Trung Quốc đề xuất 4 điểm về trao đổi quân sự với NATO
Trung Quốc-Campuchia tuyên bố củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống
Bầu cử Mỹ 2016: Vẫn tiềm ẩn những kịch bản bất ngờ
Mỹ sẽ hành động nếu Trung Quốc xây dựng trái phép trên Scarborough
Quân đội Philippines chiếm trại huấn luyện của phiến quân
Tin thế giới đọc nhanh chiều 03-06-2016
- Cập nhật : 03/06/2016
Ai Cập bác tin nhượng lãnh thổ để lập nhà nước Palestine
Ngày 1/6, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry bác bỏ những tin đồn cho rằng nước này sẽ nhượng bộ một phần lãnh thổ để thành lập một nhà nước Palestine độc lập theo sáng kiến hòa bình Palestine-Israel do Pháp đề xuất.
Ngoại trưởng Shoukry đưa ra tuyên bố trên trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó đang có chuyến thăm tới quốc gia Kim Tự Tháp.
Ông Shoukry nhấn mạnh sáng kiến hòa bình của Pháp nhằm mục đích đưa Israel và Palestine quay trở lại bàn đàm phán và "không bao gồm việc trao đổi lãnh thổ" để tiến tới thành lập một nhà nước Palestine độc lập.
Trên các phương tiện truyền thông xã hội gần đây xuất hiện những tin đồn cho rằng sáng kiến của Pháp nhằm đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột giữa thế giới Arab với Israel có thể sẽ dựa trên việc hình thành một nhà nước Palestine độc lập trên một phần Bán đảo Sinai của Ai Cập, để đổi lấy việc Israel nhượng một phần sa mạc Negev cho Ai Cập.
Pháp đề xuất sáng kiến tổ chức một hội nghị quốc tế cấp ngoại trưởng tại Paris vào ngày 3/6 tới với sự tham gia của 26 quốc gia, trong đó có Ai Cập, Saudi Arabia, Jordan và Marocco, nhằm làm sống lại tiến trình hòa bình Trung Đông bị đình trệ từ năm 2014 đến nay.
Ai Cập đã nhiều lần tuyên bố ủng hộ những nỗ lực của các nước Arab và cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kéo dài hàng thập kỷ qua giữa Palestine và Israel, trong đó có sáng kiến của Pháp và Sáng kiến hòa bình Arab được Liên đoàn Arab đưa ra năm 2002.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi cũng đã kêu gọi lãnh đạo Israel và Palestine nắm bắt những "cơ hội thực sự" nhằm kiến tạo hòa bình tại khu vực, nhấn mạnh rằng "hòa bình, thịnh vượng và hợp tác sẽ chỉ diễn ra nếu cả hai bên có thể đạt được một giải pháp hai nhà nước".
Myanmar "mở cửa" cho các nhân vật tị nạn chính trị về nước
Bộ Ngoại giao Myanmar ngày 1/6 cho biết sẽ rà soát lại “danh sách đen” các nhân vật bất đồng chính kiến dưới thời chính quyền quân sự và sẽ cho phép những người tị nạn chính trị ở nước ngoài trở về.
Theo ông Kyaw Zeya, Tổng Vụ trưởng Vụ Chính trị thuộc Bộ Ngoại giao Myanmar, việc ra soát danh sách trên là ưu tiên hàng đầu của bộ này, hiện do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.
Việc Myanmar cho phép các nhân vật tị nạn chính trị trở về nước có thể sẽ giúp bổ sung đáng kể số lượng các chuyên gia có tên tuổi trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Nhiều người trong số họ giờ đã trở thành công dân các nước Phương Tây và bị mất quốc tịch Myanmar nên phải xin thị thực nhập cảnh.
Tuy nhiên, ông Kyaw Zeya lại không nắm rõ số người hiện vẫn nằm trong danh sách này.
Hồi tháng 8/2012, khi cựu Tổng thống Thein Sein xóa tên 2.082 người khỏi danh sách cấm nhập cảnh, nhiều người phát hiện họ vẫn bị nằm trong danh sách này với cách viết khác.
"Được lời" của Philippines về Biển Đông, Trung Quốc hả hê đáp lễ
Trung Quốc đang vui mừng "ra mặt" trước đề xuất từ phía chính phủ mới của Tân tổng thống Philippines về việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Truyền thông thế giới đều thống nhất quan điểm cho rằng, Tổng thống mới đắc cử của Philippines Rodrigo Duterte dường như đang muốn xoa dịu các căng thẳng với Trung Quốc, một trong số đó là việc "mở lời" về các cuộc đàm phán song phương về các tranh chấp ở Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn báo giới ngày 31/5, Duterte tuyên bố quốc gia của ông sẽ không phụ thuộc vào đồng minh lâu đời là Mỹ trong việc ứng xử với Trung Quốc.
Trước các câu hỏi của phóng viên rằng, liệu ông có thúc đẩy đàm phán song phương với Bắc Kinh hay không, Duterte nói:
"Chúng tôi có thỏa thuận với phương Tây, nhưng tôi muốn mọi người biết rằng, chúng tôi sẽ tự giải quyết theo cách của mình. Philippines sẽ không phụ thuộc vào Mỹ. Manila không có ý định làm vừa lòng bất cứ ai mà chỉ vì lợi ích củaPhilippines mà thôi".
Đồng thời, ông này kêu gọi Trung Quốc tôn trọng vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý của các quốc gia láng giềng, theo đúng luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Philippines sắp được bổ nhiệm Perfecto Yasay cũng phát biểu, các cuộc đàm phán song phương giữa Manila và Bắc Kinh có thể sẽ giúp tháo gỡ các tranh chấp ở Biển Đông, "không có cách nào khác ngoài (đàm phán) song phương".
Những tuyên bố trên của Philippines đã khiến Trung Quốc rất hài lòng, nhất là trong bối cảnh các hành động bồi đắp trái phép của nước này ở Biển Đông đang bị cộng đồng thế giới lên án mạnh mẽ, và vụ kiện với Manila - vốn không có lợi cho Bắc Kinh, sắp đi tới hồi kết.
Trong cuộc họp báo thường kỳ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho hay, Trung Quốc hi vọng chính phủ mới ở Philippines sẽ quay trở lại đối thoại với quốc gia này. "Trung Quốc hoan nghênh bình luận của ông Yasay".
Bà Hoa ngang nhiên viện dẫn, các nhà lãnh đạo trước đây của 2 quốc gia này đã thống nhất trong các cuộc gặp gỡ cũng như trong các văn bản chính trị song phương rằng, tranh chấp trên Biển Đông có thể được giải quyết hòa bình thông qua đối thoại trực tiếp, và chính điều đó đã giúp kiềm chế các tranh chấp trong một thời gian dài.
"Chúng tôi hi vọng chính phủ mới ở Philippines có thể giữ các cam kết của mình và quay trở lại đối thoại với Trung Quốc nhằm giải quyết một cách hợp lý các tranh chấp, góp phần vào sự phát triển ổn định và lành mạnh của mối quan hệ song phương".
Đối thoại Shangri-La khai mạc tại Singapore: Biển Đông sẽ là tâm điểm
Diễn đàn an ninh thường niên lớn nhất châu Á sẽ khai mạc hôm nay 3/6 tại Singapore, với các chủ đề trọng tâm là tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, các hành động quân sự của Triều Tiên và chủ nghĩ Hồi giáo cực đoan.
Các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông được dự đoán sẽ bị chỉ trích mạnh mẽ tại diễn đàn (Ảnh: Reuters)
Đối thoại Shangri-La, một hội nghị thượng đỉnh an ninh hàng đầu khu vực được Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London tổ chức, sẽ có sự tham dự của ít nhất 20 bộ trưởng quốc phòng các nước, giám đốc điều hành của IISS tại châu Á Tim Huxley cho hay.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha, một cựu quan chức quân đội lên nắm quyền cách đây 2 năm, dự kiến có bài phát biểu quan trọng để khai mạc diễn đàn.
Ngoài chủ đề các hành động quân sự của Triều Tiên và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong khu vực, tranh chấp Biển Đông dự kiến sẽ là một trọng tâm của các cuộc thảo luận, giữa lúc Trung Quốc gia tăng các hành động bành trướng trong khu vực.
Diễn đàn cũng là nơi để quan chức quân sự các nước hội thảo kín.
Các diễn đàn những năm trước đã chứng kiến các cuộc “đấu khẩu” công khai giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter ngày 2/6 đã tới Singapore để tham gia Đối thoại Shangri-La.Sự hiện diện của ông Carter nằm trong một nỗ lực ngoại giao lớn hơn của Mỹ nhằm xây dựng và duy trì các liên minh ở châu Á-Thái Bình Dương, mà Mỹ xem là đóng vai trò quan trọng đối với các lợi ích an kinh và kinh tế lâu dài của chính nước này.
Chuyến đi tới Singapore lần này là chuyến công du thứ 5 của ông Carter tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi ông gọi là khu vực quan trọng nhất đối với tương lai nước Mỹ, kể từ khi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tháng 2/2015.
Những tuyên bố cứng rắn của Mỹ
Trong năm qua, Trung Quốc đã gia tăng các cuộc tuần tra hàng hải trên khắp Biển Đông và xây dựng một loạt các đảo nhân tạo phi pháp .
Ông Carter đã lên tiếng rất mạnh mẽ về các động thái quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và chỉ mới tuần trước đã cảnh báo Bắc Kinh đang có nguy cơ xây “Vạn Lý Trường Thành tự cô lập”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã lên tiếng rất mạnh mẽ về các động thái quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông (Ảnh: AFP)
Không có cuộc gặp chính thức nào giữa Mỹ và Trung Quốc tại Shangri-La, nơi ông Carter sẽ có bài phát biểu quan trọng vào thứ Bảy.
Trung Quốc đã bóng gió về chuyện có thể sớm tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Bắc Kinh đã làm điều tương tự 2 năm trước ở Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo tranh chấp với Nhật.
“Tất nhiên chúng tôi sẽ rất quan ngại về tuyên bố của Trung Quốc đối với một ADIZ”, một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho hay. “Việc tuyên bố ADIZ trên vùng lãnh thổ tranh chấp là hành động khiêu khích”.
Tuy nhiên, quan chức trên cũng khẳng định “một tuyên bố như vậy không ảnh hưởng tới các hoạt động quân sự của chúng tôi”. Quân đội Mỹ đã tiến hành vài cuộc tuần tra tự do hàng hải bằng cách điều tàu và máy bay đi qua các khu vực Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền để chứng tỏ rằng Mỹ không công nhận các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.
Washington cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của các mối quan hệ với các đối tác khu vực để đối trọng với các hành động của Trung Quốc.
Trong khi đó, căng thẳng ở Biển Đông được dự đoán sẽ đẩy chi tiêu quốc phòng tại châu Á-Thái Bình Dương tăng gần 25% từ năm 2015 lên khoảng 533 tỷ USD vào năm 2020, tạp chí quốc phòng IHS Jane'scho biết trong một nghiên cứu công bố ngày 2/6.
“Đến năm 2020, trung tâm thu hút chi tiêu quốc phòng dự kiến sẽ tiếp tục chuyển dịch từ các quốc gia đang phát triển ở Tây Âu và Bắc Mỹ sang các thị trường đang nổi, đặc biệt tại châu Á”, giám đốc IHS Jane'sPaul Burton cho hay.
Mỹ vẫn quyết triển khai lá chắn tên lửa tại Hàn Quốc dù Trung Quốc phản đối
Các kế hoạch nhằm triển khai Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc vẫn đang tiến triển và một tuyên bố về vấn đề này sẽ sớm được đưa ra, giới chức cấp cao của Mỹ ngày 2/6 tiết lộ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã cho biết với các phóng viên trên đường tới dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore, nơi ông sẽ gặp người đồng cấp Hàn Quốc, rằng các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên đã cho thấy sự cần thiết của các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến, dù các vụ thử không thành công.
“Đã có 5 vụ thử thất bại liên tiếp tại đó, nhưng... phần lớn thế giới vẫn quan ngại về các hoạt động tên lửa của Triều Tiên”, ông Carter nói sau khi giới chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết vụ thử tên lửa tầm trung Musudan của Triều Tiên hôm 31/5 đã không thành công.
“Dù kết quả của vụ thử có thế nào thì vẫn có một sự thật là họ đang cố gắng đưa các tên lửa bay được - đó là điều quan trọng”, người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh.
Ông Carter cho biết việc triển khai THAAD dự kiến sẽ được thảo luận trong cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc vào thứ Bảy tuần này bên lề Đối thoại Shangri-La thường niên ở Singapore. “Nhưng đó không phải là điều chúng tôi cần thảo luận nhiều vì các kế hoạch vẫn đang tiến triển”, ông nhấn mạnh.
Ông Carter cũng bác bỏ các lo ngại của Trung Quốc rằng việc triển khai các radar của hệ thống THAAD trên bán đảo Triều Tiên có thể ảnh hưởng tới cán cân sức mạnh thông qua việc giảm sự răn đe chiến lược của hệ thống tên lửa đạn đạo của Bắc Kinh.
Lâu nay, Trung Quốc luôn phản đối kế hoạch đưa hệ thống tên lửa hiện đại THAAD tới Hàn Quốc. Bắc Kinh lo ngại hệ thống sẽ đe dọa các lợi ích an ninh của mình.
“Đây là một quyết định của liên minh, một quyết định của cả Mỹ và Hàn Quốc, vốn sẽ bảo vệ cả hai nước khỏi một cuộc tấn công tên lửa của Triều Tiên. Việc thực thi sẽ bao gồm một loạt các quyết định mà chúng tôi sẽ thực hiện cùng nhau và nó nhằm bảo vệ chính chúng tôi khỏi Triều Tiên. Tất cả mọi người nên hiểu điều đó”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố.
Các quan chức quốc phòng cấp cao khác của Mỹ cho hay vẫn còn nhiều vấn đề kỹ thuật cần vượt qua nhưng “chúng tôi sẽ có một tuyên bố công khai sớm thôi. Chúng tôi đang trong quá trình tiếp tục thảo luận về việc triển khai và sẽ có tuyên bố khi sẵn sàng”, một quan chức Mỹ giấu tên nói.
Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu các cuộc thảo luận chính thức về việc triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 5 hồi tháng 1 năm nay và phóng rocket vào vũ trụ tháng sau đó mà phương Tây nghi ngờ là vỏ bọc cho một chương trình phát triển tên lửa đạn đạo.
THAAD, do tập Lockheed Martin phát triển, được thiết kế nhằm đánh chặn và phá hủy các tên lửa đạn đạo ở bên trong hay ngay bên ngoài khí quyển trong giai đoạn cuối của hành trình bay. Cho tới nay, hệ thống đã chứng tỏ sự hiệu quả đối với các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.