Mỹ phê chuẩn thỏa thuận bán bom trị giá 785 triệu USD cho UAE
Europol cảnh báo tấn công kiểu "con sói đơn độc" gia tăng
Mỹ không rút lại chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương
Sau phán quyết "đường lưỡi bò", công ty Trung Quốc "dọa" sa thải nhân viên nếu dùng iPhone
Brazil bắt nhóm khủng bố liên quan tới IS trước thềm Thế vận hội Olympics
Tin thế giới đọc nhanh trưa 20-07-2016
- Cập nhật : 20/07/2016
Philippines cự tuyệt đề nghị đàm phán của Trung Quốc về biển Đông
Philippines từ chối đề nghị từ phía Trung Quốc về đám phán song phương liên quan tới tranh chấp biển Đông nhưng không được đả động tới phán quyết của PCA.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm 19-7 cho biết nước này đã từ chối đề nghị từ Trung Quốc về tổ chức các cuộc nói chuyện song phương về tranh chấp biển Đông bởi phía Bắc Kinh ra điều kiện không đề cập tới phán quyết do Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) vừa đưa ra hôm 12-7.
“Trung Quốc đề nghị chúng tôi mở các cuộc đàm phán song phương nhưng không nói về phán quyết của PCA” – ông Yasay nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.
“Và tôi đã trả lời rằng điều đó không phù hợp với hiến pháp và lợi lịch quốc gia của chúng tôi” – Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh.
"Họ (Trung Quốc) nói rằng nếu chúng tôi cứ nhất quyết theo phán quyết đó, và thảo luận dựa trên điều đó thì chúng tôi có thể lao vào một cuộc xung đột" - ông Yasay nói với đài ABS-CBN - "Nhưng tôi thực sự cảm thấy rằng đó là những gì họ đang phải thể hiện công khai trước dư luận, và tôi cũng nhận thấy rằng chúng tôi vẫn có đường đàm phán bớt ồn ào hơn bằng cửa sau".
Đề nghị nói trên do Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra với người đồng cấp Philippines trong cuộc gặp tại hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM) diễn ra tại Mông Cổ hồi cuối tuần trước.
Cũng theo lời Ngoại trưởng Philippines, ưu tiên lớn nhất của Philippines là đàm phán để giành lại quyền cho ngư dân nước này được trở lại đánh bắt cá tại bãi cạn Scarborough, cũng như từng bước thực thi các nội dung trong phán quyết của PCA. Phán quyết được công bố hôm 12-7 này đã bác bỏ hoàn toàn “đường chín đoạn” phi lý do Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên biển Đông, đồng thời đã vạch rõ không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”. PCA cũng khẳng định các tàu chấp pháp của Trung Quốc gây ra một số rủi ro va chạm nghiêm trọng một cách bất hợp pháp khi họ đã trực tiếp cản trở các tàu của Philippines ở bãi cạn Scarborough.
Chỉ 2 ngày sau khi PCA công bố phán quyết nói trên, lực lượng hải cảnh Trung Quốc hôm 14-7 lại tiếp tục có một hành động gây cản trở nguy hiểm khác khi điều tàu cao tốc ra chặn không cho tàu của ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough, đồng thời lớn tiếng nói rằng lực lượng này đang tiến hành các hoạt động thực thi pháp luật và yêu cầu tàu Philippines rời khỏi khu vực.
Vì cuộc chiến Syria, Mỹ sẽ gỡ bỏ cấm vận Nga?
Theo hãng tin Sputnik (Nga), gần đây Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã trở thành khách mời thường xuyên của Moscow. Mỹ đang ngày càng chứng minh tinh thần sẵn sàng hợp tác với Nga trong vấn đề giải quyết khủng hoảng Syria.
Theo truyền thông, trong suốt chuyên thăm Nga gần đây, ông Kerry đã đề xuất ý tưởng thành lập nhóm làm việc chung giữa hai nước để chia sẻ thông tin cũng như các dữ liệu tình báo nhằm phối hợp hành động chống lại quân khủng bố.
Theo WSJ, Moscow chưa chắc quan tâm tới đề xuất này của Mỹ bởi việc hợp tác trong quá trình giải quyết xung đột ở Syria sẽ đòi hỏi hai bên phải ở trong quan hệ đối tác. Tuy nhiên, điều này không thể thành hiện thực chừng nào Mỹ còn áp lệnh trừng phạt lên Nga.
Tổng thống Nga Putin (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại một cuộc họp ở Điện Kremlin. Ảnh: Sputnik
“Do đó, Mỹ trong tương lai gần có thể sẽ sẵn sàng gỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm đổi lấy kế hoạch hợp tác chung với Nga trong vấn đề Syria” - WSJ viết.
Moscow có mọi lý do để lạc quan về việc này bởi Washington gần đây đã trở nên khá linh hoạt trong quan điểm về vấn đề trên. Chỉ cách đây một năm, Mỹ đã kiên quyết khước từ mọi đề xuất hợp tác với Nga để giải quyết các vấn đề xung đột ở Trung Đông. Thế nhưng, kể từ đó, Nga đã cho thấy nước này đạt được hiệu quả trong vấn đề giải quyết xung đột ở Syria.
Ngoài ra, theo WSJ, sự kiên quyết của EU trong việc giữ nguyên lệnh trừng phạt chống Nga đã lung lay, đặc biệt là từ khi Mỹ tập trung vào các vấn đề ở Syria, chuyển việc giải quyết khủng hoảng ở Ukraine cho Đức.
Vì vậy, Nga có thể mong đợi rằng sự trợ giúp của nước này trong quá trình giải quyết xung đột ở Syria sẽ tác động tới quan điểm của cả Washington và Berlin, theo bài báo.
Thế giới ngày càng chứng kiến nhiều vụ tấn công mang tính chất của một cuộc tấn công khủng bố, mới đây nhất là vụ tấn công TP Nice (Pháp) khiến hơn 80 người thiệt mạng. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống khủng bố đòi hỏi phải có sự nỗ lực của toàn cầu, bao gồm sự hợp tác giữa Nga với Mỹ.
“Chủ nghĩa khủng bố hiện tại đang hiện diện toàn cầu. Những phần tử khủng bố không chỉ có ở Syria, mà trên toàn cầu. Để đánh bại chủ nghĩa khủng bố, chúng ta cần hợp tác toàn cầu” - nhà phân tích chính trị Georgiy Fedorov nói.
Theo ông, Mỹ đang muốn áp dụng tiêu chuẩn kép. Một mặt, Washington muốn hợp tác chống khủng bố. Mặt khác, nước này đang làm suy giảm các hoạt động chống khủng bố của Nga và áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga mà vốn chỉ làm căng thẳng hai bên leo thang.(PLO)
NATO, EU cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt cảnh báo về nguy cơ bị cô lập trên trường quốc tế nếu Tổng thống Tayyp Erdogan lạm quyền trong quá trình thanh trừng sau cuộc đảo chính.
Mỹ đã đi đầu trong làn sóng kêu gọi Ankara kiềm chế sau khi trải qua cuộc đảo chính hôm 15-7 do lo ngại về quá trình phục hồi dân chủ tại quốc gia này.
Sau khi chứng kiến hàng ngàn người bị bắt giữ và sa thải vì nghi ngờ có liên quan đến vụ đảo chính, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 18-7 nhắc nhở Thổ Nhĩ Kỳ rằng NATO có quy định về dân chủ và “sẽ xem xét rất kỹ lưỡng những gì đang xảy ra” tại nước này.
Quyết định trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia gần 80 triệu dân, ra khỏi NATO sẽ được xem xét kỹ, nếu có. Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội lớn thứ hai trong NATO và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria, cũng như trong việc ngăn chặn làn sóng người tị nạn chạy sang châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được gia nhập EU nếu Tổng thống Erdogan khôi phục án tử với quân đảo chính. Ảnh: Reuters
Cảnh báo trên của ông Kerry được đưa ra giữa lúc Thổ Nhĩ Kỳ đang bất đồng với Mỹ về số phận giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen. Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Mỹ giao nộp ông Gulen, đang sống tại bang Pennsylvania, sau khi cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Kerry khẳng định sẽ chỉ xem xét vấn đề này khi Ankara trưng ra được bằng chứng thuyết phục.
Cảnh báo cũng đến từ Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc đảo chính. Các quan chức EU hôm 18-7 tuyên bố nỗ lực gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành con số 0 nếu nước này khôi phục án tử hình để trừng phạt những người đảo chính.
Không những thế, Uỷ viên EU phụ trách vấn đề mở rộng khối, ông Johannes Hahn, cáo buộc ông Erdogan lên kế hoạch thanh trừng đối thủtrước cuộc đảo chính diễn ra nhằm cũng cố quyền lực.
“Việc danh sách bắt giữ có ngay sau khi cuộc đảo chính kết thúc đã chỉ ra rằng nó đã được chuẩn bị từ trước để sử dụng vào thời điểm phù hợp" - ông Hahn nhận định.
Chỉ vài giờ sau khi cuộc đảo chính thất bại, hơn 6.000 thành viên quân đội đã bị bắt giữ. Hôm 18-7, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ còn bắt giữ thêm 103 vị tướng, sa thải 9.000 công chức, 8.000 cảnh sát, hơn 20 tỉnh trưởng cùng với hàng loạt nhân viên ngành tư pháp với cáo buộc liên quan đến ông Gulen.
“Bất kỳ ai bị bắt giữ sẽ bị quy tội ủng hộ Gulen. Tôi không nghĩ rằng tất cả nhân viên quân sự bị bắt đều có liên quan đến ông Gulen.” – nhật báo Thổ Nhĩ Kỳ Zaman bình luận.
Triều Tiên phóng 3 tên lửa, tầm bắn 'bao phủ' toàn Hàn Quốc
Bộ tham mưu liên quân Mỹ - Hàn cho biết sớm ngày 19-7, Triều Tiên đã cho phóng ba tên lửa đạn đạo ra biển với tầm bắn từ 500 đến 600 km. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc vừa chấp nhận cho Mỹ triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD trên lãnh thổ.
Theo hãng tin Yonhap News, vụ phóng tên lửa lần này có khả năng là cách Bình Nhưỡng đáp trả thỏa thuận giữa Seoul và Washington, triển khai hệ thống đánh chặn THAAD trên lãnh thổ nước này vào năm 2017.
Thỏa thuận này được Mỹ và Hàn Quốc khẳng định nhằm đối phó với các mối đe dọa tấn công hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên. Đầu tháng 7, Triều Tiên cũng đã cho thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.
Theo Yonhap, loại tên lửa được phóng lần này có thể là tên lửa Scud, được phóng từ tỉnh Hwanghae. Các tên lửa được phóng ra biển và di chuyển được từ 500 đến 600 km. Cả ba tên lửa được phóng tron khoảng thời gian từ 5 giờ 45 sáng đến 6 giờ 5 phút sáng 19-7.
Theo bộ tham mưu liên quân Mỹ - Hàn, tầm bắn của ba tên lửa này đủ sức vươn tới mọi địa điểm trên lãnh thổ Hàn Quốc.
14 tàu hải quân Thổ Nhĩ Kỳ mất tích sau đảo chính
Không chỉ 14 chiếc tàu biến mất bí ẩn, đô đốc Veysel Kosele - chỉ huy hải quân Thổ Nhĩ Kỳ và bị tình nghi có mưu đồ đảo chính - cũng không có tin tức.
Theo một nguồn tin nói với tờ The Times, sau khi xảy ra đảo chính, 14 chiếc tàu hải quân đang hoạt động ở biển Aegea và biển Đen đã không liên lạc với sở chỉ huy hải quân, cũng không có báo cáo lại với phía cảng. Các tàu này bị nghi đã hướng đến các cảng của Hi Lạp.
Trong khi đó, đô đốc Veysel Kosele - chỉ huy hải quân Thổ Nhĩ Kỳ - cũng không có tin tức từ ngày 15-7 đến nay. Ông này bị tình nghi là một trong số những người tìm cách lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Trước đó, hôm 16-7, một ngày sau khi xảy ra đảo chính, 8 sĩ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã lên trực thăng đến Hi Lạp xin tị nạn.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, hãng tin nhà nước cho biết đến nay tòa án đã ra lệnh bắt giam 85 tướng lĩnh và đô đốc để chờ điều tra vai trò của họ trong cuộc đảo chính, trong đó có tướng Akin Ozturk - cựu tư lệnh không quân Thổ Nhĩ Kỳ, và tướng Adem Hududi - chỉ huy Quân đoàn số 2 Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng chục người khác vẫn đang bị thẩm vấn.
Khoảng 290 người thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15-7. Đến thời điểm này, kẻ chủ mưu cuộc đảo chính vẫn chưa được xác định nhưng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống ở Mỹ là "đạo diễn".