Kinh tế Trung Quốc sẽ ‘làm khó’ thị trường mới nổi đến năm 2020
Ấn Độ kêu gọi đầu tư sang Đông Nam Á
Nhiều ngân hàng thương mại chưa mặn mà với Nghị định 67
Cán cân thương mại thâm hụt 217 triệu USD nửa tháng đầu năm
ASEAN phát động chiến dịch '50... tốt nhất'
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 22-01-2016
- Cập nhật : 22/01/2016
Vì sao ngân hàng ngừng cho vay mua nhà dự án
Chị Thùy (Cầu Giấy, Hà Nội) chuẩn bị mua căn hộ tại một chung cư ngoại ô và đã được Ngân hàng Ngoại thương - Vietcombank đồng ý về nguyên tắc cho vay dưới hình thức thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở (tài sản hình thành trong tương lai) do chưa có giấy chứng nhận quyền tài sản. Tuy nhiên, sau đó chị nhận được thông báo không thể cho vay bởi nhiều vướng mắc về pháp lý do bên công chứng không hoàn tất thủ tục đăng ký tài sản đảm bảo.
Tương tự chị Thùy, nhiều khách hàng khác cũng bị từ chối vay mua nhà ở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng vì lý do này. Một tuần qua, nhiều khách hàng tại TP HCM cho biết, họ được nhân viên thông báo tạm thời ngưng giải ngân với các trường hợp vay vốn thế chấp tài sản bằng nhà ở hình thành trong tương lai dù trước đó nhà băng này cho vay bình thường.
"Tầm một tuần trở lại đây thì ngân hàng vẫn tiếp nhận hồ sơ, nhưng khách phải chờ vì hiện tại BIDV sẽ chưa giải ngân mà đợi hướng dẫn cụ thể từ Hội sở", một nhân viên tín dụng tại sở giao dịch 2 của BIDV cho biết.Thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai là nhu cầu chính đáng của người mua hoặc chủ đầu tư để huy động vốn. Đối với ngân hàng, đây là một nguồn tài sản bảo đảm phổ biến và có giá trị, góp phần đáng kể vào việc tăng trưởng tín dụng và thu hút khách hàng. Tuy nhiên, việc pháp luật vẫn chưa quy định một cách thỏa đáng về biện pháp bảo đảm này vô tình đang tạo ra rào cản pháp lý cho việc thế chấp khiến một số ngân hàng phải tạm dừng cho vay.
Trao đổi với VnExpress, đại diện hai ngân hàng trên cho biết lý do tạm dừng cho vay vì việc nhận thế chấp một số tài sản đảm bảo là nhà ở đã nghiệm thu sử dụng nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu gặp vướng mắc sau khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực. Ngược lại, các trường hợp cho vay mua nhà khác vẫn diễn ra bình thường.
Theo đó, các trường hợp nhận thế chấp Quyền tài sản liên quan đến dự án đầu tư xây dựng nhà ở/nhà ở hình thành trong tương lai không đúng với quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 99 thì không có giá trị pháp lý và không được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, Luật nhà ở, Nghị định 99 và Thông tư số 26 của Ngân hàng Nhà nước đều chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc nhận thế chấp này. Mặt khác, do các hướng dẫn và quy định của pháp luật chưa cụ thể nên phần lớn các văn phòng đăng ký đất đai địa phương từ chối xác nhận đăng ký giao dịch bảo đảm.
"Do đó, BIDV tạm thời dừng nhận thế chấp với các tài sản này mà chỉ nhận làm tài sản đảm bảo bổ sung trong thời gian chờ Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan khác hướng dẫn cụ thể nhằm tránh rủi ro pháp lý", đại diện BIDV nói.
Theo khảo sát của VnExpress, nhiều ngân hàng khác vẫn cho vay mua nhà dưới hình thức này bình thường. Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) ban đầu cũng phải tạm dừng cho vay mua nhà thế chấp bằng các quyền tài sản hình thành trong tương lai vì lý do này. Tuy nhiên, đến nay nhà băng vẫn linh động cho vay trở lại sau khi được một số cơ quan liên quan cho phép "nợ" một vài thủ tục trong thời gian chờ hướng dẫn.
"Thời hạn cho nợ các thủ tục đến ngày 30/6 nhưng nếu sau ngày này, các cơ quan vẫn chưa có những hướng dẫn chung sẽ rất khó cho ngân hàng", vị này nói.
Tương tự, lãnh đạo Eximbank, VPBank, TPBank, Sacombank, HDBank cho biết vẫn tiếp nhận và giải ngân với các trường hợp này. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, nếu chiếu theo quy định của Luật thì các nhà băng cũng có lý do để "run" khi cho vay bởi những quy định chưa rõ ràng. Tuy nhiên, để không ảnh hưởng tới khách hàng, các nhà băng có thể xét duyệt, thẩm định hồ sơ thận trọng để có thể giải ngân bình thường. Quan trọng là khâu xét duyệt, thẩm định hồ sơ dự án vay. Nếu tất cả đều tốt thì sẽ được cho vay bình thường.
"Chúng tôi không thấy có trở ngại gì ngoài việc lưu ý về vấn đề khả năng trả nợ, tức độ ổn định của nguồn thu nhập của khách hàng - đặc biệt với người đi vay có thu nhập từ lương", đại diện HDBank chia sẻ.
Bầu Đức mất 4.500 tỷ đồng trong hơn một năm
Khối lượng giao dịch tăng mạnh lên 8,5 triệu đơn vị song phiên giao dịch 20/1 cũng đánh dấu điểm đáy mới của cổ phiếu HAG khi giá chỉ còn 9.000 đồng. Đây là mức thấp nhất kể từ khi Hoàng Anh Gia Lai niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2008.
Bảng điện tử tại thời điểm kết phiên giao dịch chỉ thưa thớt lệnh mua vào, cho thấy rất ít nhà đầu tư mạo hiểm bắt đáy HAG. Trước đó, mã này cũng đã có một phiên giảm sàn 6,1% ngày 18/1.
Thời điểm | Giá cổ phiếu |
02/01/2014 | 18.500 đồng |
05/01/2015 | 20.200 đồng |
31/12/2015 | 10.400 đồng |
20/01/2016 | 9.000 đồng |
Trên thực tế, HAG đã mất giá hơn 50% trong năm 2015 và đang tiếp tục giảm mạnh trong năm 2016. So với phiên mở cửa 2016, cổ phiếu này đã giảm tiếp 1.400 đồng, tương đương gần 13,5% thị giá. Cho đến nay, Hoàng Anh Gia Lai vẫn chưa đưa ra thông điệp nào về việc cổ phiếu của tập đoàn giảm mạnh.
Cổ phiếu xuống thấp kỷ lục khiến tài sản chứng khoán của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức mất thêm 487 tỷ, xuống còn 3.129 tỷ đồng sau 12 phiên giao dịch. So với khối tài sản đầu năm 2015 là 7.575 tỷ đồng, tài sản của Bầu Đức đã "bốc hơi" khoảng 4.446 tỷ đồng.
Nếu như cổ phiếu HAG không ngừng giảm, rất có thể Bầu Đức sẽ lại mất vị trí giàu thứ 4 trên sàn chứng khoán vào tay bà Phạm Thúy Hằng – Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Tính đến 20/1, tài sản của Bầu Đức chỉ còn cao hơn bà Hằng 223 tỷ đồng.
Tính đến 30/9/2015, tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai đạt 47.603 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả tăng lên 30.722 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn đã vượt 13.000 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 17.600 tỷ đồng. Doanh thu tăng 117%, đạt 5.203 tỷ đồng song lợi nhuận của tập đoàn vẫn giảm gần 19% xuống 1.342 tỷ đồng.
Ảnh hưởng chung từ xu hướng giảm của chứng khoán châu Á, trong nước phiên 20/1 cũng đỏ sàn. VN-Index kết phiên mất hơn 6 điểm xuống 529 điểm. Toàn sàn có 143 mã giảm, trong khi chỉ có 69 mã tăng. HNX-Index giảm nhẹ 0,4 điểm, xuống còn 73,9 điểm. Thanh khoản hai sàn ở mức gần 2.300 tỷ đồng.
TPP sẽ được ký tại New Zealand
Bộ trưởng Thương mại New Zealand - Todd McClay cho biết thỏa thuận sẽ được ký tại Auckland ngày 4/2. "Lễ ký kết sẽ đánh dấu sự kết thúc của quá trình đàm phán TPP", ông nói và cho biết sau lễ ký kết này, tất cả 12 quốc gia có thể bắt đầu quá trình hợp thức hóa trong nước. Sẽ phải mất gần 2 năm để thỏa thuận này có hiệu lực.
Tổng thống Mỹ - Barrack Obama đã gọi TPP là nền tảng của "thương mại thế kỷ 21". Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng thỏa thuận này đã đe dọa quyền lợi của người lao động, môi trường và khả năng tiếp cận dược phẩm.
TPP được đàm phán từ tháng 3/2010, gồm 12 quốc gia - Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Việc đàm phán hoàn tất vào tháng 10 năm ngoái và đến tháng 11, toàn văn hiệp định cũng đã được công bố.
Các vấn đề được nêu ra gồm quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp. Sau khi hoàn tất, hiệp định sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.
Doanh nghiệp Mỹ ồ ạt rời Trung Quốc
Trong số các công ty đã chuyển một phần hoạt động khỏi Trung Quốc trong 3 năm qua, hoặc đang cân nhắc làm vậy, lý do phổ biến nhất là chi phí nhân công tăng. Dù vậy, khoảng 10% số này cũng cho biết nguyên nhân là "thách thức về chính sách".
Điểm đến phổ biến của các công ty này là các nước đang phát triển khác tại châu Á và Bắc Mỹ. Một số công ty Mỹ luôn phải chịu sức ép từ quê nhà, khi bị chỉ trích đang mang việc làm trong nước ra nước ngoài. Vì vậy, họ đã quay về Mỹ những năm gần đây, do giá nhân công ổn định và sự bùng nổ năng lượng giúp tiết kiệm chi phí.
Trong các công ty được khảo sát, 45% cho biết doanh thu năm ngoái bằng hoặc giảm so với năm trước đó. Còn về lợi nhuận, chỉ 64% cho biết có lãi - tỷ lệ thấp nhất 5 năm qua.
Theo AFP, vốn đầu tư nước ngoài là yếu tố chính giúp Trung Quốc chuyển mình trong vài thập kỷ gần đây, biến họ thành công xưởng của thế giới, và là nước có hoạt động xuất nhập khẩu sôi động nhất. Tuy nhiên, tăng trưởng tại đây đang dần chậm lại.Nước này đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các đối thủ châu Á về giá nhân công. Khảo sát thường niên của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết hơn ba phần tư doanh nghiệp (77%) cảm thấy "ít được chào đón" tại quốc gia này năm ngoái.
Tỷ lệ này tăng đáng kể so với chỉ 47% năm 2014. Thời gian gần đây, Trung Quốc cũng thực hiện hàng loạt cuộc điều tra độc quyền trên diện rộng nhắm vào các công ty nước ngoài. Một số đã phải trả nhiều khoản phạt khổng lồ cho giới chức sở tại.
"Một số chính sách đang được cân nhắc, hoặc đã có hiệu lực, đang khiến Trung Quốc đi sai đường", Lester Ross - Phó chủ tịch Phòng thương mại Mỹ cho biết.
Hôm qua, Trung Quốc công bố GDP năm ngoái chỉ tăng 6,9% - chậm nhất từ năm 1990. Nền kinh tế này cũng đang đối mặt với hàng loạt thách thức, từ dư thừa sản xuất công nghiệp, bất động sản trì trệ đến thị trường chứng khoán biến động.
Số liệu tiêu thụ nhà vênh nhau 14.000 căn
Ngày 5/1, Báo cáo mới nhất của CBRE Việt Nam cho biết, năm 2015, có 36.160 căn hộ được giao dịch thành công tại TP HCM, tăng 98% so với năm ngoái, nâng lượng tiêu thụ lên mức cao nhất từ trước đến nay tính theo chu kỳ một năm.
Một tuần sau, nghiên cứu của Savills Việt Nam cho hay, TP HCM có tổng cộng 22.000 căn hộ được tiêu thụ trong 12 tháng qua, tăng 92% so với năm 2014. Con số này ít hơn 14.000 căn so với báo cáo của CBRE.
Hôm 11/1, Jones Lang LaSalle Vietnam cũng công bố khảo sát thị trường bất động sản cuối năm 2015, theo đơn vị này, TP HCM đã tiêu thụ 23.793 căn hộ trong 4 quý liền.
Đến ngày 20/1/2016, Cushman & Wakefield tung ra kết quả khảo sát thị trường bất động sản TP HCM tuy nhiên đơn vị này từ chối cung cấp thông tin về số lượng căn hộ giao dịch thành công trong năm 2015.
Như vậy, cùng một thị trường nhà chung cư tại TP HCM đã có 3 dữ liệu giao dịch thành công hoàn toàn không giống nhau. Ghi nhận củaVnExpress, sự khác biệt lớn nhất trong báo cáo của CBRE so với các đơn vị khác là có ghi nhận hình thức mua sỉ. Theo thống kê của đơn vị này, TP HCM có khoảng 33.348 căn hộ bán cho người mua lẻ, phần còn lại bán cho người mua sỉ. Quý IV/2015 có 10.340 căn hộ được tiêu thụ, tăng 28% so với quý trước, trong đó có hơn 8.200 căn bán được cho người mua lẻ.Lý giải hiện tượng vênh số liệu tại buổi công bố báo cáo đầu tháng 1/2016, Trưởng phòng nghiên cứu thị trường và tư vấn phát triển CBRE Việt Nam, Dương Thùy Dung chia sẻ: "Tuy cùng một thị trường nhưng kết quả nghiên cứu tùy thuộc vào cách khảo sát, thống kê của từng đơn vị. Chỉ cần phương pháp khảo sát khác nhau thì số liệu đã không trùng khớp nữa". Bà Dung cũng từ chối so sánh kết quả khảo sát giữa các đơn vị tư vấn với nhau.
Hiện nay mỗi đơn vị tư vấn khảo sát bất động sản tại TP HCM đang đưa ra dữ liệu thị trường căn hộ khác nhau khiến độ minh bạch của thị trường bị hoài nghi. Ảnh:Vũ Lê
Trao đổi với VnExpress, Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC), Huỳnh Phước Nghĩa cho biết với thực trạng thông tin đầu nguồn (từ cấp quản lý đến cấp cơ sở) chưa được công khai và chuẩn hóa, rất khó để đòi hỏi những kết quả khảo sát trùng khớp trên quy mô toàn thị trường TP HCM. "Sai số bất động sản là khó tránh khỏi, tuy nhiên chênh lệch số lượng giao dịch đến 14.000 căn quả là ngoài sức tưởng tượng", ông Nghĩa nói.
Chuyên gia này đưa ra những nguyên nhân có thể dẫn đến sai số trong quá trình khảo sát thị trường bất động sản tại TP HCM. Thứ nhất, mỗi đơn vị tư vấn có những cách thức tiếp cận, kiểm tra dữ liệu thị trường và nguồn tin khác nhau. Các phương pháp nghiên cứu này đa số đều là bí quyết và mối quan hệ riêng không thể tiết lộ cộng thêm dữ liệu thị trường kém minh bạch càng khiến khó truy ra đã sai sót ở khâu nào.
Thứ hai, khâu kiểm soát lượng giao dịch bị gián đoạn. Các loại hình mua bán nội bộ, bán sỉ, bán có điều kiện đặc biệt hay giao dịch trong tình trạng chờ, thỏa thuận, giao dịch lướt sóng... khó có thể ghi nhận chính xác. Từ những "lỗ mọt" đó, khảo sát thông qua các sàn giao dịch hoặc nguồn tin cá nhân có thể dẫn đến sai lệch số liệu. Từng khâu bị sai một li khiến cho cả quá trình khảo sát đi xa một dặm.
Thứ ba, các cá thể tham gia thị trường địa ốc cố tình giấu thông tin hoặc tung ra những con số ảo vì mục tiêu marketing hoặc chiến thuật bán hàng riêng. Chủ đầu tư cấp một, nhà đầu tư thứ cấp, các hệ thống sàn giao dịch, các tổ chức mua sỉ... đều có dữ liệu của riêng mình nhưng các đơn vị này không hề cùng thống nhất đối chiếu số liệu mà mỗi bên có cách công bố riêng. Đây chính là giai đoạn gây sai lệch thông tin nhiều nhất.
Thứ tư, khảo sát những địa bàn điển hình và truyền thống (được nhiều người quan tâm) và bỏ qua những địa bàn không phải trọng điểm nhưng đánh đồng dữ liệu toàn thị trường. Tương tự, chỉ tập trung ghi nhận diễn biến của các thương hiệu lớn, có tên tuổi và bỏ qua những doanh nghiệp địa ốc quy mô vừa và nhỏ cũng là nguyên nhân gây sai lệch dữ liệu.
Ông Nghĩa cho hay, cách sàng lọc thông tin thị trường "an toàn" nhất hiện nay là đối chiếu các báo cáo và chọn đáp án có sai số ít nhất làm dữ liệu cơ sở. Sau đó, chia nhỏ từng địa bàn để tiến hành trắc địa lại một lần nữa thông qua chủ đầu tư, đếm số dự án và số sản phẩm. Tuy nhiên phương pháp nghiên cứu thị trường này cực kỳ tốn kém nhân lực và mất nhiều thời gian. "Khảo sát và thống kê là một ngành khoa học đòi hỏi độ tỷ mỉ, chính xác cao, rất cần thiết cho ngành địa ốc. Tiếc thay bất động sản đang vấp phải một số khó khăn nhất định trong quá trình áp dụng môn khoa học này", ông Nghĩa nhận xét.
Quan điểm của chuyên gia này, cần có những quy định về các chuẩn mực và độ minh bạch cho thị trường địa ốc trước khi quá muộn. Đó là đưa ra các quy định kiểm soát dữ liệu nguồn một cách chủ động, yêu cầu công bố thông tin mua, bán, nguồn cung từ cấp quản lý (bộ, sở ngành, hiệp hội quản lý trực tiếp) đến cấp cơ sở (doanh nghiệp, hệ thống sàn). "Chỉ khi nào các cam kết minh bạch có tính hệ thống, một đầu mối, một nguồn tin chịu trách nhiệm công bố dữ liệu chính xác thì lúc đó thị trường mới tránh được cảnh số liệu ảo bao trùm, che mờ số liệu thật", ông nhấn mạnh.
Lãnh đạo một công ty địa ốc có trụ sở tại quận 7, TP HCM nhận định, sau chu kỳ khủng hoảng là giai đoạn bất động sản chính thức hồi phục, bước vào chu kỳ đầy thách thức. Đó là dòng chảy khó lường nằm giữa lằn ranh của trạng thái tăng nhiệt độ ổn định và nóng sốt. Ở thời kỳ đầy hoài nghi và lo lắng này, độ minh bạch là thước đo chuẩn mực cho niềm tin của thị trường, giúp bất động sản phát triển bền vững hơn.
Tính minh bạch càng cao thì rủi ro càng thấp và ngược lại thông tin thị trường càng mập mờ càng tạo cơ hội đục nước béo cò, làm tiền đề cho những ung nhọt mới. "Dữ liệu thường xuyên bị nhiễu và vênh số liệu quá lớn là vấn đề cần phải báo động vì địa ốc không thể đánh đổi lợi ích ngắn hạn để rồi phải trả giá trong dài hạn", chuyên gia này khuyến cáo.