Vũ khí tối mật của Putin
Mỹ không dung thứ cho hành động chống người Hồi giáo
Tin tặc Triều Tiên đánh cắp dữ liệu chiến đấu cơ Mỹ
Bắc Kinh đầu tư lớn cho kế hoạch “cưỡng đoạt chủ quyền”
EU kéo dài lệnh trừng phạt Crimea
Tin thế giới đọc nhanh trưa 17-06-2016
- Cập nhật : 17/06/2016
Israel sẽ xây dựng tường bê tông ngầm xung quanh Dải Gaza
Israel sẽ xây dựng một bức tường bê tông cao hàng chục mét ở trên và dưới lòng đất để chống lại mối đe dọa từ Phong trào Hồi giáo Hamas.
Binh sĩ Israel kiểm tra giấy tờ của một người dân Palestine tại cửa khẩu ở Bethlehem, Bờ Tây ngày 10/6. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, báo "Yedioth Ahronoth" của Israel ngày 16/6 tiết lộ kế hoạch của Israel xây dựng một bức tường bê tông cao hàng chục mét ở trên và dưới lòng đất để chống lại mối đe dọa từ các đường hầm tấn công của Phong trào Hồi giáo Hamas.
Bức tường với chi phí ước tính 580 triệu USD này sẽ trải dài theo gần 100 km đường biên giới phía Nam xung quanh Dải Gaza và sẽ là hệ thống phòng thủ thứ ba dạng này mà Israel đã xây dựng dọc theo biên giới này. Hàng rào an ninh đầu tiên dài 60 km được xây dựng năm 1994 sau hiệp ước Oslo, trong khi hệ thống thứ hai được xây dựng sau quyết định của Israel rút khỏi Gaza năm 2005. Tuy nhiên, cả hai nỗ lực này đều bị coi không phải là giải pháp toàn diện cho mối đe dọa của các đường hầm tấn công. Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh một quan chức Bộ Quốc phòng Israel tuyên bố rằng một cuộc đối đầu với Hamas là không thể tránh khỏi và đó phải là "cuộc chiến cuối cùng".
Song song với kế hoạch trên, quân đội Israel đang xây dựng một bức tường xung quanh các khu vực biên giới với Liban. Việc xây dựng bức tường này được quyết định sau khi thủ lĩnh Phong trào Hezbollah theo dòng Hồi giáo Shiite tại Liban, Hassan Nasrallah công khai tuyên bố sẽ tấn công và chiếm giữ các thành phố của Israel trong một vài ngày. Israel và Liban hiện được ngăn cách bởi một hàng rào an ninh, nhưng Israel muốn xây thêm bước tường này để gây khó khăn hơn cho hoạt động thâm nhập của kẻ địch.
Xuất hiện khả năng khủng bố tại Bỉ và Pháp
Báo Bỉ La Dernière Heure ngày 15-6 đăng tải thông tin lấy được từ thông báo của đơn vị chống khủng bố Bỉ gửi cho tất cả đơn vị cảnh sát, cho biết có khả năng sắp xảy ra khủng bố tại Bỉ và Pháp.
Thông báo cho biết có những đơn vị chiến binh thuộc lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã rời Syria cách đây mươi ngày để tìm đường đến châu Âu. Chúng chia làm hai nhóm đến Bỉ và Pháp để thực hiện những vụ tấn công khủng bố theo nhóm nhỏ hai người.
Thậm chí thông tin tình báo của đơn vị chống khủng bố Bỉ còn biết được bọn khủng bố nhắm vào ba địa điểm cụ thể là một trung tâm thương mại ở Brussels, một nhà hàng thức ăn nhanh của Mỹ và một trụ sở cảnh sát. Đáng lo ngại, nguy cơ này được đánh giá là “sớm xảy ra”.
Còn trong vụ thảm sát mang tính chất khủng bố ở Orlando (bang Florida, Mỹ), cho đến giờ các nhà điều tra vẫn khẳng định chưa tìm thấy bằng chứng cho thấy Omar Mateen - kẻ thực hiện vụ thảm sát tại hộp đêm Pulse - có liên lạc với các tổ chức khủng bố từ nước ngoài, chẳng hạn như IS, dù y được cho là có nhắc đến cái tên IS sau khi thực hiện vụ xả súng.
Tuy nhiên các công tố viên tiết lộ với Hãng tin Fox News rằng đang tìm kiếm cáo buộc đối với bà Noor Salman trong vai trò tòng phạm của vụ thảm sát khiến 49 người thiệt mạng và 53 người bị thương, trong đó 6 người đang nguy kịch.
Nguồn tin của Fox News cho biết có khả năng Mateen đã gọi điện thoại cho vợ của y từ trong hộp đêm khi đang ra tay giết người. Dù các quan chức đã thẩm vấn bà Salman ngay sau khi vụ thảm sát diễn ra nhưng đến nay vẫn chưa chính thức bắt giữ bà.
Thượng nghị sĩ Angus King, thành viên Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ, nói với CNN rằng “dường như bà ta biết trước về những gì sẽ diễn ra”.
Hôm qua, truyền thông Mỹ đưa tin bà Salman (30 tuổi) đã cùng đi mua đạn với Mateen và chở y đến hộp đêm Pulse. Tuy nhiên, theo nguồn tin của NBC, bà Salman cho biết đã cố khuyên chồng đừng thực hiện cuộc tấn công.
Theo báo Telegraph, cha của Mateen nói rằng bà Salman, vợ thứ hai của con trai ông, đã trở về nhà hồi đầu tuần để thu dọn một số quần áo. Ông cho biết đến nay Salman cùng con trai vẫn đang ở Florida nhưng không nói cụ thể.
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra những báo cáo cho biết Mateen là gương mặt quen thuộc của hộp đêm cũng như từng liên lạc với những người đồng tính khác trên các ứng dụng hẹn hò đồng tính nam.
Vấn đề giới tính thật của Mateen cũng có thể giúp xác định nguyên nhân hắn nổ súng tại hộp đêm dành cho người đồng tính ở Orlando
Bản tuyên bố bị rút lại bộc lộ hạn chế của ASEAN
Trong hội nghị với người đồng cấp Trung Quốc vừa diễn ra ở thành phố Côn Minh, các ngoại trưởng ASEAN đã ra một văn kiện mà phía Malaysia gọi là "tuyên bố chung" bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, Ban Thư ký ASEAN đã quyết định rút lại tuyên bố này.
Trong khi Malaysia nói rằng văn kiện được rút lại để "chỉnh sửa khẩn cấp", Indonesia lại nói rằng đã có sự "nhầm lẫn" và văn bản này không phải là tuyên bố chung của ASEAN sau hội nghị. Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta cũng nói rằng không có tuyên bố chính thức được đưa ra sau cuộc họp.
Các nhà phân tích đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau cho tình huống hy hữu này, và phân tích các mối quan hệ giữa Hiệp hội với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn và vô cùng quan trọng của khối, theo Time.
Chia rẽ
Tạp chí này dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao có mặt tại hội nghị cho hay thời điểm tuyên bố chung ASEAN vừa được đưa ra, Bắc Kinh triển khai một cuộc vận động hành lang, thuyết phục các ngoại trưởng rút lại những gì mà họ mới công bố. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đặc biệt tạo sức ép lên Lào, chủ tịch ASEAN năm nay.
Chuyên gia về Đông Nam Á Carl Thayer cho rằng Trung Quốc có thể đã phản đối những lời lẽ mà Ban thư ký ASEAN đưa ra trong tuyên bố chung. "Việc này khiến Ban thư ký ASEAN rút lại tuyên bố", ông nhận định.
Đến nay, vẫn chưa có tuyên bố chung ASEAN khác nào được đưa ra. Thay vào đó, một số thành viên trong khối đưa ra những tuyên bố riêng. Sự xáo trộn này gợi nhớ một dấu mốc hồi năm 2012, khi lần đầu tiên trong lịch sử, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN phải khép lại mà không có bất kỳ thông cáo chung nào. Giới quan sát khi ấy cho rằng chính Trung Quốc đã gây áp lực lên chủ tịch luân phiên của ASEAN lúc bấy giờ là Campuchia nhằm tránh những vấn đề nhạy cảm về Biển Đông.
"Đây lại là một thất bại khác khiến uy tín của ASEAN bị tổn thương nghiêm trọng", Ian Storey, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, đánh giá. "ASEAN đang thiếu trụ cột", ông nhấn mạnh.
"Sự việc cho thấy một thực tế là mong muốn định hình và kiểm soát nghị trình an ninh khu vực của ASEAN đang ngày càng khó khăn", Storey bình luận.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các quốc gia láng giềng ASEAN như Việt Nam, Philippines, Brunei. Bắc Kinh củng cố tuyên bố bằng cách xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông cùng nhiều công trình trên đó, như đường băng, bến cảng, nhà chứa máy bay... bất chấp sự phản đối từ khu vực và quốc tế.
Vụ việc lần này cũng phản ánh khả năng hạn chế của ASEAN trong việc giải quyết những vấn đề gây tranh cãi. Một thỏa thuận chống khói bụi ký năm 2002 vẫn chưa thể cải thiện tình trạng khói mù độc hại xuất phát từ hoạt động đốt rừng ở Indonesia lan ra nhiều nước trong khu vực. Một liên minh kinh tế ASEAN ra mắt hồi năm ngoái tới giờ vẫn chưa đạt được mục tiêu cắt giảm các rào cản thương mại và đầu tư trong khối, WSJ.
Tác động từ Trung Quốc
Giới chuyên gia nhận định bên cạnh những khác biệt về kinh tế và văn hóa, ảnh hưởng từ Trung Quốc cũng là một trong những nguyên nhân khiến ASEAN khó lòng tìm thấy tiếng nói đồng thuận.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN nói chung cũng như của các nước thành viên nói riêng, ngoại trừ Brunei. Năm 2014, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đạt mức 336,5 tỷ USD, chiếm 14,5% giá trị thương mại toàn khối.
Prashanth Parameswaran, biên tập viên chuyên về Đông Nam Á của tạp chí Diplomat, cho rằng Bắc Kinh rõ ràng đang dùng sức mạnh kinh tế như đòn bẩy để ảnh hưởng với các thành viên ASEAN.
"Viện trợ là một công cụ ngoại giao mà Trung Quốc đang triển khai ồ ạt, đặc biệt là tại Đông Nam Á", ông Bilahari Kausikan, cố vấn chính sách tại Bộ Ngoại giao Singapore, hồi tháng ba nhận xét. "Nhiều quốc gia ASEAN đã sẵn sàng và vui vẻ chấp nhận sự hào phóng từ những cơ hội kinh tế mà Trung Quốc chào mời".(VNEX)
Thượng viện Mỹ thỏa thuận bỏ phiếu về dự luật kiểm soát súng
Ông Chris Murphy đã điều trần liên tục hơn 14 giờ tại Thượng viện và đã đạt được thỏa thuận với đảng Cộng hòa về việc sẽ bỏ phiếu về dự luật kiểm soát súng.
Ông Chris Murphy xuất hiện sau khi chủ trì phiên điều trần kéo dài hơn 14 giờ tại Thượng viện Mỹ về dự luật kiểm soát súng đạn - Ảnh: Getty Images
Theo Guardian, sau cuộc điều trần “marathon” kéo dài hơn 14 giờ thâu đêm hiếm thấy của thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy tại Thượng viện Mỹ, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa rốt cuộc đã bị “khuất phục”.
Theo đó, phe Cộng hòa chấp nhận sẽ tổ chức bỏ phiếu về dự luật kiểm soát súng đạn với những điều khoản chặt chẽ hơn liên quan tới công tác rà soát thông tin người mua súng và kiểm soát chặt danh sách theo dõi khủng bố.
Ông Chris Murphy, thượng nghị sĩ Dân chủ bang Connecticut, đã cùng nhiều đồng nghiệp “cướp diễn đàn” tại Thượng viện trong hơn 14 giờ.
Rạng sáng ngày 16-6 (giờ Washington), ông Murphy cho biết các nghị sĩ đảng Dân chủ đã đạt được một thỏa thuận với các lãnh đạo đảng Cộng hòa về việc tổ chức bỏ phiếu về những điều khoản luật chủ chốt trong kiểm soát súng đạn.
Thực tế, ông Murphy chỉ chịu rời phòng họp thượng viện lúc 2g11 sáng 16-6 với những cam kết về việc tổ chức bỏ phiếu của các lãnh đạo đảng Cộng hòa.
Chia sẻ trên tài khoản Twitter, ông Chris Murphy nói: “Đây chỉ là một bước. Cuộc chiến vẫn còn lâu mới kết thúc. Nhưng có hàng triệu tiếng nói đang đòi hỏi phải thay đổi. Và chúng tôi không thể dừng lại việc hối thúc điều đó”.
Ngay từ khi bắt đầu phiên điều trần, thượng nghị sĩ bang Connecticut đã hứa sẽ không rời bục phát biểu “cho tới khi chúng tôi nhận được một tín hiệu nào đó, một dấu hiệu nào đó cho thấy chúng tôi có thể hợp tác với nhau” về vấn đề kiểm soát súng.
Trong lúc các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đang nối tiếp nhau điều trần, các thông tin cập nhật và những tin nhắn ủng hộ họ đã liên tiếp xuất hiện trên mạng xã hội Twitter với các mã chủ đề #enough và #holdthefloor.
Ông Murphy nhắc lại vụ xả súng trong một trường học tại bang ông năm 2012, đồng thời nhắc lại việc ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump nói ông sẽ gặp Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA) để trao đổi về danh sách theo dõi khủng bố và việc mua bán súng.
“Với tất cả những người đại diện cho bang Connecticut chúng tôi, việc cơ quan này không làm gì cả, không hề làm gì trước các vụ tàn sát liên tiếp xảy ra không chỉ là một điều đau lòng với chúng tôi, đó còn là sự táng tận lương tâm”, ông Murphy nói.
“Vẫn không hề có một cuộc thảo luận nào được lên kế hoạch (về kiểm soát súng) tại Thượng viện. Vẫn chưa hề có một cuộc thảo luận nào được lên kế hoạch trong các ủy ban… Trong khi đó vẫn có 30.000 người đang hấp hối mỗi ngày tại đất nước này”, ông nói tiếp.
Ông Murphy cho rằng với nhiều người dân Mỹ, vụ xả súng tại hộp đêm ở Orlando là đã quá sức chịu đựng và mọi người rất mệt mỏi khi thấy Thượng viện “đã không làm gì cả” để ứng phó trước các vụ xả súng gần đây.(TT)
Chủ tịch EC bác bỏ khả năng tan rã của EU
Liên minh châu Âu (EU) sẽ không tan rã nếu Anh rời khỏi khối này sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23/6 tới.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ngày 16/6 khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sẽ không tan rã nếu Anh rời khỏi khối này sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23/6 tới.
Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế tại thành phố Saint Petersburg của Nga, ông Juncker thừa nhận rằng nếu Anh rời khỏi EU, điều này sẽ mở ra một giai đoạn đầy bất ổn cho cả Anh và EU, thậm chí còn ảnh hưởng rộng hơn trên phạm vi toàn cầu và cần phải tránh kịch bản tồi tệ này.
Tuy nhiên, Chủ tịch EC cho rằng sự tồn tại của EU sẽ không bị đe dọa nếu xảy ra việc Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit, vì EU sẽ tiếp tục tiến trình hợp tác chặt chẽ hơn trong khối sau sự kiện này.
Nhận định này của ông Juncker cũng tương tự nhận định mà Trung tâm cải cách châu Âu đưa ra hồi tháng 5 vừa qua, cho rằng thực tế EU không phải chịu quá nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ Brexit như mọi người vẫn nghĩ, ngược lại việc Anh rời EU có thể mang lại "động lực" để tăng cường sự đoàn kết trong khối này.
Chỉ còn một tuần nữa, cử tri Anh sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân để quyết định liệu "đảo quốc sương mù" sẽ ra đi hay ở lại "mái nhà chung châu Âu", một kịch bản được cho là sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới tình hình chính trị, kinh tế, thương mại của Anh và nhiều tác động hơn thế. Hai cuộc thăm dò dư luận mới nhất được tiến hành trong ngày 16/6 cho thấy hiện đa số những người được hỏi ủng hộ xu hướng Anh rời EU. Cụ thể, trong cuộc thăm dò của Survation, tỷ lệ ủng hộ Brexit lên tới 52%, cao hơn 4% so với tỷ lệ phản đối. Ngoài ra, cuộc khảo sát do Ipsos Mori tiến hành cũng cho một kết quả tương tự, với 53% ủng hộ Brexit so với 47% phản đối.