tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 28-04-2016

  • Cập nhật : 28/04/2016

Obama nói TQ hành xử "như đứa trẻ to xác" ở Biển Đông

Tổng thống Mỹ nói, Trung Quốc có xu hướng cư xử như thể "những đứa trẻ to xác ở quanh đây" trong các tranh chấp trên biển với nhiều nước khác ở Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CBS trong chương trình được phát hôm 26/4, sau khi vừa kết thúc chuyến thăm Đức, người đứng đầu nước Mỹ nói: "về vấn đề Biển Đông, thay vì hành động theo luật và các quy định quốc tế, thái độ của Trung Quốc là: "Chúng tôi là những đứa trẻ to xác nhất ở đây. Và chúng tôi sẽ gạt Philippines hay Việt Nam sang một bên".

tong thong my obama (anh reuters)

Tổng thống Mỹ Obama (Ảnh Reuters)

Người đứng đầu nước Mỹ cũng nói rằng Trung Quốc lại có xu hướng coi một số vấn đề hay các tranh chấp trong khu vực như "trò chơi một mất một còn".

Tổng thống Obama bình luận như trên để trả lời cho câu hỏi, liệu ông có lo rằng sự gây hấn của Trung Quốc về vấn đề trên có thể khiến nước này một ngày nào đó "vượt ranh giới" và khiến Mỹ phải đáp trả một cách quyết liệt hơn.

Người đứng đầu Nhà Trắng buộc tội Bắc Kinh gây hấn kiểu "những đứa trẻ to xác đang ở quanh đây". Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng Mỹ đang cố chống lại Trung Quốc. Mỹ chỉ muốn Trung Quốc là đối tác. Và nếu Trung Quốc phá vỡ các quy định, luật lệ quốc tế, Mỹ sẽ bắt Trung Quốc phải chịu trách nhiệm.

Tổng thống Mỹ nói thêm, một quan hệ thẳng thắn, hiệu quả giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ tốt cho hai nước mà còn cho cả thế giới.


Thổ Nhĩ Kỳ lại "thúc đẩy" chiến tranh ở Karabakh

Chuyến thăm Baku của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan có thể nhóm lên cuộc xung đột vừa được dập tắt ở Nagorny-Karabakh.

tong thong tho nhi ky erdogan. anh: afp

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: AFP

Báo "Izvestia" dẫn nguồn từ giới ngoại giao Armenia ngày 26/4 cho biết, ông Erdogan đã tới Baku và dự định sẽ tổ chức hội đàm với người đứng đầu Azerbaijan Ilham Aliyev trong khuôn khổ Diễn đàn toàn cầu lần thứ VII của Liên đoàn các nền văn minh Liên Hợp Quốc. Nguồn tin nhắc lại rằng ông Erdogan đã tuyên bố ủng hộ Azerbaijan trong bối cảnh cuộc chiến, và điều đó là vô cùng nguy hiểm.
 
"Sự hỗ trợ rõ ràng từ phía một quốc gia khác sẽ tạo cơ sở nghiêm trọng để gia tăng các mối đe dọa", — báo trên dẫn lời người đối thoại.
 
Sau những nỗ lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Baku và Yerevan đã chấm dứt cảnh đổ máu và tiến tới tiếp xúc, nhưng sau đó Azerbaijan đã chuyển cho phía Armenia ba thi hài biến dạng. Điều này gây ra một làn sóng bất mãn mới.
 
Ông Vladimir Jabbarov, phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Hội đồng quốc gia về Chính sách Quốc tế của Liên bang Nga nói rằng, rõ ràng ông Erdogan đang muốn thể hiện vai trò trong việc giải quyết cuộc xung đột này. Theo lời tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan muốn "sử dụng thảm kịch ở Karabakh để khôi phục lại hình ảnh của mình".

Thụy Điển cảnh báo nguy cơ IS tấn công thủ đô Stockholm

Truyền thông Thụy Điển hôm qua 26/4 đưa tin một số tay súng IS đã tới Thụy Điển và có thể đang âm mưu tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào dân thường ở thủ đô Stockholm.

mot goc thu do stockholm cua thuy dien (anh: reuters)

Một góc thủ đô Stockholm của Thụy Điển (Ảnh: Reuters)

Chia sẻ với hãng tin Expressen, người phát ngôn báo chí của lực lượng an ninh Thụy Điển (Sapo) cho biết, “Chúng tôi đang thu thập thông tin và tin tức tình báo, đồng thời phối hợp với các bên liên quan trong nước và các đối tác quốc tế”. Ông cũng nói thêm rằng lực lượng an ninh Thụy Điển đang hợp tác chặt chẽ với cơ quan cảnh sát quốc gia, chia sẻ thông tin với các cơ quan này để “thực thi các biện pháp cần thiết thuộc phạm vi thẩm quyền”.

Theo Expressen, lực lượng an ninh Thụy Điển đã nhận được thông tin tình báo từ Iraq về khả năng tấn công khủng bố của IS tại Stockholm. Khoảng 7 đến 8 phần tử khủng bố IS đã đến Thụy Điển để lập kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công này, nguồn tin từ tờ Expressen cho biết thêm.

Hãng tin AP dẫn nguồn truyền thông Thụy Điển cho biết, theo suy đoán, sự kiện sinh nhật lần thứ 70 của nhà Vua Thụy Điển vào ngày 30/4 có thể sẽ là mục tiêu hướng đến của IS. Các thành viên trong Hoàng gia Thụy Điển, các quan chức chính phủ và các khách mời Hoàng gia châu Âu thường sẽ tham dự những sự kiện lớn như vậy.

Theo nghiên cứu của Trung tâm chống khủng bố quốc tế ICCT công bố hôm 1/4, ít nhất 300 người Thụy Điển đã tới Iraq và Syria để gia nhập tổ chức khủng bố IS. Hồi tháng 3, thông tin từ cơ quan cảnh sát châu Âu Europol cho biết rằng có từ 3.000 đến 5.000 đối tượng được gọi là “chiến binh nước ngoài” - là các công dân châu Âu được huấn luyện trong các trại khủng bố của IS - đã quay về châu Âu và tạo ra “thách thức hoàn toàn mới” với khu vực này.


Mỹ chi 150 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine

Quốc hội Mỹ dự định sẽ chi một khoản viện trợ quân sự trị giá 150 triệu USD cho Ukraine trong năm 2017.

Theo Sputnik, số tiền này được đưa vào phần dự thảo sửa đổi của Hạ viện để chuẩn bị cho dự án ngân sách quốc phòng của nước này. Tuy nhiên, các nghị sĩ Mỹ vẫn tỏ ra lo ngại về sự thiếu thiện chí của Tổng thống Barack Obama đối với việc cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.
Theo quy định, Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Mỹ có quyền dựa trên thỏa thuận song phương để gửi sang Ukraine cả vũ khí gây sát thương - gồm súng cối, súng phóng lựu, vũ khí xuyên giáp - và đạn dược.

Hội đồng Bảo an bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Israel đối với Golan

xe tang israel tren vung dat chiem dong cua cao nguyen golan, giap gioi voi lang hadar cua syria ngay 17/4. (nguon: afp/ ttxvn)

Xe tăng Israel trên vùng đất chiếm đóng của Cao nguyên Golan, giáp giới với làng Hadar của Syria ngày 17/4. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Ngày 26/4, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bác bỏ tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về chủ quyền vĩnh viễn của nước này đối với cao nguyên Golan, vùng đất bị Israel chiếm từ Syria năm 1967.

Với tư cách Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng này, Đại sứ Trung Quốc Lưu Kết Nhất đã nhắc lại nghị quyết 1981 quy định rằng việc Israel "quyết định áp đặt luật pháp, thẩm quyền và quản lý hành chính tại cao nguyên Golan bị chiếm đóng của Syria là không có giá trị và không có bất kỳ ảnh hưởng pháp lý quốc tế nào."

Ông Lưu cho biết các thành viên Hội đồng Bảo an "đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc" về những tuyên bố của Israel và nhấn mạnh vị thế không thay đổi của Golan. 

Tuy nhiên, bất chấp áp lực từ các nước Arab, Hội đồng Bảo an đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố mạnh mẽ nào như kêu gọi Israel rút khỏi khu vực rộng 1.200 km2 này.

Động thái của Hội đồng Bảo an diễn ra sau những phát biểu của thủ tướng Israel Netanyahu hồi đầu tháng này trong một cuộc họp nội các được tổ chức lần đầu tiên tại Golan, trong đó ông Netanyahu tuyên bố cao nguyên này sẽ "vĩnh viễn thuộc sự kiểm soát của Israel" và nước này "sẽ không bao giờ rút khỏi cao nguyên Golan."

Cuộc họp nội các này diễn ra trong bối cảnh Israel lo ngại sẽ chịu áp lực phải trao trả Golan như một phần của thỏa thuận hòa bình quốc tế trong tương lai về Syria.

Trước đó, Liên đoàn Arab và Liên minh châu Âu cũng đã chỉ trích ông Netanyahu về những phát biểu nói trên. 

Golan là một rặng núi quan trọng về chiến lược, bao quát phần lớn khu vực phía Bắc Galilee của Israel.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục