Vận tải đường sắt và sức ép từ đường bộ, hàng không; “Xin lỗi ông McCain nhưng Nga không còn là cây xăng nữa”; Bôxit Nhân Cơ sẽ chính thức vận hành trong tháng 7; Toyota Việt Nam lập nhiều kỷ lục về doanh số
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 20-04-2017
- Cập nhật : 20/04/2017
126.000 tỷ đồng đầu tư vào tỉnh Bình Thuận
Trong khuôn khổ hội nghị đầu tư, tỉnh đã trao quyết định đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới hơn 27.400 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết tỉnh Bình Thuận thu hút được 126.000 tỷ đồng vốn đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận.
Trong khuôn khổ hội nghị đầu tư, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới hơn 27.400 tỷ đồng. Trong số này, các dự án đầu tư nhà máy năng lượng tái tạo chiếm phần lớn với 9 dự án, tổng số vốn đăng ký đầu tư là 21.013 tỷ đồng.
Theo ông Hai, Bình Thuận xác định ba lĩnh vực trụ cột để tỉnh phát triển bền vững là phát triển du lịch xanh bền vững, năng lượng tái tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.281 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư trên 230.000 tỷ đồng. Trong đó, có 113 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,69 tỷ USD thuộc 24 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cụ thể các dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư kỳ này gồm có:
Dự án Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo tại huyện Tuy Phong do CTCP Điện mặt trời Vĩnh Hảo đầu tư với tổng vốn 1.179 tỷ đồng, quy mô 29,99 MW.
Nhà đầu tư Công ty TNHH Năng lượng Xanh Eco Seido rót 1.650 tỷ đồng cho dự án Nhà máy điện mặt trời Eco Seido tại Tuy Phong (giai đoạn 1), quy mô 40 MW.
CTCP Điện mặt trời VSP Bình Thuận II đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời VSP Bình Thuận II với tổng vốn 1.183 tỷ đồng, quy mô 29,99 MW.
CTCP Năng lượng Pacific - Bình Thuận rót 695 tỷ đồng cho Nhà máy điện gió Thái Phong, quy mô 14,5 MW và 1.400 tỷ đồng cho Nhà máy điện gió Thái Hòa, quy mô 30 MW.
Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP đầu tư 700 tỷ đồng cho Nhà máy điện gió Hàm Kiệm, quy mô 15 MW.
Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng Vietracimex đầu tư 4.740 tỷ đồng vào Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2, quy mô 100 MW chia làm hai giai đoạn.
CTCP Năng lượng Hồng Phong 1 và 2 đầu tư hai dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1 và 2 với tổng vốn lần lượt là 4.920 tỷ đồng và 4.546 tỷ đồng, quy mô 130 MW và 120 MW.
Ngoài ra còn có dự án Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình, do CTCP Sữa Thông Thuận đầu tư 3.920 tỷ đồng.
Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam miền Trung rót 600 tỷ đồng cho dự án Khu chọn tạo tôm giống bố mẹ và sản xuất tôm giống theo tiêu chuẩn công nghệ cao.
CTCP Đầu tư Mãi Xanh chi 451 tỷ đồng, nhà máy sản xuất vật liệu xây không nung từ nguồn nguyên liệu tro, xỉ tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (trước mắt là nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2).
Công ty TNHH Chăn nuôi Tafa Việt đầu tư 210 tỷ đồng cho trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng công nghiệp.
Một số dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản như Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải đầu tư 950 tỷ đồng cho dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long, Phan Thiết, CTCP Việt Hàn đầu tư khu du lịch Sweet Coconut Village, Địa ốc Hoàng Quân đầu tư Trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến - Mũi Né.
Hàng loạt dự án cam kết đầu tư vào Bình Thuận
Bên cạnh đó cũng có hàng loạt nhà đầu tư ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư vào tỉnh Bình Thuận, trong đó, các nhà đầu tư cam kết đầu tư nhà máy điện mặt trời gồm có: Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư 5.600 tỷ đồng; Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đầu tư 1.500 tỷ đồng; Việt Ren đầu tư 3.600 tỷ đồng; Công ty năng lượng Mặt Trời Đỏ đầu tư 600 tỷ đồng; Công ty Năng lượng Everich đầu tư 6.000 tỷ đồng; liên doanh CTCP Năng lượng Dầu khí châu Á và Tập đoàn Valeco (Pháp) đầu tư 3.600 tỷ đồng.
Tập đoàn Đức Long Gia Lai và các công ty thành viên đăng ký đầu tư ba dự án năng lượng với tổng vốn đầu tư hơn 13 nghìn tỷ đồng. Trong đó, DLG đầu tư nhà máy sản xuất điện mặt trời, công suất 200 MW, tổng vốn đầu tư dự án 6.000 tỷ đồng. Công ty Du lịch Đức Phú Gia đăng ký đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp Điện năng lượng tái tạo Đức Phú Gia tại với tổng vốn 2.800 tỷ đồng. CTCP Đức Thành Gia Lai đăng ký đầu tư Nhà máy sản xuất điện mặt trời, công suất 150 MW với số vốn là 5.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tổ hợp nhà đầu tư EDF - Sojitz - Pacific - Kyushu đầu tư nhà máy điện khí Sơn Mỹ 1 với số vốn 2,2 tỷ USD (49.500 tỷ đồng).
Công ty Nông nghiệp Đô thị Dubai Việt Nam đầu tư 4.900 tỷ đồng cho khu đô thị nông nghiệp, dịch vụ sinh thái nghỉ dưỡng Bắc Bình, diện tích 1.755 ha.(NCĐT)
-----------------------------------
Hai doanh nghiệp mía đường lớn nhất nước tính chuyện sáp nhập
Kế hoạch hợp nhất Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh và Đường Biên Hoà sẽ tạo ra doanh nghiệp có vốn hoá thị trường gần 10.000 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTC Tây Ninh - Mã CK: SBT) vừa công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua chủ trương sáp nhập và phương án hoán đổi toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành của Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (Mã CK: BHS). Cuộc họp dự kiến tổ chức vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2017.
TTC Tây Ninh và Đường Biên Hòa hiện là 2 doanh nghiệp mía đường có quy mô vốn lớn nhất trên sàn chứng khoán, đồng thời cũng là những nhà sản xuất đường lớn bậc nhất Việt Nam (tính theo sản lượng).
Tính đến hết năm 2016, tổng tài sản của TTC Tây Ninh đạt hơn 7.300 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 2.959 tỷ, trong khi con số của Đường Biên Hòa lần lượt là gần 6.030 tỷ và gần 2.280 tỷ đồng. TTC Tây Ninh đang có mức vốn hóa trên thị trường chứng khoán khoảng 6.200 tỷ đồng (giá 24.300 đồng một cổ phiếu), còn Đường Biên Hòa là khoảng 3.700 tỷ đồng (giá 13.000 đồng một cổ phiếu).
Hiện Tập đoàn Thành Thành Công của ông Đặng Văn Thành cùng nhiều cá nhân liên quan đang là nhóm cổ đông nắm giữ cổ phần lớn nhất tại TTC Tây Ninh và Đường Biên Hòa.
Cụ thể, Công ty cổ phần Thành Thành Công đang nắm giữ 45,9 triệu cổ phiếu SBT, tương đương 23,99%. Bà Đặng Huỳnh Ức My (con gái ông Thành) là thành viên Hội đồng quản trị và nắm giữ 3 triệu cổ phiếu, tương đương 1,58%. Còn bà Huỳnh Bích Ngọc (vợ ông Thành) nắm giữ 1,5 triệu cổ phiếu. Với Đường Biên Hòa, Công ty cổ phần Thành Thành Công cùng vợ và con gái ông Thành cũng nắm tỷ lệ cổ phần đa số.
Tại cuộc họp lần này, ban lãnh đạo TTC Tây Ninh sẽ xin ý kiến cổ đông phát hành cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ cổ phần đang lưu hành của BHS theo hợp đồng sáp nhập, lưu ký và niêm yết bổ sung cổ phiếu phát hành thêm. Bên cạnh đó là các nội dung liên quan dự thảo điều lệ và những vấn đề khác liên quan đến phương án hoạt động sau sáp nhập...
Vấn đề được quan tâm nhất là tỷ lệ hoán đổi do 2 cổ phiếu đang có sự chênh lệch khá lớn về thị giá, giá trị sổ sách và hệ số P/E.
Tập đoàn TTC tiền thân là cơ sở sản xuất cồn được thành lập năm 1979 bởi hai nhà sáng lập là ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc. Khi đó, với vốn điều lệ 100 triệu đồng và 20 cán bộ nhân viên, Thành Thành Công là một trong những cơ sở sản xuất cồn có quy mô lớn nhất ở TP HCM.
Năm 2007, Công ty Thành Thành Công chuyển đổi thành Công ty Cổ phần SX-TM Thành Thành Công, tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng.
Năm 2011, công ty tập trung phát triển thành tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành với 6 đơn vị thành viên: Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (tên cũ là Bourbon Tây Ninh), Đường Ninh Hòa, Thương mại Thành Thành Công, Đặng Huỳnh, Thành Ngọc với tổng vốn điều lệ tăng hơn 3.000 tỷ đồng.(VNE)
-----------------------------
Liệu vàng có trở lại thời đỉnh cao?
Nhập khẩu vàng của Ấn Độ đã lên mức 360 tấn trong giai đoạn từ tháng 11/2016 cho tới tháng 3/2017.
Đà tăng của thị trường vàng đã trở lại trong vài tuần qua. Và theo số liệu mới nhất từ nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới là Ấn Độ, nhà đầu tư thực sự có lý do để lạc quan về giá vàng.
Dữ liệu từ các báo tại địa phương cho thấy rằng nhập khẩu vàng của Ấn Độ tăng mạnh trong quý 1/2017, với tổng lượng nhập khẩu lên tới 230 tấn vàng. Trước đó, từ tháng 4 tới tháng 10 năm 2016, Ấn Độ chỉ nhập khoảng 264 tấn vàng.
Điều này cho thấy nhu cầu vàng đang tăng lên. Nhập khẩu vàng của Ấn Độ trong quý 1/2017 là mạnh nhất so với cùng kì các năm trước, kể từ năm 2013.
Việc Ấn Độ nhập khẩu nhiều vàng có vẻ như liên quan tới việc ngừng sử dụng một số tờ tiền mệnh giá lớn vào đầu tháng 11 năm ngoái. Kể từ đó, nhập khẩu vàng của Ấn Độ đã lên mức 360 tấn trong giai đoạn từ tháng 11 cho tới tháng 3, cao hơn 35% so với tổng lượng nhập trong 7 tháng trước đó . Người dân Ấn Độ đua nhau mua vàng do lo ngại việc giữ tiền giấy, và điều này là tin tích cực cho vàng.
Giá vàng sẽ tăng lên bao nhiêu? Nếu chúng ta dự phóng theo năm, Ấn Độ có thể nhập khẩu 920 tấn vàng trong năm nay. Đây là con số lớn so với mức nhập khẩu vàng thấp kỉ lục năm 2016 là 571 tấn. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, giá vàng cũng đã tăng giá trong quý vừa qua, từ mức 1.150USD / ounce vào tháng 1 năm nay lên mức 1.280 USD / ounce hiện nay.
Việc nhu cầu vàng tại Ấn Độ tăng lên khi giá vàng tăng lên là không bình thường, khi người dân Ấn Độ thường có xu hướng giảm mua vàng khi giá tăng. Điều này có thể cho thấy một sự thay đổi về điều kiện cơ bản của thị trường vàng, do đó cần phải số liệu nhập khẩu vàng trong tháng 4 để biết được là xu hướng này có tiếp tục hay không.(NCĐT)
--------------------------
IMF tăng dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2017 lên 3,5%.
Mặc dù kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu khởi sắc, nhiều nước vẫn đối mặt với khó khăn trong năm nay.
Ngày hôm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 3,5% trong năm 2017.
Maurice Obsfeld, chuyên gia tư vấn kinh tế và giám đốc bộ phận nghiên cứu của IMF, nói với với các phóng viên tại một cuộc họp báo rằng: “Động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang tăng lên kể từ giữa năm ngoái, và cho phép chúng tôi khẳng định những dự báo trước đây về tăng trưởng kinh tế nhanh hơn trong năm nay và năm tới là hợp lý. Chúng tôi dự báo kinh tế thế giới tăng 3,5% trong năm 2017 (so với mức 3,4% trong dự báo tháng 1/2017), từ mức 3,1% trong năm ngoái, và 3,6% cho năm 2018. Sự tăng trưởng này trải đều từ các nước phát triển, mới nổi và các nước có thu nhập thấp, do sự tăng trưởng về cả sản xuất và thương mại”.
Dự báo mới của IMF cho năm 2017 đã tăng nhẹ so với lần cập nhật gần nhất. Sự cải thiện này đến từ những tin tức kinh tế tốt tại Châu Âu và Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản.
Ông Obsfeld cho biết: “Mặc dù có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế thế giới đang vững chắc hơn, nhiều nước vẫn gặp khó khăn trong năm nay với tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn so với các năm trước. Giá hàng hóa đã tăng từ đầu năm 2016, nhưng mức tăng vẫn thấp, và nhiều nhà xuất khẩu hàng hóa vẫn gặp khó khăn, đặc biệt là tại Trung Đông, Châu Phi và Mỹ Latinh".
"Cùng lúc đó, điều kiện thời tiết cực đoan và bất ổn chính trị vẫn tiếp tục đe dọa nhiều nước có thu nhập thấp, và gây ra nạn đói tràn lan. Tại Châu Phi phía Hạ Sahara, tăng trưởng thu nhập không bắt kịp đà tăng dân số, nhưng chênh lệch này đã thu hẹp hơn năm trước. Vì thế, dù nền kinh tế thế giới vẫn đang lấy lại động lực, nhưng chúng tôi không chắc là chúng ta đã hoàn toàn thoát khỏi suy thoái hay chưa, và liệu các quốc gia có thể duy trì tăng trưởng và góp phần vào sự phục hồi của kinh tế thế giới”.
Ông Obsfeld nói thêm: “Chúng ta đang ở một bước ngoặt. Ngay cả khi mọi thứ tốt lên, hệ thống kinh tế quốc tế được xây dựng từ hậu Thế chiến thứ 2 đang trong trạng thái căng thẳng. Mặc dù các bên đều có lợi nhưng tăng trưởng đã không mang lại lợi ích và chi phí đồng đều giữa các quốc gia".
Cũng theo báo cáo này, các nước cần phải có chiến lược hợp lý nhằm giải quyết vấn đề nợ công. Obsfeld nói: “Việc thích nghi với giá hàng hóa thấp hơn, và khắc phục tình trạng dễ tổn thương về tài chính là những thách thức chính cho nhiều thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Thế giới vẫn cẫn những nỗ lực đa phương nhằm đương đầu với nhiều thách thức chung trong một nền kinh tế toàn cầu hội nhập".