Vốn thoái khỏi các thị trường mới nổi đạt kỷ lục 15 năm
Vốn thoái khỏi các thị trường mới nổi đạt kỷ lục 15 năm - Ảnh: Reuters
Các nhà đầu tư và doanh nghiệp thế giới đã rút 735 tỉ USD ra khỏi thị trường mới nổi trong năm qua. Đây là mức vốn thoái tồi tệ nhất trong vòng 15 năm trở lại đây.
Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF) - một viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington (Mỹ), con số trên gần gấp 7 lần số vốn thoái được ghi nhận vào năm 2014.
Trung Quốc là nước có dòng vốn chảy ra cao nhất với 676 tỉ USD rời khỏi các thị trường nước này. IIF cho rằng giới đầu tư sẽ rút tiếp 348 tỉ USD từ các nước đang phát triển trong năm nay.
Cổ phiếu tại các thị trường mới nổi đang giao dịch ở quanh mức thấp nhất kể từ tháng 5.2009 và một thước đo của 20 loại tiền tệ đã giảm xuống mốc kỷ lục. Các nhà đầu tư rời bỏ tài sản Trung Quốc, Nga và Brazil do giá cả hàng hóa lao dốc và lo ngại về mức tăng trưởng suy yếu của Đại lục. Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, 31 thị trường đang phát triển lớn nhất thế giới đã mất tổng cộng 2.000 tỉ USD giá trị chứng khoán.
“Chúng tôi cho rằng dòng vốn thoái khỏi các thị trường mới nổi là có lợi cho khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu và Nhật Bản. Giới đầu tư bị thu hút hơn ở những khu vực này”, chuyên gia Ibra Wane tại Amundi Asset Management, hãng quản lý khoảng 1.000 tỉ USD tài sản cho biết.
Chuyên gia Wane cho hay sự chuyển dịch trong dòng chảy vốn là kết quả của những thay đổi trong chính sách tiền tệ, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập niên vào tháng 12.2015. Đây là một phần nguyên nhân khiến tiền tệ các thị trường mới nổi biến động.
Tất cả 25 nội tệ của các thị trường mới nổi được Bloomberg theo dõi đã giảm giá so với đô la Mỹ trong năm qua. Peso của Argentina, real của Brazil và rand của Nam Phi là những đồng tiền chịu ảnh hưởng lớn nhất. Báo cáo của IIF cho hay Brazil, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước đang nằm trong nguy cơ tiếp tục chịu luồng vốn thoái đáng kể.
Máy soi container phát hiện hàng loạt vi phạm
Theo tin từ Cục Hải quan TP.Hải Phòng ngày 20.1, Cục đã áp dụng rộng rãi máy soi containner để kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu.
Qua sử dụng máy, Cục đã phát hiện 13 container chứa đựng hàng hóa không đúng chủng loại, trọng lượng... mà doanh nghiệp đã kê khai và 100% trường hợp vi phạm là hàng hóa nhập khẩu.
Cụ thể, doanh nghiệp kê khai hàng nhập khẩu là thịt trâu đông lạnh nhưng qua soi chiếu, hải quan phát hiện đó là dạ, sách trâu đông lạnh; khai nhập nhôm phế liệu nhưng máy soi cho thấy đó là nhôm thỏi hợp kim (để giảm thuế phải nộp)... Qua đó, cơ quan hải quan đã ra quyết định xử lý, phạt hành chính các trường hợp kê khai sai, thiếu.
Theo Cục Hải quan Hải Phòng, việc áp dụng công nghệ mới trong kiểm tra hải quan bằng máy soi đã đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa nhưng vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, chính sách, chống thất thu thuế...
Thanh long ruột đỏ tăng giá mạnh
Thanh long ruột đỏ tăng giá mạnh
Hiện nay, giá thanh long ruột đỏ tại Trà Vinh từ 65.000 - 70.000 đồng/kg (tùy kích cỡ trái), tăng gấp gần 4 lần so với khoảng đầu tháng 1.2015 (ảnh).
Theo nhiều bà con nông dân, nguyên nhân thanh long ruột đỏ tăng giá là do xuất khẩu sang Mỹ và một số nước châu Âu đang thuận lợi, dẫn đến hút hàng.
Nếu mức giá này ổn định đến Tết Nguyên đán 2016, thì người trồng thanh long ruột đỏ lời trên 180 triệu đồng/công.
Ả Rập Xê Út, Hàn Quốc xây nhà máy điện 2,2 tỉ USD tại Việt Nam
Nhu cầu tiêu thụ điện năng tại Việt Nam đang tăng vọt vì kinh tế phát triển mạnh - Ảnh: Reuters
Hai tập đoàn điện lực gồm ACWA (Ả Rập Xê Út) và Taekwang (Hàn Quốc) đã ký với Việt Nam thỏa thuận đầu tư xây nhà máy nhiệt điện trị giá lên đến 2,2 tỉ USD.
Reuters ngày 20.1 cho biết thỏa thuận được ký kết trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt điện năng. Nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam tăng đột biến do kinh tế phát triển vũ bão, với mức tăng trưởng lên đến 6,7% trong năm 2015, hãng tin Anh nhận xét.
Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 dự kiến sẽ có công suất 1.200 megawatt và sẽ được phía đối tác nước ngoài xây dựng, vận hành, chuyển giao trong thời hạn 25 năm, theo thông báo của ACWA.
“Thỏa thuận vừa ký là một bước đệm quan trọng cho dự án đầu tiên của chúng tôi tại Việt Nam”, ông Rajit Nanda, Giám đốc đầu tư của tập đoàn Ả Rập Xê Út, cho biết. Hiện chưa rõ mức góp vốn chi tiết của mỗi tập đoàn nước ngoài trong dự án. Thời gian đàm phán trước khi ký kết thỏa thuận kéo dài đến 8 năm, Reuters cho hay.
Theo dự kiến, dự án này sẽ được triển khai vào giữa năm 2016.
Chủ tịch, CEO tập đoàn Ajinomoto: VN là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất châu Á
Chủ tịch & CEO Tập đoàn Ajinomoto đặt nhiều kì vọng trước những tín hiệu tích cực từ môi trường kinh doanh và những giải pháp hiệu quả để tháo gỡ những rào cản trong kinh doanh cho doanh nghiệp tại Việt Nam.
Ngày 18 và 19.1, Ông Takaaki Nishii, Chủ tịch & Giám đốc điều hành Tập đoàn Ajinomoto đã có chuyến thăm tới Việt Nam. Bên cạnh viếng thăm công ty và các nhà máy của Ajinomoto Việt Nam, ông Nishii đã thăm thị trường, gặp mặt khách hàng và có cuộc gặp gỡ với báo chí để chia sẻ tầm nhìn và định hướng của Tập đoàn Ajinomoto toàn cầu cũng như kế họach đầu tư phát triển mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Trong những năm qua, Việt Nam luôn là một trong những điểm đến đầu tư và mở rộng kinh doanh được ưu tiên của các doanh nghiệp Nhật Bản. Năm 2015 đánh dấu sự kiện quan trọng khi hiệp định TPP được thông qua, trong đó Nhật Bản và Việt Nam được đánh giá là 2 nhân tố tích cực nhất tại Châu Á, hứa hẹn sẽ là nền tảng quan trọng thúc đẩy mối quan hệ Việt Nhật trong thời gian tới. Trong số các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động rất thành công tại Việt Nam không thể không nhắc đến Ajinomoto. Ajinomoto Việt Nam là doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam từ rất sớm (thành lập từ 1991) và có nhiều đóng góp tích cực đến mối quan hệ Việt Nhật trong suốt 25 năm qua không chỉ trong hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo cơ hội việc làm cho người Việt, mà còn ở những hoạt động đóng góp cho xã hội thông qua các dự án, chương trình hợp tác cùng với các cơ quan, bộ ngành tại Việt Nam trong mục tiêu cải thiện dinh dưỡng cho người Việt Nam và đặc biệt là thế hệ trẻ.
Chủ tịch & CEO Tập đoàn Ajinomoto thăm thị trường tại chợ Thủ Đức, TP.HCM
Ông Nishii cho biết quy mô kinh doanh của Công ty Ajinomoto Việt Nam đã tăng tới khoảng 7 lần trong vòng 10 năm qua, kể từ năm 2004 khi Ajinomoto chính thức được vận hành bằng 100% vốn đầu tư của Tập đoàn. Với mục tiêu tăng gấp 3 lần quy mô kinh doanh vào năm 2020 so với năm 2013, Công ty Ajinomoto Việt Nam đang không ngừng mở rộng kinh doanh sang những lĩnh vực kinh doanh mới bằng cách nắm bắt nhanh nhạy và chính xác nhu cầu của người tiêu dùng cũng như am hiểu sâu sắc văn hóa ẩm thực Việt Nam. Bên cạnh đó, người đứng đầu Tập đoàn Ajinomoto cũng tự hào chia sẻ chính sách nhân sự là một trong những chìa khóa đưa đến thành công của một trong những nhà sản xuất thực phẩm và axit amin hàng đầu thế giới hiện nay, cụ thể như phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực tại mỗi địa phương, gia tăng tỷ lệ lãnh đạo là người bản địa, đẩy mạnh và phát triển sự nghiệp cho nhân viên nữ.
Ông Nishii nhấn mạnh triển vọng sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam và thành công như Ajinomoto với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam thông qua các sản phẩm đề cao tính an toàn và chất lượng, sản xuất gắn liền bảo vệ môi trường và tuân thủ đồng thời hoạt động kinh doanh tạo lập những giá trị chung đóng góp cho sự phát triển bền vững và giải quyết những vấn đề cho xã hội.
(
Tinkinhte
tổng hợp)