Mỹ nói các ngoại trưởng G7 sẽ nêu vấn đề Biển Đông
EU đe dọa trừng phạt Panama và các thiên đường thuế
Mỹ thừa nhận tụt hậu tiềm lực pháo binh so với Nga
Đan Mạch bắt 4 nghi phạm IS có vũ khí tại Copenhagen
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ thăm Philippines, huỷ tới Trung Quốc
Tin thế giới đọc nhanh sáng 28-04-2016
- Cập nhật : 28/04/2016
Để đối trọng với Trung Quốc, Ấn Độ cần Việt Nam
Tuy nhiên, Ấn Độ khó có thể hòa nhập vào khu vực một cách trôi chảy do thiếu quyết tâm chính trị, quá trình hiện đại hóa quân đội chưa chắc chắn và nền kinh tế chưa phát triển nhanh. Trước tình hình đó, New Delhi đang dần dần mở rộng sức nặng kinh tế và chiến lược của mình thông qua chính sách Hành động phương Đông, lực lượng hải quân và ngoại giao đa phương.
Trong bối cảnh đó, một quốc gia được xem là chìa khóa giúp Ấn Độ duy trì sự hiện diện và vai trò ở đây, đó là Việt Nam. Trong một vài năm qua, quan hệ ngoại giao với Hà Nội đã được New Delhi đưa vào tính toán chiến lược. Tại điểm giao nhau giữa chính sách Hành động phương Đông của Ấn Độ và chính sách nhìn về phương Tây của Việt Nam, cả hai quốc gia đều có những cơ hội lịch sử để hình thành nên cán cân sức mạnh ở châu Á.
Dưới chế độ của chính phủ Modi, chiến lược châu Á mới của Ấn Độ bao gồm việc cộng tác sâu rộng với Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai quốc gia còn có thể làm nhiều hơn nữa để phát triển sự hợp tác về mặt quân sự và ngoại giao bởi cả hai nước cùng có mối bận tâm chung đó là sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam và Ấn Độ đã có một nền tảng lịch sử quan hệ được thiết lập từ thời Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ là Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lĩnh vực hợp tác giữa Hà Nội và New Delhi cũng rất rộng, từ mở rộng hợp tác quốc phòng, ngoại giao hải quân cho đến thương mại và đầu tư.
Trong chuyến thăm chính thức New Delhi vào tháng 10/2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo hai nước đã cam kết thúc đẩy quan hệ quốc phòng thông qua đối thoại an ninh, tăng cường hợp tác giữa các ngành tương ứng, xây dựng năng lực và hỗ trợ rà phá bom mìn theo quy định của ADMM cộng.
Hai nước cũng đã ký bản ghi nhớ theo đó Ấn Độ sẽ cung cấp dòng tín dụng trị giá 100 triệu USD cho các hoạt động thu mua trang thiết bị quốc phòng. Cụ thể, bốn tàu tuần tra bờ biển là đơn hàng đầu tiên cho thấy Ấn Độ đã sẵn sàng trở thành nhà xuất khẩu vũ khí cũng như thể hiện được mong muốn góp phần nâng cao năng lực quốc phòng của Việt Nam.
Việt Nam cũng tìm kiếm sự hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực hàng hải. Cả hai nước đã tham gia các hoạt động trao đổi tàu thuyền thường xuyên trong khi các sĩ quan Ấn Độ nhận nhiệm vụ huấn luyện cho các lực lượng tàu ngầm của Việt Nam. Trước những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông cùng sự bành trướng của Trung Quốc thời gian qua, Việt Nam đang nỗ lực để nâng cao năng lực hải quân.
Trong lịch sử, Ấn Độ thường đứng một bên trong các vụ tranh chấp lãnh thổ nhưng dần dần sự thay đổi trong chính sách dưới thời chính quyền Modi cho thấy New Delhi tiếp cận vấn đề này một cách thực dụng hơn. Việc New Delhi tham gia “Tầm nhìn chiến lược” khu vực chung với Mỹ, ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông, là dấu hiệu cho thấy sự chuyển đổi chính sách đó. Mặc dù New Delhi đã từ chối tham gia đàm phán về việc tuần tra chung trên Biển Đông với Mỹ nhưng Ấn Độ đang dần nhận ra rằng cần có một vai trò an ninh lớn hơn để tái khôi phục trật tự trong khu vực.
Quan hệ hợp tác với Việt Nam cũng là bước đi đầu tiên trong mong muốn “tái cân bằng”. Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam cùng chia sẻ lợi ích chung trong việc ngăn chặn Trung Quốc xâm chiếm tuyến đường thương mại biển quan trọng. Chắc chắn sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực sẽ có một tác động quan trọng đối với việc cân bằng cán cân quyền lực ở đây. Bên cạnh những hỗ trợ về an ninh và ngoại giao thì các cam kết kinh tế của New Delhi đối với Việt Nam cũng là một yếu tố quan trọng giúp đưa Ấn Độ trở thành nhân tố “cầm cân” của khu vực. Ấn Độ có thể tăng cường chính sách đầu tư ở Việt Nam trên rất nhiều lĩnh vực như dệt may, nông nghiệp, dược, năng lượng, dầu khí và gas.
Có thể nói, một chính sách đúng đắn với Việt Nam đóng một vai trò thiết yếu đối với Ấn Độ, một mối quan hệ bắt nguồn từ lịch sử, được hình thành và phát triển trong kỷ nguyên châu Á. Những nỗ lực tô điểm cho mối quan hệ song phương này không chỉ là chìa khóa cho cán cân quyền lực ở châu Á mà còn mở ra con đường cho Ấn Độ có thể tìm được một vị trí thực sự tại châu Á-Thái Bình Dương.
Tổng thống Philippines thề tiêu diệt khủng bố chặt đầu con tin Canada
Đây là phản ứng công khai đầu tiên của người đứng đầu Philippines sau khi con tin Canada bị phiến quân hành quyết hôm 25/4, theo Reuters. "Bất cứ ai tiếp tay cho nhóm phiến quân Abu Sayyaf (ASG) đều là người chọn ngôn ngữ vũ lực, chúng tôi sẽ nói chuyện với họ bằng thứ ngôn ngữ ấy", ông Aquino tuyên bố.
Hôm qua, quân đội Philippines cho biết tìm được đầu của con tin John Ridsdel của trên đảo Jolo, 5 giờ sau khi hết thời hạn trả tiền chuộc mà các chiến binh đưa ra. Đảo Jolo cách thủ đô Manila khoảng 1.000 km về phía nam và là một trong những thành trì chính của ASG.
Nạn nhân là John Ridsdel, 68 tuổi, làm việc trong ngành khai thác mỏ, cùng ba người khác bị nhóm phiến quân Abu Sayyaf bắt vào tháng 9/2015, khi đi nghỉ trên đảo Samal của Philippines. Thi thể nghi của Ridsdel được tìm thấy hôm nay.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau lên án vụ giết người máu lạnh và tuyên bố không trả tiền chuộc cho ASG.
Hàng trăm triệu người Ấn Độ lao đao vì hạn hán
Tình trạng hạn hán tồi tệ nhất mấy mươi năm qua ở nhiều bang của Ấn Độ đang đẩy hàng trăm triệu người dân nước này vào cảnh nghèo đói...
Tình trạng hạn hán tồi tệ nhất mấy mươi năm qua ở nhiều bang của Ấn Độ đang đẩy hàng trăm triệu người dân nước này vào cảnh nghèo đói, tha hương cầu thực và đứng trước nguy cơ trở thành con mồi của bọn buôn người.
Hãng tin Reuters cho biết có khoảng 330 triệu người Ấn Độ hiện nay đang bị nạn hạn hán ảnh hưởng. Nhiều người trong số này phải bỏ làng quê đi khắp nơi để tìm nguồn nước, thực phẩm và công việc để có thu nhập nuôi sống gia đình.
"Người dân nông thôn luôn là những người dễ bị tổn thương nhất vì họ cần công việc và cuộc sống tốt hơn. Nạn hạn hán đã làm tình hình thêm tồi tệ hơn và giờ đây dân chúng hoàn toàn không có gì để sống” - Reuters dẫn lời chuyên gia thuộc Tổ chức xã hội hành động vì đoàn thể và sự phát triển của bang Maharashtra, bà Mangala Daithankar, nhấn mạnh.
Bang Maharashtra và bang Karnataka là hai trong những bang ở miền tây Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt hạn hán này.
Liên tục thiếu mưa trong nhiều năm khiến mùa màng thất bát, gia súc chết, các hồ chứa nước cạn khô đẩy nông dân đến cảnh nợ nần. Tại bang Maharashtra đã có hàng ngàn nông dân tự tử vì rơi vào cảnh bế tắc do hạn hán.
Người dân ở các vùng hạn hán giờ đây đang đổ về các thành phố lớn để kiếm sống. Trên đường phố Mumbai và Pune những ngày này tràn ngập người dân nông thôn đến tìm việc, chủ yếu ở các công trường xây dựng.
Họ phải ngủ dưới gầm cầu vượt và trên vỉa hè vì không đủ tiền thuê nhà trọ. Thậm chí nhiều người buộc phải đi ăn xin vì không tìm được việc làm.
Trong khi đó, một số gia đình khác lại bị dụ dỗ vào làm ở lò gạch với đồng lương ít ỏi nhưng phải lao động như nô lệ. Nhiều phụ nữ chưa chồng hay góa phụ thì bị bọn buôn người dụ dỗ bán vào những nhà thổ ở Mumbai và các thành phố khác của Ấn Độ. Trẻ em cũng bị bắt bán đi.
"Thiên tai đang trở thành vùng đất màu mỡ cho bọn buôn người khai thác” – tổng giám đốc Phong trào giải cứu trẻ em Bachpan Bachao Andolan cho biết. Tổ chức này đã giải thoát hơn 85.000 trẻ em khỏi nạn lao động nô lệ thời hiện đại ở Ấn Độ.
Dù Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cam kết sẽ thực hiện chiến dịch bảo tồn nguồn nước trên toàn quốc để giải hạn cho nông dân, song chính phủ của ông vẫn bị chỉ trích là “thiếu sự thông cảm” với dân trong vấn đề này, buộc hàng trăm triệu người phải rơi vào hoàn cảnh nguy khốn.
Khoảng 170 nhà hoạt động, học giả và nhà kinh tế đã cùng ký tên trong một lá thư công khai gửi chính phủ, họ nói rằng hạn hán đã gây ra “tai họa lớn cho sự chuyển động của dân số, phá vỡ tuổi thơ, gây gián đoạn học hành khi có quá nhiều trẻ em phải tha hương theo gia đình sống chen chúc trong các căn chòi tạm bợ hoặc ngủ trên vỉa hè”.
Triều Tiên mô phỏng tấn công Phủ Tổng thống Hàn Quốc
Một quan chức thuộc Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc ngày 27-4 cho biết quân đội Triều Tiên đã xây dựng một bản sao với kích thước một nửa Phủ Tổng thống Hàn Quốc ở khu vực Daiwonri, gần thủ đô Bình Nhưỡng hồi đầu tháng này.
“Triều Tiên dường như đang chuẩn bị phô bày một cuộc tấn công mô phỏng nhằm vào Nhà Xanh bằng cách sử dụng một bản sao làm mục tiêu” - vị quan chức nói. Theo báo cáo, khoảng 30 khẩu đội pháo cũng đã được triển khai đến khu vực trên.
“Cuộc tấn công được cho là nhằm leo thang tình trạng thù địch với Hàn Quốc, tạo dựng lòng trung thành và gây ra mối quan ngại an ninh ở Hàn Quốc” - vị quan chức này lên tiếng chỉ trích.
Nhà Xanh là nơi làm việc và nơi ở chính thức của các tổng thống Hàn Quốc. (Ảnh: AFP)
Hồi đầu tháng 4 năm nay, một trang web chính thức của Triều Tiên đã công bố một đoạn video tuyên truyền cho thấy nhiều cuộc tấn công tên lửa mô phỏng nhằm vào Nhà Xanh và các tòa nhà chính phủ khác ở Seoul.
Trong một động thái khác, Triều Tiên cảnh báo sẽ tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ nếu Washington không thay đổi “chính sách thù địch” của mình. “Những lời đề nghị kiên nhẫn của chúng tôi đều bị Mỹ bác bỏ hoàn toàn” - tờRodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, cho biết.
Tờ báo viết: “Rõ ràng nếu Mỹ khăng khăng theo đuổi chính sách thù địch đối với Triều Tiên, Bình Nhưỡng bắt buộc phải có các biện pháp đối đầu để tự vệ, đồng thời nước Mỹ chắc chắn phải chịu một thảm họa hạt nhân và ngày tàn của Mỹ trên hành tinh này cũng chắc chắn sẽ đến sớm”. Hiện chưa có phản hồi từ phía Mỹ đối với tuyên bố này.
Mỹ hủy chiến dịch tự do hàng hải để tuần tra trên Scarborough
Wall Street Journal dẫn một nguồn tin chính phủ Mỹ hôm qua cho biết nước này có quyết định trên nhằm "hạ nhiệt" Biển Đông đồng thời vẫn thể hiện quyết tâm trước khả năng Trung Quốc tăng cường hoạt động gần bãi cạn Scarborough.
Theo Diplomat, nếu được thực hiện vào tháng này, chiến dịch tự do hàng hải sẽ là lần thứ ba của Mỹ triển khai ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Một chiến dịch được thực hiện tháng 10/2015 ở quần đảo Trường Sa, và lần thứ hai diễn ra hồi tháng một ở quần đảo Hoàng Sa.
Hiện chưa rõ hoàn cảnh xung quanh việc hủy chiến dịch, nhưng nhiều khả năng Mỹ muốn điều chỉnh những mâu thuẫn không mong muốn về ngoại giao với Trung Quốc ở Biển Đông.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định thể hiện sự ủng hộ với Philippines, khi Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter trong tháng 4 đến nước này. Chuyến thăm của ông Carter là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một quan chức cấp cao tới Philippines, kể từ khi Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) đi vào hiệu lực, cho phép lực lượng Mỹ luân phiên tiếp cận căn cứ Philippines. Bên cạnh đó, ông Carter cũng trở thành bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên giám sát tập trận chung Balikatan của hai nước.