tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 01-12-2017

  • Cập nhật : 01/12/2017

Việt Nam nhập khẩu 2,3 tỷ USD, chủ yếu là nông sản từ Argentina

Trong 10 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Argentina ước đạt 2,25 tỷ USD, chủ yếu là ngô, đậu tương, gỗ, nguyên liệu cho ngành dệt may và gia dày…

doanh nghiep 2 nuoc viet nam - argentina tim hieu thong tin ve thi truong 2 nuoc - anh: cn.

Doanh nghiệp 2 nước Việt Nam - Argentina tìm hiểu thông tin về thị trường 2 nước - Ảnh: CN.

Tại Chương trình Kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Argentina, ông Hồ Xuân Lâm, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại TP.HCM (ITPC), cho biết Argentina hiện là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latin.

Kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2010, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Argentina đã có những bước nhảy vọt, với tốc độ tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm trong giai đoạn 2012 - 2016.

Năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2,3 tỷ USD, năm 2016 con số này đã tăng lên 2,9 tỷ USD. Dự kiến, năm 2017 kim ngạch thương mại 2 nước sẽ đạt 3,5 tỷ USD.

Tính đến qúy III/2017, kim ngạch thương mại ước đạt 2,3 tỷ USD. Trong đó,Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Argentina ước đạt 2,25 tỷ USD bao gồm: ngô, đậu tương, dầu mỡ động thực vật, thức ăn cho gia súc, gỗ, bông các loại và nguyên liệu cho ngành dệt may và gia dày…

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Argentina chỉ có 361 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Argentina gồm có: giày dép và phụ kiện giày dép; cao su và các sản phẩm cao su; hàng điện tử; hàng dệt may, quần áo, sợi tổng hợp; máy móc dụng cụ cơ khí, máy nông nghiệp, cà phê...

Theo bà Rosario Marterena, Giám đốc quốc gia về Thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp Argentina, năm 2016, Việt Nam đã trở thành nước thứ 4 sau Brasil, Trung Quốc và Mỹ nhập khẩu các mặt hàng của Argentina với kim ngạch lên đến 2,5 tỷ USD, chiếm 4% xuất khẩu trong nước.

Các doanh nghiệp Argentina và Việt Nam có thể liên doanh với nhau, tận dụng cơ hội để đưa hàng hóa hai nước vào khu vực châu Á và Mỹ Latin. Doanh nghiệp Argentina sản sẵn sàng cung cấp cho các doanh nghiệp Việt những sản phẩm giá trị như: thịt bò, dê, hải sản, protein đậu nành, thức ăn chăn nuôi, các loại đậu, ngũ cốc...

Argentina muốn chứng tỏ với Việt Nam là nhà cung cấp lương thực đáng tin cậy với vị thế là nước lớn thứ 8 trên thế giới với 40 triệu dân, nhưng có khả năng sản xuất lương thực cho 400 triệu người và hy vọng rằng Argentina có thể đáp ứng lương thực cho 600 triệu người trong năm 2020.(Bizlive)
--------------------

Chuyển đầu tư cao tốc nối với Trung Quốc: Từ ngân sách sang BOT

Bộ GTVT lên phương án kéo dài dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đến cửa khẩu Hữu Nghị kèm theo điều kiện bỏ 1 trong 2 trạm thu phí trên QL 1A.

 

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Đây là động thái cụ thể hoá chủ trương của Thủ tướng về chuyển đổi phương thức đầu tư dự án này từ vốn vay quốc tế sang hình thức BOT. Cụ thể, vào ngày 18/11, trong phiên trả lời chất vấn của ĐBQH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi đã trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn và Bộ trưởng Bộ GTVT và đã thống nhất không dùng vốn nước ngoài mà làm đoạn tuyến từ Chi Lăng đi cửa khẩu Hữu Nghị bằng hình thức BOT trên tinh thần khắc phục những vấn đề còn tồn tại của hình thức này”.

Cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị dài 43 km, thuộc đoạn cuối của cao tốc Hà Nội –Lạng Sơn, kết nối sang Trung Quốc, hình thành nên tuyến vành đai Hà Nội – Lạng Sơn – Nam Ninh. Theo quy hoạch, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn dài 153km sẽ hoàn thành đồng bộ vào năm 2020.

Hiện nay, đoạn tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đã đưa vào khai thác từ năm 2016. Trong khi đó, 64km cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng (TP Lạng Sơn), kết hợp với tăng cường mặt đường QL1 (đoạn Km1+800 - Km106+500) đang được triển khai xây dựng theo hình thức BOT và sẽ hoàn thành trong năm 2019. Còn lại, 43km đoạn từ Chi Lăng - Cửa khẩu Hữu Nghị được Bộ GTVT phê duyệt quyết định đầu tư ngày 14/6/2016 với tổng mức đầu tư khoảng 8.743 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2019.

Trước lo ngại về nợ công tăng cao, đặc biệt là lo ngại về chậm tiến độ, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị Chính phủ chuyển đổi sang hình thức BOT. Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị xem xét bỏ 1 trạm thu phí trên QL 1A (dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn có 2 trạm thu phí trên QL 1A) để giảm sức chịu đựng của chủ phương tiện.

Ông Trần Văn Thế, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC - nhà đầu tư dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn) cho hay, việc chậm triển khai đoạn tuyến Chi Lăng - Hữu Nghị khiến lượng xe trên tuyến của doanh nghiệp này đầu tư không đạt, đe dọa  khả năng thu hồi vốn. Hiện, ngân hàng Vietinbank cam kết cho vay vốn đối với dự án Chi Lăng – Hữu Nghị.

Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Đối tác công tư (Bộ GTVT), Bộ GTVT đang cùng nhà đầu tư đề nghị địa phương đồng thuận để làm cơ sở báo cáo Thủ  tướng tổ chức thực hiện. Chiều 29/11, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã họp để xem xét cụ thể phương án này trước khi trình Chính phủ.(Tienphong)
---------------------

Khởi tố cựu giám đốc Chứng khoán Đông Á do thao túng cổ phiếu

Hiện Cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Khởi tố cựu giám đốc Chứng khoán Đông Á do thao túng cổ phiếu

Thông tin từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, UBCKNN vừa nhận được thông báo của Công an Thành phố Hà Nội về việc khởi tố vụ án hình sự thao túng giá chứng khoán đối với cổ phiếu của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị (mã CDO).

Qua quá trình điều tra, căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được ngày 22/11/2017, Cơ quan An ninh điều tra – Công an Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Vân Giang, sinh năm 1981, Hộ khẩu thường trú: 145 Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội – nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV chứng khoán Ngân hàng Đông Á – chi nhánh Hà Nội về tội thao túng giá chứng khoán quy định tại Điều 181c Bộ Luật hình sự. 

Hiện Cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.(Bizlive)
-------------------------------

Ngân hàng châu Âu cảnh báo thị trường toàn cầu sắp biến động

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa lên tiếng cảnh báo về các thị trường toàn cầu trong bối cảnh giới đầu tư ngày càng tăng chấp nhận rủi ro.

 

ecb canh bao thi truong toan cau sap dieu chinh

ECB cảnh báo thị trường toàn cầu sắp điều chỉnh

 

Theo CNBC, Ngân hàng Trung ương châu Âu cảnh báo dù tăng trưởng kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) được cải thiện, vẫn còn mối lo ngại về việc biến động bất ngờ gia tăng.

“Các chỉ số thể hiện mức độ căng thẳng cho khu vực eurozone vẫn duy trì ở mức thấp trong sáu tháng qua, song rủi ro về sự thay đổi nhanh chóng trên thị trường thế giới vẫn còn tồn tại”, ECB cho biết hôm 29/11.

Thị trường có xu hướng tăng trong cả năm nay, nhiều thị trường tiếp tục tiến nhanh hơn vào vùng cao kỷ lục. Chỉ số S&P 500 tăng 16% từ tháng 1, còn chỉ số European Stoxx 600 tăng 7%. Doanh thu vững chắc và kỳ vọng giảm thuế, giảm quy định cho ngân hàng ở Mỹ là những yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán.

ECB cho rằng tâm lý lạc quan nhìn chung này có thể sai. Điều này có khả năng khiến thị trường tài chính bị ảnh hưởng khi các nhà quản lý tiền tệ nhận ra rằng họ đang gánh nhiều rủi ro hơn mức họ có thể chịu đựng.

ECB viết trong báo cáo Ổn định Tài chính Financial Stability Review: “Đà tăng trưởng rủi ro tiếp tục, biến động nhẹ và dấu hiệu của việc gia tăng hành vi chấp nhận rủi ro trong thị trường tài chính toàn cầu là các nhân tố gây lo ngại, vì chúng có thể đẩy giá cả vào vùng điều chỉnh mạnh trong tương lai”.

Hồi tháng 5, ECB từng cảnh báo về nhiều rủi ro đáng kể ở khu vực eurozone, dù đây là những rủi ro có thể kiềm chế. Khi đó, ngân hàng cũng đưa ra nhiều lo ngại tương tự, bao gồm cả việc tái định giá đột xuất trong thị trường trái phiếu, tính bền vững của thị trường nợ và việc bảng cân đối của các nhà băng chậm cải thiện.

Hôm 29/11, ECB cho biết áp lực đặt lên các ngân hàng châu Âu hạ từ tháng 5, nhưng lợi nhuận của họ vẫn bị ảnh hưởng bởi mức nợ xấu cao. Sự thiếu chắc chắn về mặt chính trị ở châu Âu cũng được xem là rủi ro tiềm tàng ngày càng cao, có khả năng đẩy cao chi phí đi vay của cả chính phủ và doanh nghiệp. Eurozone đang trải qua một trong những giai đoạn kinh tế tốt nhất khi tăng trưởng quay lại ở khu vực này kể từ thời khủng hoảng nợ quốc gia.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục