tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh sáng 04-06-2016

  • Cập nhật : 04/06/2016

Nga muốn tung đặc nhiệm để chấm dứt xung đột ở Syria

Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài Al Jazeera hôm 2-6, một cựu quan chức Nga cho biết Moscow đang xem xét gửi đặc nhiệm tới Syria để chống lại các nhóm phiến quân trên mặt đất.

“Tổng thống Vladimir Putin có thể triển khai lực lượng đặc nhiệm chiến đấu trên mặt đất tới Syria. Động thái này sẽ đảm bảo một thắng lợi quyết định (cho Damascus)” - cựu quan chức Nga nói với đài Al Jazeera.

Tổng thống Putin được cho là đang thảo luận kế hoạch triển khai bộ binh tới Syria với các chỉ huy quân sự cấp cao. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Fyodorov xác nhận các cuộc thảo luận đang được xúc tiến.

Lực lượng sắp được triển khai này có thể là lực lượng đặc biệt hoặc các binh sĩ tình nguyện -những người sẵn sàng kề vai sát cánh chiến đấu cùng quân đội Syria và các đồng minh.

luc luong bo binh cua nga. anh: deadliestfiction.wikia.com

Lực lượng bộ binh của Nga. Ảnh: deadliestfiction.wikia.com

“Đây là một vấn đề nhạy cảm. Việc Nga triển khai bộ binh tham chiến dẫn đến những nghi ngờ làm phức tạp hoặc thúc đẩy quá trình đàm phán hòa bình cũng như khắc sâu bất đồng với Mỹ” - ông Fyodorov nói. Tuy nhiên vẫn có nhiều người ủng hộ và tin rằng việc triển khai này là cần thiết, theo quan chức trên.

“Từ quan điểm của Nga, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad nên kiểm soát 70% lãnh thổ trong nước. Đó là lý do tại sao vấn đề triển khai bộ binh trên mặt đất của Moscow đang trở nên thực tế hơn” - ông Fyodorov cho hay.

Dưới sự yểm trợ của quân đội Nga ở Syria từ ngày 30-9-2015, chính quyền Damascus đã đẩy lùi phiến quân trên nhiều mặt trận. Nhưng gần đây, tình hình không mấy khả quan cả ngoài chiến trường lẫn trên bàn đàm phán có thể là nguyên nhân khiến Nga đẩy mạnh hoạt động quân sự để cán cân nghiêng hẳn về phía đồng minh Syria.

Trong những tuần gần đây, vai trò của Moscow trên chiến trường Syria đã giảm đáng kể khi Tổng thống Putin muốn tạo cơ hội cho các cuộc đàm phán chính trị. Thông điệp này khá rõ ràng khi Nga gần như vắng mặt trong chiến dịch quân sự ở TP Aleppo hồi đầu tháng 5 vừa qua.

mot cuoc khong kich cua nga o syria nhin tu tren cao. anh: the moscow times

Một cuộc không kích của Nga ở Syria nhìn từ trên cao. Ảnh: The Moscow Times

Tuy nhiên, đến ngày 22-5, tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh cho biết Moscow đã thực hiện các cuộc không kích đầu tiên ở Aleppo kể từ khi Mỹ - Nga làm trung gian thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 2.

“Nga có ít sự lựa chọn. Bản thân họ không thể để mất Aleppo vì đó là con át chủ bài. Đồng thời, các bên khác sẽ lấy lại thế chủ động và Assad buộc phải chấp nhận những điều kiện không thuận lợi” - nhà phân tích chính trị Sergey Strokan nói với Al Jazeera.

Sự can thiệp quân sự của Nga ở Syria đã tiêu tốn hàng tỉ USD trong bối cảnh Nga đang trải qua đợt khủng hoảng kinh tế. Và Điện Kremlin chắc hẳn không muốn kéo dài cuộc chiến này.

Biện pháp triển khai lực lượng đặc nhiệm tác chiến trên mặt đất được đánh giá là nước cờ dứt điểm giúp chính phủ Syria cùng đồng minh phát động một trận chiến cuối cùng để chấm dứt xung đột.(PLO)


Tổng thống Obama: Mỹ đã đi quá xa trong chiến tranh Việt Nam

Tổng thống Barack Obama cho rằng Mỹ đã không xem xét thấu đáo hậu quả hành động trong chiến tranh Việt Nam, nhưng sau nhiều năm, hai nước đang thiết lập quan hệ đối tác mới. 
tong thong my barack obama hom qua phat bieu tai colorado springs. anh:reuters

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua phát biểu tại Colorado Springs. Ảnh:Reuters

"Như chúng ta thấy trong chiến tranh Việt Nam và Iraq, thường những tổn hại lớn nhất với uy tín của Mỹ xảy ra khi chúng ta đi quá xa, khi chúng ta không xem xét thấu đáo hậu quả từ tất cả những hành động của mình",AP dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua phát biểu trước khóa tốt nghiệp của Học viện Không quân Mỹ ở thành phố Colorado Springs, bang Colorado. 

Đây là bài diễn văn trong lễ tốt nghiệp thứ hai và cũng là cuối cùng của ông Obama tại học viện này trên cương vị tổng thống Mỹ. Ông Obama dành bài phát biểu để trấn an quân đội Mỹ rằng họ vẫn là lực lượng chiến đấu với ưu thế vượt trội của thế giới, ngầm phản bác những lời chỉ trích rằng lực lượng đã đi xuống dưới thời của ông.

Theo KRDO, bài phát biểu đề cập đến nhiều vấn đề, với chủ đề quan trọng nhất là nhìn thế giới một cách cân bằng và đưa ra những quyết định tốt dựa trên thực tiễn, đồng thời vẫn xét đến các giá trị Mỹ.

"Vị thế của chúng ta trên thế giới đang cao hơn. Tôi thấy điều đó trong các chuyến thăm của tôi từ Havana đến Berlin, tới thành phố Hồ Chí Minh, nơi các đám đông tụ tập dọc đường đi, một số vẫy cờ Mỹ. Vì vậy, chắc chắn, Mỹ đang có vị thế tốt hơn bất cứ nước nào khác trong thế kỷ 21", Obama cho hay, đề cập đến chuyến thăm Việt Nam hồi tuần trước.

Tổng thống Mỹ kêu gọi dùng mọi biện pháp, có sự dũng cảm để mở ra một con đường mới nếu muốn giành được cơ hội trong thời đại này. Ông lấy ví dụ việc đạt thỏa thuận hạt nhân bằng ngoại giao với Iran, bình thường hóa quan hệ với Cuba sau hơn nửa thế kỷ thù địch, và đề cập đến quan hệ Việt - Mỹ.

"4 thập kỷ sau những xung đột giữa chúng ta, Việt Nam và Mỹ đang xây dựng một quan hệ đối tác mới, cho thế giới thấy rằng hòa bình tốt hơn chiến tranh", Obama nói, trong tràng pháo tay từ phía khán giả.


Tổng thống mới đắc cử Philippines không xin lỗi dù gọi nhà báo là 'kền kền'

Tổng thống mới đắc cử Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ không xin lỗi vì gọi nhà báo là kền kền và cho rằng họ "đáng chết" nếu làm sai. 
ong duterte, tong thong moi dac cu cua philippines tu choi xin loi vi goi nha bao la "ken ken". anh: philstar

Ông Duterte, tổng thống mới đắc cử của Philippines từ chối xin lỗi vì gọi nhà báo là "kền kền". Ảnh: Philstar

Làn sóng chỉ trích gay gắt ông Duterte dấy lên sau cuộc họp báo mà ông gọi nhà báo là kền kền hôm 2/6, theo Reuters. Ông Duterte còn cho rằng nhiều nhà báo bị ám sát do họ đã tham nhũng. "Bạn sẽ không thể tránh khỏi cuộc ám sát nếu bạn là đồ chó đẻ", tổng thống mới đắc cử của Philippines hôm 30/5 tuyên bố. 

Dù bị chỉ trích, ông Duterte tuyên bố không xin lỗi. "Tôi chỉ nói cho các bạn biết tình hình. Thật nhảm nhí nếu tôi đi xin lỗi vì điều đó", người được mệnh danh là "Donald Trump châu Á" cho biết. Theo ông, có ba loại nhà báo: loại nói về mọi thứ và đưa nó tới công chúng; loại hai là "phát ngôn cho nhóm lợi ích" và loại ba là "kền kền đóng giả nhà báo".

Ông Duterte cảnh báo sẽ không thể đảm bảo an toàn cho các nhà báo tại Philippines. Ông cũng thừa nhận từng chi tiền và ưu đãi cho một số nhà báo, nhưng không coi đây là tham nhũng mà là "một phần của chiến dịch tranh cử". 

Theo Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ), ít nhất 75 phóng viên đã bị giết hại tại Philippines từ năm 1992 tới nay. Nhiều người trong số họ từng tham gia viết bài điều tra về nạn tham nhũng của quan chức. 


Trung Quốc lớn tiếng chỉ trích Philippines về vụ kiện biển Đông

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh về an ninh khu vực Shangri-La 2016, Trung Quốc bất ngờ lớn tiếng cáo buộc các định nghĩa Philippines sử dụng trong vụ kiện biển Đông.

Trước thềm Đối thoại Shangri-La 2016, phía Trung Quốc đã bất ngờ lớn tiếng chỉ trích Philippines đang tìm cách phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Chỉ trích của phía Trung Quốc nhắm đến lập luận từ Philippines trong vụ kiện đệ trình lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), theo đó mô tả đảo Ba Bình chỉ là bãi đá chứ không phải là một hòn đảo.

Bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chỉ trích: “Việc Philippines cố tình định nghĩa đảo Ba Bình là một bãi đá đã cho thấy mục tiêu thật sự của phiên tòa nhằm phủ nhận chủ quyền và các quyền liên quan của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa”.

Tuyên bố được đăng tải trên trang mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc: “Điều này vi phạm luật pháp quốc tế và hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Bà Hoa Xuân Oánh còn ngang ngược khẳng định ngư dân Trung Hoa “được ghi trong sử sách” đã sinh sống, đánh bắt cá, đào giếng, trồng trọt và xây nhà trên đảo Ba Bình.

bac kinh lon tieng chi trich philippines ve van de dao ba binh trong vu kien bien dong, ngay truoc them hoi nghi shangri-la 2016 (anh minh hoa)

Bắc Kinh lớn tiếng chỉ trích Philippines về vấn đề đảo Ba Bình trong vụ kiện biển Đông, ngay trước thềm Hội nghị Shangri-La 2016 (Ảnh minh họa)

Mặc dù chính quyền Bắc Kinh lớn tiếng chỉ trích Philippines về vấn đề đảo Ba Bình, hòn đảo hiện lại đang nằm trong sự kiểm soát của chính quyền Đài Bắc -Trung Hoa. Theo hãng tin Reuters, chính quyền Đài Bắc trong năm 2015 đã chi gần 100 triệu USD để nâng cấp cảng, cơ sở hạ tầng và xây dựng đường băng tên đảo Ba Bình.

Các bình luận quốc tế đều cho rằng những căng thẳng xoay quanh vấn đề biển Đông sẽ bao phủ Đối thoại Shangri-La năm nay. Trước đó, Bắc Kinh đã từ chối công nhận vụ kiện đệ trình bởi Philippies lên PCA về các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Phía Bắc Kinh luôn khẳng định các tranh chấp cần được giải quyết qua đối thoại song phương.

Trong vụ kiện của mình, Manila muốn tòa làm rõ về tính hợp pháp của các tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra trên biển Đông. Manila cũng lập luận rằng không có thực thể nào trong quần đảo Trường Sa, kể cả đảo Ba Bình, có thể được công nhận hợp pháp là một hòn đảo đủ khả năng duy trì sự sống. Theo đó, đảo Ba Bình cũng không có quyền áp đặt vùng 200 hải lý đặc quyền kinh tế (tương đương 370 km biển) xung quanh đảo.

Tháng 5-2016, có thông tin một nhóm chuyên gia Đài Loan đã bất ngờ đưa thêm lập luận can thiệp vào vụ kiện của Philippines. Phía chính quyền Đài Bắc - Trung Hoa gần đây cũng có những động thái mạnh mẽ trong vấn đề biển Đông, trong đó có việc ngang nhiên mời Philippines và trọng tài quốc tế đến đảo Ba Bình, hay có mong muốn triển khai thêm vũ khí ra hòn đảo.


Campuchia: Lãnh đạo đối lập trốn trong trụ sở để tránh bị bắt

Phó Chủ tịch Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập, ông Kem Sokha, đã ấn náu trong trụ sở đảng này 7 ngày qua để tránh bị bắt vì những cáo buộc mà ông này cho là vu khống.

Ông Kem Sokha đang bị truy lùng vì một số cáo buộc, trong đó có môi giới mại dâm.

Những cáo buộc này xuất phát từ một cuộc trò chuyện điện thoại bị bí mật ghi âm giữa ông Kem Sokha và một người phụ nữ. Chính phủ Campuchia nói hai người này có quan hệ bất chính.

Trong khi đó, ông Kem Sokha không khẳng định hoặc phủ nhận mình có quan hệ với người phụ nữ trên nhưng cáo buộc hành động chống lại ông mang động cơ chính trị.

Khoảng 100 người ủng hộ ông Kem Sokha ngày 2-6 tập trung trước trụ sở của CNRP giữa lúc căng thẳng ở thủ đô Phnom Penh gia tăng, nhất là sau khi cảnh sát đến tòa nhà này để bắt ông Kem Sokha hồi tuần trước.

ong kem sokha - pho chu tich dang cuu nguy dan toc campuchia (cnrp). anh: reuters

Ông Kem Sokha - Phó Chủ tịch Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP). Ảnh: REUTERS

Họ dường như chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài khi dựng hẳn một lều tạm ở phía trước của trụ sở CNRP. “Chúng tôi đang ở đây để bảo vệ ông ấy (ông Kem Sokha), không có vấn đề gì xảy ra. Chúng tôi sẵn sàng chết” - một nông dân tên Kem Sarun, 51 tuổi, đi suốt 70 km để đến Phnom Penh, nói.

Nghị sĩ CNRP Eng Chhay Eang cho biết ông Kem Sokha sẽ chỉ rời khỏi trụ sở sau khi có một giải pháp thỏa đáng với Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hun Sen.

Hãng tin Reuters dẫn lời phe đối lập cáo buộc Thủ tướng Hun Sen đang sử dụng hệ thống tư pháp để làm suy yếu họ và tránh lặp lại kết quả sít sao của cuộc bầu cử năm 2013. Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ lo ngại về căng thẳng giữa CPP và phe đối lập, đặc biệt là việc bắt giữ hoặc tìm cách giam giữ các chính trị gia.

Trước vụ ông Sokha, Chủ tịch CNRP Sam Rainsy sống lưu vong để tránh bị bắt vì tội phỉ báng.

Trong khi đó, chính phủ Campuchia tuyên bố tội phạm phải bị trừng phạt, đồng thời khẳng định những cáo buộc nhằm vào ông Sokha không mang động cơ chính trị.

CPP cũng cho biết sẽ không có thỏa hiệp nào về vụ việc và chính khách phải chịu trách nhiệm vì hành động của mình.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục