tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 13-04-2017

  • Cập nhật : 13/04/2017

HSBC: Ngành sản xuất sẽ có thể đưa Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng

Ngành sản xuất và xuất khẩu đã bị ảnh hưởng nặng nề trong quý I và không thể giúp nền kinh tế Việt Nam đạt được tốt độ tăng trưởng mạnh mẽ như trước năm 2017. Tuy nhiên, HSBC vẫn cho rằng ngành sản xuất sẽ đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong những quý tới.

hsbc: nganh san xuat se co the dua viet nam quay tro lai quy dao tang truong

HSBC: Ngành sản xuất sẽ có thể đưa Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng

Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Việt Nam tháng 4.2017 "Tăng trưởng liệu có vấn đề?". Theo đó, ngành xuất khẩu được đánh giá đã “bị ảnh hưởng nặng nề”. Ngành xuất khẩu và sản xuất đã không thể giúp nền kinh tế Việt Nam đạt được tốt độ tăng trưởng mạnh mẽ như trước năm 2017.

Trong tháng Ba, hoạt động xuất khẩu chỉ tăng trưởng 8%. Theo HSBC, đây là “sự sụt giảm xuất khẩu so với đỉnh điểm của tháng Hai (đạt 30%)”. Mức tăng trưởng thấp hơn hăn tháng liền trước này diễn ra trên diện rộng, cả ở khối nội địa lẫn các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Nguyên nhân dẫn tới hoạt động xuất khẩu không mạnh mẽ là do sự sụt giảm kỷ lục (24,3% so với năm trước) ở mảng xuất khẩu điện thoại và phụ tùng - mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Riêng tập đoàn Samsung tại Việt Nam đã góp phần làm giảm 10,7% hoạt động xuất khẩu mặt hàng điện thoại và phụ kiện. Việc tạm ngưng các dây chuyền sản xuất của Samsung Vietnam còn đang kéo ngành sản xuất điện tử đi xuống.

Trong những quý tới, HSBC cho rằng ngành sản xuất và xuất khẩu vẫn có thể đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Bởi lẽ nhiều hãng đang có kế hoạch tung sản phẩm mới và sự hồi phục nhu cầu trên thế giới. Kết quả khảo sát chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cho thấy, đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã đạt mức tăng nhanh nhất trong năm 2017. Sự tự tin của nhiều nhà sản xuất về số lượng đơn hàng mới cũng được họ thể hiện rõ.

“Tình hình sản lượng sẽ tăng trong 12 tháng tới nhờ vào kỳ vọng đơn hàng mới sẽ nhiều hơn và các kế hoạch mở rộng kinh doanh. Ngành sản xuất vì vậy sẽ có thể đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong những quý tới đây.” – bán báo cáo của HSBC nêu.

Bên cạnh đó, mức tăng nhân công việc làm gần đạt mức kỷ lục cũng là chỉ dấu báo hiệu ngành sản xuất sẽ tốt hơn. Thống kê cho thấy, số lượng công việc tăng lên đã dẫn tới chỉ số nhân công việc làm tăng nhanh nhất kể từ tháng 9.2016.(CafeF)
-----------------------------------

Thanh tra việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn

Theo công bố của Thanh tra Chính phủ (TTCP), ngày 10-4, Tổng TTCP đã có Quyết định số 776/QĐ-TTCP, thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn . Trong quá trình thanh tra, nếu có nội dung liên quan, đoàn thanh tra có thể kiểm tra để làm rõ.

Thời gian tiến hành thanh tra 30 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.

Đoàn thanh tra gồm 5 thành viên do ông Lê Quang Tiệp, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra khối kinh tế ngành (Vụ I) - TTCP, làm trưởng đoàn. Hoạt động của đoàn thanh tra được giám sát bởi tổ giám sát thuộc Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra của TTCP do ông Hoàng Đức Quỳnh - Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ 1 làm tổ trưởng.

Tại buổi công bố quyết định thanh tra, ông Lê Sỹ Bảy, Vụ trưởng Vụ I, đề nghị lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị được thanh tra phối hợp tốt để đoàn thanh tra hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Như Người Lao Động đã đưa, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, trong những ngày tới, đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ sẽ vào Bình Định để thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa (CPH) cảng Quy Nhơn. Kết quả thanh tra báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1-7-2017.

Cảng Quy Nhơn được hình thành năm 1976 do Cục Đường biển (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) quản lý. Đến năm 1993, Bộ GTVT quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Cảng Quy Nhơn. Năm 2009, cảng trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đổi tên là Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn. Tháng 7-2013, Vinalines phê duyệt phương án CPH, chuyển Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn thành Công ty CP Cảng Quy Nhơn (QNP).

Theo thông tin báo chí phản ánh gần đây, ngoài hạ tầng cơ sở và diện tích đất bạt ngàn, Cảng Quy Nhơn còn có 6 cầu tàu với tổng chiều dài 824 m, trong đó lớn nhất là cầu tàu số 6 có thể tiếp nhận tàu tải trọng 50.000 tấn giảm tải ra vào làm hàng. Theo nhiều chuyên gia về cảng biển, để có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 50.000 tấn, mức đầu tư xây dựng cho riêng cầu tàu này phải hơn 1.000 tỉ đồng. Cảng Quy Nhơn cũng sở hữu 165 phương tiện, thiết bị chuyên dùng trị giá hàng trăm tỉ đồng, trong đó, riêng cần cẩu bờ di động sức nâng 100 tấn có giá trên thị trường khoảng 150 tỉ đồng.

Với khối tài sản đồ sộ như vậy nhưng trước khi cổ phần hoá, Cảng Quy Nhơn chỉ được định giá hơn 404 tỉ đồng mặc dù thời điểm đó cảng có lượng tiền mặt gần 53 tỉ đồng và chỉ nợ ngắn hạn hơn 100 tỉ đồng. Đặc biệt, nhiều tài sản, thiết bị của Cảng Quy Nhơn được định giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế. Điển hình như hàng chục cần cẩu, xe cẩu, xe nâng, tàu lai chuyên dụng trị giá hàng trăm tỉ đồng nhưng chỉ được định giá... hơn 1,9 tỉ đồng.

Tháng 9-2013, Cảng Quy Nhơn tổ chức bán đấu giá thành công, bán ra 10% vốn điều lệ cho cổ đông tự do, tương đương 4,04 triệu cổ phần với mức giá bình quân 12.792 đồng/cổ phần. Ngoài ra, Cảng Quy Nhơn cũng bán 4,04 triệu cổ phần khác cho “nhà đầu tư chiến lược” là Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành có trụ sở ở Hà Nội.

Đáng chú ý, vào tháng 6-2015, Vinalines bất ngờ chuyển nhượng đợt 2 với 10,5 triệu cổ phần, tương đương 26,01% tỉ lệ sở hữu Cảng Quy Nhơn cho Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành.

3 tháng sau, Vinalines tiếp tục bán toàn bộ phần vốn còn lại trong Cảng Quy Nhơn (19,8 triệu cổ phần với tỉ lệ 49%) cho Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành và giúp doanh nghiệp này tăng tỉ lệ nắm giữ Cảng Quy Nhơn lên 86,23% với tổng trị giá chỉ 440 tỉ đồng.

Trước khi chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành trong đợt 2 và đợt 3, giữa năm 2015, lãnh đạo Cảng Quy Nhơn có văn bản gửi Vinalines và Bộ Giao thông vận tải đề nghị giữ lại 51% phần vốn nhà nước nhưng không được xem xét.(NLĐ)
-------------------------------------

BVSC: 3 nguyên nhân khiến lạm phát tăng tốc ngay từ đầu năm

Lạm phát đã tăng tốc ngay từ đầu năm do ảnh hưởng của nhóm hàng lương thực thực phẩm, nhóm giao thông và các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Dù vậy, diễn biến lạm phát trong các tháng tới sẽ không đáng lo ngại.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô & thị trường Quý I/2017. Theo đó, lạm phát 2017 được đánh giá đã “tăng tốc ngay từ đầu năm”. Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I năm nay tăng 4,96% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm gần đây (năm 2015 tăng 0,74%; năm 2016 tăng 1,25%). Có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tăng tốc của lạm phát.

Thứ nhất, các địa phương tiếp tục thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục theo lộ trình (riêng trong tháng 3, giá nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,5% MoM; giá nhóm hàng giáo dục tăng 0,75% MoM).

Thứ hai, quý đầu năm trùng với Tết Nguyên đán nên nhu cầu về lương thực, thực phẩm tăng lên. Bình quân quý I năm 2017, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,99% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,36% vào mức tăng CPI chung.

Thứ ba, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong 3 tháng đầu năm tăng mạnh, khiến cho giá xăng dầu bình quân quý I tăng 34,92% so với cùng kỳ, đóng góp 1,45% vào mức tăng CPI chung.

Tuy nhiên, BVSC cho rằng mức tăng của lạm phát không đáng lo ngại. Bởi lẽ, chỉ số lạm phát toàn phần tăng mạnh chủ yếu do ảnh hưởng của nhóm hàng lương thực thực phẩm, nhóm giao thông và các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Nếu loại trừ các nhóm hàng này ra thì chỉ số lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2017 có mức tăng không quá lớn (chỉ 1,66%).

Trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2017, diễn biến lạm phát sẽ không có nhiều biến động. Theo BVSC, giá dịch vụ công thời gian tới sẽ không tác động nhiều đến lạm phát; Giá dầu thế giới cũng sẽ quanh mức 50 USD/thùng; Thời tiết có thể sẽ bớt cực đoan hơn năm 2016 giúp ổn định mặt bằng giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống.

BVSC duy trì dự báo lạm phát bình quân cho cả năm 2017 sẽ vẫn dao động ở mức từ 3-4%.(CafeF)
-------------------------------------------

27.000 đồng một kg thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 3, cả nước đã nhập khẩu gần 7.800 tấn thịt lợn các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD. Con số này tăng gần 16% về lượng và 21% về trị giá so với cùng kỳ. Như vậy, tính bình quân mỗi kg thịt lợn khi nhập khẩu về Việt Nam có giá 1,2 USD, tức khoảng 27.000 đồng.  

Trong đó, phụ phẩm sau giết mổ của lợn tươi được nhập về nhiều nhất với 5.400 tấn, trị giá 4,8 triệu USD, tương đương 0,88 USD mỗi kg (khoảng 20.000 đồng). Thịt lợn tươi gần 2.400 tấn với giá tương đương 42.500 đồng mỗi kg. Số lượng nhỏ còn lại là thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ, muối, ngâm nước muối, làm khô hoặc hun khói...

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2016, lượng thịt lợn các loại được nhập khẩu về Việt Nam đạt 39.400 tấn, trị giá 44 triệu USD. Trong đó, chủ yếu là phụ phẩm sau giết mổ của lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh với giá bình quân 21.000 đồng; thịt lợn tươi giá khoảng 35.900 đồng một kg.

Giá mặt hàng thịt lợn nhập khẩu đang khá rẻ so với sản phẩm được nuôi trong nước. Cách đây khoảng 2 tháng, lần đầu tiên trong vòng 10 năm, giá thịt lợn hơi giảm mạnh xuống còn khoảng 25.000 đồng mỗi kg, tuy nhiên thịt được bán tại các chợ, siêu thị vẫn dao động trong khoảng 70.000-120.000 đồng.  

Đây không phải là mặt hàng thực phẩm duy nhất của Việt Nam chịu sự cạnh tranh lớn với các quốc gia khác ở ngay thị trường trong nước. Trước đó, số liệu thống kê của cơ quan hải quan gần đây cũng cho thấy, giá mặt hàng thịt gà nhập khẩu cũng chỉ vào khoảng 20.000 đồng mỗi kg.

Cũng theo cơ quan quản lý, từ đầu năm đến giữa tháng 3, cả nước nhập khẩu gần 41.000 tấn thịt các loại. Trong đó lớn nhất là thịt gà, chiếm tỷ trọng hơn một nửa tổng lượng thịt các loại nhập khẩu về Việt Nam, tiếp đến là thịt trâu bò.(VNE)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục