EU gia hạn một năm trừng phạt Syria
Hội đồng châu Âu (EC) ngày 27/5 đã thông qua việc gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền Syria cho tới ngày 1/6/2017.
Hiện trường vụ nổ bom ở thành phố Jableh, Syria ngày 23/5. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, các nước châu Âu cũng cam kết tiếp tục tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột tại Syria. Các biện pháp trừng phạt tiếp tục có hiệu lực bao gồm đóng băng tài khoản và cấm nhập cảnh vào lãnh thổ Liên minh châu Âu (EU) đối với 200 quan chức Syria, trong đó có Tổng thống Bashar al-Assad và giới thân cận của ông, cùng 70 thực thể. EU vẫn duy trì lệnh cấm vận vũ khí, cấm nhập khẩu dầu thô từ Syria và hạn chế xuất khẩu hàng loạt mặt hàng sang quốc gia Trung Đông này.
Theo kết luận của EC ngày 23/5 về tình hình Syria, Iraq và mối đe dọa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, EU tiếp tục hỗ trợ nỗ lực của Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria nhằm chấm dứt chiến sự tại quốc gia này. EU sẽ tăng cường hành động chính trị hỗ trợ nối lại các cuộc đàm phán về Syria do Đặc phái viên của Liên hiệp quốc Staffan de Mistura điều phối, nhằm đạt được một thỏa thuận chuyển giao chính trị thực sự ở Syria phù hợp với tuyên bố mà Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria đưa ra hôm 17/5 vừa qua tại Vienna (Áo). EU cũng sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ nhân đạo cho người dân Syria tại các khu vực bị bao vây và khó tiếp cận.
EU áp đặt lệnh trừng phạt đối với chính quyền Syria kể từ khi cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này bùng phát năm 2011. Kể từ đó, EU mỗi năm đều gia hạn các biện pháp trừng phạt này.
Nội bộ OPEC bớt lục đục nhờ giá dầu phục hồi
Tuần tới có thể là lần đầu tiên các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đồng ý rằng chiến lược tăng bơm dầu để giành thị phần của Ả Rập Xê Út đã và đang có hiệu quả.
Cuộc họp vào ngày 2/6 ở Vienna sẽ là cơ hội đầu tiên để đánh giá quan điểm của ông Khalid Al-Falih, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út mới. Ảnh: Reuters.
Bằng cách “bóp ngạt” các nhà sản xuất dầu thô với chi phí cao, phương pháp tiếp cận của Ả Rập Xê Út hiện gần như xóa bỏ dư cung toàn cầu, giúp giá cả phục hồi 80% kể từ tháng 1. 26/27 nhà phân tích được hãng tin Bloomberg khảo sát cho rằng OPEC sẽ tiếp tục gắn bó với chiến lược này chứ không thiết lập mức trần sản lượng vào cuộc họp ở Vienna (Áo) ngày 2/6 sắp tới.
“Có thể đây chẳng phải là chiến thắng nếu so với lúc dầu thô còn ở mức 100 USD/thùng, song chiến lược của Ả Rập Xê Út đang có hiệu quả, bạn nhìn thấy sản xuất giảm đáng kể ở nhiều nơi và giá cả do đó lên cao hơn. Điều này khiến xác suất họ quay lưng lại với chiến lược xuống thấp hơn nữa”, chuyên gia nghiên cứu năng lượng Seth Kleinman của hãng Citigroup nói.
Giá dầu rẻ ảnh hưởng đến sản xuất từ Mỹ cho đến Nigeria. Các nhà phân tích thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đến ngân hàng Mỹ Goldman Sachs đều cho hay dư cung đang dần biến mất còn lượng cầu thì về lại cân bằng.
Thị trường dầu mỏ phục hồi, giá cả tăng 80% kể từ tháng đầu năm Bloomberg.
Sự thay đổi trên có thể dự báo một cuộc họp với ít tranh cãi hơn so với kỳ họp của OPEC hồi tháng 12/2015. Sau cuộc họp lần đó, Venezuela và Iran đã thẳng thắn chỉ trích chiến lược của Ả Rập Xê Út.
Năm nay, sản lượng dầu ngoài OPEC đang tiến tới mức giảm lớn nhất kể từ năm 1992 khi đợt bùng nổ dầu đá phiến Mỹ dần chấm dứt, IEA cho biết. Hạn ngạch dầu thô Mỹ giảm trong 11 tuần, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2014.
Bộ trưởng Dầu mỏ Anas Al-Saleh của Kuwait mới đây cũng cho hay chính sách của OPEC “đã và đang có hiệu quả”. Dầu thô Brent giao dịch với giá 48,98 USD/thùng ở London hôm 27/5, sau khi leo đến mức 50,51 USD/thùng hôm 26/5.
Dù Venezuela và Nigeria đã và đang tích cực thúc đẩy OPEC có động thái giúp giá cả tăng, nỗ lực của họ trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ là vô ích vì chiến lược có hiệu quả của Ả Rập Xê Út. Ngoài ra, cơ hội đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng lại càng bị lu mờ, sau khi Nga và các nước thuộc và không thuộc OPEC không thể đi đến thỏa thuận ở Doha (Qatar) hồi tháng trước.
Ukraine: Kiến nghị Tổng thống Poroshenko hợp pháp hóa mại dâm
Một kiến nghị về sự cần thiết phải hợp pháp hóa mại dâm đã được đăng trên web của Tổng thống Ukraine ngày 27/5.
Kiến nghị hợp pháp hóa mại dâm ở Ukraine đã được đăng trên trang web của Tổng thống Petro Poroshenko. Ảnh minh họa
Kiến nghị cho rằng, mại dâm dù ở Ukraine hay ở bất kỳ quốc gia nào là không thể tránh khỏi và, cũng sẽ “sống”. Việc “hợp pháp hóa mại dâm” sẽ chỉ là “điều tốt” và được “điểm cộng”, Sputnik trích dẫn một phần nội dung văn bản kiến nghị.
Trước đó, theo Sputnik, dự thảo luật “Về quy định quản lý mại dâm và hoạt động của các cơ sở dịch vụ tình dục” được đưa ra bàn thảo trong một phiên họp tại Quốc hội Ukraine (Verkhovnaya Rada) vào hồi tháng 9 năm ngoái,.
Dự thảo luật này lý giải, khi hợp pháp hóa mại dâm, những người làm công việc này được coi là “hợp pháp”, và họ buộc phải trải qua các quy trình kiểm tra y tế nghiêm ngặt, từ đó giúp người dân được an toàn hơn.
Tuy nhiên, dự thảo đã gây ra nhiều tranh cãi trong các tầng lớp xã hội khác nhau. Sau đó, tác giả bản dự thảo, Andrei Nemirovsky - thành viên của nhóm “Sức mạnh của người dân” tại Quốc hội Ukraine đã rút tài liệu về hợp pháp hóa mại dâm ở Ukraine ra khỏi Verkhovnaya Rada, Sputnik cho biết.
Điện Kremlin phản ứng trước quyết định G7 gia hạn trừng phạt
Điện Kremlin không cho rằng việc gia hạn trừng phạt chống Nga sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế toàn cầu và tình hình quốc tế.
Ông Dmitry Peskov. Sputnik/TTXVN
Phát biểu với báo giới ngày 27/5, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nói: "Lập trường của Điện Kremlin không thay đổi: Vẫn như trước, chúng tôi cho rằng đây không phải là vấn đề trong chương trình nghị của Nga và chúng tôi không nghĩ rằng quyết định đó có thể tác động tích cực đến nền kinh tế thế giới cũng như những vấn đề toàn cầu nói chung".
Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố các thành viên Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7) đã nhất trí trong tháng 6 tới sẽ gia hạn trừng phạt chống Nga.
Trong khi đó, theo Tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản, những hạn chế nhằm vào Nga vẫn có hiệu lực chừng nào Moskva chưa thực hiện đầy đủ các thỏa thuận Minsk và có thể tăng cường trừng phạt nếu cần thiết.
Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov coi tuyên bố trên của G7 là vô lý. Nhà ngoại giao này lưu ý rằng Moskva không phải là một bên trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Không quân Nga đã làm suy yếu cơ sở hậu cần của quân khủng bố ở Syria
Đòn tấn công của không quân Nga tại Syria đã làm thay đổi tình hình tận gốc và làm suy yếu các cơ sở hậu cần của những kẻ khủng bố, người đứng đầu bộ phận Điều phối phản ứng nhanh trực thuộc Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga, Trung tướng Sergey Rudskoy cho biết.
Ảnh minh họa Sputnik/Ramil Sitdikov
"Lực lượng Hàng không Vũ trụ Liên Bang Nga (VKS) đã làm cho các cơ sở hạ tầng của bọn khủng bố chịu thiệt hại đáng kể Đã hủy diệt hàng ngàn cứ điểm, chôn vùi các kho đạn dược, vũ khí, thiết bị quân sự, trang thiết bị, nhiên liệu, dầu nhờn và chất nổ. Ngoài ra, hơn 200 điểm khai thác dầu mỏ, hút dầu và xử lý nhiên liệu đã bị phá hủy, cũng như hơn 2.000 xe chở dầu buôn lậu các sản phẩm dầu mỏ sang Thổ Nhĩ Kỳ ", ông nói.
Đồng thời, theo lời tướng Rudskoy, tình hình xấu đi ở một số vùng của Syria, có thể là do tổ chức "Dzhebhat en-Nusra" cố tình phá hoại tiến trình hòa giải.
(
Tinkinhte
tổng hợp)