Ông Obama sẽ thuyết phục ông Sanders ủng hộ bà Clinton
Thái độ của Trung Quốc báo hiệu căng thẳng gia tăng ở Biển Đông
150 lính đặc biệt Pháp tham gia mặt trận Syria
Châu Á đang giàu nhanh
Tai nạn chết người tại công trường nhà máy điện Triều Tiên
Chi tiêu quốc phòng châu Á sắp bằng Mỹ
- Cập nhật : 09/06/2016
Theo tạp chí IHS Jane's, đầu tư cho quốc phòng của khu vực có thể ngang bằng với Mỹ trong vài năm tới.
Báo cáo của IHS Jane's, một tạp chí chuyên về quốc phòng của Anh, công bố hôm 1-6 cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ trong ngân sách quốc phòng tại châu Á - Thái Bình Dương. Chi tiêu cho mua sắm vũ khí hằng năm của khu vực này dự kiến tăng 23% vào năm 2020, lên hơn 533 tỉ USD, ngang bằng với Mỹ.
“Một số quốc gia đã phản ứng trước thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực và không có dấu hiệu cho thấy xu hướng này sẽ chấm dứt” - nhà phân tích Craig Caffrey của IHS Jane's viết trong báo cáo.
Trung tâm mua sắm quốc phòng
Với mức chi tiêu hơn 533 tỉ USD mỗi năm cho quốc phòng, châu Á - Thái Bình Dương sẽ trở thành trung tâm mua sắm quốc phòng, đẩy khu vực Bắc Mỹ từ vị trí chiếm hơn một nửa chi tiêu quốc phòng toàn cầu xuống còn chiếm hơn 1/3.
“Đến năm 2020, trọng tâm của bức tranh chi tiêu quốc phòng toàn cầu sẽ tiếp tục chuyển từ các nền kinh tế phát triển ở Bắc Mỹ và châu Âu sang các thị trường mới nổi, cụ thể là châu Á” - tờ Inquirer dẫn lời giám đốc Paul Burton của IHS Jane’s.
Các nước trong khu vực từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Úc... đang tích cực mua sắm để làm mới đội máy bay và tàu đã cũ kỹ.
Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quốc phòng của châu Á và châu Đại Dương tăng 5,4% trong năm 2015, vượt xa mức tăng trung bình 1% của chi tiêu toàn cầu. Một số ví dụ nổi bật như Indonesia đã tăng chi tiêu quốc phòng hơn 16% trong năm ngoái trong khi Philippines tăng đến 25%.
“Hầu hết các lực lượng vũ trang trong khu vực đều có nhu cầu lớn để hiện đại hóa. Vũ khí cũ kỹ và ngày càng lỗi thời đã không còn theo kịp nhu cầu an ninh quốc gia đang biến đổi” - ông Dan Enstedt, quan chức điều hành của Saab (tập đoàn sản xuất vũ khí của Thụy Điển) khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định.
Sau nhiều năm tăng chi tiêu quốc phòng với tốc độ hai con số, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vẫn lớn nhất khu vực châu Á, vào khoảng 146 tỉ USD trong năm ngoái và dự kiến tăng lên 233 tỉ USD vào năm 2020.
Tập trung vào hàng không và hàng hải
Hầu hết chi tiêu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều tập trung vào hàng hải và hàng không. “Các con số phản ánh một sự thay đổi động năng chiến lược, khi Trung Quốc đẩy mạnh mở rộng ảnh hưởng và Mỹ tìm cách bảo vệ ưu thế đã có tại khu vực tây Thái Bình Dương nhiều thập kỷ qua” - tờStraits Times bình luận.
Bangkok Post tháng trước đưa tin ngân sách quốc phòng của Thái Lan trong năm 2016 sẽ tăng 7,3%, chiếm khoảng 7,6% tổng ngân sách quốc gia. Danh sách mua sắm của Bangkok bao gồm 12 máy bay vận chuyển MI-17 từ Nga và năm máy bay đào tạo T-50 do Hàn Quốc sản xuất.
Indonesia, Nhật Bản, Việt Nam, Singapore... đều đang mua hoặc đóng các tàu ngầm mới. Theo lời đại sứ Indonesia tại Nga M. Wahid Supriyadi phát biểu hôm 30-5, Jakarta sẽ mua hai chiếc tàu ngầm Project 636.3 lớp Kilo và một máy bay Beriev Be-200ChS của Nga bên cạnh một số tàu ngầm Chang lớp Bogo của Hàn Quốc.
Trong khi đó, Úc hồi tháng 4-2016 cũng đồng ý mua 12 tàu ngầm từ Tập đoàn DCNS của Pháp trong thương vụ quốc phòng lớn nhất thế giới trị giá khoảng 36 tỉ USD. Canberra cũng đang cân nhắc mua thêm 9 tàu chiến và 12 tàu tuần tra trị giá hàng tỉ USD.
“Sự tăng trưởng sức mạnh quốc gia của Trung Quốc, bao gồm sự hiện đại hóa quân sự, có nghĩa là các chính sách và hành động của họ sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của châu Á - Thái Bình Dương” - sách trắng quốc phòng Úc xuất bản tháng 2-2016 phần nào giải thích về quyết định của Úc dành 1/4 đầu tư quốc phòng trong một thập kỷ tới cho “đợt đổi mới hải quân toàn diện nhất” kể từ sau Thế chiến II.
Đủ mặt anh tài
Tất cả những cái tên lớn trong ngành quốc phòng như Boeing, BAE, Lockheed Martin, Saab... đều đã củng cố và thiết lập sự hiện diện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 5 năm qua. Doug Greenlaw, phó chủ tịch Công ty Lockheed Martin (Mỹ), đầu năm nay khẳng định châu Á là trọng tâm trong chiến lược của công ty.
“Nền kinh tế châu Á đang phát triển nhanh hơn phần còn lại của thế giới và điều đó là động lực cho chi tiêu an ninh. Vì vậy chúng tôi coi châu Á như một thị trường phát triển và chúng tôi đã có mối quan hệ tốt với các nước khắp khu vực” - Bloomberg dẫn lời ông Greenlaw.
Giá máy bay tuần thám tân trang khoảng 80-90 triệu USD/chiếc
Reuters ngày 5-6 dẫn lời giám đốc bộ phận hàng không Clay Fearnow của Tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin nói rằng Việt Nam có thể yêu cầu Mỹ cung cấp thông tin và báo giá máy bay tuần thám hàng hải P-3 Orion trong vài tháng tới.
Phát biểu tại triển lãm hàng không Đức trước đó, ông Fearnow nói nếu thỏa thuận được xúc tiến, Mỹ sẽ tân trang lại các máy bay P-3 như lắp cánh mới, hệ thống chống tàu ngầm mới... cho Việt Nam.
Giá máy bay sau khi tân trang vào khoảng 80 - 90 triệu USD. Cùng với Việt Nam, ông Fearnow nói phía Hàn Quốc cũng có ý định mua thêm 12 máy bay S-3 từ Mỹ trong khi Philippines đang xác định sẽ mua gì để củng cố năng lực tuần tra hàng hải. Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về kế hoạch bán các máy bay P-3 và S-3 cho tới khi chính thức báo cáo việc này lên Quốc hội.
TRẦN PHƯƠNG
Theo Tuoitre.vn