400 chi nhánh ngân hàng ở Anh sắp đóng cửa
Ba ngân hàng lớn nhất nước Anh là HSBC, Barclays và Royal Bank of Scotland (RBS) đang lên kế hoạch đóng cửa 400 chi nhánh ở nước này trong năm nay.
Ngân hàng HSBC, Barclays và Royal Bank of Scotland sẽ đóng cửa hàng trăm chi nhánh ở Anh - Ảnh: Reuters,
Theo Reuters, số lượng chi nhánh của các ngân hàng chính ở Anh đã giảm một nửa trong vòng 20 năm qua.
HSBC có thể là nhà băng đóng cửa nhiều chi nhánh nhất với 200 địa điểm dừng hoạt động trong năm nay. Con số 200 chiếm khoảng 1/5 số chi nhánh ở Anh của ngân hàng này. RBS và Barclays cũng có kế hoạch tương tự khi mỗi ngân hàng sẽ đóng cửa khoảng 100 chi nhánh.
“Việc các nhà băng dọn đi sẽ đẩy nhanh cái chết của đường phố kinh doanh ở Anh. Điều này đặc biệt sẽ tác động dây chuyền đến các doanh nghiệp địa phương và người già”, giám đốc Chiến dịch cho Cộng đồng Ngân hàng Derek French nói.
HSBC, RBS và Barclays thông báo riêng cho biết họ đã giảm mạng lưới chi nhánh của mình vì các khách hàng giờ đây ưa dùng dịch vụ ngân hàng trực tuyến hay ngân hàng trên điện thoại di động mà ít lui tới các chi nhánh. Dù các ngân hàng đều cho rằng cần duy trì mạng lưới rộng rãi, số chi nhánh vẫn giảm mạnh trong thời gian gần đây. Giới phân tích cho rằng việc các nhà băng đóng cửa chi nhánh sẽ ảnh hưởng nhiều đến người già, khách hàng có thu nhập thấp vì nhiều người trong số họ không có khả năng truy cập internet.
Theo một cuộc khảo sát khoảng 2.010 người do hãng ComRes thực hiện, khoảng 70% người Anh nói rằng việc có một chi nhánh ngân hàng gần nơi họ sống là quan trọng.
Nước Anh có khoảng 25 chi nhánh ngân hàng với mỗi 100.000 người vào cuối năm 2014, theo Citigroup. Đây là mức thấp hơn các quốc gia Nam Âu khác như Tây Ban Nha và Pháp, với lần lượt 70 và 38 chi nhánh trên mỗi 100.000 người dân. Song con số 25 vẫn vượt qua mức trung bình 17 chi nhánh ngân hàng phục vụ 100.000 người dân ở các nước Bắc Âu, nơi ngân hàng trực tuyến phát triển hơn.
Theo nghiên cứu của ngân hàng UBS, khoảng một nửa trong số 10.386 chi nhánh ngân hàng ở Anh có thể biến mất trong 5 năm tới vì ngày càng có nhiều người lựa chọn ngân hàng trực tuyến, còn các nhà băng thì muốn cắt giảm chi phí để tăng lợi nhuận. Vì xu hướng nói trên, các nhà băng châu Âu và Mỹ được dự báo là sẽ cắt giảm khoảng 1,7 triệu việc làm trong thập niên tiếp theo, theo nghiên cứu của Citigroup.
Giám đốc điều hành ngân hàng Áo mất chức vì Hồ sơ Panama
Giám đốc điều hành ngân hàng Hypo Landesbank Voralberg của Áo bất ngờ từ chức sau khi tên ông xuất hiện trong Hồ sơ Panama, vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất lịch sử liên quan đến trốn thuế.
Biểu tượng ngân hàng Hypo Landesbank Vorarlberg phía ngoài một chi nhánh ở Vienna, Áo. Ảnh: Reuters.
Michael Grahammer, giám đốc điều hành Hypo Landesbank Vorarlberg từ năm 2012, thông báo với ngân hàng ông sẽ từ chức, Reuters dẫn thông báo từ Hypo Landesbank Vorarlberg hôm nay cho biết. Quyết định của Grahammer là một bất ngờ.
Theo đài truyền hình Áo ORF, nằm trong số hơn 100 tổ chức tin tức điều tra dữ liệu rò rỉ, gọi là Hồ sơ Panama, từ công ty luật Panama Mossack Fonseca, Hypo Landesbank Vorarlberg có liên hệ với các công ty nước ngoài thông qua người được ủy quyền ở Liechtenstein.
Ông Grahammer nói từ chức là do nhiều diễn biến trong năm ngoái, cộng thêm "sự vội vã phê phán của truyền thông trong vài ngày qua đã khiến tôi đưa ra quyết định này". Grahammer trở thành nhân vật cấp cao đầu tiên trong lĩnh vực ngân hàng từ chức vì Hồ sơ Panama.
Cơ quan điều hành thị trường tài chính Áo FMA đang điều tra để kết luận Hypo Landesbank Vorarlberg và Raiffeisen Bank International, một ngân hàng Áo khác có tên trong Hồ sơ Panama, có thực hiện các biện pháp ngăn chặn rửa tiền hay không.
"Tôi đảm bảo 100% rằng ngân hàng không vi phạm luật pháp hoặc các lệnh trừng phạt", ông Grahammer cho biết trong thông báo.
Ngày 3/4, khoảng 11,5 triệu tài liệu của Mossack Fonseca bị rò rỉ, hé lộ mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên thế giới. Chúng được cho là lập ra để giúp người giàu né thuế và trong một số trường hợp là rửa tiền.
Nhiều công ty được đề cập có liên quan đến thân tín của các chính khách và người nổi tiếng trên thế giới. Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson ngày 5/4 đã xin từ chức sau khi ông bị nghi trốn thuế. Chính phủ Iceland chỉ định Bộ trưởng Nông nghiệp Sigurdur Ingi Johannsson làm tân thủ tướng và sẽ bầu cử quốc hội sớm vào mùa thu
Doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm công ty Hàn sau khi ngừng mua Sheraton
Anbang Insurance Group, tập đoàn Trung Quốc cách đây không lâu còn kiên trì trong cuộc đua thâu tóm Starwood Hotels & Resorts Worldwide - hãng sở hữu thương hiệu khách sạn Sheraton - vừa đồng ý mua một công ty bảo hiểm Hàn Quốc.
Anbang Insurance Group sẽ thâu tóm hai hãng bảo hiểm hoạt động ở Hàn Quốc - Ảnh chụp lại từ Asia News.
Theo Bloomberg, hãng bảo hiểm Trung Quốc sẽ mua lại công ty Allianz Life Insurance Korea và Allianz Global Investors Korea, hai công ty thuộc hãng dịch vụ tài chính Allianz hoạt động ở Hàn Quốc. Thông tin trên có từ tuyên bố chung không tiết lộ giá trị cụ thể, được đưa ra hôm nay 6/4.
Việc hãng dịch vụ tài chính có trụ sở ở Munich (Đức) bán các đơn vị kinh doanh ở Hàn Quốc nằm trong kế hoạch tập trung vào các bộ phận kinh doanh đem lại lợi nhuận, thoái vốn khỏi các hoạt động ít đem lại lợi nhuận của Giám đốc điều hành Allianz Oliver Baete.
Phát ngôn viên Thomas Atkins của tập đoàn Allianz cho biết hãng này kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận trị giá từ hàng chục đến hàng trăm triệu EUR.
Dưới sự điều hành của ông Wu Xiaohui, hãng bảo hiểm có trụ sở ở Bắc Kinh nổi lên là một trong các tập đoàn Trung Quốc hăng hái mua sắm tài sản nhất, với các thương vụ chủ yếu tập trung ở ngành bảo hiểm và bất động sản. Chưa đầy một tuần trước thông tin thâu tóm công ty bảo hiểm ở Hàn Quốc, Anbang đã rút lại lời chào mua ngỏ giá 14 tỷ USD cho nhà điều hành khách sạn Mỹ Starwood.
Thỏa thuận mua bán vừa được tiết lộ là thương vụ liên quan đến hãng bảo hiểm Hàn Quốc thứ hai của Anbang, đánh dấu việc tái tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi của hãng sau “cơn sốt” mua sắm bất động sản.
Trước đó, Anbang Insurance đã mua cổ phần kiểm soát của Tongyang Life Insurance ở Hàn Quốc với giá 1.130 tỷ won, tương đương 977 triệu USD. Vào tháng 11/2015, Anbang tiếp tục mua hãng Fidelity & Guaranty Life thuộc tập đoàn HRG Group với giá 1,6 tỷ USD để mở rộng hoạt động ở Mỹ. Ngoài ra, hãng bảo hiểm Hà Lan Vivat và hãng bảo hiểm Bỉ Antwerp cũng đã được Anbang thâu tóm.
Triều Tiên bị tố in tiền Trung Quốc giả
Triều Tiên bị tố là in giả cả tiền Trung Quốc và tiền Mỹ - Ảnh: Reuters
Đài truyền hình Phượng Hoàng của Hồng Kông loan tin Triều Tiên in giả nhân dân tệ của Trung Quốc và số tiền này đang lưu hành ở nhiều thành phố Trung Quốc.
Đài truyền hình Phượng Hoàng tung ra thông tin Triều Tiên in nhân dân tệ giả, cho biết thêm nước này sở hữu công nghệ in tiền giả thuộc “đẳng cấp thế giới”, có thể in cả USD và yen Nhật.
Phượng Hoàng còn cho rằng Triều Tiên đã dùng “3 loại vũ khí chết người”, gồm buôn bán vũ khí, ma túy trái phép và in tiền giả để kiếm tiền.
Trước đó, Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc hôm 28.3 cũng từng đưa tin rằng nhiều tờ tiền giả bị tịch thu ở thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) đã được xác định là có nguồn gốc từ Triều Tiên. Ngoài ra, người Trung Quốc cũng phát hiện tiền giả loại 100 nhân dân tệ lưu hành ở thành phố Thiệu Hưng (tỉnh Chiết Giang) từ tháng 11.2015 và nhiều chuyên gia đã nhận định rằng đó là tiền có nguồn gốc từ Triều Tiên, theo hãng tin UPI hôm 6.4.
Tiền giả từ Triều Tiên được cho “chạy” qua Trung Quốc thông qua du lịch và buôn bán xuyên biên giới.
Ông Lu Chao, giám đốc Viện nghiên cứu Biên giới thuộc Học viện Khoa học xã hội Liêu Ninh (Trung Quốc), nói rằng Triều Tiên đã nhiều lần làm tiền giả, thậm chí cũng đã có bằng chứng cho thấy Triều Tiên in USD giả.
Trung Quốc xưa nay là đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên, nhưng mối quan hệ này đang rạn nứt sau khi Trung Quốc ủng hộ lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc áp lên Triều Tiên.
Thủ tướng Canada kêu gọi hợp tác toàn cầu chống trốn thuế
Thủ tướng Canada đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau xây dựng nền tài chính toàn cầu minh bạch hơn để những nhà đầu tư giàu có không còn cơ hội lách luật trốn thuế.
Trụ sở công ty luật Mossack Fonseca tại Panama City ngày 4/4. Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 6/4 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau xây dựng nền tài chính toàn cầu minh bạch hơn để những nhà đầu tư giàu có không còn cơ hội lách luật trốn thuế.
Phóng viên TTXVN tại Canada cho biết, trong phát biểu công khai đầu tiên về vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” đang là tâm điểm chú ý của dư luận thế giới, ông Trudeau cho biết từ lâu Chính phủ liên bang Canada đã biết rõ lách thuế đang là một vấn nạn. Qua vụ việc này, mức độ nhận thức của người dân về việc trốn thuế và lách thuế đã được nâng lên, nhưng cộng đồng quốc tế sẽ phải hợp tác với nhau để ngăn chặn các hoạt động trên.
Thủ tướng Trudeau đưa ra kêu gọi trong phiên họp Đại hội thường niên của Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) tại thành phố Montreal. RBC là ngân hàng cho vay lớn nhất Canada và đang trong "tâm bão” sau khi bị phát hiện là thể chế tài chính duy nhất của Canada có tên trong “Hồ sơ Panama”. Ngân hàng này bị cáo buộc có sử dụng dịch vụ của công ty luật Mossack Fonseca và đã giúp các khách hàng thành lập 370 công ty ở nước ngoài.
Phát biểu tại đại hội, Giám đốc điều hành RBC David McKay cho biết ngân hàng đã tập hợp một nhóm nhân viên rà soát toàn bộ hồ sơ đã được lưu trữ trong hơn 40 hoạt động để phát hiện xem có bất cứ sai sót nào không. Ông bày tỏ quan ngại trước việc RBC bị lôi vào những tranh cãi liên quan đến các cáo buộc trốn thuế ở nước ngoài trong bối cảnh chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy RBC đã có những việc làm sai phạm.
Theo các thông tin do hãng CBC và tờ "Toronto Star" của Canada tiết lộ, nước này có 350 tổ chức và cá nhân bị nêu tên trong “Hồ sơ Panama”. Ngoài ngân hàng RBC, những cái tên đáng chú ý khác gồm có luật sư Helene Mathieu (Hê-len Mác-thiêu), cựu Bộ trưởng Nội các tỉnh bang Newfoundland - ông Chuck Furey, bác sĩ Brian Shamess và nhà môi giới đầu tư John Wright. Ngoài ra, còn có một người Canada gốc Việt là Eric Văn Nguyễn, một nhà đầu tư cổ phiếu ở Quebec.
Ngày 6/4, Algeria đã triệu Đại sứ Pháp tại nước này đến để phản đối về "chiến dịch thù địch" nhằm vào quốc gia Bắc Phi này bởi truyền thông Pháp liên quan đến vụ "Hồ sơ Panama".
Hãng thông tấn APS của Algeria cho biết Ngoại trưởng Ramtane Lamamra đã bày tỏ "sự phản đối mạnh mẽ với Đại sứ Pháp Bernard Emie, người đã được triệu tới Bộ Ngoại giao Algeria sau khi báo chí Pháp tiến hành chiến dịch thù địch nhằm vào Algeria và các cơ quan khác".
Trước đó, tờ Le Monde của Pháp đã đăng tải trên trang nhất hình ảnh Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika là một trong những nhà lãnh đạo được nhắc tới trong vụ "Hồ sơ Panama", trước khi quá trình kiểm tra lại cho thấy không có tên nhà lãnh đạo Algeria trong số những tài liệu bị rò rỉ.
(
Tinkinhte
tổng hợp)