Quy định cho vay nặng lãi vẫn gây tranh cãi
Đấu giá 5 khu đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm
Bill Gates bất ngờ mất ngôi giàu nhất thế giới vào tay ông chủ Zara
Facebook kiếm thêm 240 tỷ USD trong một ngày
Chứng khoán toàn cầu tăng mạnh sau quyết sách của Trung Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 23-01-2016
- Cập nhật : 23/01/2016
Giảm thuế nhập một số linh kiện, phụ tùng ô tô về 0%
Bộ Công Thương ngày 20/1 cho biết, liên quan đến việc thực hiện chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô, Bộ Tài chính có văn bản gửi cơ quan này khẳng định sẽ có một số điều chỉnh về chính sách thuế, phí để hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước.
Cụ thể, với mặt hàng ô tô chở người, năm 2016 sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu từ 64% xuống còn 61% và giảm dần xuống còn 52% đến năm 2019. Với ô tô tải, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc dưới 45 tấn sẽ được điều chỉnh tăng lên bằng mức trần cam kết (từ 25% đến 70%) tùy theo tải trọng của xe. Một số chủng loại xe tải chuyên dùng tăng thuế nhập khẩu từ 15% lên 20%.
Ngoài ra, năm 2016 dự kiến sẽ cắt giảm một số dòng thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng ô tô theo đúng cam kết với WTO. Còn với các hiệp định thương mại tự do FTA, Bộ Tài chính thực hiện theo đúng cam kết, không đẩy nhanh lộ trình.
Bộ Tài chính cũng khẳng định với Bộ Công Thương việc sẽ trình Thủ tướng Chính phủ đưa thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô trong nước chưa sản xuất được về diện ưu đãi đặc biệt về mức 0%. Tuy nhiên, hai bộ sẽ cùng rà soát chính sách này theo chu kỳ 6 tháng/lần, để khi có thiết bị, linh kiện nào trong nước đã sản xuất được sẽ điều chỉnh lên mức phù hợp.
Hãng phụ tùng ôtô Ấn Độ sắp mở nhà máy ở Việt Nam
Giám đốc điều hành Pricol, ông Vikram Mohan cho hay hãng sẽ mở nhà máy mới ở Mexico và Việt Nam...
Theo tin từ tờ India Times, Pricol đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại các thị trường nước ngoài bằng cách mở các nhà máy mới và thực hiện các thương vụ thâu tóm trên toàn cầu.
Giám đốc điều hành Pricol, ông Vikram Mohan cho hay hãng sẽ mở nhà máy mới ở Mexico và Việt Nam, song song tìm kiếm các mục tiêu mua lại ở châu Âu để tiếp cận thị trường này. Các kế hoạch này đều nằm trong tầm nhìn của công ty đến năm 2020.
“Đến năm 2018, Mexico sẽ là thị trường linh kiện ôtô lớn nhất. Còn dự án của Việt Nam sẽ bắt đầu vào năm sau đó”, ông Mohan nói.
Pricol, công ty 40 năm tuổi, hiện có 8 cơ sở sản xuất và 7 văn phòng quốc tế.
Tầm nhìn đến năm 2920 của Pricol được đưa ra sau một thời gian dài công ty phải vật lộn với những bất ổn về lao động, tỷ suất lợi nhuận thấp, và mức nợ lớn.
Cũng theo kế hoạch mở rộng toàn cầu của công ty, vào tháng 1/2015, Pricol đã thâu tóm một công ty sản xuất hệ thống truyền động ôtô ở Brazil có tên là Melling do Brasil. Tuy nhiên, thương vụ này đã đẩy Pricol rơi vào thế bất lợi.
“Không may là nền kinh tế đã đi xuống sau đó... Chúng tôi hy vọng sẽ sẽ mất 5 năm đề phục hồi khoản đầu tư này”, ông Mohan nói.
Ông Mohan cho biết, doanh thu hợp nhất năm tài khóa 2014-2015 của Pricol đạt mức 169 triệu USD. "Năm nay, chúng tôi dự kiến đạt doanh thu 213 triệu USD, tăng trưởng 20%. Đến năm 2020, chúng tôi dự kiến đạt hơn 440 triệu USD doanh thu", ông nói.
Pricol hiện đang xây dựng một nhà máy mới ở Pune, Ấn Độ, dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 5/2016.
Hiện nay, 40% doanh thu của Pricol đến từ linh kiện dành cho xe 2 bánh và 30% đến từ các sản phẩm dành cho xe 4 bánh. Phần còn lại đến từ máy kéo, xe đua, xe ba bánh...
Vì sao các công ty Nhật Bản ồ ạt chạy sang Việt Nam?
Theo Nikkei Asian Review, Việt Nam ngày càng tăng cường được lợi thế cạnh tranh để trở thành trung tâm xuất khẩu của thế giới, thu hút nhiều dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài. Trong số các nhà đầu tư sẵn sàng tìm đến có các công ty dệt may Nhật Bản.
Rất nhiều nhà sản xuất hy vọng sẽ có thêm động lực sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được thông qua, mà Việt Nam cũng là một thành viên. TPP sẽ giúp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu ở quốc gia Đông Nam Á này cũng như tăng cường thương mại hàng hải với Mỹ.
Đối với các công ty dệt may, tay nghề xuất sắc của các công nhân Việt Nam là một điểm thu hút kể cả khi giá nhân công có cao hơn Bangladesh và Myanmar.
Xu hướng “nam tiến”
Kuraray Trading, chi nhánh Osaka của nhà sản xuất sợi tổng hợp Kuraray, sẽ đầu tư 300 triệu yen (khoảng 2,51 triệu USD) để lắp đặt dây chuyền sản xuất đồ thể thao ở thành phố Đà Nẵng, trung tâm thương mại ở miền Trung Việt Nam. Dự kiến sản xuất sẽ bắt đầu từ tháng 7/2016.
Công ty Nhật Bản này sẽ sản xuất các sản phẩm quần áo thể thao sử dụng vải nhập khẩu từ Nhật và xuất khẩu thành phẩm tới Mỹ. Với quá trình này, Việt Nam sẽ chiếm khoảng 60% trong tổng công việc hình thành sản phẩm của Kuraray. Công ty này cũng đang cân nhắc đầu tư hàng tỷ yen vào các hoạt động may mặc như dệt hay nhuộm vải ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh.
Một công ty lớn khác của Nhật Bản là Itochu đã xây dựng chi nhánh ở Việt Nam cả trước khi TPP được thông qua. Năm 2014, công ty đã thành lập một nhà máy dệt may với năng suất hàng tháng lên tới 500.000 mét vải. Itochu cũng sản xuất áo sơ mi dưới nhãn hiệu khác và xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác. Itochu đã tăng năng suất của nhà máy lên gấp đôi và công ty này cũng đang cân nhắc đầu tư mở thêm các cơ sở khác để tăng cường khả năng đáp ứng nhanh nhu cầu của khác hàng.
Tập đoàn sản xuất sợi Toray Industries mới đây đã tăng cường năng lực sản xuất tại chi nhánh may địa phương ở thành phố Hồ Chí Minh, đó là công ty Chori. Công ty đã lên kế hoạch để trở thành chi nhánh trọng yếu của tập đoàn. Chori đã xuất khẩu hàng hóa tới Mỹ và nhiều nơi khác. Để tăng cường và mở rộng sản xuất của nhà máy, Toray đã tuyển thêm nhiều nhân viên lành nghề, có kỹ năng từ khắp nơi ở Đông Nam Á.
Nhà sản xuất sợ tơ cotton Nhật Bản Shikibo sẽ giảm khối lượng sản xuất ở nhà máy may Trung Quốc và tăng sản lượng nhà máy đối tác ở Việt Nam. Công ty cũng sẽ sớm bắt đầu sản xuất thêm sản phẩm chăn ga gối ở Việt Nam.
Có thể nhận thấy xu hướng “nam tiến” của các doanh nghiệp dệt may Nhật Bản sẽ trở thành mô hình kinh doanh kiểu mẫu ở đất nước mặt trời mọc này cũng như giúp đẩy mạnh năng lực sản xuất của Việt Nam.
Sức hấp dẫn từ Việt Nam
Các công ty trong những lĩnh vực sản xuất khác của Nhật Bản cũng đang có bước dịch chuyển tương tự. Nhà sản xuất đồng hồ nổi tiếng Rhythm Watch là một ví dụ. Công ty này sẽ chuyển dịch dây chuyền sản xuất đồng hồ đeo tay và đồng hồ để bàn cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, Mỹ đang áp dụng mức thuế nhập khẩu 7% cho đồng hồ nguyên chiếc.
Có lẽ lý do lớn nhất mà các công ty Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam là chi phí lao động chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc. Các nỗ lực điều chỉnh của chính phủ cũng góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ như năm ngoái, Việt Nam bắt đầu cho phép người nước ngoài sở hữu tài sản trong 100 năm cũng như giữ 100% cổ phần ở các công ty thương mại công, so với 49% trước đó.
Bên cạnh là thành viên của TPP và cộng đồng kinh tế ASEAN, một điểm mạnh thu hút của Việt Nam đó là nước này cũng có các hiệp định tự do thương mại với Hàn Quốc và Liên minh châu Âu.
Các doanh nghiệp Mỹ muốn giải quyết vướng mắc trong TPP nhưng dự kiến vẫn ký kết vào 4/2/2016
Những doanh nghiệp lớn của Mỹ ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương nhưng cho rằng vẫn cần có sự điều chỉnh một số nội dung khi về thị trường và sở hữu trí tuệ.
Thông tin trên được Cơ quan Thương mại của Sandler, Travis & Rosenberg (Bộ Công Thương) đưa ra về khả năng ký kết TPP trong thời gian tới.
Theo đó, có thêm ba nhóm doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tuyên bố ủng hộ TPP và cho biết họ hy vọng Quốc hội Hoa Kỳ sẽ thông qua TPP vào cuối năm 2016. Song các doanh nghiệp này cũng cho rằng cần phải có sự thay đổi quan trọng thì mới đạt được mục tiêu này.
Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hiệp hội Sản xuất Quốc gia (của Hoa Kỳ) Jay Timmons đã gọi TPP là “một bước tiến đáng kể” và hiệp địnhnày “sẽ cải thiện đáng kể cơ hội xuất khẩu và kinh doanh các mặt hàng được sản xuất tại Hoa Kỳ” trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Hội nghị bàn tròn về Kinh doanh quốc tế, ông Tom Linebarger thì lại cho rằng TPP “là một thỏa thuận thương mại đáp ứng nền kinh tế toàn cầu hiện đại, bao gồm các quy định liên quan đến thương mại điện tử, kỹ thuật số, thương mại dịch vụ, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ đầu tư, tiêu chuẩn lao động và môi trường”.
Còn đối với Chủ tịch và Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ, ông Tom Donohue khẳng định rằng TPP sẽ ảnh hưởng đến “không chỉ khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà cả những hiệp định thương mại khác trong tương lai”.
Tuy nhiên, cả ba nhóm doanh nghiệp cũng đồng quan điểm rằng TPP vẫn chưa “hoàn hảo” và cần một số cải thiện để được Quốc hội thông qua. Theo đó, nhóm này đưa ra yêu cầu với Nhà Trắng là cần phải làm việc chặt chẽ với các nhóm ngành công nghiệp, các thành viên Quốc hội và chính phủ các nước TPP khác để nhanh chóng giải quyết các “vướng mắc về mặt nguyên tắc” đã được nêu. Trong đó, cần tập trung vào một số ít các vấn đề như tiếp cận thị trường, bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm sinh học và giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ.
Điều đáng chú ý là lại không có một nhóm doanh nghiệp nào chỉ ra phương hướng giải quyết các vấn đề trên. Các nước đối tác trong TPP nhìn chung đã phản đối ý tưởng đàm phán lại Hiệp định này do không muốn làm thay đổi sự cân bằng của các thỏa thuận đạt được trong đàm phán nhiều năm qua.
Trong khi đó, 12 quốc gia TPP dự kiến sẽ chính thức ký kết hiệp định vào ngày 04 tháng 02 năm 2016 tại Niu Di-lân. Những người ủng hộ đang hy vọng vào việc các quy định pháp luật mới liên quan tới việc thực thi sẽ được đưa ra tại Quốc hội Hoa Kỳ.
Thế nhưng, việc ban hành các quy định pháp luật mới không thể được thực hiện cho đến khi Ủy ban Thương mại quốc tế đưa ra báo cáo về các dự đoán ảnh hưởng kinh tế của Hiệp định, việc dự kiến không diễn ra cho đến ít nhất giữa tháng 5 năm 2016. Ngoài ra, các nhà lập pháp đã đưa ra cảnh báo về việc cố gắng thông qua TPP trước phiên bầu cử diễn ra vào tháng 11 năm nay.
Nguồn cung xi măng đang dư khoảng 10 triệu tấn
So với mức tiêu thụ 71,5-72,5 triệu tấn của năm 2015, nguồn cung xi măng hiện đang dư khoảng 10 triệu tấn.
Theo Hiệp hội xi măng VN, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong năm 2016 ước khoảng 75-77 triệu tấn, tăng 4-7% so với năm 2015, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 59-60 triệu tấn, xuất khẩu 16-17 triệu tấn.
Trong khi đó, tính đến cuối năm 2015, Bộ Xây dựng thống kê cả nước có 76 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế 81,56 triệu tấn. So với mức tiêu thụ 71,5- 72,5 triệu tấn của năm 2015, nguồn cung xi măng đang dư khoảng 10 triệu tấn.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, nguồn cung xi măng sẽ tiếp tục có thêm hàng chục triệu tấn vào các năm sau khi hàng loạt các nhà máy mới, hoặc điều chỉnh nâng công suất sản xuất của một số nhà máy xi măng hiện hữu được đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2017.