Loại bom bí mật có thể làm nổ tung máy bay Ai Cập
Người già Nhật Bản cố tình phạm tội để được vào tù
Ngoài siêu tăng Armata, NATO phải “sợ” vũ khí nào của Nga?
Obama kết thúc tốt đẹp chuyến thăm lịch sử tới châu Á
Ấn Độ thử thành công tên lửa siêu thanh BrahMos
Tin thế giới đọc nhanh chiều 08-12-2015
- Cập nhật : 08/12/2015
IS sắp tấn công châu Âu bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt?
Hãng tin Sputnik trích dẫn tài liệu của Nghị viện châu Âu cho biết quân khủng bố có thể đang toan tính sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt trong các cuộc tấn công sắp tới. Tài liệu này do nhà phân tích chính trị Beatrix Immenkamp soạn thảo sau cuộc tấn công đẫm máu Paris hồi tháng trước.
Các học viên mặc đồ bảo hộ trong một lớp học về ứng phó cuộc tấn công hóa học ở TP Aleppo, Syria. Ảnh: AFP
Những phần tử cực đoan này đã chiêu mộ một đội quân các nhà khoa học và cũng đã sẵn sàng tuồn lậu vũ khí hóa học và sinh học vào châu Âu. Vì thế cuộc tấn công của quân khủng bố trong tương lai có thể có sự xuất hiện của bom hạt nhân bẩn, bom sinh học hoặc vũ khí hóa học, báo cáo cảnh báo.
Hằng năm, 150 trường hợp tuồn lậu hạt nhân hoặc chất phóng xạ được ghi nhận khi quân khủng bố tiếp tục gieo rắc tội ác với phương Tây. Các dịch vụ tình báo cũng đã được cảnh báo phải rà soát việc những tay súng được IS đào tạo kiến thức về hóa học, chất phóng xạ và hạt nhân trở về châu Âu.
Kể từ đầu tháng 10-2015, các cuộc tấn công khủng bố ở Ankara, bán đảo Sinai, Beirut, Paris và Tunis do IS thực hiện đã cướp đi sinh mạng của 500 người. Ngay sau cuộc tấn công kinh hoàng ở Paris, IS đã đe dọa sẽ thực hiện nhiều cuộc tấn công hơn nữa vào các TP châu Âu.
IS đã từng tuyên bố các cuộc tấn công trong tương lai sẽ chết chóc hơn nữa, kinh hoàng hơn nữa. Chính lời đe dọa này khiến các chuyên gia suy luận rằng nhóm cực đoan thánh chiến này có thể đang ủ mưu sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt trong tương lai.
Mỹ yêu cầu xem xét lại chương trình thị thực hôn phu-hôn thê
Liên đoàn Ả Rập lên án Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào Iraq
Dẫn lại trên tờ Al Youm El Sabea (Ai Cập), ông Nabil Elaraby, Tổng thư ký của Liên đoàn Ả Rập đã tuyên bố việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân vào phía bắc Iraq là một hành động “can thiệp thô thiển”.
Chính quyền Ankara đã cho triển khai 100 quân, cùng với xe tăng và pháo binh đến thị trấn Bashiqa tại Iraq. Thị trấn này cách thành phố Mosul - thành trì chính của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq – chỉ 10km về phía đông bắc.
Chính quyền Iraq xem đây là một động thái “xâm phạm chủ quyền nghiêm trọng”. Baghdad ngày 6-12 đã đe dọa sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc (LHQ) can thiệp, nếu như Ankara không rút quân trong vòng 48 giờ tới.
Thủ tướng Iraq ông Haider al-Abadi tuyên bố “có quyền sử dụng mọi phương án khả dĩ” nếu như Thổ Nhĩ Kỳ không rút quân. Bộ trưởng Quốc phòng Iraq ông Khaled al-Obeidi cũng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải hợp tác với Baghdad chứ không thể đơn phương làm theo ý mình.
Đáp lại các phản ứng trên, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ ông Ahmet Davutoglu lại khẳng định Ankara đang luân chuyển quân đến một trại huấn luyện dân quân người Kurd chống IS, vốn đã được dựng lên từ một năm trước.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sẽ sẽ ngưng không chuyển thêm quân vào Iraq. Tuy nhiên, ông Davutoglu không nói cụ thể có kế hoạch rút lực lượng quân “huấn luyện” của trở lại Thổ Nhĩ Kỳ hay không.
Bắc Kinh báo động ô nhiễm
Lượng khí thải tại Trung Quốc sẽ ngày càng tăng trong ít nhất một thập kỷ nữa
Chính quyền thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 7-12 lần đầu tiên ban bố mức báo động đỏ (mức cao nhất) đối với ô nhiễm không khí, theo đó cảnh báo thành phố 22,5 triệu dân này sẽ chìm trong khói mù dày đặc từ ngày 8 đến 10-12.
Trong một thông báo đăng tải trên mạng, nhà chức trách cho biết mọi hoạt động xây dựng ngoài trời phải tạm ngưng, đồng thời thúc giục các trường học đóng cửa trong những ngày nói trên. Xe cộ cũng bị hạn chế đi lại cho đến khi tình hình được cải thiện.
Trước đó, theo Tân Hoa Xã, các trường học (mẫu giáo, tiểu học, trung học) buộc phải tạm dừng mọi hoạt động ngoài trời từ ngày 7 cho đến ngày 9-12 do tình trạng ô nhiễm không khí ngày một nghiêm trọng. Một số trường học còn chấp nhận cho học sinh được phép chọn hoặc lên lớp hoặc học tập tại nhà. Ngoài ra, người già và trẻ nhỏ được khuyến cáo nên ở trong nhà.
Khí thải từ xe cộ là một trong những nguyên nhân khiến không khí tại Bắc Kinh ô nhiễm nghiêm trọng Ảnh: AP
Theo đài BBC, hàm lượng bụi mịn PM 2.5 gây hại cho sức khỏe con người tại thành phố hơn 20 triệu dân này hôm 7-12 cao gấp 10 lần mức đề nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo giới chức Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc, tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nói trên xuất phát từ thời tiết xấu và khí thải từ nhà máy, xe cộ.
Để đối phó, chính quyền Bắc Kinh ra lệnh đóng cửa 2.100 doanh nghiệp gây ô nhiễm nặng, đồng thời đang cân nhắc thu một “khoản phí ùn tắc giao thông” với hy vọng giảm bớt xe cộ đi lại trên đường phố.
Những diễn biến nói trên làm dấy lên nỗi lo về khả năng chính phủ Trung Quốc giải quyết được tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng bất chấp các nhà lãnh đạo nước này thường xuyên cam kết ưu tiên làm sạch môi trường.
Năm 2013, Trung Quốc ước tính đã thải ra từ 9-10 tỉ tấn carbon dioxide, cao gấp đôi so với Mỹ và cao gấp 2,5 lần so với Liên minh châu Âu (EU). Vào năm ngoái, Bắc Kinh cho biết lượng carbon dioxide thải ra ở nước này sẽ lên đến đỉnh điểm vào năm 2030. Điều này cho thấy lượng khí thải tại Trung Quốc sẽ ngày càng tăng trong ít nhất một thập kỷ nữa.
Để trấn an dư luận, theo hãng tin China News, nhà chức trách Trung Quốc hôm 2-12 cam kết giảm 60% lượng khí thải từ các nhà máy điện chạy bằng than đá vào năm 2020 thông qua việc nâng cấp các nhà máy này, đồng thời đóng cửa những cơ sở không đạt chuẩn. Ngoài ra, Bắc Kinh còn có ý định giảm tỉ lệ điện năng từ than đá xuống dưới 65% vào năm 2017, so với mức 70% hiện nay. Trong khi đó, tỉ lệ năng lượng tái tạo được sử dụng sẽ tăng lên 13%.
Ngoài ra, đến năm 2017, tất cả xe cộ không đáp ứng tiêu chuẩn về khí thải sẽ bị loại bỏ ở Trung Quốc, trong khi xăng và dầu diesel sẽ từng bước được thay thế bằng các loại nhiên liệu sạch, như xăng sinh học. Tuy nhiên, các chuyên gia nước này thừa nhận vấn đề ô nhiễm không khí vốn là cuộc chiến cam go hàng chục năm qua nên sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Úc lo ngại ảnh hưởng quân sự của Nga
Tư lệnh Hải quân Úc, Phó Đô đốc Tim Barrett, vừa cảnh báo sự mở rộng hiện diện quân sự của Nga gần biên giới nước này và nhận định Moscow có thể đang tìm lại vị thế từ thời chiến tranh Lạnh.
Trong một bài phát biểu tại Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy (Úc), ông Barrett phản ánh về hành động triển khai 4 tàu chiến của Hải quân Nga gần lãnh thổ nước này hồi năm ngoái, ngay trước thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 tại TP Brisbane.
“Tôi nghĩ có một thông điệp rằng Hải quân Nga vẫn có thể triển khai lực lượng và tự thân vận động. Liên Xô trong quá khứ duy trì một quan điểm, mà quan điểm này vẫn tồn tại ở Nga, rằng nước Nga tin họ có một vị thế trên thế giới và sẽ tìm cách thiết lập lại vị thế đó” – ông Barrett nhận định.
Tư lệnh Hải quân Úc nói thêm về quan điểm của Canberra, rằng người Nga sẽ tham gia nhiều hơn vào trật tự thế giới trong tương lai. “Điều này có thể xảy ra ở biển Đông. Tàu Nga gia tăng đáng kể so với tàu của chúng ta triển khai trong 10 năm qua” - ông Barrett nhấn mạnh.
Ý kiến của vị tư lệnh Hải quân Úc được đưa ra cùng 1 ngày với cảnh báo của Viện Lowy. Viện này cho biết Nga đang có một quyết định đầy tham vọng nhằm tái cân bằng định hướng chiến lược của họ ở châu Á. Theo báo cáo, Moscow đang tham gia một dự án hiện đại hóa quân sự quy mô lớn với ý định gia tăng sức mạnh ở khu vực này. Đồng thời, Nga cũng thắt chặt quan hệ với Trung Quốc.
Viện Lowy kết luận Canberra nên xem xét lại cam kết và hạn chế trong quan hệ với Nga để “bảo vệ quyền lợi của Úc” cũng như đẩy Nga vào một thế trận cân bằng và mang tính xây dựng hơn trong các vấn đề của khu vực.
Ngoài ra, theo Reuters, Nga cũng đang cân nhắc "một cách thận trọng" đề nghị cung cấp vũ khí của Afghanistan. Tuy nhiên, theo đặc phái viên của Nga tại Afghanistan, Zamir Kabulov, trách nhiệm của vấn đề này trước hết thuộc về Mỹ.