tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 18-06-2016

  • Cập nhật : 18/06/2016

Trung Quốc thất bại tại hội nghị Côn Minh

Phân nửa tuyên bố chung nói về biển Đông. Điều này cho thấy ASEAN đã bày tỏ quan điểm cứng rắn nhất, trái với mong muốn của Trung Quốc.

Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 16-6 đã đăng bài viết với tựa đề “Trung Quốc chứ không phải ASEAN thực sự thất bại về biển Đông tại hội nghị Côn Minh”.

Về sự kiện hội nghị đặc biệt các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc lần thứ nhất tại Côn Minh (Trung Quốc) ngày 14-6 không ra được tuyên bố chung, The Diplomat nhận định Trung Quốc đã thất bại chứ không phải ASEAN.

Một lần nữa Bắc Kinh muốn ngăn chặn ASEAN ra tuyên bố chung về biển Đông như từng làm ở Phnom Penh năm 2012. Tuy nhiên, chiến thuật chia rẽ nhằm gây mất đoàn kết của Bắc Kinh đã khiến nhiều nước ASEAN phản ứng mạnh hơn.

Tại hội nghị Côn Minh, Trung Quốc không đạt được ba mục tiêu lớn đã tính toán trước hội nghị:

. Mục tiêu 1: Trung Quốc muốn cùng từng nước ASEAN giải quyết tranh chấp biển Đông mà không có bên ngoài can thiệp, trong đó có phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài thường trực về đơn kiện “đường chín đoạn” của Philippines.

hoi nghi dac biet cac bo truong ngoai giao asean-trung quoc tai con minh. anh: reuters

Hội nghị đặc biệt các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc tại Côn Minh. Ảnh: REUTERS

Mục tiêu này thất bại vì hội nghị Côn Minh đã phản ánh rõ nhất rằng riêng ASEAN và Trung Quốc không thể xử lý vấn đề biển Đông thành công trong khi Bắc Kinh tiếp tục cố tình xem thường tinh thần đoàn kết của ASEAN.

. Mục tiêu 2: Tranh chấp biển Đông không tác động đến quan hệ giữa Trung Quốc với vài nước ASEAN.

Mục tiêu này thất bại khi tuyên bố chung (trước khi được thu hồi) được chia thành hai phần. Phần đầu nói về quan hệ ASEAN-Trung Quốc và công tác chuẩn bị kỷ niệm 25 năm quan hệ. Phần hai nêu lên vấn đề biển Đông và nhấn mạnh tranh chấp biển Đông tác động xấu đến quan hệ ASEAN-Trung Quốc.

Các tuyên bố chung trước chỉ dành cho biển Đông một hoặc vài đoạn. Lần này, phân nửa tuyên bố chung nói về biển Đông. Đây là sự kiện chưa từng xảy ra, cho thấy ASEAN đã bày tỏ quan điểm cứng rắn nhất trong khi trước thềm hội nghị Côn Minh, Trung Quốc chỉ muốn một tuyên bố chung mềm mỏng.

Điều quan trọng là cuối cùng tuyên bố chung không được công bố chính thức nhưng đa số các nước đã sử dụng tuyên bố chung để gây sức ép với Trung Quốc.

. Mục tiêu 3: Biển Đông không phải là vấn đề giữa ASEAN với Trung Quốc mà là vấn đề song phương giữa Bắc Kinh với bốn nước ASEAN tranh chấp.

Thực tế cho thấy chính các nước không tranh chấp chủ quyền ở biển Đông như Singapore và Indonesia cũng đã có phản ứng với Trung Quốc.

Singapore đã công bố thông cáo báo chí riêng về hội nghị Côn Minh, trong đó hết 8/18 đoạn nói về quan ngại ở biển Đông. Rõ ràng Singapore rất bức xúc về biển Đông.

Indonesia cũng có thông cáo báo chí riêng nhấn mạnh sẽ khó đạt được hòa bình và ổn định nếu không tuân thủ luật pháp quốc tế. Nguồn tin ngoại giao cho biết Bắc Kinh đã gây sức ép để Indonesia không lên tiếng về vấn đề biển Đông nhưng nước này vẫn bất chấp.(PLO)


Kiện Facebook, Google và Twitter vì "hỗ trợ khủng bố"

Một gia đình Mỹ có người thân thiệt mạng trong vụ khủng bố khiến 130 người thiệt mạng tại Paris, Pháp tháng 11-205 đã kiện các mạng xã hội vì cung cấp “hỗ trợ vật chất” cho bọn khủng bố.

logo facebook tai mot su kien hoi thang 5-2015 - anh: reuters

Logo Facebook tại một sự kiện hồi tháng 5-2015 - Ảnh: Reuters

Theo Los Angeles Times, ngày 14-6, ông Reynaldo Gonzalez, cha nạn nhân Nohemi trong vụ xả súng kinh hoàng ở Paris, đã đệ đơn kiện Facebook, Twitter và Google lên Tòa án quận Bắc, bang California.

Trong đơn kiện, ông Gonzalez cáo buộc ba gã khổng lồ đã “cố ý cho phép” các nhóm IS phát tán và truyền bá tư tưởng cực đoan, gây quỹ và tuyển mộ tân binh chiến đấu cho chúng thông qua các mạng xã hội này.

Ông Keith Altman, luật sự đại diện cho gia đình Gonzalez khẳng định: “Trong thực tế, dù các tập đoàn này đã cố gắng ngăn chặn bọn khủng bố sử dụng các nền tảng web của họ, song bấy nhiêu đó là chưa đủ”.

Cả ba tập đoàn đã lên tiếng phản ứng trước vụ kiện.

Người phát ngôn Twitter nhấn mạnh vụ kiện của gia đình Gonzalez là vô giá trị và tái khẳng định lại những cố gắng của đội ngũ nhân viên trên khắp thế giới: “Twitter lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực đang tiếp diễn của IS cũng như chia sẻ sự đồng cảm của chúng tôi đến những gia đình bị ảnh hưởng bởi các hành động khủng bố”. 

Hồi tháng 2, Twitter thông báo đã xóa hơn 125.000 tài khoản có liên quan tới IS.

Trong một tuyên bố liên quan, Facebook khẳng định đội ngũ Facebook đã làm việc rất nhiều để xóa các nội dụng khuyến khích hoặc hỗ trợ khủng bố.

“Đây là một vụ kiện vô giá trị và chúng tôi sẽ tự bảo vệ chính mình”, tuyên bố nêu rõ.

Trong khi đó, phía Google từ chối đưa ra bình luận nhưng nhấn mạnh “có những chính sách ngăn chặn việc tuyển mộ của khủng bố và các nội dung kích động bạo lực cũng như nhanh chóng loại bỏ video vi phạm chính sách này khi nó bị người sử dụng gắn cờ báo cáo”.


Mỹ cần tấn công quân sự vào Syria

51 quan chức ngoại giao trung và cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ký một bức điện nội bộ kêu gọi Mỹ tấn công quân sự vào Syria.

Ngày 16-6, 51 quan chức ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã cùng ký một bức điện nội bộ chỉ trích mạnh chính sách của Mỹ ở Syria, kêu gọi Mỹ tấn công quân sự nhắm vào chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, ngăn chặn tình trạng vi phạm thỏa thuận ngừng bắn của quân chính phủ Syria.

Theo hãng tin Reuters (Mỹ), đây là các quan chức ngoại giao trung và cao cấp, tham gia công tác cố vấn cho chính phủ Mỹ về chính sách với Syria.

Nội dung bức điện có nói đến khả năng không kích vào Syria nhưng không đề cập khả năng đưa thêm quân vào Syria. Mỹ hiện có khoảng 300 quân tại Syria với nhiệm vụ truy quét  tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chứ không phải nhắm vào chính phủ Syria.

tong thong syria bashar al-assad phat bieu truoc quoc hoi syria dau thang 6. (anh: sana)

Tổng thống Syria Bashar al-Assad phát biểu trước Quốc hội Syria đầu tháng 6. (Ảnh: SANA)

Một quan chức Mỹ có đọc qua bức điện cho biết nội dung bức điện phản ánh quan điểm của các quan chức Mỹ từng làm việc tại Syria và cho rằng chính sách của Mỹ hiện nay về Syria là không hiệu quả.

Điều trần trước Quốc hội Mỹ cùng ngày, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ John Brennan nhận định vị thế của Tổng thống Syria Assad hiện nay mạnh hơn thời điểm một năm trước, vì có sự ủng hộ không kích của Nga. Trong khi đó năng lực mở rộng tiếp cận và tấn công khủng bố của IS lại không giảm.

Một quan chức Mỹ không ký bức điện dù có đọc nó nói với Reuters rằng hiện Văn phòng tổng thống Mỹ vẫn duy trì phản đối Mỹ can thiệp quân sự sâu hơn vào xung đột Syria. Theo quan chức này, ít có khả năng bức điện sẽ thay đổi được quan điểm của Tổng thống Obama trong chính sách với Syria: Chú trọng vào cuộc chiến chống IS ở Syria.

Nếu Mỹ tấn công chính phủ Syria như lời kêu gọi của các nhà ngoại giao trong bức điện thì đây sẽ là một bước thay đổi lớn trong chính sách của chính phủ Tổng thống Obama: Không có hành động quân sự đứng về bên nào trong nội chiến Syria.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết Bộ Ngoại giao đang nghiên cứu bức điện này.

Việc xuất hiện các bức điện thể hiện quan điểm bất đồng không phải là chuyện lạ ở Mỹ, tuy nhiên số người ký tên quá lớn lại là một việc chưa có tiền lệ, theo báo New York Times (Mỹ).

Trong ngày 16-6, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã có một thỏa thuận ngừng bắn mới ở TP Allepo (bắc Syria) trong 48 giờ, bắt đầu từ đầu ngày 16-6, tuy nhiên không nói thỏa thuận được những bên nào thống nhất.

Phe nổi dậy chiếm quyền kiểm soát Allepo từ quân chính phủ Syria từ năm 2012. Vài tháng gần đây quân chính phủ Syria đã chiếm lại nhiều khu vực ở Allepo nhờ sự hỗ trợ không kích của Nga.

tre em choi tren duong pho allepo (syria) trong thoi diem khong giao tranh hiem hoi ngay 11-2. (anh: sana)

Trẻ em chơi trên đường phố Allepo (Syria) trong thời điểm không giao tranh hiếm hoi ngày 11-2. (Ảnh: SANA)

Theo Tổ chức quan sát nhân quyền Syria, tình hình Allepo sáng 16-6 yên tĩnh, tuy nhiên sau đó thì máy bay của quân chính phủ Syria lại tiếp tục không kích các khu vực phe đối lập kiểm soát ở Allepo.

Ông Baraa al-Halaby, nhà hoạt động nhân quyền ở Allepo nói rằng các tay súng phe nổi dậy ở Allepo không được thông báo về thỏa thuận ngừng bắn. Ông cho biết dù có thỏa thuận ngừng bắn nhưng máy bay chính phủ Syria và Nga vẫn không kích phá tuyến đường Castello nối khu vực phe nổi dậy kiểm soát với các địa phương khác của Syria, làm người dân không thể sơ tán.

Mấy tháng qua cũng đã có nhiều thỏa thuận ngừng bắn được áp dụng tại Allepo nhưng thực tế tình trạng giao tranh vẫn rất căng thẳng. Từ đợt giao tranh gần đây nhất (ngày 22-4) đến nay đã có 627 người thiệt mạng và 2.900 người bị thương ở Syria.


Chưa thống nhất thời điểm, phương thức công bố ​tuyên bố chung ASEAN

Ông Trần Việt Thái - viện phó Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao - cho biết như vậy xung quanh việc ASEAN ngày 14-6 thu hồi tuyên bố chung sau hội nghị đặc biệt bộ trưởng ngoại giao ASEAN - Trung Quốc.

toan canh hoi nghi dac biet bo truong ngoai giao asean - trung quoc - anh: ttxvn

Toàn cảnh hội nghị đặc biệt bộ trưởng ngoại giao ASEAN - Trung Quốc - Ảnh: TTXVN

Trao đổi với Tuổi Trẻ tối 16-6, ông Thái cho hay cuộc thảo luận giữa Trung Quốc và ASEAN lần này có hai mục đích chính, một là chuẩn bị kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối tác - đối thoại với Trung Quốc, hai là về vấn đề Biển Đông.

Không phải là 
tuyên bố chung

Theo ông Trần Việt Thái, điểm nhấn chính về cuộc họp này là các nước ASEAN đạt được đồng thuận rất cao trong lập trường chung về quan hệ với Trung Quốc cũng như trong vấn đề Biển Đông.

Ông Thái cho rằng bản tuyên bố chung mà báo chí phản ánh được công bố rồi bị rút lại thực chất là bản tuyên bố báo chí nói rõ quan điểm, lập trường chung của ASEAN, chứ không phải là tuyên bố chung đạt được giữa ASEAN và Trung Quốc.

“Đây là bản tuyên bố mà ASEAN chuẩn bị cho Trung Quốc xem trong cuộc họp nhưng Trung Quốc không đồng ý. Ngược lại, Trung Quốc đưa ra bản dự thảo 10 điểm đồng thuận nhưng ASEAN không chịu. Cuộc họp giữa hai bên khá căng thẳng và kéo dài đến 5 tiếng” - ông Thái tiết lộ.

Theo ông Thái, sở dĩ xảy ra vụ việc bản tuyên bố báo chí nêu rõ lập trường của ASEAN được công bố rồi bị rút lại là do các nước ASEAN chưa thống nhất được thời điểm và phương thức công bố.

Thông tin ông Thái đưa ra cũng trùng với nhận định của báo Straits Timescủa Singapore. Ngày 16-6, tờ báo này phân tích việc tuyên bố bị thu hồi vì Indonesia cho rằng đã có sự nhầm lẫn và văn kiện này không phải là tuyên bố chung của ASEAN sau hội nghị. Ban thư ký ASEAN ở Jakarta cũng nói rằng không có tuyên bố chính thức được đưa ra sau cuộc họp.

ASEAN đang trao đổi 
về việc công bố

Cũng trong ngày 16-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã có trả lời Tuổi Trẻ về vụ việc này.

Ông Lê Hải Bình cho biết hội nghị đặc biệt bộ trưởng ngoại giao ASEAN - Trung Quốc được tổ chức xuất phát từ yêu cầu của ASEAN muốn trao đổi với Trung Quốc về tình hình Biển Đông thời gian qua và trao đổi về quan hệ ASEAN - Trung Quốc, nhất là chuẩn bị cho hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN - Trung Quốc, dự kiến vào tháng 9-2016 tại Lào.

Trên tinh thần hữu nghị, thẳng thắn và xây dựng về các vấn đề cùng quan tâm, hội nghị đã đạt kết quả tích cực, giúp tăng cường hiểu biết và tin cậy giữa ASEAN và Trung Quốc, thúc đẩy hợp tác và các nỗ lực xử lý những thách thức chung.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về thông tin bản tuyên bố báo chí của ASEAN (văn kiện ban đầu được công bố cho truyền thông nhưng sau đó được rút lại), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết tại hội nghị, các nước ASEAN đã đồng thuận nhất trí về nội dung tuyên bố báo chí của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN, thể hiện những đánh giá của ASEAN về kết quả tích cực của hội nghị và các vấn đề quan trọng được trao đổi tại hội nghị, trong đó có lập trường chung của các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông.

Theo ông Bình, các nước ASEAN cũng nhất trí một trong các hình thức công bố tuyên bố này là bộ trưởng ngoại giao Singapore, hiện là nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc, sẽ sử dụng khi họp báo chung với bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc sau hội nghị.

“Hiện các nước ASEAN đang trao đổi về việc công bố tuyên bố báo chí này” - ông Bình nói.

Người phát ngôn Lê Hải Bình thông tin thêm rằng đối với vấn đề Biển Đông, các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc đã trao đổi thẳng thắn về tình hình và các biện pháp xử lý tại cuộc họp.

Các nước ASEAN đã trực tiếp nêu quan ngại về những diễn biến phức tạp thời gian qua, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, nếu không xử lý thỏa đáng có thể xảy ra sự cố, ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.

ASEAN đã khẳng định lập trường chung và các nguyên tắc của ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, kiềm chế, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm thông qua COC.

Hai bên cũng thống nhất sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị để sớm triển khai đường dây nóng giữa các quan chức ngoại giao ASEAN - Trung Quốc về các sự cố trên biển và ra tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về thực hiện bộ quy tắc để tránh va chạm bất ngờ trên biển ở Biển Đông trong dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN - Trung Quốc.(TT)


Thụy Sĩ đồng thuận hủy bỏ đơn xin gia nhập EU

Thượng viện Thụy Sĩ đã bỏ phiếu thông qua việc hủy bỏ đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu đã tồn tại suốt từ năm 1992 của nước này.

thuy si quyet dinh khong dang ky gia nhap lien minh chau au nua sau ket qua bo phieu cua thuong vien ve van de nay - anh: reuters

Thụy Sĩ quyết định không đăng ký gia nhập Liên minh châu Âu nữa sau kết quả bỏ phiếu của thượng viện về vấn đề này - Ảnh: Reuters

Theo Russia Today, với 27 phiếu thuận, 13 phiếu chống và 2 phiếu trắng, các thượng nghị sĩ trong Thượng viện Quốc hội Thụy Sĩ ngày 15-6 đã chính thức thông qua quyết định hủy bỏ đơn đề nghị gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của nước này.

Quyết định của thượng viện cũng thống nhất với quyết định trước đó của Hạ viện Quốc hội Thụy Sĩ. Sau quyết định này, Ngoại trưởng Didier Burkhalter cho biết Thụy Sĩ sẽ đệ trình thông cáo chính thức lên EU yêu cầu rút bỏ lá đơn của nước này.

Dù ngẫu nhiên hay có chủ định, kết quả bỏ phiếu về vấn đề liên quan đến EU của Thượng viện Thụy Sĩ sẽ ít nhiều có ảnh hưởng tới các cử tri Anh vẫn còn đang do dự trước ngày trưng cầu ý dân về việc nước Anh ra đi hay ở lại EU.

Đề xuất về việc hủy bỏ đơn xin gia nhập EU của Thụy Sĩ được khởi xướng đầu tiên từ nghị sĩ Lukas Reimann của Đảng Nhân dân Thụy Sĩ. Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ áp đảo của các nghị sĩ hạ viện trong lần bỏ phiếu tháng 3-2016 với 126 phiếu thuận và 46 phiếu chống.

Nghị sĩ Hannes Germann của bang Schaffhausen nhấn mạnh tầm quan trọng mang tính biểu tượng của lần bỏ phiếu vừa qua tại thượng viện, so sánh nó với quyết định từ bỏ việc gia nhập EU của Iceland năm 2015.

Ông Hannes Germann hài hước nói: “Iceland đã dũng cảm và từ bỏ đơn xin là thành viên EU và cũng chưa có ngọn núi lửa nào bùng lên cả”.

Mặc dù chưa bao giờ là thành viên EU, nhưng Thụy Sĩ vẫn hưởng cơ chế tự do thương mại với liên minh này và công dân Thụy Sĩ vẫn được quyền tự do đi lại như công dân của các nước trong khối Schengen.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục