Tổng thống Mỹ ký lệnh trừng phạt Triều Tiên
Căng thẳng tôn giáo tại Thái Lan chưa dịu
Thấy thanh tra, quan chức Trung Quốc lao khỏi cửa sổ
Đến Giáo hoàng cũng phản đối Donald Trump
Cán cân bầu cử Mỹ đang nghiêng về phía ông Sanders
Tin thế giới đọc nhanh trưa 28-04-2016
- Cập nhật : 28/04/2016
Trung Quốc, Indonesia bất ngờ cam kết tăng hợp tác an ninh trên biển
Các quan chức Trung Quốc và Indonesia cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác quan hệ an ninh trên biển và đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuyên bố hợp tác được đưa ra trong bối cảnh Indonesia thời gian qua cáo buộc Trung Quốc vi phạm chủ quyền bờ biển của nước này.
Bản báo cáo được đưa ra sau một cuộc họp giữa Ủy viên Quốc hội Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng - Bộ trưởng Bộ An ninh của Indonesia Luhut Pandjaitan.
Những lo ngại về vấn đề biển Đông là chủ đề chính của cuộc hội đàm, Bộ Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia cho biết trong một thông cáo báo chí. Trong các cuộc đàm phán, Indonesia và Trung Quốc đồng ý tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau và cam kết thúc đẩy các mối quan hệ song phương.
Có các thông tin cho rằng Trung Quốc chuẩn bị xây một đường băng cỡ lớn tại bãi đá Subi. Ảnh: Reuters
Hai nước sẽ tăng cường quan hệ quốc phòng trên các lĩnh vực chống khủng bố, thực thi pháp luật, hạn chế các chất ma túy, cũng như "hợp tác trên biển", theo Tân Hoa xã. Jakarta và Bắc Kinh cũng sẽ hợp tác trong các lĩnh vực đường sắt, năng lượng điện, khai thác mỏ, hàng không, nông nghiệp và thủy sản, Tân Hoa xã nói thêm.
Vào tháng trước, Indonesia đã bắt giữ một tàu đánh cá Trung Quốc vì tội đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở biển Đông khiến lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc phải can thiệp. Trung Quốc nói rằng tàu của họ đã hoạt động trong "ngư trường truyền thống".
Indonesia không muốn trở thành một trong những nước đối đầu với Trung Quốc mà nhận định mình là "trung gian" trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, Malaysia và Brunei về vấn đề biển Đông.
Ông Pandjaitan cho biết Indonesia sẽ duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc "mà vẫn giữ được chủ quyền của Indonesia”. Ông cũng đã kêu gọi các tàu Trung Quốc không xâm nhập lãnh thổ trên biển của Indonesia khu vực gần quần đảo Natuna, nơi sự cố Indonesia bắt giữ tàu cá Trung Quốc diễn ra.
Những nỗ lực tăng cường quân sự của Trung Quốc ở biển Đông đã dấy lên lo ngại cho Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực Đông Nam Á.
Mỹ cảnh báo công dân ở Thổ Nhĩ Kỳ về nguy cơ khủng bố
"Chính phủ Mỹ tiếp tục nhận được dấu hiệu đáng tin cậy rằng các nhóm khủng bố đang chờ cơ hội tấn công những điểm du lịch nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ", Reuters dẫn thông báo từ đại sứ quán Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Trong thông báo, được gọi là "thông điệp khẩn cấp", đại sứ quán Mỹ mô tả du khách nước ngoài ở Thổ Nhĩ Kỳ là mục tiêu rõ ràng của các tổ chức khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay đã bị tấn công bằng đánh bom tự sát 4 lần, gần nhất là ở Istanbul tháng trước làm 4 người thiệt mạng, trong đó có hai người mang hai quốc tịch Israel - Mỹ. Hai trong số 4 vụ được cho là do Nhà nước Hồi giáo (IS) gây ra. Phiến quân người Kurd đã nhận trách nhiệm các vụ còn lại.
Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với nhiều mối đe dọa an ninh. Với tư cách là thành viên liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu, Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia chống IS ở Iraq và Syria. Nước này còn đối phó với phiến quân người Kurd ở đông nam từ tháng 7/2015, sau khi lệnh ngừng bắn không còn tác dụng.
Mỹ triển khai hệ thống tên lửa tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria
Theo Ankara, khu vực biên giới đang ngày càng trở thành mục tiêu của các vụ tấn công tên lửa do IS thực hiện. Các phần tử Hồi giáo cực đoan đã sử dụng khu vực gần 100 km quanh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria để vận chuyển vũ khí, vật tư, chiến đấu cơ và là con đường để các chiến binh Hồi giáo sang châu Âu thực hiện khủng bố.
Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Mevlut Cavusoglu, “hệ thống tên lửa HIMARS sẽ được triển khai đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 5” và với HIMARS, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thể dội pháo tới các vị trí của IS trong phạm vi 90 km, vượt trội hơn so với pháo binh mà Ankara đang sử dụng (chỉ 40 km).
Hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot được bố trí tại doanh trại Thổ Nhĩ Kỳ gần Gaziantep đã được Mỹ rút đi vào năm 2015. Ảnh: DigitalGlobe
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gần đây đã có chuyến thăm Washington để đàm phán về chiến dịch chống IS, theo các quan chức Mỹ. Sau cuộc hội đàm tại Washington, ông Erdogan và ông Obama đã thống nhất một kế hoạch mới để làm việc với các chiến binh Thổ Nhĩ Kỳ dọc biên giới.
Tướng Peter E. Gersten, Thiếu tá Không quân Mỹ, Phó chỉ huy các hoạt động và tình báo trong chiến dịch chống lại Nhà nước Hồi giáo do Mỹ dẫn đầu, hôm 26-4 cho biết một hệ thống HIMARS sẽ được đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là hệ thống với nhiều tên lửa.
Người dân ở TP Kilis than khóc trong một đám tang hôm 25-4, một ngày sau khi bị tên lửa của IS đánh trúng. Ảnh: AFP
Trong vài tuần qua, phía nam TP Kilis dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên bị lực lượng IS tấn công bằng tên lửa. Điều này khiến quân đội Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải đáp trả lại bằng pháo lửa.
Từ tháng 9-2104, Mỹ cùng với một số nước đồng Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích chống lại các căn cứ của IS ở Syria mà không có bất kỳ ủy quyền nào từ Damacus hay Liên Hiệp Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ cho phép chiến đấu cơ của Mỹ sử dụng căn cứ không quân của nước này ở miền Nam để tiến hành các cuộc không kích.
Obama tuyên bố chuẩn bị lá chắn tên lửa đối phó Triều Tiên
Ông Obama tuyên bố dành nhiều thời gian phát triển tên lửa để đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên. Ảnh: seattletimes.com
Trong cuộc phỏng vấn với đài CBS hôm qua, ông Obama cho biết Mỹ sẽ dành nhiều thời gian xem xét các hệ thống phát triển tên lửa để tạo thành lá chắn cho bản thân và các đồng minh. "Ít nhất các lá chắn tên lửa cũng chặn được những mối đe dọa mức độ thấp từ Triều Tiên", Obama nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết Washington "sẽ xem xét lựa chọn khác" nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử hạt nhân và tên lửa. Ông Toner từ chối nói chi tiết về các lựa chọn khác của Mỹ.
Nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc nói quân đội nước này "thu được những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên chuẩn bị phóng một tên lửa Musudan trong tương lai gần". Tên lửa Musudan có tầm phóng từ 2.500 km đến 4.000 km, có thể bao phủ toàn bộ Hàn Quốc và Nhật Bản, xa nhất có thể tấn công căn cứ quân sự Mỹ ở đảo Guam.
Triều Tiên tuyên bố sẽ tổ chức đại hội đảng vào ngày 6/5, động thái được dự đoán sẽ đưa nhà lãnh đạo Kim Jong-un nắm quyền tuyệt đối. Giới quan sát lo ngại Triều Tiên sẽ thử hạt nhân lần thứ 5 vào dịp này.
Tàu cá Trung Quốc có thể "phá bĩnh" quan hệ Triều - Hàn
Một số lượng lớn tàu cá Trung Quốc đang tiến vào vùng biển gần đảo Yeonpyeong, nơi lực lượng hải quân Triều Tiên và Hàn Quốc nỗ lực bảo vệ tàu cá của mình hoạt động tại đây.
Cảnh sát biển Hàn Quốc (KCG) hôm 27-4 cho biết hàng trăm tàu Trung Quốc đang đánh bắt cua ở vùng biển gần ranh giới giữa hai miền Nam, Bắc Triều Tiên trên Hoàng Hải - gọi là Đường giới hạn phương Bắc (NLL).
Trong bối cảnh Seoul đang tăng cường trấn áp hành vi đánh bắt hải sản trái phép, một số tàu cá Trung Quốc dạt vào vùng biển gần đảo Yeonpyeong (của Hàn Quốc), khá gần hệ thống pháo binh bảo vệ bờ biển của quân đội Triều Tiên.
Đảo Yeonpyeong trong hai năm 1999 và 2001 từng xảy ra đụng độ giữa lực lượng hải quân hai miền Triều Tiên, dẫn đến thương vong của cả hai bên khi họ cố gắng bảo vệ tàu cá nước mình hoạt động tại khu vực.
Vì thế, sự hiện diện của tàu cá Trung Quốc có thể làm leo thang căng thẳng giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Cụ thể, tàu tuần tra Hàn Quốc khi ngăn tàu cá Trung Quốc đến gần NLL có thể đối mặt phản ứng của tàu tuần tra Triều Tiên.
Sự hiện diện của tàu cá Trung Quốc có thể thổi bùng căng thẳng giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Ảnh: YONHAP NEWS
Theo KCG, trung bình có khoảng 200 tàu cá Trung Quốc đánh bắt cua gần NLL mỗi ngày. Một số tàu cá thường xâm nhập vùng biển Hàn Quốc để tìm kiếm nguồn hải sản dồi dào. Tuy nhiên, năm nay, số lượng tàu cá Trung Quốc giảm 20% so với năm ngoái do lượng cua ít và hoạt động tăng cường trấn áp của KCG.
Tháng trước, KCG đã triển khai thêm nhân sự và tàu xung quanh 5 hòn đảo ở vùng biển Hoàng Hải trước giai đoạn đánh bắt cua cao điểm diễn ra từ tháng 4 đến tháng 5 hằng năm.
Kể từ đầu tháng 4, KCG bắt giữ 13 tàu cá bất hợp pháp của Trung Quốc, đồng thời xua đuổi 717 tàu cá khác. Cùng kỳ năm ngoái, chỉ có 3 tàu Trung Quốc bị bắt và 354 tàu bị trục xuất.
Cũng trong ngày 27-4, một quan chức Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đang chuẩn bị một cuộc diễn tập pháo binh quy mô lớn mô phỏng cuộc tấn công vào phủ tổng thống Hàn Quốc.
Khoảng 30 khẩu pháo đã được vận chuyển tới địa điểm diễn tập ở ngoại ô Bình Nhưỡng. Tại khu vực này, đầu tháng 4, Triều Tiên dựng bản sao phủ tổng thống Hàn Quốc (còn gọi là Nhà Xanh) để phục vụ diễn tập.
Quan chức JCS nói trên cảnh báo Triều Tiên có thể thực hiện cuộc diễn tập trong tương lai gần nhằm gieo rắc sự thù hận của người dân đối với giới lãnh đạo Hàn Quốc và tăng cường sự đoàn kết trước thềm Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên - dự kiến diễn ra vào ngày 6-5 tới.
Trước đó, chính quyền miền Bắc nhiều lần đe dọa phát động một cuộc tấn công phủ đầu vào dinh tổng thống cũng như các văn phòng chính phủ Hàn Quốc.