Trong chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã thẳng thắn nêu vấn đề Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông với nước chủ nhà.
Tin thế giới đọc nhanh 19-02-2016
- Cập nhật : 19/02/2016
John Kerry công kích Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông
"Có mọi bằng chứng mỗi ngày, rằng đang có sự gia tăng quân sự hóa theo cách này hay cách khác. Đây là điều gây quan ngại nghiêm trọng",Reuters dẫn lời ông Kerry nói. "Chúng tôi đã liên tục nói, ám chỉ Trung Quốc, rằng tiêu chuẩn cần được áp dụng với tất cả các nước về Biển Đông là phi quân sự hóa".
Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại rằng khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Washington cuối năm ngoái, ông đứng ở Vườn Hồng cùng Tổng thống Barack Obama và nói Trung Quốc sẽ không quân sự hóa Biển Đông.
"Chúng tôi đã có cuộc những thảo luận này với người Trung Quốc và tôi tin rằng trong những ngày tới, chúng tôi sẽ có thêm những cuộc thảo luận rất nghiêm túc về vấn đề này", Kerry nói.
Ngoại trưởng Mỹ hy vọng Bắc Kinh sẽ làm việc để giải quyết tranh chấp hàng hải, "không phải thông qua hành động đơn phương, không phải bằng vũ lực, không phải bằng cách quân sự hóa mà bằng ngoại giao và bằng cách làm việc với các nước cùng những bên tuyên bố chủ quyền khác".
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 16/2 kêu gọi thực hiện "những bước thực chất" để giảm căng thẳng Biển Đông.
Ngày 17/2, Fox News công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc triển khai hai khẩu đội tên lửa phòng không HQ-9 lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đảo này bị Trung Quốc chiếm từ năm 1974. Mỹ và Đài Loan đã xác nhận về động thái, trong khi Trung Quốc hôm qua ngang nhiên nói rằng nước này có quyền lập hệ thống "tự vệ" ở khu vực.
Phiên bản Kim Jong-un ở Quảng Châu
Trương Đại Minh (trái) mô phỏng động tác giơ tay chào của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Một người hâm mộ chụp ảnh chung với Trương rồi đăng lên mạng dịp Tết này, khiến anh trở thành người nổi tiếng (trái). Ảnh: Shanghaiist
Theo Sina, Trương Đại Minh, 32 tuổi, chủ một nhà hàng ở Quảng Châu, Trung Quốc có thân hình bệ vệ, cùng kiểu tóc và dáng vẻ rất giống với nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên.
"Cho đến lúc khách hàng nói tôi giống ông ấy thì tôi mới phát hiện ra", Trương kể về câu chuyện hai năm trước. Hôm đó, một vị khách đến nhà hàng dùng cơm xong, nhìn Trương hồi lâu rồi nói, 'Ông chủ, nhìn ông rất giống Kim Jong-un"."Lúc đấy tôi thật sự không biết Kim Jong-un là ai", Trương nói. Sau đó ông lên mạng tìm kiếm thông tin về nhà lãnh đạo Triều Tiên, mới phát hiện sự giống nhau giữa hai người. Ông rất thích kiểu tóc và cách ăn mặc của Kim Jong-un, cho rằng thích hợp với dáng vóc mình, nên quyết định bắt chước.
Năm nay, Trương không về quê Thiểm Tây ăn Tết, mà ở lại Quảng Châu chơi. Kết quả, khi đang đi dạo trong công viên, nhiều người tưởng anh là nhà lãnh đạo Kim Jong-un và tò mò quan sát.
"Tôi đang đi dạo trong công viên hồ Bạch Vân thì có người nhận ra", Trương kể. Vài người đến hỏi chuyện và xin chụp ảnh chung. Một người đăng ảnh lên mạng, và Trương nổi tiếng từ đó. Người dùng mạng xã hội Trung Quốc gọi Trương là "Kim Jong-un phiên bản Quảng Châu".
"Đeo thêm cái kính đen, mặc bộ đồ đen vào nữa thì đúng là giống hệt", một người sử dụng mạng xã hội Weibo bình luận.
Đánh bom ở thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, 28 người thiệt mạng
Vụ đánh bom diễn ra vào đúng giờ cao điểm buổi tối tại khu vực gần với tòa nhà Quốc hội cùng trụ sở và nơi sinh sống của các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ ở trung tâm Ankara. Giới chức quân sự nước này gọi đây là một cuộc tấn công khủng bố, theo CNN.
Ba xe chở quân nhân và một xe cá nhân bất ngờ bị tấn công khi đang dừng đèn đỏ tại giao lộ, Thị trưởng Ankara Mehmet Kiliclar cho biết. Những đám cháy lớn và các cột khói dày đặc bốc lên từ hiện trường có thể được nhìn thấy từ xa.
"Trong số những người thiệt mạng có cả binh sĩ quân đội và dân thường", Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus nói.
Hiện chưa nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm tiến hành cuộc tấn công. Ông Kurtulmus tuyên bố chính quyền sẽ tìm ra thủ phạm bằng mọi giá. Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo chính phủ đã chỉ định 7 công tố viên điều tra vụ việc mà ông cho là "được lên kế hoạch kỹ lưỡng" này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên án vụ đánh bom đã vượt quá mọi "giới hạn đạo đức và nhân đạo".
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ cả bên trong và bên ngoài đất nước. Một thỏa thuận hòa bình với phiến quân người Kurd đã đổ vỡ vào mùa hè năm ngoái, trong khi đó những cuộc xung đột mới đang khiến hàng chục nghìn người dân lâm vào cảnh mất nhà cửa.
Ankara cuối tuần trước nã pháo vào các cứ điểm của lực lượng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) và Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG), thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK), ở miền bắc Syria. Hành động này khiến đồng minh Mỹ và một số quốc gia khác bày tỏ quan ngại về căng thẳng leo thang.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện tham gia cùng Mỹ trong nỗ lực chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Nước này gần đây cũng phải chứng kiến hàng loạt vụ đánh bom do IS thực hiện.
Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định Trung Quốc điều tên lửa đến Hoàng Sa
- Đô đốc Mỹ: Đưa tên lửa ra Hoàng Sa là dấu hiệu quân sự hóa / Nhật quan ngại trước tin Trung Quốc điều tên lửa ra Hoàng Sa
Thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ về hệ thống tên lửa đất đối không của Trung Quốc ở Hoàng Sa cũng dựa trên hình ảnh vệ tinh thương mại, theoReuters.
Lầu Năm Góc thúc giục các bên ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, cam kết giải quyết hòa bình những bất đồng.
"Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông công khai cam kết cùng dừng cải tạo, xây các cơ sở hạ tầng mới và quân sự hóa thêm ở các thực thể tranh chấp", ông Bill Urban, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ, nói.
Fox News hôm qua dẫn ảnh chụp từ vệ tinh dân sự cho biết quân đội Trung Quốc đã điều các hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
8 bệ phóng tên lửa đất đối không cùng một hệ thống radar được triển khai trong tuần trước. Hệ thống này có tầm bắn 200 km, tạo ra mối đe dọa cho mọi loại phi cơ, dù là dân sự hay quân sự, bay gần khu vực.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết các thiết bị phòng vệ đã được lập ra ở "những đảo và đá liên quan" trong nhiều năm và cho rằng thông tin của một số phương tiện truyền thông phương Tây là "phóng đại".
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản hôm qua chỉ rõ Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng việc cải tạo đất nhanh chóng và với quy mô lớn, xây dựng căn cứ ở khu vực, sử dụng cho các mục đích quân sự. Tokyo quan ngại sâu sắc và "không thể chấp nhận" các hành động đó.
Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động phi pháp ở cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Anh chặn máy bay ném bom Nga tiến gần không phận
Sau khi nhận tín hiệu cảnh báo an ninh, các máy bay của Không lực Hoàng gia Anh (RAF) lập tức xuất kích từ căn cứ Coningsby đặt tại hạt Lincolnshire, theo AP. Hai máy bay ném bom siêu thanh Nga đã được hộ tống về hướng Biển Bắc.
"Chúng tôi phải triển khai các chiến đấu cơ Typhoon phản ứng tức thì", người đại diện của RAF cho biết đồng thời thêm rằng những vụ việc tương tự không phải là hiếm. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh cũng xác nhận thông tin trên.
RAF hồi tháng 11 năm ngoái cho hay các chiến đấu cơ Tornado của họ đã xuất kích tổng cộng 20 lần trong 12 tháng trước đó để chặn các máy bay Nga tiếp cận gần không phận.
Máy bay phản lực Typhoon có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau. Tháng 12 năm ngoái, các chiến đấu cơ Typhoon Anh, xuất phát từ căn cứ không quân Akrotiri, lần đầu tiên tham gia vào chiến dịch không kích Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.
Máy bay ném bom tầm xa Tupolev Tu-160 được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt mã định danh Blackjack. Oanh tạc cơ siêu thanh này là loại máy bay chiến đấu lớn nhất thế giới. Nó có thể mang theo cả vũ khí thường và vũ khí hạt nhân, trong đó có tên lửa tầm xa.