Đồng USD vượt lên so với yen sau phát biểu của Bộ trưởng tài chính Nhật Bản
Kiến nghị sớm đưa thủy sản nhập khẩu vào diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau
Kinh doanh sòng bạc: 7 năm chờ… nghị định
Điểm mặt 10 đại gia bất động sản nợ thuế đất
Thị trường căn hộ chung cư: Nơi tăng giá, nơi nói không
Tin kinh tế đọc nhanh 09-04-2016
- Cập nhật : 09/04/2016
HSBC hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống 6,3%
HSBC cho rằng những yếu tố kiềm hãm tăng trưởng trong quý vừa rồi có thể vẫn duy trì thêm một thời gian nữa.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam, HSBC cho biết ngân hàng này hạ dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2016 từ 6,7% xuống còn 6,3% và năm 2017 từ 6,8% xuống 6,6%.
Theo HSBC, nguyên nhân chính là do mức tăng trưởng trong quý I/2016 đạt 5,6% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng trước đây. Một lý do khác là do các biện pháp thắt chặt hành chính vừa được đề xuất sẽ kiềm chế tăng trưởng tín dụng, dẫn đến lượng đầu tư bị hạn chế so với năm 2015.
HSBC cho biết, dự báo tăng trưởng có phần dè dặt này cũng phản ánh nhiều nguy cơ rằng những yếu tố kiềm hãm tăng trưởng trong quý vừa rồi có thể vẫn duy trì thêm một thời gian nữa. Cùng với nông nghiệp, đóng góp của xây dựng, bất động sản và dịch vụ tài chính vào tăng trưởng cũng suy giảm đáng kể trong quý I vừa rồi.
Theo HSBC, hoạt động xây dựng đi xuống phần nào phản ánh xu hướng suy giảm trong đầu tư công, cho thấy những hạn chế trong ngân sách của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tăng trưởng trong ngành bất động sản và dịch vụ tài chính cũng không có dấu hiệu cải thiện đáng kể: trong tháng Hai, NHNN ban hành dự thảo sửa đổi Thông tư 36, đặt thêm nhiều điều luật mới nhằm củng cố quá trình quản lý rủi ro trong hoạt động cho vay.
Tăng trưởng chậm lại, mặc dù vậy, HSBC vẫn xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực. Cách thức xây dựng chính sách thận trọng ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô sẽ đảm bảo quá trình khôi phục nền kinh tế bền vững hơn, HSBC nhận định.
Phạm Nguyên nhận được 9,3 triệu đôla từ quỹ đầu tư Nhật Bản
Là nhà đầu tư khá dễ chịu, Mizuho Asia Partners sẽ không tham gia vào hệ thống quản trị mà để cho Phạm Nguyên tự vận hành.
Mới đây, Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm và Bánh kẹo Phạm Nguyên đã nhận được khoản đầu tư 9,3 triệu đôla từ nhà đầu tư Nhật Bản Mizuho ASEAN Investment LP, một quỹ đầu tư vốn tư nhân được quản lý bởi Mizuho Asia Partners. Ltd.
Ông Kota Igarashi, Giám đốc Điều hành của Mizuho Asia Partners giải thích lý do đầu tư vào Phạm Nguyên là nhờ những sáng kiến trong xây dựng hệ thống phân phối, đội ngũ quản lý và chiến lược phát triển. Khoản đầu tư này khá phù hợp với các danh mục đầu tư khác của Quỹ trong khu vực Đông Nam Á.
Là nhà đầu tư khá dễ chịu, Mizuho Asia Partners sẽ không tham gia vào hệ thống quản trị mà để Phạm Nguyên tự vận hành để mở rộng nhà xưởng, phát triển sản phẩm và mở rộng hệ thống phân phối của công ty.
Phạm Nguyên đang đầu tư một nhà máy thứ 3 tại Hưng Yên sau các nhà máy tại Long An và TPHCM, dự kiến hoàn thành trước tháng 7/2016. Những sản phẩm của công ty tập trung trong phân khúc bánh mềm như ChocoPN, Phaner Pie, Limo, kẹo Otto… đã đem về doanh thu trên 30 triệu USD trong 2015, tốc độ tăng trưởng trung bình 15% / năm. Năm 2016, mục tiêu doanh thu mà Phạm Nguyên đặt ra là 739 tỷ đồng.
Vì sao ai ai cũng nói về yên Nhật?
Trái với dự đoán yên sẽ giảm giá so với USD, đồng tiền này đang khiến giới đầu tư bối rối và không rõ khi nào mọi chuyện sẽ đảo chiều.
Trái với dự đoán yên sẽ giảm giá so với USD, đồng tiền này đang khiến giới đầu tư bối rối và không rõ khi nào mọi chuyện sẽ đảo chiều.
Phiên giao dịch thứ Tư 6/4, USD đã giảm so với yên xuống dưới 110 JPY/USD, lần đầu tiên kể từ năm 2014 sau khi tăng lên trên 125 JPY/USD hồi tháng 6/2015. Từ đầu năm đến nay, USD đã giảm 8,3% so với yên so với mức giảm 4,6% của USD đối với euro. Yên vẫn tăng giá so với USD dù Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định áp dụng lãi suất âm trong năm nay - nhằm nỗ lực làm suy yếu đồng nội tệ.
Marc Chandler, phụ trách chiến lược tiền tệ toàn cầu tại Brown Brothers Harriman, nhận định, mọi người nhận thấy rằng cuộc chơi đã thay đổi khi BOJ khiến thị trường thế giới bất ngờ với quyết định áp dụng lãi suất âm và yên không giảm giá.
Nhiều người cho rằng yên mạnh lên sẽ ảnh hưởng xấu và làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Nhật Bản và khiến các biện pháp kích thích kinh tế của Nhật không đạt được kết quả như mong muốn.
Trong khi đó, yên tăng giá sẽ hỗ trợ các nhà xuất khẩu Mỹ, tiếp thêm sinh lực cho các công ty vốn đang chịu áp lực lợi nhuận giảm do USD mạnh lên trong năm qua.
Chính phủ Nhật dường như không chú trọng đến việc đảo ngược tình thế, càng làm dấy lên câu hỏi liệu đà tăng của yên có còn kéo dài hay không.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho Wall Street Journal biết rằng các nước nên tránh phá giá đồng nội tệ và nói thêm “Tôi nghĩ chúng ta nên hạn chế can thiệp một cách tùy tiện vào thị trường tiền tệ”.
Đó là lý do tại sao các nhà phân tích cho rằng diễn biến xảy ra là:
Mọi chuyện đều liên quan đến Mỹ: USD mạnh lên trước khi Fed quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ qua trong phiên họp tháng 12/2015. Nhưng kể từ đó, Fed cho biết dự định nâng lãi suất 1-2 lần trong năm nay, thấp hơn so với 4 lần dự kiến ban đầu hồi tháng 12/2015. Viễn cảnh chủ hòa hơn này đang khiến USD giảm giá so với các đồng tiền đối thủ và càng được củng cố trong phiên 6/4 sau khi biên bản họp tháng 3 của Fed được công bố.
Thương mại lạm phát: Một số nhà đầu tư bắt đầu đặt cược vào đà tăng của lạm phát Mỹ khi số liệu cho thấy giá cả tăng lên và Fed phát tín hiệu sẽ không can thiệp để kéo giảm giá xuống. Việc này khiến giới đầu tư tìm kiếm tài sản an toàn nào đó như trái phiếu chẳng hạn - vốn không bị ảnh hưởng tiêu cực khi giá cả tăng.
Jim Vogel, chiến lược gia về lãi suất tại FTN Financial, cho biết, nếu bạn đang tìm một đồng tiền mà “cách ly” với hoạt động thương mại đang nóng bỏng hiện nay, yên Nhật có thể là lựa chọn tốt.
Nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn: Yên được coi là đồng tiền sẽ mạnh lên vào những thời điểm có biến động như đã xảy ra trên thị trường toàn cầu vừa qua. Hơn nữa, có dấu hiệu cho thấy giới đầu tư Nhật Bản đang hồi hương tiền tệ - sẽ khiến các nhà đầu tư khác ồ ạt mua yên, theo Julian Jessop, nhà kinh tế học toàn cầu tại Capital Economics.
Đầu cơ: Giới đầu cơ đã tăng vị thế bán ròng yên khi đồng tiền này giảm giá trong những năm gần đây. “Vì yên giảm giá quá mạnh, tôi nghĩ rằng mọi người bắt đầu coi đây là màn đặt cược một chiều rằng yên sẽ tiếp tục giảm giá. Khi yên đảo chiều, họ sẽ đóng vị thế và mua vào đồng tiền này”, ông Jessop cho biết.
Đầu tư 200 triệu USD cho dự án tiết kiệm năng lượng công nghiệp
Danh mục Dự án "Tiết kiệm năng lượng cho ngành Công nghiệp Việt Nam" vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự án sẽ tiết kiệm khoảng 1,86 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) hàng năm và lượng giảm phát thải nhà kính (CO2) hàng năm dự kiến đạt được là 9,67 triệu tấn.
Có khoảng 50 doanh nghiệp công nghiệp được hưởng lợi trực tiếp từ Dự án; 60 dự án tiết kiệm năng lượng và năng lượng hiệu quả được phát triển; xây dựng cơ sở dữ liệu về tiết kiệm năng lượng quốc gia cho ngành công nghiệp.
Dự án được thực hiện từ năm 2016 - 2020 với tổng mức vốn là 314 triệu USD, trong đó, vốn vay của WB 201,7 triệu USD, vốn đối ứng 112,3 triệu USD.
Giá dầu thế giới tăng, OPEC sớm đóng băng sản lượng
Giá dầu thô đã tăng vọt trong ngày 6-4, mở ra hi vọng cho một thỏa thuận giữa các nhà xuất khẩu dầu nhằm đóng băng sản lượng bán ra trên thị trường, khi mà nguồn cung toàn cầu dư thừa và kế hoạch của Iran trong việc đẩy mạnh sản xuất, gây áp lực lên giá.
Giá dầu đã phục hồi trở lại sau khi duy trì ở mức thấp trong vòng 1 tháng khi kết thúc phiên giao dịch vừa qua. Biến động này xảy ra sau khi Thống đốc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại Kuwait, ông Nawal Al-Fazaia, nói rằng “đang có những dấu hiệu tích cực rằng sẽ sớm đạt được một thỏa thuận" về sản lượng dầu thô trong cuộc họp tới dự kiến vào ngày 17-4 tại Qatar.
Giá dầu thô CLc1 của Mỹ đã tăng thêm 1 USD, mức tăng tương đương gần 3%, đạt mốc khá cao là 36,92 USD / thùng trước khi giảm xuống còn 36,76 USD/ thùng vào lúc 06:46 GMT (giờ quốc tế). Giá dầu Brent quốc tế LCOc1 cũng tăng cao trở lại, đạt mốc 38,64 USD/ thùng trước khi giảm nhẹ xuống mức 38,41 USD / thùng, như vậy là vẫn tăng 54 cent kể từ sau quyết định lần đây nhất của nhóm OPEC.
Ngân hàng ANZ cho biết: "Dầu thô đang có được những hỗ trợ nhất định, khi mà Thống đốc OPEC tại Kuwait cho biết sẽ đưa ra khoản trợ giá cho giá dầu", nhưng cũng cảnh báo rằng các nhà đầu tư vẫn nên thận trọng trong cuộc họp tới vào ngày 17-4.
Theo góc nhìn từ các doanh nghiệp, nền kinh tế của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ ổn định trở lại khi được hưởng trợ giá sau hơn 1 năm suy giảm kinh tế.
Thỏa thuận ban đầu nhằm đóng băng sản lượng dầu trong tháng 2 đã giúp giá dầu tăng lên gần 38 USD/ thùng từ mức rất thấp trong 12 năm qua là 27 USD/ thùng hồi đầu năm nay.
Tuy nhiên, giá dầu đã giảm trong thời gian gần đây, dù cho có thông tin rằng một thỏa thuận khác, lớn hơn sẽ đạt được. Đó là do Iran, cho đến nay đã tuyên bố, nước này không có ý định làm chậm lại tiến trình sản xuất của mình sau khi các biện pháp trừng phạt chống lại nước này đã được dỡ bỏ trong tháng 1.
Truyền hình Nhà nước Iran đưa tin trong ngày 6-4 rằng, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, ông Bijan Namdar Zanganeh cho biết sản lượng dầu thô của nước này sẽ đạt mốc 4 triệu thùng/ngày vào tháng 3-2017, cùng kế hoạch xuất khẩu 2,25 triệu thùng dầu/ ngày với nguồn cung nhiên liệu hiện tại.
Đây là mức cao hơn 1 triệu thùng dầu/ ngày sau khi Iran bị áp đặt lệnh trừng phạt và chỉ giảm nhẹ đôi chút so với mức đỉnh 2,5 triệu thùng dầu/ ngày so với trước khi có lệnh trừng phạt.