Tổng thống Obama: Mỹ có thể hủy diệt Triều Tiên
Indonesia không chịu nổi sự tham lam của Trung Quốc
Brexit - nguy cơ mới với đàm phán TTIP
Nhân viên Cục Thống kê Trung Quốc bị tố bán dữ liệu
Rơi trực thăng ở miền Nam Trung Quốc, hai người thiệt mạng
Tin thế giới đọc nhanh tối 27-04-2016
- Cập nhật : 27/04/2016
Nga và ASEAN đề ra các phương hướng hợp tác quốc phòng
Trong cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng Nga và các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra ngày 26/4 ở thủ đô Moskva của Nga, các nước đã đề ra các phương hướng hợp tác chính.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết các bên đã đặt ra hàng loạt phương hướng nhằm phát triển mối quan hệ hợp tác cùng có lợi - trước tiên là trong lĩnh vực chống khủng bố quốc tế, an ninh hàng hải, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, quân y và tháo gỡ mìn.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga cũng nhấn mạnh "danh sách các dự án hợp tác chung giữa Bộ Quốc phòng Nga và ASEAN không chỉ dừng lại ở đó."
Ngoài ra, Bộ trưởng Shoigu cũng cho biết Nga sẽ mở rộng các cuộc tiếp xúc song phương với các nước ASEAN, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật-quân sự.
Theo ông, để hiện thực hóa kế hoạch này, Nga sẽ tổ chức hàng loạt các cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, trong đó thảo luận chi tiết các vấn đề quân sự và kỹ thuật-quân sự.
Cuộc gặp cấp Bộ trưởng Quốc phòng Nga và ASEAN diễn tra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN, dự kiến diễn ra ngày 19-20/5 tới tại thành phố Sochi của Nga.
Đây được xem là sự kiện quốc tế lớn nhất tại Nga trong năm 2016
Campuchia không có thỏa thuận mới với Trung Quốc về Biển Đông
Quốc vụ khanh Nhà nước, người phát ngôn của Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, ông Phay Siphan cho biết nước này không có thỏa thuận mới nào với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Bộ trưởng Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhon tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải) trong chuyến thăm Phnom Penh ngày 22/4. Ảnh: AFP/ TTXVN
Ngày 27/4, ông Phay Siphan đã khẳng định như trên khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Campuchia về việc báo chí Trung Quốc dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố đã đạt một thỏa thuận với Campuchia, Lào và Brunei rằng các nước liên quan trong tranh chấp Biển Đông nên giải quyết song phương với Trung Quốc hơn là cả khối ASEAN với Trung Quốc trong vấn đề này.
Báo chí Trung Quốc, trong đó có Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), ngày 22/4 dẫn tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này nhân chuyến thăm Campuchia của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị từ ngày 21-22/4, cho rằng điểm quan trọng của thỏa thuận đã đạt được là các tranh chấp xảy ra giữa các nước liên quan chứ không phải là giữa Trung Quốc với toàn bộ khối ASEAN, vì vậy các nước liên quan cần tự mình giải quyết các tranh chấp, và cần phải làm như vậy mà không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; Trung Quốc và các nước ASEAN cần hợp tác để bảo đảm hòa bình trên Biển Đông.
Tuy nhiên, ông Phay Siphan nhấn mạnh với phóng viên TTXVN: “Không hề có thỏa thuận hay thảo luận nào liên quan đến vấn đề này, đó chỉ là một chuyến thăm bình thường của một Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc”.
Ông Phay Siphan nêu rõ lập trường của Campuchia về vấn đề này là Campuchia mong muốn các bên liên quan thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), vốn đạt được giữa Trung Quốc và các nước ASEAN vào năm 2002, khi Campuchia làm Chủ tịch ASEAN.
Ông Phay Siphan nhấn mạnh Campuchia mong muốn các nước liên quan trong vấn đề Biển Đông giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tất cả các nước ASEAN sẽ nỗ lực để nhanh chóng đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trước đó, tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sau cuộc gặp song phương sáng 22/4, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn cho biết Campuchia duy trì lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông và luôn kêu gọi các bên liên quan nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình.
Được biết, ngày 25/4, khi phóng viên của nhật báo "Bưu điện Phnom Penh” (The Phnom Penh Post) hỏi về tin tức của CCTV liên quan “một thỏa thuận quan trọng” giữa Trung Quốc với Campuchia, Lào và Brunei trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia đã từ chối bình luận.
Nhóm cực đoan Ukraine âm mưu đảo chính tại Nga
Tổng công tố Nga Yuri Chaika hôm 26/4 cảnh báo một nhóm cực đoan đến từ Ukraine đang cố gắng kích động bất ổn nhằm thực hiện đảo chính trong lòng nước Nga.
"Hoạt động truy cập vào mạng xã hội Vkontakte – được sử dụng bởi Right Sector - đã bị chặn. Những kẻ này cố tình kích động bạo loạn và biểu tình công cộng với mục đích thực hiện đảo chính ở Liên bang Nga" – ông Chaika nói.
Right Sector được biết đến với rất nhiều hành vi bạo lực, trong đó có nghi vấn thiêu sống 48 người ở TP Odessa – Ukraine. Các chiến binh của nhóm cũng tham gia vào cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine và bị cáo buộc chủ mưu các vụ tấn công thợ mỏ và giam giữ nhân chứng dưới lòng đất.
Nhóm cực hữu này còn đe dọa phá vỡ các thỏa thuận ngừng bắn Minsk mong manh ở miền Đông Ukraine. Từ tháng 1/2015, Right Sector bị Nga liệt vào danh sách cấm, không được pháp luật thừa nhận.
Chiến lược xoay trục sang châu Á của Nga thất bại vì Trung Quốc?
Những năm gần đây, Nga được cho là đang nỗ lực xoay trục sang châu Á với chính sách tăng cường hợp tác mọi mặt với Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay, chính sách này dường như chưa mang lại lợi ích cho Nga.
Ở bề nổi, chiến lược xoay trục sang châu Á của Nga hoàn toàn dễ hiểu, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ Moscow và Bắc Kinh ngày càng khăng khít hơn. Tuy nhiên, trong các bài bình luận đăng tải trong tháng này, nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách xoay trục này đến nay vẫn chưa mang lại lợi ích cho Nga.
Alexander Gabuev, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm Carnegie Moscow (Nga), nhận định: “Hai năm sau khi quan hệ Nga và phương Tây rạn nứt, kỳ vọng xây dựng các quan hệ làm ăn mới với châu Á để bù đắp lại những tổn thất của Nga vẫn chưa được hiện thực hóa”. Ông cho rằng, chiến lược này “chẳng đưa Nga tới đâu”.
Tác giả Thomas S. Eder và Mikko Huotari trong một bài bình luận đăng tải trên tạp chí Foreign Affairs cũng cho rằng: “Kể từ khi châu Âu áp lệnh trừng phạt với Nga, Nga đã rất hy vọng rằng có thể đối phó với họ bằng cách tăng cường liên minh với Trung Quốc trong đầu tư năng lượng, quốc phòng, nông nghiệp và thương mại”.
Yếu tố cốt lõi nào khiến chính sách hướng Đông của Nga thất bại?
Tác giả Catherine Putz của tạp chí Diplomat đã chỉ ra một trong những nguyên nhân cơ bản đó là động cơ tăng cường hợp tác giữa Nga và Trung Quốc. Thực tế, quan hệ rạn nứt với châu Âu buộc Nga phải tìm kiếm các đối tác khác. Hồi tháng 5/2014, Nga đã ký thỏa thuận cung cấp khí đốt trị giá 400 tỷ USD với Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề là Nga sẽ phải chấp nhận thu lời từ Trung Quốc ít hơn so với từ các đối tác Tây Âu. Hơn nữa, việc xây dựng cơ sở hạ tầng để thực hiện thỏa thuận này đã bị trì hoãn suốt 2 năm qua.
Nga cần Trung Quốc, trong khi Trung Quốc vẫn còn những lựa chọn khác. Chuyên gia Gabuev chỉ ra rằng, Nga dường như không thể phối hợp với các định chế tài chính châu Á, có thể thấy rõ là thành công lớn duy nhất của Nga là làm ăn với các ngân hàng Trung Quốc để cấp khoản vay 2 tỷ USD cho tập đoàn năng lượng Gazprom. Ngoài “thành quả” đó ra, những thành quả trong tương lai nếu có thì được cho là cũng rất ít.
“Các nguyên nhân rất rõ ràng. Bốn ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây (nhằm vào Nga) mặc dù Bắc Kinh vẫn công khai chỉ trích các lệnh trừng phạt đó. Khi phải lựa chọn giữa cơ hội tăng thị phần tạo thị trường Nga rủi ro cao với cơ hội củng cố vị thế ở thị trường lớn và ổn định của Mỹ và EU, tất nhiên các ngân hàng Trung Quốc sẽ chọn cái thứ 2”, ông Gabuev nhận định. Hay nói cách khác, quan hệ "đối tác chiến lược" được củng cố giữa Nga-Trung đã không thể loại bỏ được sự dè chừng về tài chính.
Về lĩnh vực năng lượng, nhà bình luận Eder và Huotari cho rằng, Nga chỉ là một trong rất nhiều nhà cung cấp của Trung Quốc, cùng với Angola, Guinea Xích đạo, Iraq, Turkmenistan và sắp tới có thể là Iran. Trong một số trường hợp, sự tổn thất của Nga lại là lợi ích của Trung Quốc. Tháng 1 năm nay, sau khi Gazprom của Nga tuyên bố ngừng mua khí đốt từ Turkmenistan, thì Turkmenistan đã chuyển hướng xuất khẩu sang Trung Quốc. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm nay, Turkmenistan đã cung cấp 10,6 tỷ m3 khí đốt cho Trung Quốc, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tác giả bình luận Shannon Tiezzi trên tạp chí FiveThirtyEight trong bài viết mới đây cũng chỉ ra sự khác nhau trong chiến lược xoay trục sang châu Á giữa Nga và Mỹ. Theo đó, nếu chính sách của Mỹ hướng tới nhiều quốc gia trong khu vực để tạo lập sự đồng thuận, củng cố quan hệ ngoại giao, thì chính sách của Nga tập trung chủ yếu vào Trung Quốc. Chuyên gia Gabuev cho rằng, chính sách xoay trục của Nga sẽ tiếp tục không phát huy được hiệu quả khi kinh tế Nga còn khó khăn và quan hệ với châu Âu còn căng thẳng.(DT)
Mỹ lập "lá chắn" đối phó với Triều Tiên
Mỹ đang tích cực tăng cường khả năng phòng vệ cũng như bảo vệ các đồng minh của mình trước mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bác đề nghị của Triều Tiên rằng Bình Nhưỡng sẽ ngừng thử hạt nhân nếu Mỹ ngừng các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng "không có giải pháp dễ dàng nào" cho mối đe dọa từ Triều Tiên, nhấn mạnh dù Washington "có thể tấn công Bình Nhưỡng bằng vũ khí và đạn dược", song hành động này không chỉ gây thiệt hại về người và còn tác động đến Hàn Quốc - đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á.
Tuyên bố của Tổng thống Obama được đưa ra sau khi hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc trước đó cùng ngày dẫn lời Tổng thống nước này Park Geun Hye cho rằng Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ năm vào bất kỳ thời điểm nào.
Hãng này cũng dẫn lời một quan chức Hàn Quốc giấu tên nói rằng Triều Tiên "dường như" đang chuẩn bị cho vụ phóng tên lửa tầm trung Musudan thứ hai sau vụ phóng thất bại 11 ngày trước đó.
Trong khi đó, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Thae Song cùng ngày cũng khẳng định Bình Nhưỡng không có kế hoạch ngừng các vụ thử hạt nhân kể cả khi Mỹ ngừng các cuộc tập trận thường niên với Hàn Quốc.
Trước đó, ngày 15/4, Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa Musudan, có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ như đảo Guam và Alaska. Quân đội Hàn Quốc cho rằng vụ phóng thử này thất bại khi tên lửa biến mất khỏi màn hình radar vài giây sau khi phóng. Dù thất bại song đây là lần đầu tiên Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo Musudan di động.
Quan ngại về việc Triều Tiên có thể tiến hành phóng tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân xuất hiện khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngày 15/3 vừa qua ra chỉ thị thử nghiệm nổ một đầu đạn hạt nhân và thử các tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.