".

Nguồn vốn vay của dự án sẽ được cung cấp cho các tổ chức tài chính tham gia dự án, sau đó các tổ chức này sẽ cho các doanh nghiệp công nghiệp vay lại để đầu tư cho các tiểu dự án tiết kiệm năng lượng.

Trong tổng số vốn 158 triệu đô-la Mỹ của dự án, 100 triệu đô-la Mỹ đến từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế của Ngân hàng Thế giới - nguồn tài chính cho các quốc gia có thu nhập trung bình, và 1,7 triệu đô-la từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế - nguồn quỹ của Ngân hàng Thế giới dành cho các nước nghèo nhất. Phần còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam, từ các tổ chức tài chính và các doanh nghiệp công nghiệp tham gia vào dự án.(Trithuctre)
-------------------------------

Sẽ thoái tiếp vốn Nhà nước tại Sabeco

Chủ tịch Sabeco cho biết công ty vừa nhận được văn bản trả lời của Bộ Công Thương về vấn đề thoái vốn Nhà nước và sau đại hội sẽ cùng đơn vị tư vấn lên kế hoạch cụ thể.

Tại đại hội cổ đông Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã CK: SAB) hôm nay, nhiều cổ đông chất vấn về lộ trình thoái vốn của doanh nghiệp này.Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị - Võ Thành Hà, công ty cũng đã xin ý kiến của Bộ Công Thương và đang trình Chính phủ vấn đề này. Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản trả lời đồng ý cho công ty chọn đơn vị tư vấn lộ trình thoái vốn. Sau đại hội, công ty sẽ cùng đơn vị tư vấn lên kế hoạch cụ thể và báo cáo cổ đông khi có kết quả chính thức; đồng thời kiến nghị Chính phủ cho đấu giá công khai trên thị trường chứng khoán.

sabeco se thoai von nha nuoc trong thoi gian toi.

Sabeco sẽ thoái vốn Nhà nước trong thời gian tới.

Hết quý I, sản lượng tiêu thụ bia trên thị trường của công ty đạt 435 triệu lít, doanh thu 7.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.220 tỷ, đạt 25% kế hoạch năm.

Năm nay công ty đặt mục tiêu tổng sản lượng tiêu thụ bia các loại đạt 1.703 triệu lít, tăng 3% so với năm 2016. Trong đó, sản lượng các sản phẩm mang thương hiệu Bia Sài Gòn ước đạt 1.664 triệu lít, tương đương khoảng 4,5 triệu lít mỗi ngày. Doanh thu công ty 34.495 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.703 tỷ, lần lượt tăng 9% và 1% so với năm trước. Tỷ lệ chia cổ tức cũng tăng từ 30% lên 35% trong năm nay.

Sở dĩ doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng là do 2017 được đánh giá là năm khó khăn với thuế tiêu thụ đặc biệt tăng, trong khi công ty không thể tăng giá bán. Mặt khác, công ty cũng gặp không ít trở ngại do áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các hãng bia, đặc biệt là sự xâm nhập của thương hiệu nổi tiếng AB InBev.

“Năm nay sẽ khó khăn hơn năm ngoái nhưng chúng tôi vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng là cả một thách thức”, ông Hà nói và cho biết thêm, năm 2017, công ty sẽ tiếp tục xin ý kiến Bộ Công Thương về thoái vốn một số dự án đầu tư ngoài ngành. Còn việc đầu tư ra nước ngoài thì công ty chưa nghĩ tới, bởi kinh doanh bia có đặc thù riêng. Thực tế, tại Việt Nam, gu thưởng thức bia ở mỗi vùng miền còn khác nhau. Do vậy, khi tấn công ra thế giới thì công ty cần phải hiểu rõ nhu cầu và gu thưởng thức của người tiêu dùng nơi ấy.

Đại hội cũng tạm đồng ý với mức thu nhập hội đồng quản trị và ban kiểm soát 2017 (gồm 4 thành viên) bao gồm tiền lương 6,2 tỷ đồng và thưởng là 776,7 triệu đồng. Ngoài ra, quỹ thù lao nâng lên 1,86 tỷ đồng thay vì 783 triệu đồng như 2016. Tuy nhiên, mức thù lao này sẽ phải chờ Bộ Công Thương phê duyệt mới có hiệu lực.

Năm 2016, công ty đạt doanh thu 31.754 tỷ đồng và lợi nhuận 4.655 tỷ, lần lượt tăng gần 13% và 33% so với năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi Sabeco được thành lập.(VNE)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục