Mỹ kiện chính phủ Malaysia để tịch thu 1 tỉ USD tài sản
Australia phá 'âm mưu khủng bố' ở đồn cảnh sát
Bà Aung San Suu Kyi sắp sang Mỹ
Số phận kho vũ khí hạt nhân Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính
Tàu ngầm hạt nhân Anh va phải tàu chở hàng khi tập luyện
Tin thế giới đọc nhanh 21-07-2016
- Cập nhật : 21/07/2016
Campuchia điều tra âm mưu đảo chính lật đổ Thủ tướng Hun Sen
Quân đội Campuchia đang điều tra một âm mưu đảo chính nhằm lật đổ chính quyền của Thủ tướng Hun Sen.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) tổ chức tại Mông Cổ hôm 16/7. Ảnh: Reuters.
Reuters hôm nay dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Sucheat cho biết cuộc điều tra tập trung vào Vichea Som, người đã công bố kế hoạch lật đổ ông Hun Sen qua Facebook và Youtube.
Trong video, Vichea Som mặc âu phục, thắt cà vạt rằn ri. Som cáo buộc chính quyền của ông Hun Sen "đứng sau các vụ chiếm đất của dân chúng, sát hại quan chức cấp cao và vi phạm nhân quyền".
Som kêu gọi các lực lượng ở Campuchia đứng lên chống lại điều mà ông cho là "chính quyền độc tài", song ông không nói về một cuộc đảo chính hoặc đe dọa đảo chính. Địa điểm Som chọn quay video được cho là thuộc về một đơn vị quân đội đóng tại phía tây nam Campuchia.
Mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện một tài khoản mang tên Vichea Som với các hình ảnh giống người đàn ông trong video. Chủ tài khoản không trả lời các câu hỏi về đảo chính.
Vài tháng qua, căng thẳng giữa ông Hun Sen và các đối thủ đã gia tăng do Campuchia sẽ bước vào cuộc bầu cử địa phương vào năm sau và tổng tuyển cử năm 2018. Một số lãnh đạo đảng đối lập bị bắt giam và họ cho rằng đây là chiến dịch đàn áp của chính phủ trước các tiếng nói chỉ trích.
Hôm 10/7, Kem Ley, người nổi tiếng với các chỉ trích nhằm vào ông Hun Sen bị ám sát tại thủ đô Phnom Penh. Cơ quan điều tra Campuchia cho biết ông Kem Ley có thể bị giết do nợ tiền, song các nhà hoạt động chính trị cho rằng vụ án mang động cơ chính trị.
Kem Ley chỉ trích cả chính phủ Campuchia và các đảng đối lập nhưng chủ yếu là nhằm vào đảng cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen. Ông ủng hộ một kỷ nguyên chính trị trong sạch tại Campuchia.
Tin về âm mưu đảo chính được đưa ra một ngày sau khi quan chức cấp cao Mỹ về vấn đề nhân quyền kêu gọi các đối thủ chính trị của chính quyền ông Hun Sen nên quay lại đàm phán trong bối cảnh "tình hình đang xấu đi".
Báo Myanmar cảnh báo về sự có mặt của IS ở Đông Nam Á
Nhật báo Myanmar Times vừa đăng bài viết của nhà báo kỳ cựu Roger Mitton cảnh báo về khả năng xảy ra các vụ tấn công khủng bố quy mô lớn và đẫm máu tại khu vực Đông Nam Á do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện.
Theo các chuyên gia, khu vực Đông Nam Á có thể sẽ sớm chứng kiến các cuộc tấn công tàn sát như kiểu vụ tấn công khủng bố gần đây tại Istanbul và Paris, hay một thảm kịch như vụ 11-9 tại New York. Đặc biệt, IS đang thúc giục những người cảm tình với chúng ở khu vực Đông Nam Á cầm vũ khí trong khi vẫn hoạt động chủ yếu tại Syria và Iraq. Hôm 22-6, một đoạn video của IS đã hô hào các tín hữu cộng tác với các chiến binh của tổ chức này tại nhiều điểm nóng như Đông Bắc Malaysia, Aceh và Sulawesi ở Indonesia, Brunei, miền Nam Thái Lan và có thể là bang Rakhine của Myanmar.
Các phần tử Hồi giáo chọn phát động một cuộc tấn công lớn Đông Nam Á thay vị mục tiêu ở phương Tây bởi sự dễ dàng khi tấn công ở khu vực này. Ví dụ như ngày 5-7 tại thành phố Solo của Indonesia, một kẻ đánh bom có quan hệ với IS đã thâm nhập được vào một đồn cảnh sát. Vụ tấn công khiến kẻ đánh bom thiệt mạng và một cảnh sát bị thương, diễn ra chỉ một tháng sau vụ 4 tay súng IS tấn công một trung tâm mua sắm ở Jakarta, giết chết 4 dân thường và làm bị thương 23 người.
Vào ngày 28-6, đã xảy một cuộc tấn công bằng lựu đạn vào một quán bar ngoại ô Kuala Lumpur làm 8 người bị thương khi đang xem một trận bóng đá Euro 2016. Nhà chức trách Malaysia sau đó tiết lộ rằng 2 trong số những phần tử IS tấn công là cảnh sát.
Thái Lan cũng không ngừng bị khuấy động bởi các vụ đánh bom khủng bố ở ba tỉnh phía Nam, nơi cộng đồng Hồi giáo chiếm đa số. Trong tháng lễ Ramadan mới đây, các cuộc tấn công như vậy đã làm 32 người thiệt mạng.
Tương tự, các cuộc tấn công có liên quan đến IS đã tăng mạnh ở Philippines, nơi các vụ bắt cóc và hành quyết các con tin đã cho thấy khả năng kiểm soát tình hình của chính phủ thậm chí còn tồi tệ hơn ở miền Nam Thái Lan.
Trong khi đó, IS thể hiện sự chú ý tới Myanmar bằng một thông điệp hô hào trên tạp chí trực tuyến Dabiq của tổ chức này. Những thanh niên người Rohingya đang bị giam cầm trong các trại tị nạn ở bang Rakhine (Myanmar) sẽ ngày càng cảm thấy những thông điệp trên có sức thuyết phục không cưỡng lại được. Nếu các giải pháp tổng thể, bao quát không được thực hiện trên toàn Đông Nam Á, thì các vụ đánh bom, nổ súng rải rác có liên quan đến IS trong khu vực mới chỉ là các dấu hiệu ban đầu. Sau này sẽ xảy ra những vụ tấn công lớn hơn.
Bà Aung San Suu Kyi gặp đại diện các nhóm sắc tộc vũ trang
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á, ngày 17/7, Cố vấn Nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, đã có cuộc gặp mang tính lịch sử với đại diện các nhóm sắc tộc vũ trang trong nỗ lực nhằm tổ chức thành công hội nghị hòa bình liên bang và đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với các nhóm sắc tộc thiểu số vốn đã chiến đấu chống lại quân đội quốc gia suốt nhiều thập kỷ qua.
Trước cuộc gặp, ông Zaw Htay, Phó Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống thông báo với giới truyền thông rằng bà Suu Kyi và các quan chức thân cận sẽ có cuộc thảo luận với 5 nhà lãnh đạo của Hội đồng Sắc tộc Liên bang, để tiếp nhận quan điểm của các nhóm này về tiến trình hòa bình ở Myanmar.
Đây là tổ chức đại diện cho cả các nhóm đã ký và chưa ký Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc (NCA).
Bà Aung San Suu Kyi (giữa) cùng các nghị sỹ trong phiên họp Quốc hội ở Nay Pyi Taw ngày 22/3. (Nguồn: THX/TTXVN)
Đặc biệt, trong số các đại biểu dự họp có Tướng N’Ban La của Tổ chức Kachin Độc lập, cánh chính trị của nhóm sắc tộc vũ trang Kachin hùng mạnh nhất và chưa ký NCA.
Kể từ khi lên nắm quyền, Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đã coi việc tạo dựng hòa bình, chấm dứt xung đột là ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới.
Theo giới phân tích, đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn cho chính phủ mới của Myanmar do sự nghi kỵ giữa các nhóm sắc tộc thiểu số và giữa các nhóm này với quân đội chính phủ đã hằn sâu sau mấy mươi năm xung đột.
Kể từ khi giành độc lập năm 1948, Myanmar luôn bị xáo động bởi các cuộc xung đột vũ trang đẫm máu do các nhóm sắc tộc thiểu số muốn giành quyền tự trị lớn hơn với chính phủ liên bang do người tộc Bamar chiếm đa số kiểm soát.
Chính phủ của bà Suu Kyi đã thông báo sẽ tổ chức một hội nghị hòa bình liên bang, được gọi là “Hội nghị Panglong của thế kỷ 21” với sự tham gia của hầu hết các nhóm sắc tộc vũ trang.
Tại phiên họp ngày 5/7 của Ủy ban trù bị Hội nghị Hòa bình Liên bang tại thủ đô Nay Pyi Taw, bà Suu Kyi đã nhấn mạnh rằng công cuộc hòa giải sẽ không chỉ được tiến hành giữa chính phủ và các nhóm vũ trang, mà còn giữa chính phủ và các cộng đồng sắc tộc./.
Lính đảo chính lùng bắt tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vì được lệnh diệt 'khủng bố'
Lính đảo chính cho biết họ được lệnh đi bắt một trùm khủng bố trước khi tấn công vào nơi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang đi nghỉ dưỡng vào đêm 15/7.
Theo hãng thông tấn Anadolu, các nguồn tin an ninh giấu tên cho biết các binh sĩ bị nghi tham gia vào cuộc đảo chính đã bị thẩm vấn tại thành phố ven biển Izmir hôm 18/7.
Những binh sĩ tấn công khách sạn mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và gia đình ông ở khi đi nghỉ mát khai rằng họ được lệnh phải "bắt một trùm khủng bố quan trọng".
Trong khi 40 binh sĩ đặc nhiệm được trực thăng đưa vào một căn cứ không quân với lệnh tấn công một khu nghỉ mát ở tây nam Marmaris, nơi ông Erdogan đang ở, tư lệnh ở Aegean đã ra một lệnh khác, yêu cầu lính dưới quyền không hỗ trợ binh sĩ đảo chính.
Tuy nhiên, đại tá Ramazan Elmas, chỉ huy căn cứ không quân ở Izmir, đã cho những binh sĩ đặc nhiệm nói trên bay khỏi căn cứ.
Một số binh sĩ tiết lộ rằng khi ở trên không, họ mới được thông báo về cuộc đảo chính quân sự.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu binh sĩ tiến hành cuộc tấn công. Họ đã giết hai vệ sĩ của ông Erdogan. Ông Erdogan nói trong cuộc phỏng vấn với CNNrằng nếu ông nán lại trong khách sạn thêm 10 hoặc 15 phút, ông sẽ bị giết hoặc bị bắt. Sau khi cuộc tấn công thất bại, quân đảo chính chạy trốn vào rừng, các nguồn tin cho biết.
Hơn 290 người thiệt mạng và khoảng 1.400 người bị thương do bạo lực đêm 15/7, khi một nhóm binh sĩ điều khiển xe tăng, trực thăng tấn công, chiến đấu cơ để đảo chính nhưng không thành công. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sĩ Fetullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ tổ chức âm mưu đảo chính thông qua một mạng lưới những người ủng hộ trong quân đội, tuy nhiên, ông Gulen bác bỏ cáo buộc này.
Syria tố Pháp không kích khiến 120 dân thường thiệt mạng
Theo hãng thông tấn SANA, trong tuyên bố gửi LHQ và các tổ chức trực thuộc, Bộ Ngoại giao Syria cho biết các máy bay chiến đấu của Pháp thuộc liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu đã không kích làng Tukhan al-Kubra phía bắc thị trấn Manbej, tỉnh Aleppo sáng 19-7. Bộ Ngoại giao Syria gọi đây là vụ “thảm sát đẫm máu” đối với dân thường nơi đây.
“Cuộc không kích của Pháp đã giết chết 120 sinh mạng dân thường, phần lớn họ là trẻ em, phụ nữ và người lớn tuổi” - tuyên bố Bộ Ngoại giao Syria viết. Tuyên bố cho biết thêm số phận của hàng chục ngàn dân thường khác chưa rõ.
Cuộc không kích của Pháp ở Aleppo, Syria khiến 120 dân thường thiệt mạng. Nguồn: Middle East Observer
Trước đó ngày 18-7, các chiến đấu cơ Mỹ đã tiến hành không kích ở Manbej khiến 20 dân thường thiệt mạng. Bộ tái khẳng định các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu tại Syria là "bất hợp pháp”, cáo buộc liên quân chống lại dân thường vô tội và cơ sở hạ tầng thay vì nhóm khủng bố.
Đồng thời Bộ nhấn mạnh “Bất kỳ ai muốn tham gia cuộc chiến chống khủng bố phải hợp tác với chính phủ Syria”.
Manbej là một vị trí quan trọng chiến lược cho quân nổi dậy do Mỹ dẫn đầu nhờ vào vị trí gần Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ tháng 5 vừa qua, liên quân do Mỹ đứng đầu đã tăng cường không kích, hỗ trợ các lực lượng dân chủ Syria (SDF) gồm các nhóm vũ trang người Kurd và Arab nhằm giành quyền kiểm soát thị trấn Manbej từ tay IS. Nếu giành lại được thị trấn này, IS sẽ mất một thành trì chủ chốt.