tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 19-02-2016

  • Cập nhật : 19/02/2016

Mỹ tiếp tục tuần tra biển Đông bất chấp tên lửa Trung Quốc

 Ngày 18-2, các quan chức quốc phòng Mỹ tuyên bố quân đội nước này tiếp tục tuần tra biển Đông bất chấp Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

dao phu lam thuoc quan dao hoang sa cua viet nam - anh: afp

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: AFP

Theo VOA, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định: “Chúng tôi sẽ duy trì trật tự và bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông. Điều đó sẽ không thay đổi”. Một quan chức khác nhấn mạnh: “Chúng tôi có đủ năng lực để đối phó với tên lửa đất đối không của Trung Quốc”.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cũng tái khẳng định quan điểm rằng nước này sẽ tiếp tục tuần tra bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Vương Nghị từng cam kết nước này không quân sự hóa biển Đông. Tuy nhiên ông Vương Nghị và các quan chức quốc phòng Trung Quốc lấp liếm rằng nước này có quyền triển khai vũ khí “tự vệ”.

Một quan chức Lầu Năm Góc bác bỏ luận điệu dối trá này. “Hệ thống tên lửa phòng không có phải là công cụ để bảo vệ an ninh hàng hải hay không? Rõ ràng là không. Đó là hành vi quân sự hóa không thể chối cãi” - quan chức này mô tả.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng chính thức kêu gọi ngừng quân sự hóa biển Đông và cho rằng động thái của Trung Quốc đang làm leo thang căng thẳng trong khu vực. “Chúng tôi kêu gọi các bên đòi chủ quyền ngừng bồi lấn, xây đảo nhân tạo, xây các cơ sở mới và và quân sự hóa” - người phát ngôn Lầu Năm Góc Bil Urban tuyên bố.

Cũng liên quan đến tình hình biển Đông, hôm qua Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) về vụ kiện của Philippines nhằm bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền vô lý của Bắc Kinh trên biển Đông.

Phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ Amy Searight cho biết Mỹ, EU và các đồng minh như Úc, Nhật và Hàn Quốc sẽ cần tuyên bố rõ ràng rằng phán quyết của PCA là mang tính ràng buộc và Trung Quốc sẽ phải trả giá nếu không tuân thủ.

“Chúng ta cần phải công khai, rõ ràng, cùng chung tiếng nói và ủng hộ Philippines cũng như ASEAN để nói rằng đây là luật pháp quốc tế, là vô cùng quan trọng, là mang tính ràng buộc với tất cả các bên” - bà Searight nhấn mạnh.

Bà Searight khẳng định các nước phải gửi tới Trung Quốc thông điệp rằng nếu nước này không tuân thủ phán quyết của PCA thì sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả. “Uy tín của Trung Quốc sẽ bị tổn hại, nhưng chúng tôi cũng sẽ nghĩ ra nhiều phương án sáng tạo để buộc nước này phải trả giá” - bà Searight nói.

Ông Klaus Botzet, đại diện phái đoàn EU ở Washington cũng cho rằng Trung Quốc sẽ khó có thể phản đối lập trường chung của cộng đồng quốc tế.

“Một lập trường chung của phương Tây và của cả thế giới sẽ là vấn đề lớn đối với Trung Quốc. Nếu chúng ta đồng loạt khẳng định rằng luật pháp quốc tế cần phải được tôn trọng, đó sẽ là thông điệp mạnh mẽ mà Trung Quốc không thể phớt lờ” - ông Botzet quả quyết.

Ông Botzet thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc: “Bắc Kinh đang đầu tư quá nhiều vào quân sự, đang ép buộc các quốc gia láng giềng lập liên minh đối phó”. Ông nhấn mạnh Mỹ có sức mạnh quân sự vượt trội ở châu Á và EU ủng hộ việc Mỹ bảo vệ luật pháp quốc tế.


Tổng thống Mỹ sắp ký luật trừng phạt CHDCND Triều Tiên

Nhà Trắng hôm 17-2 khẳng định tổng thống Barack Obama sẽ sớm ký luật trừng phạt CHDCND Triều Tiên do nước này không chịu dừng các chương trình hạt nhân đầy tham vọng. 

tong thong my se ky luat trung phat mo rong doi voi chdcnd trieu tien - anh: reuters

Tổng thống Mỹ sẽ ký luật trừng phạt mở rộng đối với CHDCND Triều Tiên - Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết dự thảo luật trừng phạt mở rộng lần này sẽ rất nghiêm khắc đối với Bình Nhưỡng và tổng thống Obama sẽ nhanh chóng ký ban hành thành luật.

Song, ông Earnest không cho biết cụ thể khi nào các biện pháp trừng phạt này có hiệu lực.

Quốc hội Mỹ đã thông qua điều luật từ hôm 12-2. Đến nay, Nhà Trắng tiết lộ tổng thống Obama không phản đối điều luật này nhưng chưa xác nhận ông đã ký ban hành hay chưa.

Luật trừng phạt mở rộng đối với CHDCND Triều Tiên đến tay Quốc hội Mỹ sau khi Washington và Bắc Kinh đã có những cuộc đàm phán về nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, liên quan đến các biện pháp trừng phạt mới áp đặt lên CHDCND Triều Tiên.

Trong một diễn biến khác, Hàn Quốc và Mỹ cũng sắp khởi động các cuộc thảo luận về việc triển khai hệ thống phòng vệ tên lửa tân tiến của Mỹ đến Hàn Quốc nhằm giúp nước này phòng vệ trước CHDCND Triều Tiên. 

Hãng tin Yonhap dẫn lới giới chức Hàn Quốc cho biết các cuộc thảo luận này diễn ra trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên liên tục thử hạt nhân và phóng tên lửa trong thời gian gần đây.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên càng leo thang khi Hàn Quốc quyết định cắt nguồn cung cấp điện và nước ở khu công nghiệp Kaesong hôm 12-2.

Đồng thời, Seoul thông báo sẽ đàm phán với Washington triển khai hệ thống tên lửa THAAD, một trong những hệ thống tên lửa phòng vệ tối tân nhất thế giới đến khu vực gần biên giới liên Triều. Kế hoạch đàm phán có thể sẽ bắt đầu vào tuần tới.


Ông Obama sẽ thăm Cuba trong vài tuần tới

Chuyến công du Cuba của ông Barack Obama sẽ đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ đương nhiệm tới đảo quốc này kể từ năm 1928.

chu tich cuba raul castro (trai) va tong thong my barack obama - anh: nyt

Chủ tịch Cuba Raúl Castro (trái) và tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: NYT

Theo NBC News, nguồn tin từ một quan chức cao cấp cho biết tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm Cuba trong vài tuần tới.

Chuyến công du của ông Obama sẽ đánh dấu sự kết thúc mang tính lịch sử cho hơn nửa thế kỷ gián đoạn ngoại giao giữa hai quốc gia đối địch thời Chiến tranh Lạnh.

Những thông tin chi tiết về chuyến công du tới Cuba của tổng thống Barack Obama sẽ công bố ngày 18-2 (giờ Mỹ). Đây là một phần trong chuyến công du lớn hơn của ông Obama tới châu Mỹ Latinh.

Tháng 12-2014, tổng thống Obama và chủ tịch Cuba Raúl Castro tuyên bố nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước sau nhiều thập kỷ cắt đứt.

Một năm sau, vào tháng 12-2015, tổng thống Obama nói ông sẽ cân nhắc việc tới thăm Cuba nếu có những chứng cứ cụ thể về sự cải thiện đáng kể trong vấn đề tự do nhân quyền tại quốc gia này.

Tháng 4 năm ngoái, ông Obama và ông Castro đã hội kiến trong cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa nguyên thủ hai nước kể từ khi Mỹ cắt quan hệ ngoại giao với Cuba năm 1961.

Vị tổng thống tại nhiệm cuối cùng của Mỹ tới thăm Cuba là Calvin Coolidge khi ông tới Havana dự hội nghị thượng đỉnh năm 1928.


EC không chắc đạt được thỏa thuận với Anh

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk tỏ ra không chắc chắn về khả năng đạt được thỏa thuận nhằm giữ Anh lại Liên minh châu Âu khi các nước bước vào cuộc họp mang tính quyết định từ 18-2.

thu tuong anh david cameron - anh: reuters

Thủ tướng Anh David Cameron - Ảnh: Reuters

“Tôi phải nói rõ là không có gì đảm bảo chúng ta sẽ đạt được thỏa thuận” -  Deutsche Welle dẫn lời ông Tusk cho biết trong thư gửi các lãnh đạo EU vài giờ trước khi diễn ra hội nghị tại Brussels (Bỉ). Ông cho biết vẫn còn nhiều khác biệt khó giải quyết giữa EU và London trong một số vấn đề chính trị.

Chủ tịch EC cảnh báo cuộc đàm phán kéo dài hai ngày sẽ rất khó khăn và nếu không thành công sẽ là sự thất bại cho cả Anh và EU. Ông gọi đây là “thời khắc quyết định cho sự đoàn kết kết liên minh” và các lãnh đạo EU không có lựa chọn nào khác là phải đạt được một thỏa thuận với Anh.

Tuyên bố được ông Tusk đưa ra sau cuộc thảo luận với Thủ tướng Anh David Cameron, trong đó vấp phải những bất đồng liên quan tới các đòi hỏi cải cách gây tranh cãi từ phía London, đặc biệt là việc hạn chế trợ cấp xã hội cho công dân châu Âu làm việc tại Anh.

Tờ Guardian thậm chí cho biết khác biệt trong một số vấn đề thậm chí mở rộng hơn thay vì thu hẹp lại.

Trong khi đó, tuyên bố từ thủ tướng Anh có vẻ lạc quan hơn khi cho rằng hai bên đã “đạt tiến triển tốt trong bốn lĩnh vực tái đàm phán và bản dự thảo thể hiện một nền tảng tốt cho thỏa thuận tại EC vào ngày mai”.

Ngay trước thềm hội nghị, ông Cameron cũng nhận được sự ủng hộ từ Thủ tướng Đức Angela Merkel. “Cũng như ông David Cameron, tôi tin rằng EU cần nâng cao tính cạnh tranh, sự minh bạch và giảm tính quan liêu. Đức đã chia sẻ những quan ngại này trong nhiều năm qua” - bà nói.

Thủ tướng Cameron cam kết sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về việc Anh đi hay ở lại EU trong tháng 6 năm nay. Điều này có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng mới tại châu Âu trong bối cảnh "lục địa già" đang hứng chịu tác động từ cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Đại chiến thế giới thứ 2.

Thăm dò mới nhất từ Sky Data cho thấy 43% người Anh muốn rời EU trong khi 31% muốn ở lại.


Nhật lên án Trung Quốc quân sự hóa biển Đông

Ngày 17-2, chính phủ Nhật lên án việc Trung Quốc triển khai tên lửa phòng không tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của VIệt Nam, là hành vi “không thể chấp nhận được”.

dao phu lam thuoc quan dao hoang sa cua viet nam, bi trung quoc chiem dong trai phep - anh: afp

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép - Ảnh: AFP

Theo CNN, trong cuộc họp báo ở Tokyo, chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga tuyên bố: “Việc Trung Quốc tìm cách thay đổi thực trạng và gây căng thẳng trên biển Đông bằng hành vi bồi lấn quy mô lớn, xây căn cứ và sử dụng vì mục đích quân sự là mối lo ngại chung của cộng đồng quốc tế”.

“Chúng tôi hết sức quan ngại với những hành động này và muốn nhấn mạnh lại rằng Nhật không thể chấp nhận điều đó” - ông Suga nhấn mạnh.

Cũng trong hôm nay, một quan chức chính phủ Mỹ mô tả việc Trung Quốc triển khai tên lửa ở thời điểm hội nghị Mỹ - ASEAN đang diễn ra “là bằng chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng trên biển Đông”.

Trước đó, cả Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi đều trả lời mập mờ, không khẳng định và cũng không phủ định về vụ đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm. Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang ngược tuyên bố nước này đã triển khai vũ khí phòng thủ “tới các đá và đảo” từ nhiều năm qua.

Ông Hồng Lỗi cũng lập lờ khẳng định bất cứ sự triển khai tên lửa nào “trong lãnh thổ Trung Quốc cũng là hợp pháp, vì mục tiêu quốc phòng chứ không phải là quân sự hóa”.

Bloomberg dẫn lời chuyên gia Michael Pillsbury, giám đốc Trung tâm Chiến lược Trung Quốc thuộc Viện Hudson (Mỹ) nhận định việc Trung Quốc đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm là “hành vi xâm phạm lằn ranh đỏ”.

“Điều đó có nghĩa là Trung Quốc có thể sẽ triển khai các đơn vị quân sự thuộc bộ binh, hải quân hay không quân tới biển Đông” - ông Pillsbury cảnh báo.

Báo New York Times dẫn lời chuyên gia Euan Graham, giám đốc Chương trình An ninh quốc tế thuộc Viện Lowy (Úc) nhận định đương nhiên Trung Quốc sẽ không dám bắn tên lửa vào các máy bay trên biển Đông ở thời điểm không có xung đột.

“Nhưng đây là chiêu nhằm cảnh cáo Mỹ và các nước khác có ý định điều máy bay đến biển Đông để thách thức đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc” - ông Graham nói.  Chuyên gia này cho rằng các đội tên lửa của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm có thể không hoạt động vì thiếu hạ tầng hỗ trợ, và chủ yếu mang tính chất diễu võ dương oai.

Trung Quốc có thể dùng các hệ thống tên lửa này để đo phản ứng của Mỹ, Úc, Nhật và các nước khu vực.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục