Thủ tướng Shinzo Abe công bố 3 mục tiêu chính của chính sách Abenomics 2.0
Tổng thống Obama: Quốc hội Mỹ sẽ thông qua TPP
Tránh thuế, các công ty Mỹ "ém" 2,1 ngàn tỉ USD ở nước ngoài
Thương vụ Thái Lan mua tàu ngầm Trung Quốc đổ bể
Ấn Độ tăng cường ngoại giao hải quân ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc
Tin thế giới đọc nhanh tối 08-06-2016
- Cập nhật : 08/06/2016
Chiến dịch “lấp liếm” sự thật của Trung Quốc
Guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh đang vận hành hết công suất để biện minh cho việc Trung Quốc phủ nhận thẩm quyền của định chế quốc tế tại La Haye, ngang ngược "tố cáo" Philippines là đã "hành động phi pháp" khi đưa Bắc Kinh ra trước cơ quan trọng tài quốc tế.
Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham mà Philippines và Trung Quốc tranh chấp trên Biển Đông. Ảnh: Wikipedia
Theo Đài Phát thanh quốc tế Pháp, càng gần đến ngày Toà Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên hợp quốc tại La Haye (The Hague - Hà Lan) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh càng tăng cường nỗ lực lợi dụng các diễn đàn quốc tế để bác bỏ tính chính đáng của phán quyết này.
Trung Quốc tuyên bố rằng quan điểm của họ về Biển Đông đã được hơn 40 quốc gia trên thế giới ủng hộ, và xu hướng hậu thuẫn cho Bắc Kinh đang càng lúc càng lớn mạnh. Thực hư của tuyên bố này ra sao cho đến nay chưa được rõ, nhưng điều chắc chắn duy nhất là trong vài tháng gần đây, không chỉ có hệ thống truyền thông đối ngoại Trung Quốc, mà hầu hết các nhà ngoại giao Trung Quốc ở các nước đều lớn tiếng bênh vực cho lập trường Biển Đông của Bắc Kinh trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở khắp nơi, từ các nước lớn như Mỹ, Anh, Pháp… cho tới cả các nước nhỏ, không liên quan gì đến Biển Đông như Jamaica.
Các Đại sứ quán Trung Quốc thậm chí còn thuê nhiều trang quảng cáo trên các tờ báo lớn để tuyên truyền về “chính nghĩa” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Một ví dụ cụ thể là ngày 27/5, nhật báo Pháp “Le Figaro” đã phát hành nguyên một phụ trang với nội dung do tờ báo Trung Quốc “China Daily” chịu trách nhiệm, với bài viết ở trang đầu mang tên “Biển Đông, vấn đề nguyên tắc của Bắc Kinh”. Bài quảng cáo này nêu bật quan điểm chính thống của Trung Quốc về Biển Đông, kết tội Philippines là đã có hành động vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, và thoả thuận song phương với Bắc Kinh khi kiện Trung Quốc trước PCA. Bài viết cũng không quên “khoe” rằng Bắc Kinh đã nhận được “sự ủng hộ quan trọng” của “cộng đồng quốc tế” gồm 40 nước, đồng thời tự nhận mình là nạn nhân bị Manila “bắt bí”. Thực tế nội dung trên không khác nhiều loạt bài được tờ “China Daily” đăng tải trong liên tiếp 4 ngày trước đó.
Chiến dịch tuyên truyền của Bắc Kinh dĩ nhiên đã không đánh lừa được giới quan sát. Trong một bài phân tích đăng trên báo mạng “Asia Times” tại Hong Kong ngày 31/5 vừa qua, Bill Gertz, một nhà báo kỳ cựu, đã nhận xét rằng sau khi đã gần như hoàn tất việc khống chế Biển Đông, Bắc Kinh hiện đang đẩy mạnh cuộc chiến tranh thông tin để chống lại một phán quyết dự báo là bất lợi đến từ một toà án quốc tế.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Biển Đông và Trung Quốc tại Đại Học Maine (Mỹ), cho rằng chiến dịch mà Bắc Kinh đang tung ra chỉ nhằm “lấp liếm” sự thật về những hành vi bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, và tìm cớ biện hộ cho việc chống lại một phán quyết quốc tế. Theo ông, nội dung chính trong chiến dịch tuyên truyền này của Trung Quốc là nhấn mạnh tới việc trước đây Biển Đông rất yên tĩnh và Trung Quốc đã giúp bảo vệ an ninh trong khu vực cho đến khi Mỹ, một nước ngoài khu vực, cố tình khuấy động để viện cớ xoay trục lại châu Á và bao vây Trung Quốc. Giáo sư Ngô Vĩnh Long nhấn mạnh, lý do này thoạt nhìn rất có lý, song chỉ đối với những ai không rõ những gì đã diễn ra tại khu vực này trong suốt 10 năm qua, hay lịch sử sự bành trướng của Trung Quốc trước đó. Ông nói: “Với những người có chút hiểu biết, họ hoàn toàn có thể nhận thấy thực chất sự tuyên truyền của Trung Quốc là quá thô thiển, vì những bài báo, những tuyên bố phần lớn là ngụy tạo, tự cho phía mình bao giờ cũng theo lẽ phải, cũng đúng, còn mọi nước khác, trong đó có Philippines, đều sai và có ý không tốt với Trung Quốc”.
Philippines trưng hình ảnh tố Trung Quốc đang có hoạt động cải tạo đất đá ở bãi Gạc Ma, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AP
Trước câu hỏi của phóng viên Đài RFI về thái độ của các nước trong khu vực, cụ thể như Philippines hay Việt Nam, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng nhiều quốc gia và các nước trong khu vực đều thấy tính chất giả dối và lật lọng của Trung Quốc nên họ giữ im lặng, và “không thèm” đáp trả. Ông nói: “Về phía Philippines tôi nghĩ là đang chờ phán quyết của PCA và không muốn cho Trung Quốc có cơ hội viện cớ để xây cất trên Bãi cạn Scarborough hay thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Trường Sa như đã đe doạ”. Ông cũng cho rằng tân Tổng thống Philippines là người chưa có nhiều kinh nghiệm đối ngoại, nên đây có thể không phải là thời điểm hợp lý để đàm phán tay đôi với Trung Quốc. Một khả năng khác mà ông tính đến là Manila hiện vẫn cậy vào sự bảo trợ về mặt quân sự của Mỹ nếu Trung Quốc có ý định leo thang căng thẳng.
Về phía Việt Nam, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng quốc gia này cũng chờ đợi phán quyết của PCA và hoàn toàn không muốn để Trung Quốc làm phức tạp thêm tình hình. Ngày 2/6, khi được một phóng viên hỏi về phản ứng của Việt Nam trong trường hợp Trung Quốc không tuân theo phán quyết, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã trả lời như sau: “Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển”.
Thủ tướng Singapore thăm chính thức Myanmar
Nhận lời mời của Tổng thống U Htin Kyaw, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 7/6 đã có chuyến thăm chính thức tới Myanmar nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ song phương.
Văn phòng Thủ tướng Singapore (PMO) cho biết trong chuyến thăm kéo dài ba ngày lần này, Thủ tướng Lý Hiển Long có cuộc gặp với Tổng thống Htin Kyaw, Cố vấn nhà nước kiêm Bộ trưởng ngoại giao Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức cao cấp khác.
Ngoài ra, ông Lý Hiển Long cũng có cuộc gặp với cựu Tổng thống Thein Sein, tham dự lễ khai trương Trung tâm huấn luyện dạy nghề Singapore-Myanmar và tiếp xúc với cộng đồng người Singapore tại Myanmar.
Chuyến thăm Myanmar lần này của Thủ tướng Lý Hiển Long đánh dấu việc hai nước chính thức kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, khẳng định mối quan hệ song phương cũng như những cam kết của Singapore trong việc hỗ trợ Myanmar phát triển đất nước. Trước đó, tháng 11/2014, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng có chuyến thăm Myanmar nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại Nay Pyi Taw.
Quan hệ kinh tế song phương đã không ngừng phát triển trong thời gian gần đây. Năm 2015, Singapore là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Myanmar, chỉ sau Trung Quốc và Thái Lan. Tính tới tháng 4/2016, Singapore đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai tại Myanmar, với tổng vốn đầu tư lên tới 17,7 tỷ SGD (tương đương 13 tỷ USD). Trong khi đó, Myanmar là đối tác thương mại lớn thứ 28 của Singapore tính đến năm 2015. Kim ngạch thương mại hai nước năm ngoái đạt 3,5 tỷ SGD, tăng 9,6% so với năm trước.
Jordan bắt nghi can sát hại 5 nhân viên cơ quan tình báo
Chính quyền Jordan đã bắt giữ một đối tượng tình nghi sát hại 5 nhân viên của văn phòng cơ quan tình báo nước này tại trại tị nạn cho người Palestine ở vùng ngoại ô thủ đô Amman ngày 6/6.
Người phát ngôn Chính phủ Jordan, ông Mohammad al-Momani, thông báo về việc bắt giữ trên, song chưa công bố danh tính đối tượng. Theo ông Momani, nhà chức trách đang tiến hành điều tra và các dấu hiệu ban đầu cho thấy vụ tấn công xuất phát từ động cơ cá nhân.
Trong khi đó, theo một nguồn tin an ninh, nghi can bị bắt tại một thánh đường ở khu vực Salt, phía Bắc Amman. Đối tượng này được trang bị vũ khí và tìm cách kháng cự khiến một sĩ quan cảnh sát bị thương.
Trước đó cùng ngày 6/6, ba sĩ quan tình báo, một bảo vệ và một nhân viên trực điện thoại tại văn phòng đã thiệt mạng trong vụ tấn công nhằm vào văn phòng của cơ quan tình báo trong trại Baqaa. Là trại lớn nhất trong 10 trại tị nạn chính thức cho người Palestine ở Jordan, Baqaa tiếp nhận khoảng 220.000 người, trong đó có hơn 100.000 người Palestine tị nạn ở Vương quốc này. Hiện chưa có nhóm nào nhận là thủ phạm của vụ tấn công trên.
Jordan là một trong những nước tham gia chiến dịch chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng ở Iraq và Syria. Tháng 12/2014, một phi công Jordan đã bị IS bắt giữ khi máy bay của phi công này rơi xuống Syria. IS sau đó tung ra hình ảnh thiêu sống viên phi công.
Lính Mỹ tại Nhật bị cấm uống rượu và hạn chế di chuyển
Hải quân Mỹ hôm qua 6/6 tuyên bố đã ra lệnh cấm toàn bộ các thủy thủ đóng quân tại Nhật Bản uống rượu và hạn chế các hoạt động bên ngoài căn cứ quân sự sau khi một binh sỹ hải quân nước này bị bắt vì nghi lái xe khi say rượu.
Lính thủy đánh bộ Mỹ từ căn cứ Okinawa, Nhật Bản tham gia tập trận chung Mỹ-Hàn ở Pohang, Hàn Quốc (Ảnh: AP)
CBS dẫn thông báo của Hải quân Mỹ cho biết, “lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức, các thủy thủ sẽ không được phép uống rượu, kể cả trong và ngoài căn cứ. Ngoài ra các hoạt động tự do bên ngoài căn cứ cũng sẽ bị hạn chế”.
“Các binh lính sống bên ngoài căn cứ chỉ được phép di chuyển từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại, hoặc thực hiện các công việc chính hàng ngày như đưa đón con, mua sắm ở các cửa hàng tạp hóa, trạm xăng và nơi tập gym”, thông báo cho biết thêm.
Chỉ huy Lực lượng hải quân Mỹ tại Nhật Bản, Thiếu tướng Matthew Carter, là người đã quyết định ra thông báo trên. Hiện chưa rõ lệnh cấm sẽ kéo dài trong thời gian bao lâu.
“Không thể thực hiện các biện pháp kỷ luật này một cách hời hợt. Trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta (lính Mỹ) đã duy trì mối quan hệ khăng khít với người dân Nhật Bản. Mỗi người lính bắt buộc phải hiểu rằng mọi hành động của chúng ta đều ảnh hưởng tới mối quan hệ đó nói riêng và liên minh Mỹ - Nhật nói chung”, Tướng Matthew Carter nhấn mạnh.
Thông báo được đưa ra sau khi nữ hạ sĩ quan hải quân Aimee Mejia, 21 tuổi, đóng quân tại căn cứ không quân Kadena trên đảo Okinawa, lái xe đâm vào hai xe khác sau khi đi sai làn trên đường cao tốc trong tình trạng say xỉn với lượng cồn trong máu cao gấp 6 lần cho phép. Vụ tai nạn xảy ra lúc 23h40 (theo giờ địa phương) ngày 4/6. Mejia không gặp vấn đề gì về sức khỏe, nhưng hai người khác bị thương nhẹ sau vụ tai nạn.
Quan chức Đài Loan đòi chuyển 40.000 đạn pháo ra đảo Ba Bình
Đài Phượng Hoàng hôm nay cho biết ông Phùng Thế Khoan, 71 tuổi, người đứng đầu lực lượng quân sự Đài Loan đang bị chỉ trích quanh phát ngôn hiếu chiến về đảo Ba Bình. Theo đó, hôm 6/6, khi phát biểu trước cơ quan lập pháp Đài Loan, ông Phùng ngang nhiên tuyên bố: "Nếu 10 năm trước tôi làm lãnh đạo quân sự, tôi sẽ xây dựng đảo Thái Bình (Ba Bình của Việt Nam) to hơn hiện nay, biến nó thành căn cứ quân sự. Hiện chúng ta cần chuyển ra đảo Ba Bình khoảng 40.000 quả đạn pháo".
Ông cho biết hải quân sẽ phối hợp với lực lượng tuần duyên Đài Loan để đưa số đạn pháo loại 40 ly trên ra Ba Bình vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7. Mục tiêu trong tương lai là nhằm "ổn định đường bay" tới đảo.
Ông Phùng giải thích đây là "hoạt động tiếp tế thông thường" và đảo Ba Bình, đảo Đông Sa "đều cần tiếp tế". Cụm đảo san hô Đông Sa nằm ở đông bắc Biển Đông, cách cảng Cao Hùng của Đài Loan khoảng 240 hải lý, hiện do Đài Loan kiểm soát.
Theo trang Guancha của Trung Quốc, trên đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm đóng có một kho đạn. Tuy nhiên, nó không đủ sức chứa lượng đạn như ông Phùng tuyên bố. Chỉ huy lực lượng tuần duyên Đài Loan cho biết chưa có lệnh vận chuyển nào được gửi tới, trừ khi "bên quân sự có kế hoạch riêng".
Lâm Tuấn Hiến, đại biểu lập pháp Đài Loan cho biết ông Phùng đã cải chính thông tin, số đạn pháo nêu trên sẽ được chuyển tới đảo Đông Sa.
Đảo Ba Bình là đảo có diện tích tự nhiên lớn nhất quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đài Loan chiếm giữ trái phép hòn đảo này và thường xuyên điều lực lượng tuần duyên đến đây.
Việt Nam nhiều lần phản đối các hành vi xâm phạm chủ quyền từ phía Đài Loan đối với quần đảo Trường Sa, yêu cầu Đài Loan ngừng các hoạt động xây dựng trái phép, không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông