tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 03-12-2015

  • Cập nhật : 03/12/2015

Ngân hàng Thế giới dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam

Kinh tế Việt Nam đã ứng phó tương đối tốt trước những biến động của môi trường kinh tế bên ngoài, với tăng trưởng GDP ước tính đạt mức 6,5% trong năm 2015.

dai dien ngan hang the gioi tai buoi cong bo bao cao - anh: tr.son

Đại diện Ngân hàng Thế giới tại buổi công bố báo cáo - Ảnh: Tr.Sơn

 

Đây là nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) tại báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam được công bố hôm nay (2.12). Theo WB, mức tăng trưởngkinh tế đáng khích lệ mà Việt Nam đạt được trong năm nay phần nhiều là do tăng tổng cầu trong nước nhờ gia tăng đầu tư và tiêu dùng cá nhân.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, cầu nội địa mạnh hơn, xuất khẩu vẫn được duy trì, cùng với lạm phát thấp và niềm tin được củng cố đã tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng trong kỳ trung hạn của Việt Nam.  

Bà Victoria Kwakwa cho rằng, viễn cảnh trung hạn của Việt Nam là tích cực, trong đó dự kiến đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và lạm phát sẽ ở mức thấp. Tuy nhiên, tốc độ tái cơ cấu chậm có thể gây rủi ro đối với tiềm năng tăng trưởng trung hạn, và những trì hoãn trong việc thắt chặt tài khoá sẽ làm ảnh hưởng tới mức độ bền vững của nợ công.

Tại chuyên đề về Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong báo cáo này, các chuyên gia của WB cho rằng, TPP được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho Việt Nam.

Theo ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, Hiệp định TPP mới hoàn tất gần đây sẽ không chỉ cải thiện tiếp cận thị trường, mà còn là một nhân tố quan trọng cho giai đoạn tiếp theo của các cải cách cơ cấu tại Việt Nam.

Báo cáo của WB đánh giá, TPP sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho Việt Nam về thương mại, đầu tư, tăng trưởng và việc làm. Ước tính sơ bộ, TPP có thể sẽ bổ sung thêm 8% GDP, 17% giá trị xuất khẩu thực tế, và 12% lượng tích lũy tài sản trong vòng 20 năm tới. Kết quả dự báo cho thấy hiệp định thương mại này sẽ làm tăng GDP thực tế của Việt Nam khoảng trên 8% (lũy kế) vào năm 2030.

Theo ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, một trong những tác giả của báo cáo, mặc dù có khá nhiều thách thức nhưng khả năng hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam là khả quan. Theo chuyên gia này, muốn nâng cao khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam với TPP, cần tạo ra môi trường bình đẳng, không chèn ép để các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn, môi trường kinh doanh, phổ biến thông tin.

Một điều quan trọng khác, theo WB, TPP sẽ góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu trong nước của Việt Nam. “TPP không chỉ loại bỏ rào cản thương mại, tăng cường tiếp cận các thị trường lớn mà còn góp phần nâng cao chất lượng luật pháp, quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ nhà đầu tư, cạnh tranh, quản lý doanh nghiệp nhà nước, tiêu chuẩn lao động và môi trường, an toàn thực phẩm...”, chuyên gia Phạm Minh Đức cho biết.  

WB cho rằng, việc thực hiện các cam kết khi tham gia TPP sẽ là thách thức lớn đối với Việt Nam do Việt Nam lựa chọn con đường cải cách từ từ và bởi một số yếu tố lịch sử để lại như khu vực doanh nghiệp nhà nước lớn, thể chế thị trường không hoàn chỉnh. 

Tuy nhiên, báo cáo cũng khẳng định “Việt Nam cũng đã chứng tỏ khả năng có thể tận dụng các cam kết quốc tế để thúc đẩy cải cách trong nước khi gia nhập WTO, nhất là trong những lĩnh vực khó thực hiện”.


Lại lo ‘bong bóng’ bất động sản

“Chính phủ đang rất lo tình trạng bong bóng bất động sản (BĐS) sẽ tác động đến nền kinh tế.

Thị trường BĐS cũng đang trong giai đoạn tăng trưởng và bắt đầu nóng lên rồi. Dù bộ trưởng Bộ Xây dựng nói là chưa nhưng chúng ta không được phép chủ quan” - ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ TN&MT, nói tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng hôm 1-12.

Ông Hiển đến làm việc với tư cách là trưởng đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhà ở cho công nhân (NƠCN) đang là bài toán khó của TP. Trước đó, TP đã chọn bốn địa điểm để xây dựng 2.112 căn hộ với tổng mức đầu tư trên 1.200 tỉ đồng nhưng gặp khó khăn về vốn nên chưa thể đầu tư.

mot khu nha o xa hoi tai tp da nang. anh: le phi

Một khu nhà ở xã hội tại TP Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI

Sau đó, UBND TP Đà Nẵng giao cho Công ty Cổ phần Trung Nam làm chủ đầu tư dự án NƠCN và người lao động tại các khu công nghiệp. Nhưng nay Công ty Trung Nam trả lại dự án do không huy động được nguồn vốn và không tìm kiếm được khách hàng mua căn hộ. Do vậy, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng hỗ trợ 70% tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NƠCN để TP xây căn hộ cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp thuê ở.

Theo ông Hiển, cần nghiên cứu để xem lại cơ chế chính sách cho phù hợp với địa phương trong việc xây NƠCN. Cái này có địa phương làm tốt vì huy động được sự vào cuộc của các doanh nghiệp, còn nếu doanh nghiệp không vào cuộc thì sẽ gặp khó.

 

Chậm cấp giấy chủ quyền cho căn hộ chung cư

Tại buổi làm việc, ông Chu Phạm Ngọc Hiển nêu không hiểu vì sao Đà Nẵng đến nay chỉ mới cấp được 48 giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho một chung cư. Hiện TP có hàng ngàn căn hộ, người dân đã ở kín mà mới cấp được 48 giấy là quá ít nên phải xem xét lại để tháo gỡ.


Nữ doanh nghiệp Việt lọt top 100 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới 2015

Một nữ doanh nghiệp trẻ người Việt Nam đã vinh dự được tạp chí uy tín Foreign Policy (Mỹ) xếp vào danh sách 100 nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2015 (Top 100 Leading Global Thinkers 2015).

Trang Tran, nhà sáng lập kiêm CEO của Công ty phát triển nông nghiệp Fargreen (trụ sở Hà Nội), đã có tên trong nhóm Những nhà quản lý (Stewards) thuộc danh sách Top 100 Leading Global Thinkers 2015 nhờ sáng kiến dùng rơm trồng nấm để giúp hạn chế việc đốt rơm rạ gây hại môi trường.
“Hằng năm, nông dân Việt Nam đốt hàng chục triệu tấn rơm để dọn sạch cánh đồng chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo. Nghiên cứu cho thấy hành động này tạo ra các lớp khói dày và góp phần làm Trái đất nóng lên. Vấn đề là làm sao để thuyết phục nông dân thay đổi thói quen này. Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí hồi tháng 4, Trang Tran đã đặt câu hỏi Họ sẽ được gì nếu ngừng đốt rơm?”, theo đoạn giới thiệu về nữ doanh nghiệp trẻ của tạp chí Foreign Policy.
“Cô Tran đã có lời giải đáp bằng Fargreen, công ty chuyên hướng dẫn nông dân cách dùng rơm để trồng nấm; qua đó, tạo thêm việc làm cho người dân vào thời điểm nông nhàn, đồng thời nghĩ ra cách tận dụng loại nguyên liệu trước nay vẫn được xem như rác. Thông qua hợp tác với 10 nông dân ở tỉnh Hải Dương, Fargreen đã có mùa thu hoạch nấm đầu tiên đầy thành công hồi đầu năm. Công ty cho biết mỗi cá nhân tham gia đã kiếm được thêm khoảng 50.000 đồng một ngày (trong khi thu nhập thông thường hằng ngày là hơn 100.000 đồng)”, tạp chí Mỹ cho hay.
“Nếu được nhân rộng trên toàn Việt Nam và cả ở những quốc gia trồng lúa khác, mô hình này sẽ có thể cải thiện đời sống nông dân và làm giảm thiểu lượng khí thải độc hại”, Foreign Policy kết luận.
Tạp chí Mỹ bình luận Tran đã chọn nấm không chỉ vì rơm rất hữu ích cho việc trồng nấm, mà còn vì cô nhận thấy cơ hội kinh doanh. “Từ 80-90% lượng nấm Việt Nam được cho là đến từ các nước khác, chẳng hạn như Trung Quốc. Fargreen đã mua sỉ toàn bộ vụ thu hoạch nấm rơm của nông dân và bán lại cho các nhà hàng, cũng như đầu mối ở Hà Nội”, Foreign Policy cho biết.
Ngoài Trang Tran, nhóm 13 Nhà Quản lý thuộc Top 100 Leading Global Thinkers 2015 còn có các nhân vật nổi tiếng như Đức Giáo hoàng Francis, ca sĩ da màu Mỹ Akon.
“Những nhà tư tưởng này đã dùng ảnh hưởng của mình để  tiến hành các cuộc vận động với hi vọng làm trong sạch Trái đất… Cách thức của họ có thể khác nhau, nhưng họ đều có chung thông điệp, đó là thế giới nên ngừng dửng dưng với biến đổi khí hậu trước khi quá muộn”, Foreign Policy cho biết.

11 tháng, vốn FDI đạt trên 20 tỉ USD

Số liệu mới công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho thấy, trong 11 tháng qua, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của VN đạt trên 20 tỉ USD, vượt kế hoạch từ đầu năm.
Đặc biệt, trong số này, có 3 dự án FDI có số vốn hơn 1 tỉ USD và vốn đăng ký tăng thêm là 6,6 tỉ USD, chiếm gần 1/3 vốn FDI của cả nước.
Cụ thể, dự án của Công ty Samsung VN với số vốn đầu tư tăng thêm 3 tỉ USD tại Bắc Ninh, dự án Nhà máy điện Duyên Hải 2 có tổng đầu tư 2,4 tỉ USD của Công ty Janakusa Sdn, Bhd Malaysia đầu tư tại Trà Vinh, dự án bất động sản của Công ty TNHH liên doanh thành phố Đế Vương với tổng đầu tư 1,2 tỉ USD tại TP.HCM.

Khởi tố hàng loạt giám đốc mua bán hóa đơn

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Gia Lai cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với 8 đối tượng liên quan đến hành vi mua bán hóa đơn trái phép. Xóa sổ đường dây mua bán hóa đơn, gây thất thu hơn 10 tỷ đồng/ 'Quý bà' lập đường dây mua bán hóa đơn trái phép 200 tỷ đồng

Theo đó, các bị can Bùi Thị Khanh (33 tuổi), kế toán Công ty TNHH Chí Thiện và DNTN Việt Trực (Gia Lai); Nguyễn Thị Ái Trinh (32 tuổi), nhân viên Văn phòng Công ty TNHH An Văn Thức Gia Lai; Đỗ Minh Long (40 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH MTV Chí Thiện Gia Lai; Trần Thanh Hưng (49 tuổi), Giám đốc Công ty cổ phần Hạ Long; Châu Thị Tuyết Nga (45 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH MTV Lộc Nga; Nguyễn Nho Tâm (44 tuổi), nhân viên DNTN Hào Quang; Tạ Thanh Hải (27 tuổi), kế toán và Tạ Văn Lực, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Đạt Gia Lai cùng bị khởi tố về tội: “Mua bán trái phép hóa đơn”. Các bị can được cho tại ngoại, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Trước đó, Phòng PC46 Công an tỉnh Gia Lai cũng đã khởi tố bị can đối với Bùi Thị Thanh Nga, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Thành và Công ty TNHH Kiều Trâm Gia Lai về hành vi mua bán trái phép hóa đơn.

Theo điều tra bước đầu, trong thời gian từ 2011-2013, Công ty TNHH Thuận Thành và Công ty TNHH Kiều Trâm đã thành lập với chức năng mua bán vật liệu xây dựng và xây dựng công trình, nhưng thực tế không hoạt động theo chức năng đăng ký mà chỉ sử dụng pháp nhân để mua bán hóa đơn trái phép.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định các cá nhân trên có hành vi mua bán khoảng 1.000 tờ hóa đơn GTGT trái phép với số tiền trên 50 tỷ đồng. Quá trình mua bán hóa đơn trái phép, các cá nhân thu lợi từ 2-9% giá trị ghi trên hóa đơn.

Hiện Công an Gia Lai đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ các đối tượng mua bán, sử dụng hóa đơn khống để thanh quyết toán.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục