Cuộc rút lui của đại gia ngoại tại các dự án lọc dầu 'tỷ đô'
Somalia sắp thành quốc gia không tiền mặt
900 triệu USD kiều hối về TP HCM 2 tháng đầu năm
Công nghệ nhà thông minh thu hút người dùng châu Á
Xuất khẩu cua, ghẹ tăng mạnh
Tin kinh tế đọc nhanh tối 29-02-2016
- Cập nhật : 29/02/2016
TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 10%
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, TPP sẽ góp phần giúp cho GDP của Việt Nam tăng thêm 10% trong giai đoạn từ nay cho đến 2030.
Việt Nam được cho là quốc gia có thể nhận được nguồn động lực tăng trưởng lớn nhất từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) . Nhưng làm thế nào để những lợi thế hiện nay của Việt Nam được chuyển hóa thành lợi ích thực sự vẫn đang là một câu hỏi lớn.
Và trong bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay những ngày đầu năm Bính Thân 2016 này, Thủ tướng đã cho rằng thể chế quản trị quốc gia sẽ là yếu tố quyết định nhất đến sức cạnh tranh vĩ mô và sự phát triển của một nền kinh tế.
Sau 5 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giờ đây được ký kết và dự kiến sẽ có hiệu lực sau 2 năm nữa. TPP được kỳ vọng sẽ tiến tới xóa bỏ 98% dòng thuế trong số 12 quốc gia thành viên, trong đó 65% dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay. Song TPP được đánh giá không chỉ là một hiệp định thương mại tự do.
Nếu TPP thực hiện được mục tiêu cuối cùng, hình thành ra một cộng đồng kinh tế, đó sẽ là cộng đồng lớn nhất thế giới, chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu. Qua TPP luật lệ của kinh tế thương mại toàn cầu sẽ được thiết lập. Nhưng chính bởi kỳ vọng rất lớn về viễn cảnh của một cộng đồng, nó đang đặt ra sức ép cho các nước thành viên làm sao phải đồng bộ hóa thể chế quản trị của các nước thành viên theo một tiêu chuẩn cao. Nhiều chuyên gia dự báo TPP sẽ tạo ra một cuộc đua về hoàn thiện thể chế và nước nào hoàn thiện thể chế tốt hơn dĩ nhiên sẽ tận dụng được tốt nhất lợi ích của TPP.
Doanh nghiệp là chủ thể quyết định tới sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiến trình hội nhập sâu rộng sau khi Việt Nam tham gia TPP và nhiều hiệp định thương mại tự do khác chắc chắn không thể thiếu sự chủ động sáng tạo của các doanh nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của mình. Song kinh nghiệm từ Đổi mới đã cho thấy, chỉ khi doanh nghiệp Việt Nam được tạo điều kiện phát triển, thông qua những chính sách và pháp luật phù hợp, cùng với bộ máy hành chính trong sạch, họ sẽ không để bị thua trên sân nhà khi hội nhập.
Chưa vội mừng với xuất siêu
Xuất siêu đã trở lại trong tháng đầu của năm 2016, nhưng nỗi lo nhập siêu không hẳn vì thế mà giảm đi.
Trong tháng 1/2016, cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam đã bất ngờ nghiêng về hướng xuất siêu , với tổng giá trị thặng dư thương mại đạt 765 triệu USD, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan. Đây là mức thặng dư thương mại lớn nhất được ghi nhận trong một năm qua, và số liệu này cũng trái với ước tính thâm hụt thương mại khoảng 200 triệu USD được Tổng cục Thống kê đưa ra hồi cuối tháng 1.
DN FDI chiếm tới 2/3 giá trị xuất khẩu
Kết quả trên có được khi nhập khẩu giảm trong khi xuất khẩu gần như không thay đổi. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 1 đạt hơn 13,36 tỷ USD, chỉ giảm 1% so với cách đó một năm. Nhưng điểm mấu chốt dẫn đến xuất siêu là do hoạt động nhập khẩu đã giảm 10,7% trong tháng 1, chỉ đạt gần 12,6 tỷ USD.
Các DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của cả nước. Cụ thể trong tháng qua, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 9,04 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu đạt 7,18 tỷ USD, giảm 13%. Như vậy, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm tới 2/3 giá trị xuất khẩu và hơn một nửa kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Nếu đúng là Việt Nam đã xuất siêu 765 triệu USD trong tháng 1 thì đó sẽ là một tin vui cho nền kinh tế. Cuối tuần trước, Tổng Cục Hải quan cũng đã ra thông báo cho thấy trong 15 ngày đầu tháng 2, xuất siêu tiếp tục được kéo dài với tổng giá trị thặng dư khoảng 700 triệu USD. Nhưng liệu đây có phải là bước khởi đầu cho một xu hướng tốt đẹp của cán cân thương mại cả năm 2016 hay không thì lại chưa có gì chắc chắn. Sau ba năm liên tiếp xuất siêu, năm ngoái nền kinh tế đã phải chịu mức nhập siêu khoảng 3,2 tỷ USD.
Cần thay thế các mặt hàng nguyên vật liệu nhập khẩu bằng sản phẩm trong nước.
Lo nhập siêu trở lại
Đã có nhiều dự báo cho thấy, nhập siêu năm 2016 sẽ cao hơn năm 2015, do các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam để tận dụng những lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do mang lại. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong bản báo cáo được công bố cuối tháng 1 cũng nhận định nhập khẩu sẽ tăng mạnh tỷ lệ thuận với vốn giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài, vì lượng nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ cho quá trình đầu tư và cả nguyên vật liệu phục vụ sản xuất sẽ tăng mạnh.
Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh -nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi nhận định về kinh tế 2016 cũng tỏ ra lo lắng với tình trạng nhập siêu cao quay trở lại. Theo ông Sinh, tăng trưởng xuất khẩu đang có xu hướng giảm dần, năm 2015 chỉ tăng 8,1% sau nhiều năm tăng trưởng ở mức hai con số. Điều này là do thị trường thế giới vẫn đang có nhiều bất ổn dẫn đến nhu cầu nhập khẩu của các nước giảm, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng trong nước lại tăng mạnh kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng lên.
Nỗi lo về nhập siêu trong năm 2016 cũng khiến Chính phủ đầu năm nay phải yêu cầu Bộ Công thương tìm cách ứng phó với tình trạng thâm hụt thương mại này. Cụ thể là tăng cường các biện pháp xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường nhập khẩu. Như vậy có thể thấy Chính phủ cũng đã chuẩn bị sẵn để đối phó với tình trạng nhập siêu trong năm nay.
Quay trở lại với con số thặng dư thương mại của hơn một tháng đầu năm, có thể lý giải rằng đây là thời điểm gần với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cũng bị chững lại. Vì vậy, hoạt động nhập khẩu thiết bị máy móc và nguyên vật liệu cũng bị chậm lại so với các khoảng thời gian khác. Nhưng sang đến các tháng sắp tới, hoạt động sản xuất sẽ quay trở lại bình thường và nhu cầu nhập khẩu sẽ lại tăng cao.
Thực tế, trong khi nền sản xuất vẫn còn đang phụ thuộc rất nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu như hiện nay, nhập siêu có thể lại được coi là tín hiệu mừng cho thấy sự hồi phục của ngành sản xuất. Nhưng về lâu dài, vấn đề nhập siêu vẫn không thể lơ là và cần phải giải quyết triệt để bằng cách thay thế các mặt hàng nguyên vật liệu nhập khẩu bằng sản phẩm trong nước.
Gian nan xác lập chỗ đứng cho hàng Việt
Một trong những giải pháp để đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài là phải có kho ngoại quan. Ảnh: ST.
Xuất thô, xuất qua trung gian, không có thương hiệu nào được trưng bày ở các siêu thị nước ngoài là thực tế đang diễn ra của hàng hóa Việt Nam khi XK ra nước ngoài. Nếu vẫn giữ cách làm này thì hàng Việt khó có chỗ đứng.
Thất thế
Hàng XK của Việt Nam từ "nhỏ lẻ" vài tỷ USD đã vươn lên cả trăm tỷ USD trong vài năm trở lại đây, trong đó có nhiều mặt hàng XK đứng nhất nhì thế giới như gạo, hạt tiêu, cà phê… Tuy nhiên, dù XK nhiều nhưng trên thị trường thế giới, hàng hóa của Việt Nam rất ít được biết đến, có chăng thì cũng chỉ là đồng thương hiệu. Nguyên nhân là do chúng ta XK chủ yếu qua trung gian, dẫn tới hàng hóa Việt Nam không có thương hiệu.
Ví dụ như mặt hàng cà phê, ít nhất 50% cà phê capuchino có xuất xứ cà phê Việt Nam nhưng không bao giờ có nhãn hiệu Việt Nam. Hay mặt hàng dệt may, da giày, đồ gỗ và nhiều mặt hàng khác cũng tương tự như vậy. Còn phía DN thậm chí không biết hàng của mình XK đi đâu. Có những DN sau khi ký hợp đồng xong mới lờ mờ biết hàng được XK đi Mỹ, EU…
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), bất cập của hình thức XK qua trung gian đó là các mặt hàng mất dần chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Bởi lẽ, khi XK qua trung gian chúng ta không biết nhu cầu của người tiêu dùng như thế nào, các đại lý cũng không hề chia sẻ với chúng ta thị hiếu cũng như sở thích của người tiêu dùng.
Hơn nữa, do bán qua nhiều tầng nấc nên thông tin đến với DN sản xuất nhiều khi sai lệch. Đơn cử như mặt hàng khay đựng bánh mỳ đan mây XK sang Nga, trước đây chúng ta làm rất to nhưng sau này thói quen ăn bánh mỳ giảm nên khay bánh mỳ không cần to mà cần nhỏ hơn, kiểu dáng đẹp hơn. “Chính vì vậy, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam không bán được. Nếu chúng ta không tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng thì hàng Việt Nam khó cạnh tranh được trên thị trường nước ngoài”, ông Hải khẳng định.
Không cạnh tranh được trên thị trường nước ngoài đã đành, việc XK qua trung gian còn khiến cho hàng hóa Việt Nam bị ép giá. Trong khi đó, hiện DN Việt Nam có tư tưởng giá nào cũng bán và bán bằng mọi giá. Tư tưởng này sẽ tạo nên hệ quả DN không đầu tư lâu dài cho sản xuất, thậm chí còn “làm bậy”. Ví dụ như việc bơm tạp chất vào con tôm. Khi đó, DN không chỉ chịu thiệt hại vì hàng bị trả về mà quan trọng hơn là hình ảnh của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, uy tín hàng Việt bị nghi ngờ. “Rõ ràng nếu không duy trì được thương hiệu, giảm bớt trung gian thì hàng XK càng thất thế”, ông Hải nói.
Xây kho ngoại quan
Để giải quyết những bất cập nêu trên, giải pháp được cho là hữu hiệu nhất lúc này là XK trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài. Đây không phải là ý tưởng mới bởi trước đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020. Song làm thế nào để thực hiện mục tiêu phấn đấu hàng hóa Việt Nam được XK trực tiếp vào tất cả hệ thống phân phối lớn tại các quốc gia ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam ở châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á của Đề án mới là điều đáng bàn.
Để đạt được mục tiêu này, theo ông Hải, một trong những hoạt động quan trọng là tăng cường tiếp xúc trực tiếp giữa DN XK Việt Nam với khối thu mua của hệ thống phân phối nước ngoài vì quan hệ kinh tế thực chất là quan hệ con người với con người. Nếu bộ phận mua hàng ở nước ngoài có mối quan hệ với nhà sản xuất, XK của Việt Nam thì mối quan hệ đó nhất định thành công.
Với một số người đã từng làm tham tán thương mại tại các thị trường thì việc tiếp cận với hệ thống phân phối nước ngoài không hề dễ dàng. Ông Phạm Quang Niệm, Tham tán thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã chủ động tiếp cận tập đoàn phân phối lớn nhất Nga X5 Retail Group nhưng số lượng DN Việt Nam tiếp cận với X5 còn hạn chế, lượng hàng tiếp cận với hệ thống còn ít. Thời gian tới, ngoài cố gắng của Tham tán, Vụ Thị trường châu Âu cần có sự kết hợp với Vụ Thị trường trong nước và các DN, để các DN tiếp cận được thực sự với hệ thống bán lẻ này. Đây là con đường XK ngắn nhất và hiệu quả nhất”.
Còn theo Tham tán công sứ Việt Nam tại Nhật Bản ông Nguyễn Trung Dũng, việc đưa hàng Việt Nam vào các siêu thị cần bắt đầu từ hàng mẫu, từ quảng bá, chứ không đưa lô hàng lớn và cần chú trọng tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại các nước. Ví dụ như quả xoài Việt Nam vào Nhật Bản rất thành công xuất phát từ việc các tham tán quảng bá thông qua Tuần hàng Việt Nam tại Nhật Bản, sau đó các siêu thị ở Nhật Bản đã đến đặt mua hàng.
Một điểm đáng chú ý hơn được nhiều ý kiến thống nhất đó là việc lập kho ngoại quan ở nước ngoài. “Nếu muốn bán với khối lượng lớn vào các chuỗi siêu thị nước ngoài thì dứt khoát chúng ta phải có kho ngoại quan, nhất là với hàng nông sản, hàng đông lạnh..., khi đó chúng ta mới chủ động nguồn hàng”, ông Hải quả quyết. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, dự kiến kho ngoại quan đầu tiên sẽ được xây dựng ở Nga vì có lợi thế đất đai, đồng thời cộng đồng người Việt ở Moscow khá mạnh sẽ làm đòn bẩy cho tất cả các kho ngoại quan ở các thị trường nước ngoài khác. Ông Niệm đề nghị thêm, nên đầu tư vào khu công nghiệp đã có sẵn để xây dựng kho ngoại quan, hỗ trợ DN XK.
Xuất khẩu hồ tiêu lao đao
Nhiều năm qua, tiêu xuất khẩu luôn đạt mức giá cao, song không ít DN xuất khẩu lại thường xuyên rơi vào trạng thái thấp thỏm vì sợ hàng bị trả về do không đảm bảo chất lượng.
Thực tế, nếu không giải quyết tốt vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong hồ tiêu XK, ngành hồ tiêu sớm muộn sẽ phải đối mặt với tình trạng “xuống dốc không phanh”.
“Nút thắt” vắt qua nhiều năm
Theo Bộ NN&PTNT: Khối lượng tiêu XK tháng 1 ước đạt 7 nghìn tấn, với giá trị đạt 67 triệu USD, giảm 30,2% về khối lượng và giảm 31,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
XK tiêu năm 2015 đạt 133 nghìn tấn với 1,26 tỷ USD, giảm 14,4% về khối lượng nhưng tăng 5% về giá trị so với năm 2014. Giá tiêu XK bình quân năm 2015 đạt 9.507 USD/tấn, tăng 22,7% so với năm 2014.
Các thị trường XK tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2015 là Hoa Kỳ, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Singapore với 35,2% thị phần. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Đức (36,7%), Tây Ban Nha (33,9%), Hàn Quốc (28,3%) và Anh (26,7%)
.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha, mới đây Bộ Y tế Tây Ban Nha đã cảnh báo hạt tiêu đen NK từ Việt Nam bị phát hiện có hàm lượng chất diệt nấm Carbendazim vượt quá giới hạn. Trước mắt, Tây Ban Nha sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với việc NK hạt tiêu đen tại các cửa khẩu của Việt Nam. Biện pháp này sẽ được duy trì cho đến khi có đảm bảo kiểm tra chất lượng chính thức từ nơi xuất xứ, kết quả kiểm tra các lần tới đạt yêu cầu, hoặc cho đến khi Ủy ban châu Âu ban hành các biện pháp kiểm tra chung cho các nước thành viên.
Đầu năm, giá XK hồ tiêu được ghi nhận vẫn khá cao. Tuy nhiên, thông tin bị cảnh báo làm cho niềm vui giá cao nhạt bớt. “Kịch bản” này lặp lại gần như giống y nguyên năm trước. Đầu năm 2015, giá XK tiêu cũng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2014 và ở trên đà ngày một “nóng”. Trong lúc đó, đáng buồn là một số DN XK tiêu lại thông tin, hàng của DN bị trả về nhiều hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2014.
Thời điểm đó, bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết: Nguyên nhân dự đoán cũng là bởi trong quá trình thu hoạch và trữ tiêu, nông dân đã sử dụng chất Carbendazim để trữ tiêu và trừ nấm. Ngoài ra, tiêu được thu mua qua hệ thống thương lái từ các hộ nhỏ dẫn tới tình trạng tiêu sạch và tiêu bẩn trộn lẫn nhau rồi đem bán cho các DN XK khiến chất lượng tiêu không đảm bảo.
Một năm trôi qua, vẫn “nút thắt” cũ, vẫn câu chuyện tiêu XK không đảm bảo chất lượng, song dường như mối lo ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, lo lắng nhất là các đối thủ khác của Việt Nam lợi dụng tình hình để làm ảnh hưởng uy tín ngành hồ tiêu. Xuất phát từ việc bị Tây Ban Nha cảnh báo, có thể xảy ra tình trạng tiêu XK bị các thị trường tẩy chay. Nếu tình hình không được cải thiện, ngành công nghiệp hồ tiêu Việt Nam có thể sẽ đi xuống trong thời gian không xa.
Cần “bàn tay” Nhà nước
VPA phân tích: DN XK hạt tiêu không hề muốn xuất tiêu bẩn bởi rủi ro quá lớn như hàng có thể bị trả về, giá bán sẽ bị ép… nhưng rất khó tìm được tiêu sạch bởi 90% sản phẩm là từ nông hộ nhỏ, được sản xuất rời rạc, canh tác theo chủ quan. Hiện nay, phần lớn DN XK hồ tiêu chỉ đơn thuần làm thương mại. Nhiều DN thậm chí còn phải đầu tư hàng triệu USD vào khâu xử lý, chế biến để có sản phẩm theo yêu cầu luôn đa dạng và khắt khe của khách hàng, nhất là những thị trường cao cấp, song công nghệ xử lý, chế biến cũng chỉ có giới hạn.
Theo VPA, kiểm soát được vệ sinh, an toàn với hồ tiêu không dễ, đòi hỏi nỗ lực của nhiều đối tượng cùng tham gia trong chuỗi, từ nhà cung cấp vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc BVTV…), tới nông dân, thương lái, người thu gom, DN cung ứng, DN XK… Tuy nhiên, có thể nói vai trò của cơ quan quản lý ngành nông nghiệp ở cấp Trung ương và địa phương là yếu tố tiên quyết mang tính quyết định.
Do đó để giải quyết vấn đề tồn dư thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép với hồ tiêu XK, VPA kiến nghị Bộ NN&PTNT rà soát ngay quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản hồ tiêu đang dùng phổ biến ở các vùng trồng tiêu để có kết luận rõ ràng, chính xác khâu nào trong quy trình đã gây tồn dư hoá chất trên hạt tiêu. Chỉ khi xác định rõ mới cơ sở để khuyến cáo và có giải pháp kiểm soát hiệu quả.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT nhanh chóng cho rà soát lại Danh mục thuốc BVTV dùng cho hồ tiêu, gấp rút loại bỏ khỏi danh mục một số thuốc chứa hoạt chất mà nhiều nước NK đã ngăn cấm. Ngoài ra, Bộ NN&TNT có thể giúp giảm bớt dư lượng những chất này trên hồ tiêu XK bằng cách đưa hồ tiêu vào loại thực phẩm ăn liền, tươi sống như chè, rau quả để có thể áp dụng qui trình kiểm soát tương tự. Thực tế việc kiểm soát Carbendazim trên thanh long XK rất hiệu quả và hoàn toàn có thể áp dụng cho hồ tiêu.
Theo ông Đỗ Hà Nam, song song với việc loại bỏ một số chất cấm, Bộ NN&PTNT cũng cần đồng thời cho khảo nghiệm để đưa ngay vào danh mục những thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học có thể thay thế vì tình hình dịch bệnh trên hồ tiêu vẫn đang có chiều hướng ngày một gia tăng. Bên cạnh đó, cần khẩn trương ban hành qui trình GAP cho hồ tiêu trong quý I-2016 trên tinh thần nội dung bộ qui trình không quá phức tạp, chỉ tập trung vào vấn đề chất lượng như qui định về canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng thuốc BVTV khoa học để làm căn cứ cho các địa phương quản lý sản xuất theo hướng vệ sinh, an toàn.
Một số chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hồ tiêu là hệ thống nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hồ tiêu cần gấp rút đẩy mạnh nghiên cứu sâu về giống hồ tiêu kháng sâu bệnh, nghiên cứu các tác nhân sinh học diệt trừ sâu bệnh để thay thế thuốc hoá học, đảm bảo cho nông dân có thể yên tâm canh tác. Đặc biệt, về lâu dài, Bộ NN&PTNT cần sớm xây dựng các qui trình quản lý sản xuất từ hộ nông dân, qui hoạch vùng nguyên liệu để có thể tiến tới cấp chứng nhận vùng sản xuất, trên cơ sở đó xây dựng được vùng nguyên liệu sản xuất theo qui trình sạch, có chỉ dẫn xuất xứ, truy xuất nguồn gốc và xây dựng được thương hiệu.
Dầu giá 0 USD: Không gì là không thể
Nếu dự báo lạm phát của thị trường chính xác, giá dầu sẽ giảm xuống 0 USD/thùng vào giữa năm 2019.
Chẳng cần là một chuyên gia để biết thị trường dầu mỏ đang điên loạn trong những ngày này.
Giá dầu đã giảm khoảng 70% trong vòng 18 tháng qua và hiện đang được giao dịch ở mức 32 USD/thùng. Với rất nhiều nhà phân tích, họ tin rằng giá của mặt hàng quan trọng này sẽ còn tiếp tục giảm.
Vậy giá dầu có thể giảm sâu tới mức nào?
Các nhà kinh tế tại Cục Dự trữ Liên bang bang St. Louis, Mỹ mới đây đã xem xét một mô hình tương tác giữa dự báo lạm phát và giá dầu. Nếu dự báo lạm phát của thị trường chính xác, giá dầu sẽ giảm xuống 0 USD/thùng vào giữa năm 2019.
Mô hình này đã từng được thử nghiệm từ tháng 7/2014 tới tháng 12/2015 và kết quả có được gần như hoàn hảo. Vì vậy, các nhà kinh tế này quyết định áp dụng mô hình này một lần nữa để tìm xem giá dầu sẽ đi về đâu.
Theo mô hình trên, giá dầu sẽ giảm dần và tiến tới mốc 0 USD/thùng. Điều này khác xa với những dự báo trước đó của nhiều chuyên gia khác khi cho rằng giá dầu sẽ hồi phục lên mức 50 USD/thùng trong vòng 3 năm tới.
Tuy nhiên, đa số chưa chắc đã đúng bởi vào năm 2015, họ đã từng dự báo giá dầu sẽ quay lại mốc 60 USD/thùng trong năm 2016 nhưng thực tế, mặt hàng này vẫn đang được giao dịch quanh mức 30 USD/thùng.
Để làm rõ, các nhà kinh tế tại St. Louis không cho rằng mọi người sẽ được sử dụng dầu miễn phí trong vòng 3 năm tới mà tầm quan trọng của mặt hàng này tới các hoạt động kinh tế sẽ không còn như trước.
Kết quả của mô hình này cho thấy sự mâu thuẫn của các dự báo kinh tế ngày nay và sự hỗn loạn của các thị trường tài chính. Đây sẽ là một vấn đề mà FED phải cân nhắc trong cuộc họp vào tháng 3 tới trước khi đưa ra các quyết định về lãi suất.