Ảnh vệ tinh cho thấy ngoài việc triển khai hệ thống tên lửa phòng không, Trung Quốc có thể đã xây dựng nhà chứa máy bay và kho vũ khí tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Triển khai tên lửa, Trung Quốc lộ rõ ý đồ lập ADIZ ở biển Đông
- Cập nhật : 19/02/2016
(Tin kinh te)
Các chuyên gia chính trị quốc tế nhận định với việc triển khai tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã lộ rõ ý đồ lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông.
Theo báo Japan Times, hôm qua nhận định về việc Trung Quốc đưa tên lửa phòng không tới đảo Phú Lâm, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani tuyên bố “không thể bỏ qua hành vi đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng khu vực”.
Trong cuộc gặp với đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Bộ trưởng Nakatani cam kết Nhật sẽ tiếp tục hỗ trợ quân đội Mỹ tổ chức các chiến dịch tuần tra để bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông.
Dùng ADIZ kiểm soát biển Đông
Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định với động thái khiêu khích này, Trung Quốc muốn thử phản ứng của Mỹ, Nhật và các quốc gia Đông Nam Á để thực hiện mưu đồ lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trái phép trên biển Đông.
“Việc Trung Quốc triển khai tên lửa tới đảo Phú Lâm cho thấy nước này đang chuẩn bị lập ADIZ ở vùng phía bắc biển Đông và sẽ thực thi ADIZ từ quần đảo Hoàng Sa” - chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho biết.
Ông Storey cho rằng sau khi các cơ sở quân sự do Trung Quốc xây trái phép trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa đi vào hoạt động, ADIZ bất hợp pháp có thể mở rộng tới khu vực phía nam biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa hàng trăm km về phía đông nam.
Nhà phân tích Tetsuo Kotani thuộc Viện Quan hệ quốc tế Nhật (JIIA) cũng đưa ra dự báo tương tự. “Việc triển khai tên lửa đất đối không là bước tiến lớn tới ADIZ trên biển Đông, dù Trung Quốc chưa đủ năng lực. Nước này sẽ còn triển khai radar và tên lửa tới các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa” - ông Kotani cảnh báo.
Năm 2013, Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế phản đối dữ dội khi đơn phương lập ADIZ trên biển Hoa Đông, bao phủ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật kiểm soát.
Tuy nhiên, Trung Quốc không thực thi được ADIZ tại đây do không đủ năng lực quân sự. Chuyên gia Storey đánh giá Bắc Kinh cũng lo ngại nguy cơ làm leo thang căng thẳng với Nhật, Mỹ và các nước khác.
Nhưng ở biển Đông, trong thời gian qua lực lượng Trung Quốc ở các đảo nhân tạo trái phép từng nhiều lần hùng hổ gửi tín hiệu cảnh cáo các máy bay di chuyển trên biển Đông.
“Bắc Kinh từng nhiều lần tỏ ý muốn lập ADIZ trên biển Đông. Họ cho rằng đây là thời điểm thích hợp khi tàu chiến và máy bay Mỹ tuần tra trên biển Đông” - giáo sư June Teufel Dreyer thuộc ĐH Miami khẳng định.
Dù vậy giáo sư Dreyer cho rằng nếu lập ADIZ trên biển Đông, Trung Quốc sẽ rơi vào thế bị quá sức, đặc biệt khi nền kinh tế nước này đang cho thấy nhiều dấu hiệu xấu. Nhà phân tích Shen Dingli của Viện Nghiên cứu quốc tế ở Thượng Hải thừa nhận khi theo đuổi hai ADIZ ở biển Đông và biển Hoa Đông, Trung Quốc sẽ tự làm phức tạp môi trường an ninh nước này.
Quốc tế sẽ phản đối quyết liệt
Tuy nhiên, các chuyên gia khác cảnh báo với việc xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc có thể quản lý ADIZ ở biển Đông hiệu quả hơn biển Hoa Đông. Trái ngược với biển Hoa Đông, trên biển Đông Trung Quốc đã xây trái phép nhiều đường băng và cơ sở quân sự.
Giáo sư Javad Heydarian thuộc ĐH De La Salle ở Philippines dự báo toàn thể châu Á và cộng đồng quốc tế sẽ phản đối dữ dội một ADIZ Trung Quốc lập trái phép trên biển Đông. Vấn đề là Mỹ và các đồng minh quân sự lớn như Nhật sẽ phản ứng như thế nào với hành vi hiếu chiến này.
Giáo sư Heydarian nhấn mạnh với việc phần lớn nhập khẩu năng lượng và thương mại Nhật di chuyển qua eo biển Malacca và biển Đông, chắc chắn Tokyo sẽ không chấp nhận việc Trung Quốc kiểm soát tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu châu Á này.
Chuyên gia Kotani cũng đồng ý rằng Nhật sẽ phản ứng rất quyết liệt bởi biển Đông là tuyến đường không huyết mạch của Nhật, tự do hàng không là tối quan trọng.
“Nếu Trung Quốc kiểm soát biển Đông và vùng trời tại đây, thế cân bằng quân sự sẽ nghiêng hẳn về Trung Quốc, có tác động lớn đến vai trò quân sự của Mỹ trong khu vực cũng như an ninh của Nhật” - ông Kotani cho biết.
Giáo sư Dreyer cũng cảnh báo Nhật rằng nếu lập ADIZ ở biển Đông mà không bị thách thức, Trung Quốc sẽ tìm cách xiết chặt ADIZ trên biển Hoa Đông với ý đồ chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây sẽ là thách thức an ninh nghiêm trọng đối với Nhật và sẽ buộc Tokyo phải phản ứng mạnh mẽ.
Theo Tuổi Trẻ