Chuyên gia cảnh báo nguy cơ Trung Quốc đưa tên lửa diệt hạm ra Biển Đông
Xe chở dàn phóng tên lửa diệt hạm của Trung Quốc diễu hành trên Thiên An Môn, Bắc Kinh ngày 3.9.2015 - Ảnh: AFP
Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động quân sự và triển khai tên lửa diệt hạm ra Biển Đông nếu căng thẳng giữa nước này với Mỹ tiếp tục leo thang, các nhà quan sát quân sự cảnh báo.
Kênh truyền hình Fox News (Mỹ) ngày 16.2 dẫn lại những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 (phiên bản của hệ thống S-300 của Nga) đến đảo Phú Lâm tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Bắc Kinh chiếm đóng. Trung Quốc triển khai HQ-9 sau vụ tàu khu trục Mỹ USS Curtis Wilbur hôm 30.1 áp sát đảo Tri Tôn, cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa và đang bị Trung Quốc chiếm đóng.
Ông Li Jie, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu hải quân của quân đội Trung Quốc, nhận định Trung Quốc có kế hoạch phòng thủ riêng của nước này trong khu vực và sẽ tăng cường phòng thủ nếu Mỹ lấn tới.
“Những đợt không kích là mối đe dọa lớn nhất, vì thế phòng không hiện là ưu tiên hàng đầu”, ông Li nói.
“Trung Quốc sẽ triển khai tên lửa diệt hạm hay không là tùy thuộc vào tình hình diễn biến như thế nào. Tình hình này phụ thuộc vào nhiều điều kiện, bao gồm mức độ gây hấn của Mỹ”, theo ông Li.
Trung Quốc đã thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa phi pháp trên đảo Phú Lâm. Xu Guangyu, một cựu tướng quân đội Trung Quốc và nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội Kiểm soát và Giải trừ Vũ khí Trung Quốc, cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng các cơ sở trên đảo Phú Lâm.
“Trong tương lai, hai điều chắc chắn xảy ra: máy bay quân sự thường xuyên đáp xuống Phú Lâm và những cuộc tập trận của Hải quân và Không quân Trung Quốc sẽ được tiến hành tại đây”, ông Xu nói.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn ngang ngược tuyên bố Trung Quốc có quyền hợp pháp triển khai hệ thống phòng thủ ở Phú Lâm.
Ông Neil Ashdown, phó tổng biên tập chuyên san quốc phòng IHS Jane's (Anh) nhận định việc Trung Quốc triển khai tên lửa diệt hạm là “hành động làm leo thang căng thẳng quân sự”.
“Việc triển khai tên lửa diệt hạm có khả năng là nhằm dằn mặt Mỹ và những quốc gia khác ở Biển Đông, sau khi tàu chiến Mỹ tiến hành những chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải vào tháng 10.2015 và 1.2016”, ông Ashdown nhận xét.
Indonesia báo động nguy cơ IS đầu độc bằng xyanua
Indonesia đang hết sức cảnh giác trước các nguy cơ từ IS - Ảnh: Reuters
Cảnh sát Indonesia đang trong tình trạng cảnh giác cao độ khi có tin tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) lên kế hoạch dùng xyanua giết chết các quan chức an ninh nước này.
Tờ Jakarta Globe ngày 18.2 dẫn lời Giám đốc Sở cảnh sát Jakarta, Tổng thanh tra Tito Karnavian xác nhận thông tin IS đang lên âm mưu ám sát các quan chức cấp cao trong lực lượng an ninh Indonesia bằng cách trộn thuốc độc vào thức ăn.
Trước đó, một báo cáo mật cảnh báo về nguy cơ trên đã được truyền tay cho các thành viên của lực lượng an ninh, và sau đó thông tin này đã được xác nhận bởi các quan chức chính phủ.
Dù Cảnh sát Jakarta không nhận được báo cáo này, Tổng thanh tra Karnavian cho hay đã được Densus 88, biệt đội chống khủng bố của Cảnh sát Quốc gia, cảnh báo. “Chúng tôi đã được Densus 88 thông báo”, theo giám đốc Karnavian.
Về phần mình, lực lượng Cảnh sát Quốc gia Indonesia cho hay có thể bọn khủng bố muốn bắt chước cách đầu độc vào thức ăn sau khi báo chí loan tải ầm ĩ vụ một người tên Jessica Wongso đã bị cáo buộc giết hại người bạn tên Mirna Salihin tại Jakarta bằng cách trộn xyanua vào cà phê.
Triều Tiên bị tố chuẩn bị tấn công khủng bố Hàn Quốc
Cửa khẩu Bàn Môn Điếm nằm giữa biên giới hai miền Triều Tiên - Ảnh: AFP
Quân đội và tình báo Triều Tiên được lệnh tăng cường chuẩn bị cho những cuộc tấn công khủng bố Hàn Quốc, theo Cục Tình báo Quốc gia Hàn Quốc.
Tổng cục Do thám Triều Tiên đang chuẩn bị những cuộc tấn công bao gồm tấn công mạng, thượng nghị sĩ Hàn Quốc Lee Chul-woo dẫn lại báo cáo của Cục Tình báo Quốc gia Hàn Quốc cho hay sau một cuộc họp khẩn của chính phủ bàn về vấn đề Triều Tiên, theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 18.2.
Tổng cục Do thám Triều Tiên được giao nhiệm vụ tiến hành những chiến dịch tình báo ở nước ngoài và chiến tranh mạng, theo ông Lee.
Theo chính phủ Hàn Quốc, Triều Tiên có khả năng sẽ tiến hành tấn công khủng bố sử dụng thuốc độc hoặc bắt cóc người Hàn Quốc. Cục Tình báo Quốc gia Hàn Quốc đang thu thập thông tin về nguy cơ Triều Tiên tiến hành những cuộc tấn công khủng bố, ông Lee nói.
Trước đó, Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ có biện pháp mạnh với Triều Tiên nhằm đáp trả việc Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân lần 4 và phóng tên lửa đưa vệ tinh vào quỹ đạo nhưng bị tố là thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm 16.2 cũng cảnh báo Triều Tiêu sẽ sụp đổ nếu nước này không từ bỏ chương trình hạt nhân.
Trung Quốc tập trận hải quân chung với Campuchia
Hải quân Trung Quốc sẽ tập trận chung lần đầu tiên với Campuchia - Ảnh minh họa: AFP
Trung Quốc sẽ tổ chức tập trận chung với hải quân Campuchia ngay sau khi Phnom Penh kết thúc việc chào đón 3 tàu chiến Nhật ghé thăm.
Ba tàu chiến của Trung Quốc chở theo 737 thủy thủ sẽ đến cảng ở tỉnh Preah Sihanouk của Campuchia vào ngày 22.2 để bắt đầu cuộc tập trận lần đầu tiên được tổ chức trên biển giữa hải quân 2 nước.
“Đây sẽ là sự hợp tác và huấn luyện quân sự lớn đối với công tác cứu hộ nhằm ứng phó kịp thời tàu chìm và các thiên tai xảy ra”, Phó đô đốc Vann Bunneang của Hải quân Campuchia nói với Reuters.
Trung Quốc hợp tác mở học viện quân sự ở Campuchia, cung cấp vũ khí và phương tiện quân sự như trực thăng, đạn rocket cho công tác huấn luyện của học viện, tiếp nhận đào tạo quân nhân Campuchia ở Trung Quốc.
Để đối phó với các nước, Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự ở biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời đẩy mạnh quan hệ lôi kéo sự ủng hộ của nước khác. Campuchia là nước thành viên ASEAN có lập trường ủng hộ Bắc Kinh. Cuộc tập trận được tổ chức nhằm tăng cường quan hệ quân sự mà Trung Quốc mong muốn có được với Campuchia, và trong bối cảnh Bắc Kinh vừa mới gây thêm căng thẳng khi triển khai tên lửa phòng không đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng.
Các nhà phân tích cho rằng Mỹ lo ngại Campuchia trở thành quốc gia đồng minh của Trung Quốc, giúp Bắc Kinh đối phó với ASEAN.
Hải quân Trung Quốc sẽ tham gia diễn tập cứu hộ ở khu vực mà tàu chiến Nhật đang hiện diện. Ba tàu chiến Nhật đã đến Campuchia hôm 17.2 và sẽ rời đi ngày 20.2. Tokyo đẩy mạnh quan hệ quân sự với Phnom Penh thông qua các hoạt động giao lưu mang tính văn hóa giữa hải quân 2 nước.
Giáo sư Carlyle Thayer của Học viện quốc phòng Úc cho rằng cả Bắc Kinh và Tokyo đang muốn lôi kéo Phnom Penh về phía mình. Đây mới chỉ là bước khởi đầu bằng những cuộc huấn luyện của quân đội, sau đó sẽ có những cuộc tập trận lớn giữa các nước này.
“Đây là phần cơ bản của sự "tán tỉnh". Rồi bạn sẽ thấy sau đó là buổi dạo chơi trên biển, tay trong tay”, ông Thayer ví von về mối quan hệ quân sự của Trung Quốc, Nhật với Campuchia, theo Cambodia Daily.
Không chỉ 2 cường quốc Đông Á này mà Ấn Độ cũng đang “ve vãn” Campuchia khi cùng tổ chức huấn luyện quân sự với hải quân nước này vào tháng 6.2016. Mỹ không đứng ngoài cuộc khi Lầu Năm Góc đang chuẩn bị cho cuộc tập trận với Campuchia vào tháng 11.2016.
“Chúng ta sẽ nhìn thấy sự gia tăng hiện diện của các đối thủ siêu cường ở khu vực này”, ông Thayer bình luận.
Mỹ, EU cảnh báo Trung Quốc cần tôn trọng luật quốc tế ở Biển Đông
Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông trước tháng 5.2016 - Ảnh: PCA
Mỹ và EU đã cảnh báo Trung Quốc rằng Bắc Kinh cần tôn trọng phán quyết sắp tới của tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines liên quan đến vấn đề Biển Đông, theo Reuters ngày 18.2.
Giới chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ngày 17.2 đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc rằng Bắc Kinh cần tôn trọng luật pháp quốc tế liên quan đến vấn đề Biển Đông thông qua việc tôn trọng phán quyết sắp tới của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines.
Phát biểu trong một hội thảo tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) của Mỹ, bà Amy Searight, phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á cho biết, Mỹ, EU cùng các nước đồng minh như Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc "cần sẵn sàng lên tiếng rõ ràng, mạnh mẽ và thống nhất, hỗ trợ Philippines và các nước liên quan trong ASEAN, rằng đó là luật pháp quốc tế, là điều rất quan trọng và là trách nhiệm ràng buộc đối với tất cả các bên".
Theo bà Amy Searight, nếu Trung Quốc không tôn trọng phán quyết không có lợi cho Bắc Kinh của Tòa trọng tài thường trực thì Mỹ cùng các đồng minh của mình sẽ buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm. Bà nói rằng chắc chắn việc mất uy tín cũng đã là một cái giá, nhưng các nước có thể nghĩ ra nhiều cách khác để buộc Trung Quốc phải trả giá thêm nữa.
Người phụ trách phiên họp về chính trị thuộc phái đoàn EU tham gia hội thảo ở Washington, ông Klaus Botzet cho rằng rất khó để chống lại quan điểm chung của thế giới, vì vậy Bắc Kinh sẽ gặp phiền phức vì cả phương Tây và thế giới có tiếng nói chung trong vấn đề phán quyết của tòa quốc tế.
Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) hồi tháng 10.2015 đã ra phán quyết khẳng định tòa này có có thẩm quyền xét xử đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Phía Manila cho biết tòa sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng trước tháng 5.2016
(
Tinkinhte
tổng hợp)