Nhiều công dân Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Mỹ đang trở thành gánh nặng cho quốc gia này vì Bắc Kinh không chịu hợp tác để Washington sớm trục xuất họ.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 03-06-2016
- Cập nhật : 03/06/2016
Đức siết chặt kiểm soát biên giới trước EURO
Trong thời gian diễn ra Vòng chung kết (VCK) Giải bóng đá vô địch châu Âu (EURO) 2016, cảnh sát liên bang Đức sẽ đẩy mạnh kiểm soát biên giới.
Đặc biệt cảnh sát Đức sẽ tập trung kiểm tra kỹ các xe tình nghi, chủ yếu là xe buýt chở cổ động viên sang Pháp. Cảnh sát liên bang Đức ngày 1/6 thông báo trong thời gian diễn ra EURO, biên giới của Đức với Pháp, Bỉ, Luxemburg và Hà Lan sẽ được tăng cường kiểm tra an ninh.
Theo đó, việc kiểm soát giao thông cũng như giấy tờ tuỳ thân của những người qua lại biên giới sẽ được thực hiện trên các tuyến đường quốc lộ và cao tốc. Mục đích của việc kiểm soát này là chặn giữ các cổ động viên bóng đá quá khích ngay ở biên giới và ngăn chặn họ tiếp tục vào Pháp.
Theo quy định, cảnh sát liên bang Đức sẽ tiến hành chặn các xe tình nghi, chủ yếu là xe buýt chở cổ động viên, để kiểm tra giấy tờ tuỳ thân từng người. Cảnh sát liên bang cũng cho biết việc tăng cường kiểm soát an ninh ở biên giới còn là biện pháp phòng ngừa nguy cơ xảy ra khủng bố trong dịp EURO ở Pháp.
VCK EURO 2016 sẽ bắt đầu diễn ra từ ngày 10/6 tới, với trận đấu khai mạc giữa đội tuyển Pháp và Rumania. Giải đấu có 24 đội tham dự, chia thành 6 bảng đấu và giải đấu sẽ khép lại vào ngày 10/7.
Trung Quốc ‘khuyên’ Mỹ về chính sách ở biển Đông
Phát biểu tại một diễn đàn trước cuộc họp cấp cao vào tuần tới với giới chức Mỹ ở Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang (Zheng Zeguang) nói rằng Trung Quốc có mọi quyền để bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải ở biển Đông.
“Thực tế, Mỹ không phải là nước có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông và nước này nói rằng sẽ không đứng về phía nào trong tranh chấp ở vùng biển này” – hãng Reuters ngày 2-6 dẫn lại lời ông Trịnh.
Vị thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: “Do đó, chúng tôi hy vọng Mỹ có thể thực hiện lời hứa của nước này và không đứng về bên nào nhưng có thể giữ lập trường của mình dựa trên những điều phải trái thay vì một đồng minh nào đó”.
Các tàu Trung Quốc nạo vét và bồi đắp trái phép tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: REUTERS)
“Tôi nghĩ rằng nếu Mỹ có thể làm được điều này và nếu Mỹ có thể ngăn chặn các hành động khiêu khích nhằm vào lợi ích an ninh và chủ quyền của Trung Quốc thì nước này có thể đóng một vai trò mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông cũng như thúc đẩy hạ nhiệt căng thẳng hiện nay”- ông Trịnh Trạch Quang nói.
Vị thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc cho biết Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ nêu vấn đề này với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại cuộc họp vào tuần tới.
Trong một diễn biến khác liên quan, vấn đề biển Đông theo dự kiến sẽ bao trùm hội nghị thượng đỉnh an ninh lớn nhất châu Á tổ chức tại Singapore vào ngày mai 3-6, trong đó có sự tham dự của một đô đốc cấp cao Trung Quốc.
Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc gần đây tăng cường đưa ra cảnh báo và chỉ trích trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan sắp ra phán quyết liên quan đến vụ kiện của Philippines chống lại “đường 9 đoạn” phi lý mà Bắc Kinh vẽ ra để đòi chủ quyền ở biển Đông.
Đánh bom liều chết thảm khốc tại Somalia
Ít nhất 15 người đã thiệt mạng và khoảng 40 người bị thương khi một vụ đánh bom xe liều chết và đấu súng xảy ra sau đó tại một khách sạn thủ đô Somalia.
Ngày 1/6, Cảnh sát Somalia cho biết ít nhất 15 người, trong đó có 2 nghị sỹ, đã thiệt mạng và khoảng 40 người bị thương khi một vụ đánh bom xe liều chết và đấu súng xảy ra sau đó tại một khách sạn, nơi nhiều nghị sỹ thường xuyên lui tới ở trung tâm thủ đô Mogadishu.
Vụ đánh bom xảy ra tối 1/6 theo giờ Việt Nam tại khách sạn Ambassador. Sau vụ tấn công đã xảy ra đấu súng giữa lực lượng an ninh Somalia và các tay súng trong 5 giờ đồng hồ sau đó.
Trong một thông báo, nhóm phiến quân al Shabaab đã nhận là thủ phạm của vụ tấn công trên, đồng thời tuyên bố mục tiêu tấn công nhằm vào các thành viên của Chính phủ Somalia. Thông báo nêu rõ, lực lượng Hồi giáo cực đoan này đã lên tầng thượng của khách sạn và đã sát hại 20 người cùng với 2 nghị sỹ.
Chính quyền Somalia chưa xác nhận tuyên bố trên.
Kể từ năm 2007, Phái bộ Liên minh châu Phi tại Somalia (AMISOM) duy trì 22.000 binh sỹ đến từ 6 nước thuộc Liên minh châu Phi (gồm Ethiopia, Uganda, Burundi, Djibouti, Sierra Leone và Kenya) nhằm hỗ trợ Chính phủ Somalia trong cuộc chiến chống nhóm phiến quân Hồi giáo này. Phiến quân al Shabab đã bị đánh bật khỏi thủ đô Mogadishu hồi tháng 8/2011, sau đó, quân đội Chính phủ Somalia cũng giành lại được nhiều khu vực từ tay lực lượng này. Hiện phiên quân đang tăng cường các cuộc tấn công nhằm phá hoại chính phủ được quốc tế ủng hộ trước thềm cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.
27 nước tham gia diễn tập Vành đai Thái Bình Dương
Theo báo Stars and Stripes, ngoài bốn nước kể trên còn có Mỹ, Úc, Nhật, Canada, Pháp, Anh, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Philippines, Brunei, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Mexico, Chile, Colombia, Peru, Tonga, Trung Quốc.
Ngày 31-5 (giờ địa phương), hải quân Mỹ thông báo RIMPAC 2016 dự kiến bắt đầu từ ngày 30-6 đến 4-8. Đây là cuộc diễn tập hải quân quốc tế lớn nhất thế giới. Dự kiến sẽ có 45 tàu chiến, năm tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 binh sĩ tham gia. Nội dung diễn tập gồm cấp cứu trong thảm họa, bảo đảm an toàn hàng hải, kiểm soát trên biển kết hợp chiến đấu.
Trung Quốc đã đưa tàu chiến tham gia một lần vào năm 2014 (ảnh). Hồi tháng 3, nghị sĩ Mark Takai thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện đã kêu gọi Bộ Quốc phòng xem lại lời mời Trung Quốc tham dự RIMPAC. Ông mô tả hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông là đi ngược với các mục tiêu của Mỹ trong khu vực.
Cuối tháng 4, Trung Quốc cũng không cho tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis ghé Hong Kong. Dù vậy, Đô đốc Scott Swift, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, nhiều lần tuyên bố ông tin rằng giải pháp đối với Trung Quốc là tiếp tục đào sâu quan hệ giữa quân đội hai nước.
Nga sẽ tiến hành hơn 2.000 cuộc tập trận
Quân đội Nga sẽ tiến hành hơn 2.000 cuộc tập trận các quy mô khác nhau trong đợt huấn luyện mùa hè, dự kiến kéo dài từ nay tới cuối tháng 10/2016.
Ngày 1/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo trọng tâm của các cuộc tập trận này là huấn luyện các đơn vị chiến thuật cấp binh chủng, nâng cao các chỉ số bay cá nhân, kỹ năng nhảy dù. Ngoài ra, quân đội Nga sẽ tiếp tục các cuộc kiểm tra huấn luyện đột xuất. Dự kiến, đợt huấn luyện mùa hè sẽ kết thúc bằng cuộc tập trận tham mưu-chỉ huy cấp chiến lược mang tên Caucasus-2016 bắt đầu từ tháng 9 tới. Đáng chú ý, ông Shoigu cho biết trong đợt huấn luyện này, quân đội Nga sẽ tham gia 9 cuộc tập trận quôc tế, trong đó có cuộc tập trận chống khủng bố “Sứ mệnh Hòa bình” giữa các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và các cuộc tập chung với Mông Cổ, Belarus…
Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu tuyên bố các cuộc tập trận này nhằm mục tiêu đảm bảo mức độ sẵn sàng huấn luyện và chiến đấu để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Nga và phản ứng thích đáng trước các tình huống căng thẳng về chính trị-quân sự trên bất kỳ hướng chiến lược nào. Đợt huấn luyện mùa hè của quân đội Nga bắt đầu từ ngày 1/6 và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 10 tới.
Thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Nga được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đang tiến hành hàng loạt cuộc tập trận ở các nước Đông Âu và có động thái quân sự sát biên giới phía Tây của Nga.