Theo GS Carl A.Thayer, sau phán quyết của tòa trọng tài, các quốc gia ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh trên 3 mặt trận: ngoại giao - chính trị - chiến lược quân sự.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 22-07-2016
- Cập nhật : 22/07/2016
Mỹ kiện chính phủ Malaysia để tịch thu 1 tỉ USD tài sản
Ngày 20-7, Bộ Tư pháp Mỹ kiện chính phủ Malaysia để tịch thu nhiều tài sản của Malaysia tại Mỹ trị giá hơn 1 tỉ USD, theo Reuters (Mỹ).
Bộ Tư pháp Mỹ nghi đây là một phần số tiền của Quỹ phát triển Malaysia (1MDB) đã bị nhiều quan chức chính phủ Malaysia biển thủ, sử dụng sai mục đích.
1MDB do Thủ tướng Malaysia Najib thành lập sau khi nhậm chức năm 2009 và giám sát. Mục tiêu là nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào Malaysia. Tuy nhiên tính đến năm 2014 1MDB đã chịu khoản nợ hơn 11 tỉ USD.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta E. Lynch thông báo vụ kiện tịch thu tài sản Malaysia tại Mỹ. (Ảnh: REUTERS)
Theo đơn kiện, từ năm 2009-2015, có khoảng hơn 3,5 tỉ USD của 1MDB đã bị nhiều quan chức cấp cao của 1MDB và những người liên quan dùng sai mục đích.
Đơn kiện không nêu tên Thủ tướng Najib Razak, thay vào đó gọi là “Công chức Malaysia số 1”, được mô tả là “một quan chức cấp cao trong chính phủ Malaysia và có thẩm quyền với 1MDB” . Một nguồn tin gần gũi cuộc điều tra khẳng định “Công chức Malaysia số 1” chính là Thủ tướng Najib.
Theo các công tố viên Mỹ, một phần tiền được lấy đi từ quỹ 1MDB đã được chuyển qua các công ty bình phong khắp thế giới và được giấu ở Mỹ thông qua các hình thức mua bất động sản và hàng hóa xa xỉ đắt tiền. Ngoài ra, một phần tiền còn được dùng tài trợ cho một bộ phim của Hollywood. Ngân hàng đứng vị trí trung tâm trong các giao dịch này là ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs International (Mỹ).
Cụ thể, số tiền này được dùng để mua nhiều bất động sản ở New York, California; ngoài ra còn có nhiều bức tranh quý của các danh họa Monet, Van Gogh; và một trực thăng Bombardier.
Ngoài ra đơn kiện của Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc hàng chục triệu USD từ 1MDB đã được chi tài trợ cho hãng sản xuất phim Red Granite Pictures (Mỹ) sản xuất phim “Cáo già phố Wall” do Martin Scorsese đạo diễn.
Đơn kiện có đề cập tên Riza Aziz - con riêng của vợ Thủ tướng Najib, là người thành lập Red Granite Pictures.
Ngày 20-7 Red Granite Pictures ra tuyên bố nói rằng mình không làm gì sai, hãng đã không nhận bất kỳ khoản tài trợ bất hợp pháp nào bốn năm trước. Hãng phát hành Paramount Pictures, đạo diễn Martin Scorsese, diễn viên chính và là nhà sản xuất phim Leonardo DiCaprio chưa bình luận về vụ việc.
Một số cáo buộc đối với “Công chức Malaysia số 1” trong đơn kiện giống với các cáo buộc trong một cuộc điều tra của Malaysia về khoản tiền 681 triệu USD được chuyển về tài khoản cá nhân của ông Najib. Theo đơn kiện của Bộ Tư pháp Mỹ thì số tiền 681 triệu USD đã được chuyển vô tài khoản của “Công chức Malaysia số 1” vốn là của 1MDB.
Hồi tháng 1, Bộ Tư pháp Malaysia kết luận số tiền 681 triệu USD trong tài khoảng Thủ tướng Najib là khoản quyên góp chính trị từ một gia đình hoàng gia Ả rập Saudi. Thông tin này đã được Ngoại trưởng Ả rập Saudi các nhận hồi tháng 4. Tuy nhiên người phát ngôn đại sứ quán Ả rập Saudi ở Mỹ từ chối bình luận về điều này trong ngày 20-7.
Đây là vụ kiện nhằm thu hồi tài sản được mua bằng tiền tham nhũng ở nước ngoài lớn nhất của Bộ Tư pháp Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết sẽ tìm cách thu hồi số tiền này rồi trao lại cho Malaysia.
Quan hệ ngoại giao và thương mại giữa Malaysia và Mỹ phát triển tốt dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong khi Nhà trắng Mỹ nói không liên quan gì đến vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ thì tại Malaysia, Thủ tướng Najib đang phải chịu áp lực chính trị rất lớn từ vụ này khi phe chỉ trích do cựu thủ tướng Mahathir Mohammed dẫn đầu kêu gọi ông Najib từ chức.
Ngày 21-7, văn phòng thủ tướng Malaysia ra tuyên bố rằng 1MDB đã và đang chịu nhiều cuộc điều tra, trong đó có Bộ Tư pháp, Cảnh sát Hoàng gia, Ủy ban Chống tham nhũng, Kiểm toán nhà nước. Hồi tháng 4, Bộ Tư pháp đã kết luận 1MDB không sai phạm gì.
Văn phòng thủ tướng Malaysia cam kết chính phủ sẽ hợp tác với bất kỳ cuộc điều tra nào. Bản thân Thủ tướng Najib luôn bác bỏ mọi cáo buộc.
1MDB cũng ra tuyên bố nói đã biết về vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ, khẳng định 1MDB không phải là một bên trong vụ kiện, không có bất kỳ tài sản nào ở Mỹ, không được lợi gì từ các cuộc giao dịch đơn kiện đã đề cập.
1MDB khẳng định sẽ hợp tác điều tra nếu Bộ Tư pháp Mỹ hay bất kỳ cơ quan nước ngoài nào yêu cầu. Tuy nhiên đến lúc này 1MDB chưa nhận sự liên lạc nào về vụ việc.
Australia phá 'âm mưu khủng bố' ở đồn cảnh sát
Một người đàn ông vừa bị cảnh sát Australia bắt giữ sau khi lái chiếc xe chở bình gas vào bãi đỗ ở một đồn cảnh sát Sydney.
BBC đưa tin nghi phạm bị bắt vào khoảng 20h (giờ địa phương) và một đơn vị phá bom đã được triển khai.
Người đàn ông khoảng 60 tuổi được cho là đã tự thiêu và ban đầu định lái xe lao vào trước đồn cảnh sát ở Merrylands, phía tây thành phố Sydney.
Người này sau đó lái xe vào bãi đỗ ngầm và được cho là có ít nhất một bình gas trên xe.
Không có ai bị thương trong vụ việc.
ABC cho hay các nguồn tin cảnh sát tin rằng đây là “một âm mưu khủng bố”.
Sydney Morning Herald cũng dẫn một nguồn tin cảnh sát nói rằng đây là “vụ tấn công có chủ đích” vào đồn cảnh sát. Nghi phạm từng bị cảnh sát triệu tập nhưng được cho là không dính líu tới tổ chức khủng bố nào
Bà Aung San Suu Kyi sắp sang Mỹ
Bà Aung San Suu Kyi, Ngoại trưởng Myanmar vừa nhận lời mời thăm Mỹ của Tổng thống Mỹ Barack Obama, hãng tin AFP (Pháp) dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Myanmar ngày 21-7.
“Ngoại trưởng Suu Kyi đã nhận lời mời thăm Mỹ của Tổng thống Obama trước khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc.” - AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Myanmar Aye Aye Soe. Ông Obama sẽ hết nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 1-2017.
Lời mời được ông Ben Rhodes, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ về Chiến lược thông tin chuyển đến bà Suu Kyi trong cuộc gặp tại Myanmar ngày 20-7.
Bộ Ngoại giao Myanmar không thông báo cụ thể thời gian nhưng một nguồn tin chính phủ cho biết chuyến đi nhiều khả năng trùng hợp với kỳ họp của Đại Hội đồng LHQ ở New York (Mỹ) từ ngày 13 đến ngày 26-9 tới.
Đại sứ quán Mỹ ở Myanmar không bình luận về thông tin này.
Bà Suu Kyi (phải) và Tổng thống Mỹ Obama họp báo tại Yangon (Myanmar) ngày 14-11-2014, trong một chuyến thăm Myanmar của ông Obama. Ảnh: REUTERS
Đây sẽ là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của bà Suu Kyi kể từ khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi thắng cử và bà lên làm ngoại trưởng tháng 11-2015. Bà Suu Kyi từng thăm Mỹ vào tháng 9-2012 với vai trò chủ tịch đảng đối lập Myanmar.
Cuộc bầu cử tháng 11-2015 được xem là một cuộc bầu cử lịch sử, đánh dấu Myanmar có một chính phủ dân sự sau hàng thập kỷ do quân đội cầm quyền.
Bà Suu Kyi từng bị quản thúc tại gia 15 năm trời dưới thời quân đội cầm quyền. Với vai trò Chủ tịch đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, lẽ ra bà Suu Kyi sẽ lên làm tổng thống, tuy nhiên hiến pháp Myanmar không cho phép điều này vì bà có hai con trai mang quốc tịch Anh. Bên cạnh chức Ngoại trưởng, bà Suu Kyi còn giữ một chức vụ đặc biệt là Cố vấn nhà nước.
Tàu ngầm hạt nhân Anh va phải tàu chở hàng khi tập luyện
RT dẫn thông báo của Hải quân Hoàng gia Anh cho hay vụ tai nạn xảy ra khoảng 1 giờ 30 chiều (giờ địa phương) 20-7 khi chiếc tàu ngầm hạt nhân HMS Ambush trong trạng thái lặn để tiến hành bài tập huấn luyện ngoài khơi Gibraltar.
Chiếc tàu ngầm bị một số hư hại ở bên ngoài nhưng thủy thủ đoàn không bị thương và lò phản ứng hạt nhân bên trong nó cũng không bị hư hại.
Bộ Quốc phòng Anh cũng đã liên lạc với chiếc tàu hàng và thấy rằng nó không bị hư hại gì. Giới chức đang điều tra vụ việc và chiếc tàu ngầm đang được kiểm tra.
Tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Astute là loại tàu ngầm lớn nhất, hiện đại nhất và mạnh nhất của Hải quân Hoàng gia Anh. Mỗi chiếc có lượng choán nước 7.400 tấn, dài 97 m. Tàu ngầm được trang bị nhiều loại thủy lôi để tấn công tàu ngầm, tàu nổi và tên lửa hành trình Tomahawk để tấn công mục tiêu trên bộ.
Tàu HMS Ambush là chiếc đầu tiên của loại tàu ngầm lớp Astute, chi phí đóng tàu gần 1,5 tỉ USD.
Hôm 20-7, Hải quân Hoàng gia Anh cho biết họ tham gia cuộc tập trận ở biển Địa Trung Hải nhằm “mài giũa khả năng tác chiến chống tàu ngầm”.
Số phận kho vũ khí hạt nhân Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính
Sự an toàn của số bom hạt nhân B-61 Mỹ tại căn cứ không quân Incirlik có thể bị đe dọa khi tình hình an ninh ở Thổ Nhĩ Kỳ có biến động bất ngờ.
Một máy bay chiến đấu F-15E Mỹ chuẩn bị rời căn cứ Lakenheath của Không quân Hoàng gia Anh để tới căn cứ Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ, hồi năm ngoái. Ảnh: US Air Force
Căn cứ không quân Incirlik được xây dựng từ những năm 1950 ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nay nó có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS), bởi đây là nơi chiến đấu cơ Mỹ xuất kích để tiêu diệt phiến quân.
Các chuyên gia quân sự cho hay quân đội Mỹ đang bố trí tại căn cứ Incirlik khoảng 50 vũ khí hạt nhân, chủ yếu là bom B-61 có từ thời Chiến tranh Lạnh, theo CNN.
Việc những quả bom đó được cất trữ tại Incirlik là "một bí mật mở", Joshua Walker, nhà nghiên cứu về quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ từ Quỹ German Marshall, cho hay.
"Những quả bom ấy đã ở Thổ Nhĩ Kỳ từ thời Chiến tranh Lạnh", Tom Collina, giám đốc chính sách tại Quỹ Ploughshares, nói. Ông cũng thêm rằng Washington còn đặt những vũ khí hạt nhân tương tự ở Đức, Italy và Hà Lan.
Theo Washington Post, các quả bom B-61 tại căn cứ không quân Incirlik có thể trang bị cho những loại chiến đấu cơ tốc độ cao như F-15E Strike Eagle hay F-16 Fighting Falcon. Mỗi quả bom dài khoảng ba mét, nặng hơn 300 kg. Chúng được cất ở những căn hầm dưới lòng đất, bên trong các nhà chứa máy bay. Muốn kích hoạt những quả bom này cần đến một thiết bị đặc biệt.
Trong cuộc đảo chính nổ ra hồi cuối tuần trước, chỉ huy trưởng căn cứ không quân Incirlik bị cáo buộc ủng hộ phe tạo phản. Lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã bao vây căn cứ, cắt nguồn cung cấp điện và đóng tạm thời không phận xung quanh Incirlik.
Dù máy bay, vũ khí và binh sĩ Mỹ tại Incirlik nằm ở một khu vực tách biệt, cách xa nơi các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động, Mỹ vẫn nâng mức phòng vệ lên cao nhất vào thời điểm cuộc đảo chính nổ ra.
Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy những quan chức quân sự hay chuyên gia kỹ thuật từ Bộ Năng lượng Mỹ đến Thổ Nhĩ Kỳ để giám sát kho vũ khí này hay di chuyển chúng ra khỏi đất nước trước những mối quan ngại về an ninh. Nhưng nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là một chiến dịch tuyệt mật và chỉ tổng thống Mỹ cùng một số quan chức hàng đầu mới biết về nó, một nguồn tin am hiểu vấn đề nhận xét.
Các quan chức hàng đầu Lầu Năm Góc đều nói rằng tất cả vũ khí Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ đều nằm trong tầm kiểm soát. "Chúng tôi đã thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo rằng mọi thứ chúng ta nắm giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn an toàn và được bảo vệ", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook hôm 18/7 nói.
Tuy nhiên, giới quan sát vẫn tỏ ra lo lắng về sự an toàn của kho vũ khí hạt nhân Mỹ đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh tình hình ở quốc gia này ngày càng bất ổn, đặc biệt là sau đảo chính.
Theo cây bút Jeffrey Lewis từ tạp chí Foreign Policy, những vũ khí tại căn cứ không quân Incirlik được cất trong những kho hàng được bảo vệ nghiêm ngặt. Mỹ cùng các đồng minh NATO mới đây còn đầu tư 160 triệu USD để nâng cấp hệ thống an ninh cho vũ khí hạt nhân. Nổi bật nhất trong số này là mạng lưới cung cấp hình ảnh vệ tinh các khu vực trong và xung quanh căn cứ Incirlik.Trong trường hợp những kẻ âm mưu đảo chính tiếp cận được số vũ khí quan trọng nói trên, việc sử dụng chúng cũng không hề dễ dàng, Lewis nhấn mạnh.
Nhưng nếu như chính quyền một quốc gia nắm giữ vũ khí hạt nhân Mỹ, giống như Thổ Nhĩ Kỳ, bị lật đổ bằng bạo lực, tình thế có thể trở nên vô cùng nguy hiểm, Lewis đánh giá.
"Tôi nghĩ bài học mấu chốt ở đây là lợi ích từ việc cất trữ vũ khí hạt nhân Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ là rất nhỏ nhưng nguy cơ thì đang không ngừng gia tăng suốt 5 năm qua", Hans Kristensen, chuyên gia về vũ khí hạt nhân thuộc Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ, nhận xét. "Theo tôi, an ninh ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như tại căn cứ Incirlik đã không còn đáp ứng được những yêu cầu an toàn của Mỹ. Bạn sẽ nhận về rất nhiều lời cảnh báo trước khi mọi chuyện trở nên vô cùng tồi tệ. Đã đến lúc rút vũ khí về rồi".
Tình hình an ninh ở Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua liên tục xấu đi. Hồi đầu năm, Bộ Quốc phòng Mỹ phải sơ tán binh sĩ và dân thường khỏi Incirlik với lý do lo ngại về các mối đe dọa khủng bố. Hồi tháng 4, một nhóm cánh hữu địa phương đã cố gắng "tấn công" một phi công Mỹ tại căn cứ. Sự việc xảy ra cách khu vực cất trữ vũ khí hạt nhân chỉ một km. Và nay, một quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ còn nói bóng gió rằng Washington nhiều khả năng có một vai trò nào đó trong vụ đảo chính, dựa trên việc giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đang tị nạn tại Mỹ. Ông Gulen bị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc đứng sau âm mưu lật đổ chính quyền.
"Nếu giới tình báo cho rằng nơi cất số vũ khí ấy là một mục tiêu của khủng bố và bất ổn thì chẳng có lý do gì phải giữ chúng ở đó nữa", Ian Kearns, giám đốc viện chính sách Mạng lưới Lãnh đạo châu Âu, bình luận.