Nhiều người Nhật Bản coi Trung Quốc “gây hại cho khu vực nhiều hơn là mang đến lợi ích”.
Tin thế giới đọc nhanh sáng 09-06-2016
- Cập nhật : 09/06/2016
Trung Quốc khó chịu khi hai tàu sân bay Mỹ hiện diện ở Biển Đông
Tờ Global Times dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên nhận định việc Mỹ điều động nhiều tàu sân bay tới Biển Đông có lẽ vì muốn "làm chỗ dựa cho Philippines". Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) ở The Hague, Hà Lan có thể sẽ đưa ra phán quyết vụ Philippines kiện yêu sách "đường lưỡi bò" Trung Quốc vào tháng 6.
Cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ John C. Stennis đang hoạt động tại Biển Đông và sẽ tham gia diễn tập hải quân RIMPAC 2016 vào đầu tháng 7 tại Hawaii. Cụm tàu Ronald Reagan khởi hành ngày 4/6 từ cảng Yokosuka, Nhật Bản sẽ tới thay thế.
Theo Navy Times, tàu Stennis và Reagan có khả năng sẽ hoạt động tại Biển Đông cùng nhau trong một thời gian, trước khi tàu Stennis đến Hawaii.
Chuyên gia này cho rằng Biển Đông không có diện tích lớn, hai cụm tàu sân bay Mỹ tới đây trong khi nơi này không có chiến sự nên có thể "gây sức ép với Trung Quốc" trong bối cảnh phán quyết của PCA nhiều khả năng có lợi cho Philippines. Đây cũng là lần đầu tiên từ năm 2012, Mỹ đưa tới 4 cụm tàu sân bay ra hoạt động cùng lúc.
Truyền thông Trung Quốc hô hào ngăn chặn "Philippines hành động ở bãi cạn Scarborough và Bãi Cỏ Mây dưới sự yểm hộ của tàu chiến Mỹ". Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng là đối tượng tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Nhiều trang tin quân sự Trung Quốc cho rằng nước này cần đẩy mạnh giám sát hạm đội tàu Mỹ và "có những bố trí thích hợp" ở Biển Đông, tăng cường tập trận bắn đạn thật để Mỹ "không có gan làm bừa".
Theo Defense News, hải quân Mỹ triển khai đồng thời 4 cụm tàu sân bay chiến đấu ở các vùng trên thế giới, trong đó có một ở Biển Đông và một ở Địa Trung Hải. Mỹ được coi là đang có tỷ lệ triển khai tàu sân bay cao.
Tuy nhiên, động thái không nhằm ứng phó với một cuộc khủng hoảng cụ thể nào. "Tất cả đều đã được lên kế hoạch trong nhiều tháng, theo chương trình Quản lý Lực lượng Toàn cầu", một quan chức hải quân Mỹ nói, đề cập đến kế hoạch chỉ đạo các cuộc triển khai lớn của Lầu Năm Góc.
Lần gần đây nhất 4 cụm tàu sân bay chiến đấu được triển khai đồng thời là trong khoảng thời gian dài hơn 9 tuần từ cuối tháng 8/2012 đến đầu tháng 11/2012.
Bắc Kinh cáo buộc Manila phớt lờ đàm phán song phương
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 8-6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Trung Quốc và Philippines vào năm 1995 đã nhất trí giải quyết các tranh chấp ở biển Đông “một cách hòa bình và hữu nghị thông qua các cuộc đàm phán trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Trung Quốc và Philippines đã tổ chức nhiều vòng đàm phán về việc giải quyết hợp lý các tranh chấp hàng hải mặc dù hai nước không có cuộc đàm phán nào được thiết kế để giải quyết các tranh chấp ở biển Đông.
“Trung Quốc đã nhiều lần đề nghị với phía Philippines thiết lập cơ chế đàm phán thường xuyên về các vấn đề hàng hải, tuy nhiên, cho đến nay chưa có bất kỳ phản hồi nào từ phía Philippines” - theo tuyên bố của phía Trung Quốc.
Ảnh chụp ngày 11-5-2015 cho thấy tàu thuyền Trung Quốc hoạt động phi pháp ở đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Philippines đã từ chối bình luận về các tuyên bố trên. Một quan chức giấu tên thuộc Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng Manila hy vọng tòa trọng tài sẽ ra phán quyết vào tháng này và Philippines muốn giữ im lặng cho đến khi phán quyết được đưa ra.
Một cựu bộ trưởng ngoại giao Philippines và một chuyên gia an ninh của Mỹ hôm 7-6 cảnh báo Tổng thống vừa đắc cử của Philippines ông Rodrigo Duterte không nên tham gia các cuộc đàm phán song phương vô điều kiện với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp biển Đông.
Trước đó, ông Duterte cho biết ông sẽ không đi đến chiến tranh với Trung Quốc và có thể tổ chức các cuộc đàm phán song phương.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc lặp lại rằng Bắc Kinh sẽ không chấp nhận bất kỳ cách thức giải quyết tranh chấp nào mà áp đặt lên nước này nhưng cánh cửa đàm phán Trung Quốc-Philippines vẫn luôn mở ra.
“Trung Quốc kêu gọi Philippines ngay lập tức chấm dứt hành vi sai trái của mình khi kiện lên tòa trọng tài và quay lại con đường giải quyết các tranh chấp đúng đắn liên quan đến vấn đề biển Đông thông qua đàm phán song phương với Trung Quốc” - theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Philippines đã đệ trình lên Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan vụ kiện chống lại “đường lưỡi bò” phi lý mà Trung Quốc vẽ ra để đòi chủ quyền ở biển Đông và phán quyết dự kiến sẽ được đưa ra trong vài tuần tới.
Căng thẳng với Nga, NATO vẫn tập trận quy mô lớn
Ba Lan hôm qua (7-6) bắt đầu cuộc tập trận quân sự lớn nhất với các đối tác khác của NATO, trong bối cảnh quan hệ giữa phương Tây và Nga đang ở tình trạng xấu nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh.
AFP dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz cho biết cuộc tập trận nhằm “kiểm tra khả năng phòng thủ của liên minh tại sườn phía đông của khối”. Theo đó, có hơn 31.000 binh lính từ 24 quốc gia thành viên NATO và “đối tác vì hòa bình” thời Xô viết cũ, bao gồm Ukraine, sẽ tham gia cuộc tập trận Anaconda kéo dài hai tuần vốn được tổ chức thường niên (năm 2 lần) tại Ba Lan kể từ năm 2006 đến nay.
Guardian cho biết cuộc tập trận dưới sự chỉ huy của tướng Marek Tomaszycki có sự tham gia của 14.000 lính Mỹ, 12.000 lính Ba Lan, 800 lính Anh và phần còn lại đến từ các quốc gia khác không thuộc khối NATO.
Cuộc tập trận diễn ra một tháng trước hội nghị thượng đỉnh NATO “mang tính bước ngoặt” tại Warsaw để thông qua thay đổi lớn nhất kể từ chiến tranh lạnh bằng việc triển khai thêm quân đội ở các nước thành viên Đông Âu, theo sau vụ sáp nhập Crimea của Ukraine vào Nga.
Tháng trước, Matxcơva và Washington đã cáo buộc lẫn nhau về việc Mỹ đặt lá chắn tên lửa tại Ba Lan và Romania. Nga tuyên bố sẽ “chấm dứt các mối đe dọa” từ hệ thống phòng thủ tên lửa, bất chấp sự đảm bảo của Mỹ rằng việc triển khai hệ thống để phòng thủ trước những cuộc tấn công tiềm năng từ các “quốc gia hiếu chiến” ở Trung Đông.
Điện Kremlin cho biết Nga sẽ thành lập ba đơn vị quân sự mới tại phía tây và nam đất nước vào cuối năm nay để chống lại các lực lượng NATO hiện diện gần biên giới nước này.
Tuần trước, Bộ trưởng quốc phòng Ba Lan Macierewicz cho biết Ba Lan sẽ sớm tuyển những tình nguyện viên đầu tiên trong lực lượng bán quân sự bao gồm 35.000 thành viên của nước này, nhằm chống lại mối đe dọa từ Nga. Warsaw sẽ sử dụng “lực lượng bảo vệ lãnh thổ” để mở rộng lực lượng vũ trang của nước này lên 150.000 binh lính so với mức hiện tại là 100.000 lính.
Nga từ lâu đã phản đối việc mở rộng quân đội của NATO tại khu vực này và năm 1997 NATO cũng chính thức đồng ý không xây dựng các căn cứ quân sự lâu dài tại các nước thuộc khối Hiệp ước Warsaw.
Tuân thủ thỏa thuận, Lầu Năm Góc hồi tháng 3 tuyên bố sẽ triển khai thêm lữ đoàn thiết giáp bao gồm khoảng 4.200 quân tại Đông Âu vào đầu năm 2017 ở một căn cứ luân phiên, chứ không phải tại một căn cứ lâu dài. Ngoài ra, NATO cũng đảm bảo với Nga trước hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 7 qua khẳng định của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng “chiến tranh lạnh đã trở thành lịch sử”.
Hàn Quốc tập trận tại đảo tranh chấp với Nhật Bản
Đặc nhiệm hải quân Hàn Quốc trong cuộc tập trận chống đổ bộ trên đảo Dokdo/Takeshima. Ảnh: Korea Herald.
Yonhap hôm nay dẫn nguồn tin quân sự cho biết Hàn Quốc điều 10 tàu, máy bay tuần biển P-3 và trực thăng săn ngầm Lynx tập trận ở đảo Dokdo (Nhật gọi là Takeshima). Kịch bản tập trận là chống lại lực lượng nước ngoài "xâm nhập trái phép". Từ năm 1986, Hàn Quốc tổ chức tập trận chống đổ bộ đảo hai lần mỗi năm.
Bộ Ngoại giao Nhật lên tiếng phản đối và gửi công hàm tới đại sứ quán Hàn Quốc ở Tokyo.
Nhật Bản ghi trong sách giáo khoa về chủ quyền hòn đảo nước này gọi là Takeshima, sách trắng ngoại giao Nhật cũng có nội dung tương tự. Trong khi đó, Hàn Quốc tuyên bố họ đã giải phóng hòn đảo từ ách thống trị của Nhật từ năm 1945.
Trung Quốc sản xuất 1.000 máy bay đủ điều quân đến mọi nơi
Hồi tháng 1, tờ China Daily đưa tin Lực lượng Không quân của Quân đội giải phóng Nhân nhân Trung Quốc (PLA) đang chuẩn bị phát triển một phi đội máy bay chiến đấu cơ tàng hình mới cùng máy bay vận tải hạng nặng.
Trong buổi triển lãm công nghệ ở Bắc Kinh hồi tháng trước, Tổng Công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) cũng đã thông báo kế hoạch trên. “Chúng tôi cần hơn 1.000 máy bay vận tải Y-20” - Zhu Qian, người đứng đầu Văn phòng Phát triển máy bay cỡ lớn của AVIC, nói với tờ IHS Jane.
Giới phân tích lưu ý rằng 1.000 máy bay là một sự gia tăng đáng kể so với dự định trước đó khi Bắc Kinh cho hay cần mua khoảng 400 chiếc. Theo Zhu Qian, việc “tăng” đáng kể số lượng trên là dựa vào “kinh nghiệm của Mỹ và Nga”.
Máy bay vận tải Y-20 nặng khoảng 220 tấn, gồm bốn động cơ phản lực và có thể chở tới 66 tấn hàng hóa. Y-20 có phạm vi hoạt động chừng 3.230 dặm.
“Điều này có nghĩa là máy bay vận tải Y-20 có thể vươn đến bất kỳ nơi đâu ở châu Âu và châu Á, bang Alaska của Mỹ, Úc, và Bắc Phi”, tờ Nhân dân Nhật báo viết. Với tải trọng “khủng” trên, Y-20 có thể được sử dụng để chở xe tăng, trong đó có thể chở chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Type 99A2 64 tấn.
Theo Zhi Qian, Bắc Kinh có thể sản xuất những máy bay vận tải lớn hơn nữa, 300 tấn, 400 tấn thậm chí là 600 tấn.
Một chiếc máy bay có kích cỡ như vậy có thể trở thành đối thủ cạnh tranh của chiếc Antonov An-225 Mriya của Nga, phi cơ lớn nhất thế giới. Với trọng lượng hơn 700 tấn, chiếc Mriya là chiếc máy bay có sải cánh lớn nhất so với bất kỳ máy bay nào từng được đưa vào sử dụng trên thế giới. Chiếc Mriya cũng nắm giữ kỷ lục thế giới khi có thể chở được một món hàng nặng hơn 200 tấn.
Trước đó đầu năm nay, Không quân PLA cũng thông báo rằng chiếc máy bay tàng hình thế hệ 5 J-20 của lực lượng sẽ bước vào giai đoạn sản xuất.
“Một khi công tác thử nghiệm được tiến hành thành công, quy trình sản xuất quy mô nhỏ sẽ bắt đầu và Không quân PLA sẽ trở thành người dùng thứ hai thế giới sử dụng chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5” - Wang Ya’nan, phó Tổng biên tập tạp chí Aerospace Knowledge nói với China Daily.