Trung Quốc ‘khuyên’ Úc cân nhắc việc hợp tác quân sự với Nhật Bản
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop (trái) bắt tay Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sau buổi họp báo chung tại thủ đô Bắc Kinh ngày 17.2.2016 - Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 17.2 nói rằng Úc nên cân nhắc vai trò của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới lần 2 khi tăng cường quan hệ quân sự với Tokyo, theo Reuters.
“Chúng tôi hy vọng Úc sẽ có những hành động cụ thể nhằm hỗ trợ quá trình phát triển hòa bình của Nhật Bản và những nỗ lực của Tokyo nhằm duy trì hiến pháp hòa bình, chứ không phải làm điều ngược lại”, ông Vương nói.
Ông Vương đưa ra phát ngôn trên trong buổi họp báo chung với Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đang thăm Trung Quốc.
Úc trong năm nay sẽ chọn nhà thầu thiết kế chế tạo đội tàu ngầm mới của nước này với hợp đồng trị giá 29 tỉ USD. Nhật Bản đang cạnh tranh với Đức và Pháp để giành hợp đồng béo bở này với đề xuất một phiên bản của tàu ngầm Soryu dùng động cơ không phụ thuộc không khí (AIP, chạy rất êm, ở rất lâu dưới nước không cần nổi lên), có lượng choán nước 4.000 tấn của nước này.
Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản - Ảnh: Hải quân Mỹ
Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc leo thang do Trung Quốc cáo buộc Nhật không chuộc lỗi thời chiến tranh thế giới lần 2 và tranh chấp với Tokyo quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Trung Quốc còn đưa tên lửa phòng không tầm xa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Bắc Kinh chiếm đóng, gây thêm căng thẳng cho cả khu vực.
Bà Bishop đến thủ đô Bắc Kinh ngày 17.2 sau khi thăm Nhật Bản hôm qua 16.2. Úc đang nỗ lực tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc, vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Canberra.
Iran chi 8 tỉ USD mua vũ khí Nga
Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehqan đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin bàn về đơn hàng 8 tỉ USD mua hàng loạt khí tài "xịn" nhất của Nga, bao gồm chiến đấu cơ Su-30, hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph.
Fox News đưa tin trong cuộc gặp ông Putin hôm 16.2, Bộ trưởng Dehqan cũng thương lượng về việc giao hệ thống phòng không S-300 mà Iran đã đặt mua của Nga trước đó.
Còn về đơn hàng mới, Iran cũng muốn sắm các loại xe tăng hiện đại, hệ thống tên lửa bờ biển di động, trực thăng Mi-8/17...
Trước khi sang Nga, ông Dehghan đã công bố với báo giới Iran rằng Iran muốn mua tên lửa phòng không S-400, nói thêm rằng nước này cần "tập trung cao độ vào không lực và chiến đấu cơ". Bộ trưởng Dehghan phát biểu: "Chúng tôi đang tiến tới một hợp đồng. Chúng tôi cũng đã thông báo rằng chúng tôi cần tham gia vào quy trình sản xuất máy bay nữa".
Iran muốn tham gia sản xuất Su-30 của Nga - Ảnh: AFP |
Thông tấn xã Nga Interfax đưa tin ngoài chuyện mua vũ khí, Iran cũng thảo luận về việc Nga cấp phép cho Iran tham gia sản xuất tiêm kích Su-30.
Theo Fox News, hợp đồng mua các loại vũ khí kể trên, nếu được xác nhận, là vi phạm nghị quyết 2231 của Liên hiệp quốc, được thông qua ngay sau thỏa thuận hạt nhân với Iran, trong đó cấm Iran mua bán các loại vũ khí truyền thống trong vòng 5 năm.
Nguy cơ đối đầu trực tiếp Nga - Thổ
Nguy cơ đối đầu trực tiếp Nga - Thổ
Cuộc đấu khẩu gay gắt liên quan đến các vụ không kích cũng như nã pháo của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria làm gia tăng nguy cơ xung đột trực tiếp giữa hai nước.
Tranh cãi giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến tình hình Syria tiếp tục nóng lên sau vụ không kích khiến ít nhất 50 người thiệt mạng ở miền bắc Syria ngày 15.2. Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 5 cơ sở y tế và 2 trường học ở các tỉnh Aleppo và Idlib bị nhắm trúng trong vụ tấn công mà tổ chức này coi là “một sự vi phạm rành rành luật pháp quốc tế”.
Reuters hôm qua 16.2 dẫn lời Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cáo buộc Nga bắn tên lửa vào các tòa nhà trên, khiến nhiều dân thường, trong đó có nhiều trẻ em, đã thiệt mạng. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ buộc tội Nga “phạm tội ác chiến tranh rõ ràng” bằng hành động trên.
Tuy nhiên, Điện Kremlin đã cực lực bác bỏ cáo buộc này. “Chúng tôi dứt khoát không chấp nhận những tuyên bố như thế, và càng không thể chấp nhận khi những người đưa ra các tuyên bố như thế không thể chứng minh các cáo buộc thiếu cơ sở của mình bằng bất kỳ cách nào”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên ngày 16.2.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Nga Veronika Skvortsova tuyên bố các cuộc không kích của Moscow nhắm vào cơ sở hạ tầng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), và không có lý do gì để tin rằng máy bay Nga tấn công các cơ sở dân sự ở Syria. Phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya 24, Đại sứ Syria tại Moscow Riad Haddad khẳng định thủ phạm là các máy bay của Mỹ.
Trong ngày 15.2, Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đã tiến hành thảo luận theo đề nghị của Nga về các vụ nã pháo của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền bắc Syria. Theo AFP, bất chấp những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16.2 tiếp tục tấn công các mục tiêu của tổ chức dân quân người Kurd (YPG) trong ngày thứ tư liên tiếp nhằm ngăn họ chiếm Azaz, thành phố chỉ nằm cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 8 km. Ankara lo ngại YPG, với sự hậu thuẫn của Moscow, đang cố gắng chiếm khu vực cuối cùng trong khoảng 100 km dọc đường biên giới hiện chưa nằm dưới quyền kiểm soát của họ.
“Chúng tôi sẽ không cho phép Azaz thất thủ. Nếu tiến gần, họ sẽ phải chứng kiến phản ứng gay gắt nhất”, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu tuyên bố.
Giới quan sát nhận định tình hình căng thẳng hiện tại đã làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Moscow và Ankara.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16.2 tiết lộ với Reuters rằng Ankara đang đề nghị các nước trong liên minh chống IS phát động một chiến dịch trên bộ ở Syria để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu kéo dài 5 năm tại đây. “Chúng tôi muốn có một chiến dịch trên bộ. Nếu có được sự đồng thuận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia. Không có chiến dịch trên bộ thì không thể kết thúc cuộc chiến này”, quan chức trên nói.
Liên quan đến tình hình Syria, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 16.2 đã bày tỏ sự ủng hộ việc thiết lập vùng cấm bay ở một số khu vực tại Syria nhằm đảm bảo an toàn cho người dân đi lánh nạn do giao tranh kéo dài ở nước này.
Mỹ, Cuba chính thức ký thỏa thuận khôi phục các chuyến bay thương mại
Máy bay của hãng American Airlines hạ cánh xuống Havana, Cuba ngày 19.9.2015 - Ảnh: Reuters
Thỏa thuận vừa được ký cho phép khôi phục đường bay thương mại trực tiếp giữa Mỹ và Cuba, lần đầu tiên sau nửa thế kỷ, theo Reuters.
Giới chức Mỹ và Cuba ngày 16.2 đã chính thức ký thỏa thuận cho phép khôi phục các chuyến bay thương mại giữa hai nước lần đầu tiên sau hơn 50 năm. Thỏa thuận này được ký kết tại Cuba, là thỏa thuận thương mại lớn nhất giữa hai bên kể từ khi hai cùng tuyên bố bình thường hóa quan hệ vào cuối năm 2014, theo Reuters.
Ngay sau khi lễ ký kết diễn ra, các hãng hàng không dân dụng Mỹ như JetBlue Airways, American Airlines và United Airlines đều lần lượt ra tuyên bố, bày tỏ sự quan tâm về đường bay từ các thành phố của Mỹ tới thủ đô Havana của Cuba.
Thỏa thuận vừa được ký cũng cho phép các hãng hàng không Mỹ thực hiện 10 chuyến mỗi ngày tới mỗi sân bay quốc tế ở Cuba, theo Reuters.
Các hãng hãng không của Mỹ có 15 ngày (đến ngày 2.3) để nộp đơn lên Bộ Giao thông Vận tải Mỹ về các lộ trình muốn bay. Bộ này sẽ có một tháng thu thập thông tin và có thể đưa ra quyết định hãng hàng không nào được thực hiện chuyến bay tới Cuba vào mùa hè năm 2016. Sau đó, các hãng hàng không Mỹ sẽ phải trực tiếp đàm phán với phía Cuba, theo AP.
Tàu ngầm lạ áp sát lãnh hải Nhật Bản
Tàu ngầm lạ áp sát lãnh hải Nhật Bản
Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 16.2 xác nhận một tàu ngầm nước ngoài đã xuất hiện gần lãnh hải xung quanh đảo Tsushima nằm phía tây nam nước này vào sáng 15.2.
Đài NHK dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói rõ khu trục hạm Asagiri và máy bay tuần tra P-3C của Lực lượng phòng vệ trên biển phát hiện tàu ngầm nói trên di chuyển trong vùng tiếp giáp từ vùng biển nằm giữa nước này và bán đảo Triều Tiên hướng về biển Hoa Đông.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang phân tích động thái của tàu ngầm trên và vẫn duy trì tình trạng cảnh giác để ứng phó nguy cơ nó xâm nhập lãnh hải.
Hồi năm 2013, Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản từng phát hiện một tàu ngầm bị nghi thuộc hải quân Trung Quốc xuất hiện trong vùng tiếp giáp ngoài khơi hai đảo Kume và Minami Daito thuộc tỉnh Okinawa.
(
Tinkinhte
tổng hợp)