Cảnh sát Áo ngày 7-12 mở một cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân vì sao những tờ tiền trị giá hàng chục ngàn euro lại trôi nổi trên sông Danube tại Vienna.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 08-12-2015
- Cập nhật : 08/12/2015
Obama: Sẽ tiêu diệt IS và bất cứ ai cố làm hại nước Mỹ
Tổng thống Mỹ phát thông điệp từ phòng Bầu dục của Nhà Trắng lúc 20h theo giờ Washington D.C. Ảnh: Reuters
Theo NBC News, tổng thống Mỹ tóm tắt những gì chính quyền biết về cuộc tấn công tàn bạo ở San Bernardino, bang California hồi tuần trước. Ông cho biết hiện chưa rõ những kẻ sát nhân có liên lạc với những mạng lưới khủng bố quốc tế hay không, nhưng rõ ràng chúng đã đi vào "con đường đen tối" của sự quá khích.
Theo ông Obama, vụ ở San Bernardino cho thấy "mối đe doạ khủng bố đã phát triển lên một giai đoạn mới", khi Nhà nước Hồi giáo (IS) sử dụng mạng Internet để "đầu độc tư tưởng" của những người có khả năng thành kẻ tấn công.
Ông Obama cũng cho biết quân đội Mỹ sẽ tiếp tục săn lùng những kẻ âm mưu khủng bố ở bất cứ nước nào cần thiết. "Mối đe doạ từ khủng bố là thật, nhưng chúng ta sẽ vượt qua nó", ông nói. "Chúng ta sẽ tiêu diệt ISIL và bất cứ tổ chức nào khác cố làm hại chúng ta", Obama nói, đề cập đến tên gọi khác của Nhà nước Hồi giáo.
Tổng thống Mỹ đề ra những hành động đang tiếp diễn và kế hoạch tương lai để đạt được mục tiêu này. "Thành công của chúng ta sẽ không phụ thuộc vào những phát ngôn uy hiếp, hay việc từ bỏ giá trị của chúng ta, hay việc bị nỗi lo sợ khuất phục. Đó là điều những nhóm như ISIL đang mong muốn", ông nói. "Thay vào đó, chúng ta sẽ chiến thắng bằng cách trở nên mạnh mẽ và thông minh, kiên trì và nghiêm khắc, và bằng cách thực hiện mọi khía cạnh của sức mạnh Mỹ".
Nhưng ông cũng kêu gọi Quốc hội đảm bảo không ai trong danh sách cấm bay có thể mua súng, ông Obama nói. Tổng thống Obama kêu gọi Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn việc sử dụng vũ lực trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS). Tuy nhiên, ông nhấn mạnh không tìm cách mở rộng chiến tranh trên bộ chống nhóm phiến quân. Ông nói chiến lược không kích hiện nay và các lực lượng đặc biệt sẽ mở đường cho một chiến thắng mang tính bền vững hơn.
Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh "trách nhiệm của tất cả người Mỹ" nhằm loại bỏ phân biệt đối xử. "Khi đi vào con đường đó, chúng ta sẽ thua", Obama nói, cho biết những lời kêu gọi thử nghiệm tôn giáo và các biện pháp khác chống người theo đạo Hồi "là chiêu bài trong tay các nhóm như ISIL". Nhà Trắng đặc biệt quan ngại về giọng điệu gay gắt của các ứng viên tổng thống đảng Cộng hoà về người Hồi giáo.
Một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ cho biết sau các cuộc tấn công khủng bố Paris hồi tháng trước, rồi đến việc nhiều âm mưu của IS bị vạch trần, và sau đó là vụ xả súng ở thành phố San Bernardino, Obama quyết định ông nói về "mối quan ngại lớn và những nỗi lo sợ chính đáng, rất thực tế ở nước Mỹ và trên khắp thế giới.
Tổng thống Obama hiếm khi sử dụng phòng Bầu dục để phát biểu với đất nước, dù đây là nơi mang ý nghĩa biểu tượng cao nhất về quyền lực của ông. Ông thông báo về việc chấm dứt các chiến dịch tác chiến ở Iraq tại đây hồi tháng 8/2010, và hai tháng trước đó, ông đề ra kế hoạch để đảm bảo nguồn năng lượng Mỹ sau vụ tràn dầu của BP tại Vịnh Mexico.
Dù Obama thường đề cập đến IS trong những cuộc họp báo và các sự kiện khác trong thời gian gần đây, việc ông quyết định phát biểu tại phòng Bầu dục vào khung giờ vàng tối Chủ nhật cho thấy "mức độ nghiêm túc chúng tôi đang xem xét vấn đề ", quan chức nói. Đồng thời, bài phát biểu nhằm "nhìn lại, mô tả về bối cảnh cho người dân", không phải để thông báo chính sách hay chiến lược mới", quan chức nói thêm.
Obama kết lại bài phát biểu khi cho rằng tư tưởng một dân tộc Mỹ giúp nước này mạnh mẽ hơn, chuẩn bị tốt hơn nhằm chiến đấu chống các tổ chức khủng bố. "Đừng quên rằng tự do mạnh mẽ hơn sợ hãi, và rằng chúng ta luôn đối mặt với những thách thức bằng cách đoàn kết lại với nhau cùng tư tưởng chung một đất nước, một dân tộc, dù thách thức đó là chiến tranh hay khủng hoảng, thiên tai hay các cuộc tấn công khủng bố", ông nói. "Một khi chúng ta giữ nguyên truyền thống đó, tôi hoàn toàn tin nước Mỹ sẽ chiến thắng".
NATO không có kế hoạch đưa quân vào Syria
Tổng thư ký NATO ngày 7-12 cho biết họ không có kế hoạch triển khai bộ binh tới Syria, nơi liên minh gồm nhiều nước trong và ngoài khu vực đang tham gia cuộc chiến chống IS từ trên không.
"Việc đưa bộ binh vào Syria không có trong chương trình nghị sự của NATO và các đồng minh NATO", ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký NATO, nói với tờ báo Thụy Sĩ Tages-Anzeiger ngày 7-12.
Bình luận này được đưa ra không lâu sau khi Mỹ triển khai hàng chục lính đặc nhiệm tới Syria để "hỗ trợ lực lượng người Kurd trong cuộc chiến chống lại bọn khủng bố DaeshIS". Việc làm này không có sự ủy thác của chính phủ Syria, và Damascus nói đó là một sự vi phạm chủ quyền nước họ.
Không chỉ vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuần trước tuyên bố Lầu Năm Góc đang "chuẩn bị mở rộng" vai trò của lực lượng đặc nhiệm ở Syria.
Về việc này, ông Stoltenberg nói Mỹ đưa binh sĩ lực lượng đặc nhiệm vào Syria là để "tăng cường cho lực lượng địa phương". "Đây không phải là điều dễ dàng, nhưng là lựa chọn duy nhất", ông nói.
Tháng trước, cựu tư lệnh NATO James Stavridis kêu gọi tổ chức này cử 5.000 quân tới Syria để giải quyết bọn khủng bố IS.
Trung Quốc muốn tăng gấp 4 lần số đường băng ở Biển Đông
Giới phân tích quốc tế hôm 6-12 cho rằng Bắc Kinh đang có kế hoạch tăng gấp bốn lần số đường băng sân bay ở các đảo nhân tạo do nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, Mỹ Harry Harris trưng hình ảnh Trung Quốc xây dựng ở bãi đá Chữ Thập - Ảnh: AP
Theo AP, hình ảnh vệ tinh cho thấy không chỉ xây dựng đường băng dài khoảng 2,4km trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép), Trung Quốc còn đang xây dựng một đường băng dài khoảng 3km trên bãi đá Chữ Thập và một đường băng khác ở bãi Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Tương tự, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã triển khai nhân sự và phương tiện để xây dựng đường băng sân bay ở bãi Vành Khăn gần đó.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy nước này đang xây dựng thêm hai hoặc có thể là ba đường băng trên các đảo ở phía đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn “đánh lận con đen” về kế hoạch xây dựng đường băng ở Biển Đông. Gần đây, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã từ chối nói rõ Trung Quốc đã có kế hoạch xây dựng bao nhiêu đường băng hoặc mục đích xây dựng là gì.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ nói chung chung rằng “tất cả những cơ sở hạ tầng quân sự “đơn thuần chỉ để phục vụ việc phòng vệ”.
Hãng tin AP dẫn lời một số chuyên gia nhận định Bắc Kinh thực hiện kế hoạch trên nhằm đẩy mạnh hoạt động quân đội Trung Quốc trong các vùng tranh chấp, để giành lợi thế về sức mạnh. Động thái này đang làm dấy lên mối quan ngại và gây thêm căng thẳng trong khu vực.
Giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại việc Lowy của Úc Euan Graham nhận định những đường băng này “có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến việc cân bằng sức mạnh trong khu vực”. Chúng có tác dụng hỗ trợ tăng cường sự hiện diện của lực lượng tuần duyên Trung Quốc cũng như các lực lượng khác thuộc hải quân nước này ở Biển Đông.
Giới chuyên gia quốc tế cảnh báo Trung Quốc có thể đang thực hiện thêm việc quân sự hóa trong khu vực. Bằng chứng, Bắc Kinh đã triển khai một số máy bay chiến đấu J-11BH/BHS đến đảo Phú Lâm hồi tháng 10 vừa qua.
Hiệp hội Những nhà khoa học Mỹ cảnh báo những đường băng này sẽ cho phép máy bay của Trung Quốc tiếp nhiên liệu, sửa chữa nếu cần thiết và thay đổi vũ khí mà không cần quay về căn cứ ở đảo Hải Nam cách xa hơn 1.000km.
“Nếu chúng ta bắt đầu nhìn thấy bằng chứng vệ tinh về kho lưu trữ nhiên liệu được xây dựng trên các đảo nhân tạo thì đó là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc đang lên kế hoạch phát triển những hòn đảo này thành những căn cứ không quân thật sự” - chuyên gia Graham nói.
Đông Nam Á đau đầu với mối đe dọa IS
Không chỉ ở Mỹ và châu Âu, Đông Nam Á cũng đang đau đầu với mối đe dọa từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Phiến quân IS diễu hành ở Raqa, "thủ đô" IS ở Syria. Những kẻ ủng hộ IS đang có tham vọng lập một tỉnh của "nhà nước Hồi giáo" tại Đông Nam Á - Ảnh: Huffington Post
Theo Reuters, hôm 5-12 cảnh sát Malaysia cho biết đã bắt giữ năm người, trong đó có một người châu Âu đang làm giáo viên, bị nghi có liên quan đến các tổ chức khủng bố như IS và al-Qaeda.
Còn tờ New Straits Times của Malaysia dẫn lời tổng thanh tra cảnh sát Khalid Abu Bakar, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 5-12, cho biết cảnh sát đã tăng cường an ninh và rất cẩn trọng với các mối đe dọa từ IS.
Ông Khalid nhấn mạnh nước láng giềng Thái Lan đang được đặt trong tình trạng báo động và Malaysia không thể coi nhẹ điều đó, đồng thời cho biết Kuala Lumpur sẽ làm việc cùng Bangkok để cập nhật thông tin về mối đe dọa của IS trong khu vực.
Theo Reuters, hôm 4-12 cảnh sát và truyền thông Thái Lan đưa tin Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) đã cảnh báo nhà chức trách Thái Lan về việc có 10 đối tượng người Syria liên quan đến IS đã nhập cảnh vào Thái Lan để tấn công các công dân và lợi ích của Nga cũng như nhiều nước tham gia liên minh chống IS.
Nhà chức trách Thái Lan đã chỉ đạo thắt chặt an ninh tại Đại sứ quán Nga và đại sứ quán các nước tham gia liên minh chống IS ở thủ đô Bangkok.
Theo báo Straits Times, vào tháng 11-2015, một tài liệu của cảnh sát bị rò rỉ gây chấn động ở Malaysia khi cho biết IS và các nhóm cực đoan địa phương đã lập kế hoạch triển khai những kẻ đánh bom liều chết được đào tạo tại Syria, Iraq và Afghanistan đến Kuala Lumpur và Sabah để tắm máu thường dân.
Nhà chức trách Malaysia xác định ít nhất 30 nhóm phiến quân lớn nhỏ trong khu vực đã thề trung thành với IS và có ý đồ thống nhất dưới cờ IS. Trong số các nhóm này có tổ chức khủng bố khét tiếng Abu Sayyaf.
Chính quyền Indonesia và Malaysia cũng tiết lộ đã phát hiện và bắt giữ một số công dân nước ngoài từ Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đến Đông Nam Á để tổ chức tấn công. Ước tính 1.000 người đã rời Malaysia và Indonesia để đến Syria và Iraq gia nhập IS.
Trong năm ngoái, IS liên tục tăng cường nỗ lực tuyên truyền tại Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới. Văn phòng Nghiên cứu quân sự nước ngoài của quân đội Mỹ cũng vừa cảnh báo Indonesia là “điểm mù” trong chiến dịch tuyển quân của IS.
Có nghĩa là dòng cực đoan chảy từ Đông Nam Á vào Syria diễn ra âm thầm lặng lẽ và rất khó thống kê.
Ước tính đã có 76 người Indonesia trở về nước từ Syria. Khoảng 52 người Indonesia đã chết tại Syria, trên chiến trường, bao gồm bốn kẻ đánh bom liều chết.
Tỷ phú hối lộ Bạc Hi Lai chết trong tù
Ngày 7-12, báo chí Trung Quốc đưa tin tỷ phú Từ Minh, kẻ từ hối lộ cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hi Lai hàng triệu USD, đã chết trong tù.
Theo Tân Hoa xã, nhà chức trách Trung Quốc cho biết Từ Minh chết ở tuổi 44 vì “lên cơn đau tim bất ngờ”.
Ông Từ Minh, người sáng lập tập đoàn Shide Group và chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Đại Liên Shide bị buộc tội hối lộ ông Bạc Hi Lai gần 3,5 triệu USD.
Ông Từ Minh sáng lập Shide Group hồi đầu thập niên 1990, biến nó thành một tập đoàn lớn đầu tư vào hàng loạt lĩnh vực, từ địa ốc cho đến dầu khí và thể thao.
Quan hệ thân cận với gia đình Bạc Hi Lai giúp Từ Minh mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng tài sản cá nhân lên đến hơn 1 tỷ USD.
Đã có thời điểm Từ Minh là người giàu thứ tám tại Trung Quốc. Quan hệ giữa Từ Minh và Bạc Hi Lai trở thành tâm điểm dư luận khi ông Bạc bị khai trừ khỏi đảng năm 2012. Ông Bạc bị xử tù chung thân năm 2013 vì tội tham nhũng và lạm dụng chức quyền.
Trong phiên tòa xử ông Bạc năm 2013, các công tố viên Trung Quốc khẳng định cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh đã nhận 21,8 triệu NDT (3,41 triệu USD) tiền hối lộ từ ông Từ Minh.
Khi vợ ông Bạc là bà Cốc Khai Lai bị xử vì tội ám sát một doanh nhân Anh, bà ta khai ông Từ đã chi tiền mua một biệt thự ở Pháp cho nhà ông Bạc.
Tân Hoa xã cho biết theo bản án, ông Từ Minh sẽ được thả vào tháng 9-2016