Người Việt chi hơn 1,9 tỷ USD mua ôtô ngoại trong 11 tháng; Bình Dương thu về gần 588 tỷ đồng từ bán gần 19 triệu cổ phần Becamex IDC; Hợp đồng thép tương lai tiếp đà tăng giá; Ngân hàng “ôm” nợ xấu hét giá cao
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 30-11-2017
- Cập nhật : 30/11/2017
Xuất khẩu điện thoại sang Trung Quốc đạt hơn 240 tỷ đồng/ngày
Hiện có 9 thị trường xuất khẩu điện thoại đạt trị giá kim ngạch “tỷ USD”, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh thị trường Trung Quốc, thị trường Áo có mức tăng ấn tượng nhất với con số lên đến cả tỷ USD.
Biểu đồ trị giá kim ngạch 9 thị trường xuất khẩu điện thoại lớn nhất tính hết tháng 10, đơn vị tính "tỷ USD". Biểu đồ: T.Bình.
Trong đó, Trung Quốc tăng mạnh từ con số 706 triệu USD của 10 tháng đầu năm 2016 lên 3,94 tỷ USD tính hết tháng 10 năm nay và vượt qua hàng loạt các thị trường truyền thống như Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) hay Hoa Kỳ… để trở thành thị trường xuất khẩu lớn của mặt hàng này.Trong 9 thị xuất khẩu điện thoại lớn nhất của Việt Nam (theo cập nhật hết tháng 10 của Tổng cục Hải quan), 2 thị trường có sự thay đổi đáng chú ý nhất là Trung Quốc và Áo.
Đồng thời, từ môt mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc chưa mấy tên tuổi ở các năm trước đây, điện thoại đã vọt lên thành ngành hàng xuất khẩu lớn thứ 2 sang thị trường láng giềng này chỉ sau máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Với con số tăng thêm 3,234 tỷ USD so với cùng kỳ 2016, tính bình quân mặt hàng điện thoại xuất khẩu sang Trung Quốc tăng thêm 244,5 tỷ đồng/ngày (10,78 triệu USD/ngày).
Trong khi đó, tại thị trường Áo, con số kim ngạch tăng thêm cũng đạt tới 1,005 tỷ USD và đạt mức 2,724 tỷ USD.
Đáng chú ý, tính cả điện thoại, nước ta có chỉ có 8 nhóm hàng chính xuất khẩu sang thị trường này được cơ quan hải quan thống kê, nhưng tổng trị giá kim ngạch đạt tới 3,177 tỷ USD và Áo trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam ở khu vực châu Âu (sau Hà Lan, Đức, Anh). 85,7% trị giá kim ngạch đến từ nhóm hàng điện thoại.
Các mặt hàng khác xuất khẩu sang Áo trong 10 tháng qua là: Sản phẩm mây, tre, cói và thảm; gỗ và sản phẩm gỗ; hàng dệt, may; giày dép các loại; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; sản phẩm gốm, sứ; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác.
Ngoài 2 sự thay đổi lớn kể trên, việc sụt giảm kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong 10 tháng qua cũng là một điểm đáng chú ý. Hết tháng 10, xuất khẩu điện thoại sang Hoa Kỳ đạt 3,219 tỷ USD (giảm 251 triệu USD so với cùng kỳ năm 2016) và quốc gia này đứng ở vị trí thứ 4 trong số các thị trường xuất khẩu điện thoại của Việt Nam.
Với tổng trị giá kim ngạch đạt 22,619 tỷ USD, 9 thị trường xuất khẩu lớn nhất chiếm gần 61,5% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu điện thoại cả nước trong cùng thời điểm.(NCĐT)
--------------------
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11 tăng hơn 14% nhờ APEC
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 ước tính đạt 1,17 triệu lượt người, tăng 14,4% so với tháng trước.
Tổng cục Thống kê cho biết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11 tăng là do ngoài các hoạt động thường kỳ, trong tháng Việt Nam đã tổ chức Hội nghị APEC 2017. Tháng 11 cũng là tháng thứ 8 tính từ đầu năm có lượng khách đến nước ta đạt trên 1 triệu lượt người.
So với cùng kỳ năm trước, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11 tăng 25,2%, trong đó khách đến từ châu Á tăng 30,6%; từ châu Âu tăng 9,6%; từ châu Mỹ tăng 15,7%; từ châu Úc tăng 18,2%; từ châu Phi tăng 14%.
Khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng (đơn vị: nghìn lượt người)
Tính chung 11 tháng năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt gần 11,65 triệu lượt người, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 9,88 triệu lượt người, tăng 31%; đến bằng đường bộ đạt 1,53 triệu lượt người, tăng 16,2%; đến bằng đường biển đạt 230.500 lượt người, giảm 7,7%.
Các quốc gia có nhiều khách du lịch đến Việt Nam trong 11 tháng qua như Trung Quốc (3,6 triệu lượt người), Hàn Quốc (2,16 triệu lượt người), Liên Bang Nga (517.200 lượt người); Đài Loan (562.300 lượt người); Hoa Kỳ (560.300 lượt người)...
Để hoàn thành mục tiêu đón 13 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2017, Việt Nam cần thu hút hơn 1,3 triệu lượt khách quốc tế trong tháng 12.(NDH)
------------------------
Vietjet Air mua 100 máy bay, Tp. Hồ Chí Minh sẽ có nhà máy sản xuất linh kiện cho Boeing?
Lý do mở nhà máy được ông Kim cho biết xuất phát từ hãng hàng không Vietjet Air đã có hợp đồng mua 100 máy bay với Boeing. Với Boeing, hãng hàng không nào đặt mua nhiều máy bay thì sẽ ưu tiên mở nhà máy tại nước sở tại của hãng đó.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn đưa tin, trong cuộc trao đổi với lãnh đạo Tp.HCM ngày 27/11, ông Eugene Kim, chủ tịch Công ty Huneed Technologies cho biết công ty này có thể thành lập một nhà máy chuyên sản xuất dây điện cung cấp cho hãng máy bay Boeing tại đây. Hiện Huneed đang tham gia một cuộc thi cung cấp thiết bị cho hãng máy bay này và nếu thắng sẽ mở rộng sản xuất tại Việt Nam, cụ thể là khu công nghệ cao Tp.HCM.
Lý do mở nhà máy được ông Kim cho biết xuất phát từ hãng hàng không Vietjet Air đã có hợp đồng mua 100 máy bay với Boeing. Hợp đồng ký kết này diễn ra vào ngày 23/5/2016, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Barack Obama với trị giá tới 11,3 tỉ USD. Bên cạnh đó phía Boeing, hãng hàng không nào đặt mua nhiều máy bay thì sẽ ưu tiên mở nhà máy tại nước sở tại của hãng đó.
Về Huneed Technologies được thành lập năm 1968, là nhà phát triển và sản xuất linh kiện máy báy và hệ thống liên lạc quân sự của Hàn Quốc. Hãng này hiện là đối tác với nhiều hãng hãng máy bay trong nước cũng như trên thế giới như Airbus Defense & Space, Airbus Helicopters, Safran, Hàng không Hàn Quốc, Northrop Grumman và các lực lượng vũ trang Hàn Quốc.
Trước Huneed cũng có một số công ty đặt nhà máy sản xuất linh kiện cho Boeing tại Việt Nam như công ty cổ phần công nghiệp nặng Mitsubishi (MHI) của Nhật Bản. Cụ thể MHI có nhà máy láp ráp cửa cho máy bay Boeing 777 tại khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội. Công ty con của MHI, MHIVA cũng là doanh nghiệp đầu tiên triển khai sản xuất các bộ phận cho máy bay thương mại ở Việt Nam.
MHIVA có nhà máy sản xuất cánh tà cho Boeing 737 cũng tại khu công nghiệp này. Tuy nhiên hiện công nhân Việt Nam chỉ đảm nhận việc lắp ráp các chi tiết cánh tà, cửa được sản xuất ở Nhật thành bộ phận, sau đó chúng được chuyển sang nhà máy của Boeing tại Mỹ để lắp ráp vào máy bay.
Một công ty Nhật Bản khác cũng có nhà máy sản xuất linh kiện Boeing đặt tại Việt Nam là Nikkiso. Linh kiện công ty này sản xuất là bộ thiết bị cửa chốt cho công ty Spirit AeroSystems (Mỹ). Đây là một bộ phận chính sử dụng trong động cơ máy bay Boeing 777. Nikkiso hoạt động từ 2010 đặt trụ sở tại Hưng Yên.
Mới nhất là hồi tháng 9, Công ty TNHH Hanwha Techwin (Hàn Quốc) vừa khởi công Dự án nhà máy sản xuất cấu kiện, linh kiện động cơ máy bay Hanwha Aero Engines tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội với tổng mức đầu tư 200 triệu USD. Dây chuyền đầu tiên của Hanwha Techwin dự kiến đi vào hoạt động cuối tháng 4/2018 và cả 3 nhà máy tại Hòa Lạc vào năm 2022.
Tại KCN Biên Hòa II cũng có 1 công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử như mô tơ điện, bộ cảm biến điện, biến thế, những hộp điện tử cho máy bay chuyên dụng của hãng Airbus, Boeing. Công ty này là công ty TNHH Artus, do Pháp đầu tư, toàn bộ quy trình kỹ thuật, chuẩn kiểm tra chất lượng do Artus đứng ra chịu trách nhiệm.
Nhiều chuyên gia nhận định dù hiện Việt Nam chỉ đóng vai trò gia công lắp ráp nhưng về lâu dài những nhà máy này sẽ tác động vào nền kinh tế Việt Nam bởi sản xuất của nhà máy được tính là đóng góp cho GDP Việt Nam. Cũng như tác động vào nhân lực Việt Nam từ trình độ, lương bổng đến đào tạo nhân lực. Ngoài ra về lâu dài cũng sẽ có tác động vào nghiên cứu khoa học.(CafeF)
---------------------------
Mai Linh công bố phương án hợp nhất 3 công ty ở 3 miền thành công ty mới có vốn hơn 1.700 tỷ đồng
Tập đoàn Mai Linh, Mai Linh Miền Bắc và Mai Linh Miền Trung sẽ hợp nhất về một mối.
CTCP Tập đoàn Mai Linh và Mai Linh Miền Bắc, Mai Linh Miền Trung vừa công bố dự thảo hợp đồng giữa các đơn vị tham gia hợp nhất.
Theo đó, Tập đoàn Mai Linh (MLG) hiện có vốn điều lệ hơn 1.000 tỷ đồng, là đơn vị sở hữu 47,79% vốn điều lệ của Mai Linh Miền Trung và 47,86% vốn điều lệ của Mai Linh Miền Bắc. Ngoài ra Tập đoàn Mai Linh còn sở hữu cổ phần của 13 doanh nghiệp khác cũng chủ yếu hoạt động trong ngành dịch vụ taxi, vận tải hành khách, phụ tùng xe và một doanh nghiệp chuyên ngành sản xuất thương mại.
Doanh thu hợp nhất năm 2016 đạt gần 2.230 tỷ đồng và trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 1.122 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt gần 2,4 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt hơn 2.800 tỷ đồng.
Mai Linh Miền Bắc (MLN) có vốn điều lệ hơn 486 tỷ đồng. Mai Linh Miền Bắc cũng có đến 17 công ty con cùng kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi. Hơn 48,6 triệu cổ phiếu MLN chính thức giao dịch trên UpCOM từ 25/8/2017, và hiện giá đã xuống sâu về mức 2.900 đồng/cổ phiếu.
Doanh thu Doanh thu 6 tháng đầu năm 2017 đạt 525 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt gần 12,5 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt hơn 2.051 tỷ đồng.
Mai Linh Miền Trung (MNC) thì đã đưa cổ phiếu lên niêm yết từ năm 2010. Tuy thế, thanh khoản cổ phiếu này không lớn. Và hiện giao dịch trên HNX với giá 3.900 đồng/cổ phiếu.
Mai Linh Miền Trung cũng có 10 công ty con trực tiếp cùng hoạt động trong ngành dịch vụ taxi, ngoài ra còn có 2 công ty con gián tiếp. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2017 đạt 363 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4,2 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt gần 880 tỷ đồng.
Điểm chung nhất giữa 3 công ty này là ông Hồ Huy cùng là Chủ tịch HĐQT của cả 3 công ty.
Theo dự thảo, Công ty cổ phần sau hợp nhất sẽ lấy tên và thương hiệu Mai Linh Group; công ty mới sẽ kế thừa toàn bộ và sẽ hoạt động trên nền tảng khách hàng, sản phẩm công nghệ của các công ty bị hợp nhất hiện nay.
Công ty mới lấy tên CTCP Tập đoàn Mai Linh với vốn điều lệ dự kiến gần 1.729 tỷ đồng. Trong danh sách HĐQT và ban lãnh đạo mới dự kiến, thì ông Hồ Huy cũng được đề cử vào vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty.
Khi hợp nhất, 3 đơn vị Tập đoàn Mai Linh, Mai Linh Miền Bắc và Mai Linh Miền Trung sẽ chuyển toàn bộ tài sản, quyền sở hữu và nghĩa vụ hợp pháp sang cho công ty hợp nhất đồng thời chấm dứt sự tồn tại của các công ty bị hợp nhất.
Tỷ lệ hoán đổi cổ phần được xác định theo bảng dưới đây.
Kế hoạch kinh doanh 3 năm tới, Mai Linh Group đặt mục tiêu đạt 6.163 tỷ đồng doanh thu năm 2018 và phấn đấu đến năm 2020 đạt 7.457 tỷ đồng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 239,2 tỷ đồng năm 2018 và tăng gấp 3 lần, đạt 793,6 tỷ đồng trong năm 2020.(CafeF)