tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 04-06-2016

  • Cập nhật : 04/06/2016

Trung Quốc tuyên bố tập trận trên biển với Mỹ

Trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông, Trung Quốc vừa xác nhận việc các tàu chiến nước này vẫn tham gia cuộc tập trận hải quân quy mô lớn do Mỹ tổ chức.

bo quoc phong trung quoc vua xac nhan van tham gia tap tran rimpac nam nay tai hawaii, my - anh: ap

Bộ quốc phòng Trung Quốc vừa xác nhận vẫn tham gia tập trận RIMPAC năm nay tại Hawaii, Mỹ - Ảnh: AP

Theo Indian Express, phía Trung Quốc cho biết hải quân nước này sẽ điều 5 tàu tham gia cuộc tập trận trên biển do Mỹ tổ chức mùa hè năm nay, bất kể những mâu thuẫn đang căng thẳng giữa hai cường quốc về vấn đề Biển Đông.

Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (gọi tắt là RIMPAC) là cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới được tổ chức hai năm một lần tại Hawaii trong tháng 6 và tháng 7.

Giới phản biện trong chính quyền tổng thống Obama, trong đó có thượng nghị sỹ John McCain cho rằng Mỹ cần ngăn không cho Trung Quốc tham gia cuộc tập trận này nhằm chứng tỏ thái độ không đồng tình của Mỹ trước các động thái quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.

Thời gian qua, Mỹ và các quốc gia đồng minh liên tục bày tỏ thái độ quan ngại trước các hành vi cải tạo đảo, tăng cường hiện diện quân sự cũng như những hành vi khiêu khích khác của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tuy nhiên bất chấp điều này, trong thông cáo đưa ra vào chiều muộn ngày 2-6, Bộ quốc phòng Trung Quốc đã xác nhận việc đội tàu của họ trong đó có 2 tàu chiến và một tàu cứu thương sẽ tham gia các chương trình tập trận bắn đạn thật, chống cướp biển, tìm kiếm cứu hộ và nhiều hoạt động khác.

Trung Quốc từng tham gia tập trận RIMPAC năm 2014 với hơn 20 nước khác, nhưng giới chức quốc phòng cho biết các hoạt động họ tham gia chỉ giới hạn trong những lĩnh vực như cứu trợ nhân đạo và tìm kiếm cứu hộ trên biển.


Ngư lôi mới đối phó tàu chiến Nga - Trung của hải quân Mỹ

Hải quân Mỹ bắt đầu sản xuất biến thể mới nhất của ngư lôi hạng nặng Mk-48 nhằm giành ưu thế trên biển trước các tàu chiến hiện đại của đối phương.
ngu loi mk-48 cua hai quan my. anh: military

Ngư lôi Mk-48 của hải quân Mỹ. Ảnh: Military

Hải quân Mỹ và hãng Lockheed Martin đang nâng cấp loại ngư lôi hiện đại Mk-48 lên phiên bản Mod 7 nhằm giúp các tàu chiến của họ đối phó hiệu quả hơn với các tàu ngầm và tàu mặt nước của Nga, Trung Quốc, theo National Interest.

"Tập đoàn đã đầu tư 10 triệu USD để phát triển những công nghệ kiểm soát và dẫn đường mới cho ngư lôi Mk-48, giúp hải quân đối phó hiệu quả với các mối đe dọa trên mặt nước và sâu dưới lòng đại dương", Tom Jarbeau, giám đốc chương trình Mk-48 của tập đoàn Lockheed khẳng định.

Ngư lôi Mk-48 được biên chế vào hải quân Mỹ năm 1971, đã trải qua nhiều đợt nâng cấp và luôn là vũ khí diệt hạm và chống ngầm chủ lực của hạm đội tàu ngầm Mỹ.

Mk-48 có chiều dài 5,8 m, đường kính 53 cm, nặng 1.676 kg, được gắn đầu đạn sức công phá lớn nặng 292,5 kg với tầm bắn hiệu quả trên 8 km. Ngư lôi này sử dụng động cơ Otto Fuel II, trang bị hệ dẫn đường CBASS, có thể hoạt động ở độ sâu tối đa trên 365 m với vận tốc 10,2 m/s.

Mk-48 được trang bị hệ thống dẫn đường chủ động và bị động, có khả năng đánh chìm các tàu chiến có tốc độ và khả năng linh hoạt cao cùng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân ở vùng nước sâu.

Phiên bản cải tiến Mod 7 của ngư lôi Mk-48 được trang bị hệ thống sonar có băng thông rộng hơn, giúp nó tiếp nhận các tín hiệu ở dải tần số rộng hơn và xử lý chúng để nâng cao khả năng tìm kiếm, xác định mục tiêu và độ chính xác của ngư lôi.

Ngoài ra, ngư lôi Mk-48 Mod 7 còn có thể vượt qua các hệ thống đánh chặn của đối phương. Một tính năng quan trọng của phiên bản nâng cấp này là nó cho phép nâng cấp phần cứng và phần mềm dễ dàng.

Dave Majumdar, chuyên gia phân tích quốc phòng của National Interest, cho rằng gói nâng cấp Mod 7 cũng có thể được sử dụng để nâng cấp các vũ khí cũ khác của hải quân theo tiêu chuẩn mới. Theo kế hoạch, Lockheed Martin sẽ bàn giao 20 phiên bản Mod 7 CBASS cho hải quân Mỹ mỗi tháng và tập đoàn này hy vọng bán được 250 ngư lôi cho hải quân Mỹ trong 5 năm tới.


LHQ liệt Saudi Arabia vào danh sách vi phạm quyền trẻ em

 Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon chỉ trích liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu trong cuộc chiến tại Yemen vì đã giết và làm bị thương trẻ em.

mot toa nha tai yemen bi hu hai nang sau mot cuoc khong kich do luc luong saudi arabia dan dau - anh: reuters

Một tòa nhà tại Yemen bị hư hại nặng sau một cuộc không kích do lực lượng Saudi Arabia dẫn đầu - Ảnh: Reuters

LHQ cũng thêm nước này vào danh sách đen các nhóm vũ trang và vi phạm quyền trẻ em thường niên.

Theo báo cáo công bố hôm 2-6 của ông Ban Ki Moon, liên minh trên phải chịu trách nhiệm cho 60% trường hợp trẻ em tử vong và thương tật ở Yemen trong năm 2015, bao gồm 510 trẻ thiệt mạng và 667 trẻ bị thương.

Ông Ban Ki Moon cũng cáo buộc một nửa các cuộc tấn công của liên minh đã nhằm vào các trường học và bệnh viện.

Liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã bắt đầu một chiến dịch quân sự tại Yemen hồi tháng 3-2015 với mục đích ngăn chặn phiến quân Houthi và lực lượng trung thành với cựu tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh giành quyền kiểm soát đất nước.

Ông Ban Ki Moon cũng cho biết cả Houthi lẫn liên minh do Saudi dẫn đầu đều vi phạm quyền trẻ em và phải chịu trách nhiệm cho việc giết hại và làm bị thương trẻ em.

Phiến quân Houthi, lực lượng quân đội thuộc Chính phủ Yemen và phiến quân thân Chính phủ Yemen đều nằm trong danh sách đen của LHQ trong 5 năm qua.

Bên cạnh các bên tham chiến tại Yemen, LHQ cũng liệt kê các nhóm vũ trang ở Afghanistan, Cộng hòa dân chủ Congo, Cộng hòa Trung Phi, Iraq, Mali, Myanmar, Somalia, Nam Sudan, Sudan, Syria, Colombia, Nigeria và Philippines vào danh sách đen.


Những vấn đề nóng tại diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á

Các chủ đề như tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, hoạt động quân sự của Triều Tiên hay làn sóng Hồi giáo cực đoan được dự đoán sẽ nóng tại Đối thoại Shangri-la năm nay.
bo truong quoc phong my ashton carter phat bieu tai doi thoai shangri-la nam ngoai. anh: us department of defense

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại Đối thoại Shangri-la năm ngoái. Ảnh: US Department of Defense

Diễn đàn an ninh thường niên lớn nhất châu Á Đối thoại Shangri-la hôm nay khai mạc ở Singapore. Ít nhất 20 bộ trưởng từ các nước sẽ tham dự sự kiện. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng có mặt, AFP dẫn lời ông Tim Huxley, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), trụ sở ở London, đơn vị tổ chức hội nghị, nói.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lần vào vùng biển nhiều nước ASEAN, bao gồm Malaysia, Philippines, Brunei và Việt Nam. Điều này vấp phải sự phản đối của các láng giềng Đông Nam Á, đồng thời cũng xung đột với những định hướng của Mỹ tại khu vực. Washington đã điều tàu tuần tra tiếp cận gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép ở Biển Đông nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải tại tuyến giao thương nhộn nhịp và quan trọng bậc nhất thế giới này.

Giới chuyên gia nhận định vấn đề Biển Đông vẫn sẽ tiếp tục đốt nóng Đối thoại Shangri-la năm nay.

"Hiện tồn tại rất nhiều đồn đoán về các bước đi tiếp theo của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là trong bối cảnh Tòa trọng tài The Hague sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, thách thức quan điểm cũng như hoạt động mà Trung Quốc thực hiện tại đây", ông Huxley chia sẻ trước thềm hội nghị.

Căng thẳng ở Biển Đông được dự báo sẽ tăng chi tiêu quân sự của châu Á - Thái Bình Dương lên khoảng 25% từ năm 2015 - 2020, lên mức 533 tỷ USD, theo một nghiên cứu do tạp chí quốc phòng IHS Jane's đăng tải.

"Đến năm 2020, lực hấp dẫn chi tiêu quốc phòng dường như sẽ tiếp tục rời khỏi các nền kinh tế phát triển ở Tây Âu và Bắc Mỹ, chuyển sang các thị trường mới nổi, đặc biệt là châu Á", ông Paul Burton, giám đốc IHS Jane's, đánh giá.

Ông Zhou Bu, giảng viên danh dự tại Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, trước khi Đối thoại Shangri-la diễn ra đã viết trên một tờ báo địa phương rằng những mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến nhiều người tin vào việc "một cuộc đối đầu giữa hai gã khổng lồ là không thể tránh khỏi".

Nhưng theo ông, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc "rất linh hoạt, phần vì mỗi bền đều không đủ khả năng để giải quyết những hậu quả của một cuộc xung đột hay đối đầu".

Bên cạnh đó, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng là một mối quan tâm khác sẽ được đưa ra bàn thảo sâu tại diễn đàn ở Singapore, theoAFP.

Bình Nhưỡng gần đây liên tục thực hiện các vụ thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa gây lo ngại. Hồi tháng một, nước này tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch. Sau đó một tháng, Triều Tiên lại phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh vào quỹ đạo. Triều Tiên còn không ngừng đưa ra các tuyên bố mạnh miệng, đe dọa tấn công Mỹ hay Hàn Quốc.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 1/6 lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, kêu gọi chính quyền các nước trên thế giới tăng cường nỗ lực để áp đặt trừng phạt lên Bình Nhưỡng.

Ông Huxley còn thêm rằng các nước trong khu vực hiện cũng lo lắng về "chủ nghĩa khủng bố jihad", đặc biệt là những tổ chức hay cá nhân có mối liên hệ với Nhà nước Hồi giáo (IS).

IS hồi tháng 4 cảnh báo Malaysia, Philippines và Indonesia nằm trong số những mục tiêu tấn công tiếp theo. Người đứng đầu bộ phận đặc biệt chống khủng bố thuộc cơ quan cảnh sát liên bang Malaysia (SB-CTD), khi ấy cho biết thông tin trên có thể sẽ làm tăng các mối đe dọa khủng bố vào Malaysia nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Ngoài ra, diễn đàn cũng sẽ đóng vai trò là nơi để những quan chức quân sự từ các nước có các cuộc thảo luận riêng nơi hậu trường.


Ông Vương Nghị mắng té tát nữ phóng viên Canada tại họp báo

"Cô biết gì về Trung Quốc? Cô đi Trung Quốc chưa? Cô đặt câu hỏi vô trách nhiệm"... ông Vương Nghị phản ứng sau khi nghe nữ phóng viên Canada hỏi về vấn đề nhân quyền của Trung Quốc.

phan ung cua ong vuong nghi sau khi nghe cau hoi cua nu phong vien canada - anh: canadian press

Phản ứng của ông Vương Nghị sau khi nghe câu hỏi của nữ phóng viên Canada - Ảnh: Canadian Press

Cuộc họp báo diễn ra ngày 1-6 (giờ địa phương) tại Ottawa, Canada, cùng dự còn có Ngoại trưởng Canada, ông Stephane Dion.

Theo CTVNews, tại họp báo, cô Amanda Connolly - phóng viên trang tin trực tuyến iPolitics - đặt câu hỏi cho ông Stephane Dion về vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, về việc Trung Quốc tuyên bố mở rộng chủ quyền lãnh thổ, và về trường hợp một công dân Canada đang bị bỏ tù vì bị cáo buộc làm gián điệp và đánh cắp bí mật của nhà nước Trung Quốc.

Ngay khi nghe câu hỏi, Ngoại trưởng Trung Quốc - ông Vương Nghị, nổi đóa: "Xin đừng hỏi một câu hỏi vô trách nhiệm như vậy. Phải nói rằng câu hỏi của cô đầy định kiến với Trung Quốc và kiêu ngạo. Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận”.

Ông nói tiếp, vẻ giận dữ: “Những người khác sẽ không hiểu tốt hơn người Trung Quốc về tình hình nhân quyền tại Trung Quốc, và chỉ người dân Trung Quốc mới ở trong điều kiện, vị trí tốt nhất để lên tiếng về tình trạng nhân quyền của Trung Quốc".

Ông tiếp tục trách móc nữ nhà báo. “Tôi phải hỏi xem cô biết gì về Trung Quốc? Cô từng đến Trung Quốc hay chưa? Có biết rằng Trung Quốc đã đưa hơn 600 triệu người thoát khỏi đói nghèo? Cô có biết Trung Quốc hiện nay là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dù được xây từ một nền tảng rất thấp? Cô nghĩ rằng Trung Quốc có thể phát triển mà không bảo vệ quyền con người?".

Cũng theo CTVNews, ông Stephane Dion đã không xen ngang khi ông Vương Nghị mắng cô Connolly. Về phía Connolly, cô nói cô vẫn bảo vệ lập trường câu hỏi của mình.

"Đây là vấn đề quan trọng, vấn đề nhân quyền, đặc biệt khi có liên quan đến Trung Quốc", cô nói. Cô cũng cho biết "có nhiều vấn đề" xung quanh cách ứng xử của chính quyền Trung Quốc với các nhà báo, những người bất đồng và những người chỉ trích.

Trong khi đó, chính trị gia Canada Tony Clement nói ông "hoàn toàn bị sốc và cảm thấy bị xúc phạm" trước lời trách mắng nhà báo Connolly của ông Vương Nghị. 

Ông cũng cho rằng Ngoại trưởng Stephane Dion và chính phủ Canada nên có phản ứng chính thức đối với vụ việc này để người dân Canada còn tin tưởng vào quyền con người và quyền tự do báo chí.

"Để cho một Ngoại trưởng được mời đến đất nước chúng ta công khai trách móc một nhà báo vì hỏi một câu hỏi hoàn toàn hợp pháp là hoàn toàn không thể chấp nhận", ông Clement nói.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục