Ấn Độ được mua tên lửa, UAV tối tân của Mỹ
Trung Quốc: Rơi trực thăng giám sát hàng hải, 4 người thiệt mạng
Trung Quốc vẫn khăng khăng đòi chủ quyền trên Biển Đông
Vì sao Mỹ âm mưu chống lại “Dòng chảy Phương Bắc-2”
Điện Kremlin đáp trả tuyên bố “Đức không coi Nga là đối tác nữa”
Tin thế giới đọc nhanh chiều 08-06-2016
- Cập nhật : 08/06/2016
Mỹ ủng hộ đàm phán về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông
Ngày 7/6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố, Washington ủng hộ các cuộc thương lượng về những tuyên bố chủ quyền khác nhau trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (thứ ba, trái) và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì (thứ hai, phải) tại một phiên thảo luận trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung- Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu kết thúc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung - Mỹ (S&ED) lần thứ 8 tại thủ đô Bắc Kinh, ông Kerry nêu rõ giới chức Mỹ và Trung Quốc đã tái khẳng định những cam kết về tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
Cùng ngày các quan chức cấp cao của Mỹ một lần nữa hối thúc Trung Quốc giảm các rào cản đối với các doanh nghiệp nước ngoài, khi ngày càng có thêm những lo ngại do môi trường pháp lý phức tạp hơn.
Phát biểu tại ngày thứ hai Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung đang diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew nói những lo ngại về môi trường kinh doanh gia tăng trong những năm gần đây, khi các doanh nghiệp nước ngoài đối mặt với môi trường pháp lý phức tạp hơn và đặt câu hỏi liệu họ có được chào đón tại Trung Quốc. Ông cho rằng chính phủ hai nước có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để duy trì và thúc đẩy đầu tư, thương mại và hợp tác thương mại, với việc ban hành các chính sách khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo tính có thể dự đoán và sự minh bạch trong quá trình hoạch định chính sách và ban hành quy định, bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ và dỡ bỏ các rào cản đầu tư mang tính chất phân biệt đối xử.
Cũng phát biểu tại sự kiện trên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói khi hai nền kinh tế trở nên gắn kết hơn trong sự thịnh vượng chung, hai nền kinh tế đó phải nỗ lực nhiều hơn để duy trì quan hệ kinh tế cân bằng. Ông cho rằng hai nước phải bàn về sở hữu trí tuệ, về sự minh bạch và trách nhiệm giải trình, về sự chắc chắn cũng như các quy định. Theo ông, các rào cản đối với đầu tư ở Trung Quốc cần sớm được dỡ bỏ.
Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì nói nước này đang tiến tới mở cửa các thị trường và dẫn ra việc đàm phán về hiệp định đầu tư song phương làm ví dụ. Ông nói Trung Quốc đang thúc đẩy cải cách toàn diện, phát triển và mở cửa, và nền kinh tế Trung Quốc được cho là sẽ duy trì được tăng trưởng trung-cao trong dài hạn.
82 nhân viên an ninh Euro 2016 bị tình nghi là khủng bố
Tổng cục Nội chính Pháp (ISB) mới đây đã phát hiện 82 người được thuê làm nhân viên an ninh tại vòng chung kết Euro 2016 có tên trong danh sách tình nghi là khủng bố.
Theo Le Point, sau khi tiến hành rà soát và kiểm tra thông tin cá nhân của 3.500 người được thuê làm công tác an ninh, bảo đảm an toàn cho du khách tại vòng chung kết Euro 2016, ISB đã phát hiện ra 82 đối tượng nằm trong danh sách những kẻ khủng bố mà họ đang theo dõi. Những đối tượng này được phát hiện do là thành viên của một nhóm khủng bố như Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, từng có những hành vi đáng ngờ trong quá khứ, hoặc mang tư tưởng cực đoan.
Giới chức Pháp cho biết, nước này sẽ huy động khoảng 90.000 người tham gia công tác đảm bảo an ninh tại các sân vận động, đường phố và khu vực có đông người hâm mộ tụ tập. Trong số đó có 77.000 người là cảnh sát, số còn lại là nhân viên an ninh, quân nhân và khoảng 1.000 tình nguyện viên.
Tổng thống Pháp Francois Hollande trước đó từng thừa nhận rằng có nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố trong khoảng thời gian diễn ra vòng chung kết Euro 2016, tuy nhiên nhà lãnh đạo nước Pháp cũng khẳng định Paris sẽ làm tất cả để đảm bảo an ninh cho sự kiện tầm cỡ khu vực này.
Vòng chung kết Euro 2016 sẽ được tổ chức tại Pháp từ ngày 10/6 - 10/7 với sự tham gia của 24 đội tuyển. Đây là lần thứ 3 Pháp đăng cai giải đấu này sau 2 năm 1960 và 1984.
Những rủi ro khi Trung Quốc đưa tàu ngầm hạt nhân ra Thái Bình Dương
Quyết định triển khai tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân tuần tra ở biển Thái Bình Dương là động thái mới nhất trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bảo vệ lực lượng quân sự hạt nhân tương đối khiêm tốn của mình, ước tính khoảng 260 đầu đạn hạt nhân, trong khi số đầu đạn hạt nhân của Mỹ là 7.000.
Các quan chức Trung Quốc chưa tiết lộ thời gian cụ thể, nhưng động thái này sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Trung Quốc, làm tăng nguy cơ chiến tranh. Kể từ khi nhậm chức, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tăng cường xây dựng quân đội Mỹ và tăng cường các liên minh trên khắp châu Á để chuẩn bị cho cuộc chiến với Trung Quốc. Mỹ đã dự kiến chi khoảng 1.000 tỷ USD trong 30 năm để nâng cấp và mở rộng kho vũ khí hạt nhân và hệ thống phòng thủ của mình. Trong khi đó, Chính quyền Trung Quốc muốn duy trì khả năng khởi động một hoạt động trả đũa trong trường hợp Mỹ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào căn cứ quân sự, thành phố và các cơ quan đầu não của mình. Một thập kỷ trước, tờ tạp chí uy tín "Foreign Affairs" có trụ sở tại Mỹ, đã đăng tải bài viết có tiêu đề "Sự trỗi dậy của quyền hạt nhân tối thượng của Mỹ" kích động Lầu Năm Góc và Nhà Trắng. Tuy nhiên, đằng sau chiến dịch giải trừ vũ khí hạt nhân "giả tạo", Mỹ đã và đang phấn đấu đạt được tính ưu việt hạt nhân hơn bất kỳ đối thủ tiềm năng nào khác, đặc biệt là Nga và Trung Quốc. Bài viết này tập trung chủ yếu vào Nga, cường quốc có lực lượng hạt nhân quy mô lớn hơn và tinh vi hơn.
Tuy nhiên, sự phân tích khả năng hạt nhân của Trung Quốc trong bài viết vẫn chưa thể làm rõ việc quốc gia châu Á này sẽ có động thái gì để đảm bảo vũ khí hạt nhân của mình sẽ không bị xóa sổ hoàn toàn trong một cuộc tấn công của Mỹ. Bài viết có đoạn: "Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc thậm chí rất dễ bị tổn thương trước một cuộc tấn công của Mỹ. Cuộc tấn công của Mỹ có thể thành công dù được tiến hành một cách bất ngờ hay ngay giữa cuộc khủng hoảng. Trung Quốc có một kho vũ khí hạt nhân hạn chế. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện tại chưa có tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân hiện đại hay máy bay ném bom tầm xa. Hải quân Trung Quốc đã từng có hai tàu ngầm tên lửa đạn đạo, nhưng một tàu đã bị chìm, và một tàu khác đã không còn hoạt động và chưa bao giờ ra khỏi vùng lãnh hải của Trung Quốc".
Trong thập kỷ qua, PLA đã rất vất vả mới có thể khắc phục những thiếu sót lớn. Trung Quốc đã chế tạo tên lửa nhiên liệu rắn, tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân bốn lớp Jin, phát triển một bệ phóng tên lửa di động, cải tiến hệ thống cảnh báo sớm và các vũ khí tấn công khác. Tuy nhiên, kho vũ khí của Trung Quốc vẫn còn nhỏ và dễ bị tổn thương, đi sau nhiều so với các công nghệ của Mỹ. Ông Wu Riqiang, một học giả Trung Quốc của Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói với tờ "Người bảo vệ" rằng tàu ngầm hạt nhân lớp Jin hay loại 094 của Trung Quốc quá ồn và dễ bị định vị bằng tàu ngầm tấn công của Mỹ, và sẽ không bao giờ đến được giữa Thái Bình Dương hay vươn tới lãnh thổ Mỹ. Theo tác giả Peter Symonds, nguyên nhân là do độ ồn cao của tàu loại 094 và do Trung Quốc thiếu kinh nghiệm vận hành tàu ngầm hạt nhân nên không thể và không nên triển khai tàu 094 vào việc tuần tra răn đe trong tương lai gần.
Mặc dù số vũ khí hạt nhân của Trung Quốc hiện nay chủ yếu là để phòng thủ, nhưng việc chạy đua vũ khí hạt nhân vẫn là hoạt động nguy hiểm. Việc gia tăng chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quân phiệt Trung Quốc tiếp tục tác động đối với cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình, trong khi chỉ có lực lượng xã hội này mới có khả năng ngăn chặn một lò lửa hạt nhân trong tương lai. Đặc biệt, cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân đang làm tình hình ngày càng trầm trọng thêm và biến động khó lường tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Học giả người Mỹ Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (Mỹ) nói: "Điều này có thể dẫn tới những hậu quả khó lường. Do đó, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ vấp ngã một cách mù quáng trong cuộc khủng hoảng hạt nhân đang ngày càng trầm trọng". Bình luận của Giáo sư Lewis là một cảnh báo về những rủi ro vô cùng lớn có thể phát sinh từ một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai cường quốc trong tương lai.
Đại sứ Trung Quốc “nắn gân” Canada
Đại sứ TQ tại Canada đã đăng bài xã luận trên trang tin “Thư tín địa cầu” của Canada, trong đó ông “vừa vuốt ve, vừa đe dọa” về cơ hội hội xây dựng “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ song phương.
Sự kiện ông Vương Nghị to tiếng với một nữ phóng viên Canada đã gây xôn xao trong thời gian qua. Ảnh: EPA/TTXVN
Trong bài xã luận đăng ngày 5/6, Đại sứ Luo Zhaohui hối thúc người dân Canada đừng để những quan điểm khác biệt trong vấn đề nhân quyền “che mắt” mà bỏ lỡ cơ hội xây dựng “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ song phương, trong đó có thỏa thuận thương mại tự do.
Ông nhấn mạnh việc hai nước có quan điểm khác biệt trong vấn đề nhân quyền là hoàn toàn dễ hiểu và rằng Trung Quốc sẵn sàng thảo luận về vấn đề này với Canada hay bất kỳ chính phủ nào khác.
“Xét những khác biệt giữa Trung Quốc và Canada về lịch sử, văn hóa và hệ thống chính trị, hiển nhiên hai nước có quan điểm khác biệt về vấn đề nhân quyền”, Đại sứ Luo Zhaohui thanh minh trong bài viết.
“Trung Quốc đối mặt trực diện với những khác biệt này và không bao giờ lảng tránh. Mọi người không nên để những khác biệt này làm cho mù quáng và bỏ qua các lợi ích hợp tác tổng thể”, ông lập luận thêm.
Tuy nhiên, Đại sứ Luo Zhaohui phản đối “ngoại giao microphone”, vì cho rằng hình thức này “sẽ chỉ lừa dối công chúng, ảnh hưởng đến hợp tác song phương và tổn hại lợi ích của hai bên”.
Cũng trong bài viết, người đại diện cho Chính phủ Trung Quốc tại Canada không quên khẳng định rằng chuyến thăm Ottawa của Ngoại trưởng Vương Nghị là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ song phương cùng có lợi.
Ông đồng thời nhắc lại quan ngại của người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc về việc các phóng viên thường “phớt lờ những thành quả được công nhận rộng rãi” về vấn đề nhân quyền của Trung Quốc và chỉ tập trung vào những vấn đề còn tồn tại. Cách tiếp cận này, theo ông, sẽ phá vỡ hy vọng của hai chính phủ về thúc đẩy quan hệ song phương.
Trong chuyến thăm Ottawa tuần trước, Ngoại trưởng Vương Nghị đã có những phát ngôn và cách hành xử gây nhiều tranh cãi khi ông - trước mặt cả người đồng cấp nước chủ nhà Stephen Dion - đã không ngớt lời đả kích kịch liệt nữ phóng viên Amanda Connolly của hãng tin Ipolitics, sau khi bị phóng viên này đặt câu hỏi về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc và việc giam giữ công dân Canada Kevin Garratt bị buộc tội làm gián điệp.
Ngoài ra, những tin tức rò rỉ sau chuyến thăm cho biết Ngoại trưởng Vương Nghị đã gây sức ép đòi gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong chuyến thăm nay cũng đang gây làn sóng phản đối trong công chúng và truyền thông Canada.
Trong những phản ứng sau đó, Thủ tướng Canada Trudeau và Ngoại trưởng Dion đều đã bày tỏ sự không hài lòng trước lối hành xử bị báo chí Canada dùng hai từ “ngạo mạn” để mô tả.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Trudeau sẽ thăm chính thức Trung Quốc vào tháng 9 nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao các nền kinh tế phát triển và đang phát triển hàng đầu thế giới (G20). Ngoài ra, hai bên cũng dang lên kế hoạch cho chuyến thăm chính thức Canada của Thủ tướng Lý Khắc Cường trong năm nay.
Chính phủ Tự do của Thủ tướng Trudeau công khai coi Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong thúc đẩy quan hệ hợp tác với nhóm các nền kinh tế đang nổi, nhất là quan hệ thương mại. Hai bên cũng có kế hoạch sớm khởi động đàm phán về Thỏa thuận thương mại tự do (FTA).
Mỹ khẳng định không phối hợp quân sự với Nga tại Syria
Bộ Quốc phòng Mỹ không phối hợp về mặt quân sự với Nga ở miền Bắc Syria, mặc dù các lực lượng được Mỹ và Nga hậu thuẫn đang ngày càng tiến gần nhau hơn khi họ giành được những thắng lợi trước tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS).
Phát biểu với các nhà báo, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Peter Cook ngày 6/6 khẳng định: "Xét về mặt trực tiếp phối hợp các hoạt động trên thực địa, điều này không xảy ra".
Được biết, quân chính phủ Syria được Nga yểm trợ bằng không quân và liên minh do người Kurd chỉ huy được Mỹ hậu thuẫn đang tiến hành các chiến dịch tấn công riêng rẽ nhằm vào IS trên một địa bàn tác chiến rộng lớn trải dài tới phía Tây của Raqa, thủ phủ không chính thức của các phần tử thánh chiến tại Syria.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, quân chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn hiện ở trong phạm vi 24 km so với hồ Assad, hồ chứa nước chính ở thung lũng Euphrates được chắn bởi con đập Tabqa, cách Raqa khoảng 50 km về phía Tây.
Trong khi đó, các thành viên thuộc liên minh do người Kurd chỉ huy gọi là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) hiện cách Raqa khoảng 60 km về phía Bắc, mặc dù trọng tâm trước mắt của họ là thành phố Manbij, vốn được coi là điểm trung chuyển chủ chốt của các chiến binh IS.